Vì sao Pháp để lọt phần tử cực đoan trong vụ tấn công Charlie Hebdo?
Một người được xác định có liên hệ với các nhóm Thánh chiến Hồi giáo chưa chắc bị đặt dưới sự giám sát 24/24 của an ninh Pháp, và nhiều khả năng các nghi phạm lợi dụng khe hở này để thực hiện vụ thảm sát Charlie Hebdo, AFP dẫn lời các chuyên gia.
Hai nghi phạm vụ tấn công tuần báo châm biếm Charlie Hebdo – Anh: Reuters
Các chuyên gia tình báo nhận định phát hiện phần tử quá khích là nhiệm vụ dễ dàng, nhưng liên tục theo dõi từng đường đi nước bước của họ là điều gần như không thể.
“Không phải cứ hễ bị phát hiện là bạn bị giám sát vĩnh viễn”, ông Eric Denece, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tình báo Pháp, cho hay.
Hôm 7.1, Cherif Kouachi, 32 tuổi, cùng anh trai Said, 34 tuổi, được cho là đã tiến hành vụ thảm sát tại tòa soạn tuần báo châm biếm Charlie Hebdo ở Paris, khiến 12 người chết.
Cherif từng ngồi tù vì tội đưa các tay súng sang Iraq và tên người này từng được nhắc đến trong vụ cướp ngục giải cứu bất thành phiến quân Hồi giáo Smain Ait Ali Belkacem hồi năm 2010, theo AFP. Smain Ait Ali Belkacem bị kết án chung thân về tội đánh bom tàu điện hồi năm 1995 ở Paris.
Sau vụ thảm sát Charlie Hebdo, nhiều người đặt câu hỏi thắc mắc vì sao tín đồ Hồi giáo có quá khứ không minh bạch và khét tiếng với giới tình báo Pháp như vậy lại có thể sắm được một khẩu AK, rồi thực hiện một vụ thảm sát đẫm máu tại nơi được cảnh sát bảo vệ nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, ông Denece biện hộ rằng nhà chức trách không thể theo dõi toàn bộ các nghi phạm suốt được.
“Tới một lúc nào đó thì việc giám sát phải dừng lại, đặc biệt là trong trường hợp các nghi phạm đã đủ khôn ngoan để hành động cẩn thận trong một thời gian. Đó là những lỗ hổng không tránh khỏi trong hệ thống”, chuyên gia an ninh này cho hay.
Hôm 8.1, Thủ tướng Pháp Manuel Valls phát biểu mặc dù “các cá nhân này hầu như đều bị giám sát, nhưng trên đời không có chuyện không xảy ra rủi ro” khi có đe dọa tấn công.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve thì xác nhận các nghi phạm vụ tấn công tờ Charlie Hebdo đều bị “giám sát”, nhưng “đã không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ có một cuộc tấn công được thực hiện”.
Nguồn tin từ cảnh sát Pháp của AFP cho biết Cherif gần đây không ra nước ngoài và 2 anh em nghi phạm này không bị đặt dưới chế độ theo dõi “đối với các đối tượng có thể ra tay hành động”.
Video đang HOT
Pháp giám sát các phần tử cực đoan như thế nào?
Một thành viên cảnh sát đặc nhiệm Pháp tham gia chiến dịch truy lùng nghi phạm vụ tấn công Charlie Hebdo ở vùng đông bắc Pháp – Anh: Reuters
AFP cho biết Pháp hiện có một số lượng khổng lồ các chiến binh Thánh chiến Hồi giáo tiềm năng, là những công dân Pháp tham chiến cùng tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq và Syria.
Lực lượng cảnh sát có nhiệm vụ lùng tìm những người đã rời quê nhà đi tham chiến và những phần tử đã bị cực đoan hóa quay về từ chiến trường hiện rất nhiều.
“Dĩ nhiên là chúng tôi không có các phương tiện để theo dõi vĩnh viễn những người này. Nên việc của chúng tôi là tạo ra các danh sách”, một quan chức giấu tên làm việc trong ngành chống khủng bố Pháp nói với AFP.
Những ai có vẻ là nguy hiểm bậc nhất, những người có khả năng ra tay cao nhất, sẽ bị giám sát vĩnh viễn. Đối với những đối tượng khác, ít có khả năng hơn, thì sẽ được xử lý tùy theo nguồn lực”, ông này nói.
“Danh sách này đang không ngừng biến động, một số thì tăng khả năng hành động, số khác thì giảm. Yêu cầu ở đây là phải có được những cái tên chính xác đúng thời điểm và điều này không dễ dàng gì”, quan chức giấu tên của Pháp cho biết.
Một chuyên gia chống khủng bố giấu tên của Pháp nhận định: “Để theo dõi 24/24 một nghi phạm dùng từ 3 đến 4 điện thoại di động khác nhau, thì cần phải có 30 cảnh sát. Vậy bạn sẽ phải làm gì? Giải pháp duy nhất là tạo ra một danh sách ưu tiên”.
Hoàng Uy
Theo Thanhnien
Vì sao tòa soạn Charlie Hebdo bị tấn công?
Vụ thảm sát tại soạn báo Charlie Hebdo, Pháp khiến 12 người thiệt mạng không phải là cuộc tấn công đầu tiên vào tờ báo này. Trước đó, tuần báo trào phúng Charlie Hebdo đã từng bị tấn công do nhiều phát ngôn và hành động gây tranh cãi.
Một người đang đọc tờ báo Charlie Hebdo - Ảnh chụp màn hình
Charlie Hendo là một tuần báo nổi tiếng ở Pháp chuyên về vẽ châm biếm với luận điệu bất kính và chống các tôn giáo như Hồi giáo, Do Thái giáo, Công giáo v.v
Theo NBC News, Charlie Hebdo đã trở nên quen thuộc trong dư luận Pháp với những vụ tranh cãi và bị đe dọa tấn công từ các tổ chức cực đoan. Nhưng tờ báo vẫn tiếp tục đường lối hoạt động của riêng mình, thậm chí có những phát ngôn "mạnh miệng" không lùi bước.
Biếm họa tôn giáo
Hiện trường xảy ra vụ tấn công vào tòa soạn Charlie Hebdo hôm 7.1 - Ảnh: AFP
Nguyên nhân của vụ xả súng tấn công vào tuần báo Charlie Hebdo vào tối 7.1 được cho xuất phát từ những bức vẽ biếm họa thủ lĩnh nhóm Hồi giáo IS, ông Abu Bakr al-Baghdadi.
Theo tờ Washington Post, sự bất kính, khiếm nhã trong việc châm biếm nhiều tôn giáo đã khiến Charlie Hebdo rơi vào tầm ngắm của các tổ chức cực đoan trong suốt 10 năm qua, đặc biệt là các nhóm Hồi giáo.
Theo đức tin của đạo Hồi, việc vẽ tranh, phác họa chân dung đấng đối cao là điều vô cùng cấm kị, huống chi là vẽ tranh biếm họa. Những tranh cãi bắt đầu được thổi bùng từ năm 2006, khi Charlie Hebdo cho đăng lại 12 bức ảnh biếm họa tiên tri Muhammad. Các bức ảnh đã được một tờ báo Đan Mạch đăng từ năm 2005 và gây nhiều tranh cãi trước đó.
NBC News cho biết, Charlie Hebdo một lần nữa đã châm ngòi cho cuộc xung đột với các nhóm Hồi giáo ở phương Tây. Kết quả của vụ đăng tải 12 bức ảnh là hai cộng đồng Hồi giáo ở Pháp đã khởi kiện tờ báo vào năm 2007.
Cảnh sát đưa thi thể nạn nhân vũ tấn công vào tòa soạn Charlie Hebdo ra ngoài - Ảnh: AFP
Tuy nhiên, vụ kiện bị tòa án bác bỏ vì cho rằng "việc đăng tải những bức ảnh này nằm trong quyền tự do ngôn luận và không hề tấn công đạo Hồi, đó chỉ là một trào lưu", theo BBC.
Vào năm 2011, tuần báo Charlie Hebdo đã bị ném bom xăng sau khi đăng hình biếm họa tiên tri Muhammad lên trang bìa với hình ảnh đấng tối cao có chiếc mũi hề và dòng chú thích "nhạy cảm".
Không dừng lại, vào năm 2012, Charlie Hebdo vẫn cho đăng tiếp nhiều bức ảnh châm biếm tiên tri Muhammad với nội dung gây sốc, được cho báng bổ đấng tối cao của đạo Hồi. Động thái như một đòn phản kháng cho vụ ném bom xăng, rằng tờ báo không hề bị đe dọa bởi cuộc tấn công của nhóm cực đoan, tờ Washington Post cho biết.
Các bức hình biếm hoạ này đã buộc Pháp phải tạm thời đóng cửa các đại sứ quán và trường học ở trên 20 nước theo Hồi giáo vì sợ bị trả thù.
Những phát ngôn "mạnh miệng" của Charlie Hebdo
Tổng biên tập của Charlie Hebdo, ông Stephane Charbonnier - Ảnh: AFP
Trong vụ ném bom năm 2011, tổng biên tập của Charlie Hebdo, ông Stephane Charbonnier, 1 trong 10 nhà báo bị thiệt mạng hôm 7.1, đã mạnh dạn tuyên bố trên AP: Muhammad không đe dọa được tôi. Tôi sống theo luật của Pháp với quyền tự do ngôn luận được tôi bày tỏ qua tranh vẽ. Tôi không sống theo luật của Hồi giáo.
Về việc chính phủ Pháp phải đóng cửa tạm thời đại sứ quán ở các nước Hồi giáo vì hành động của Charlie Hebdo năm 2012 đã khiến dư luận bức xúc, chỉ trích tờ báo.
Tuy nhiên, tuần báo vẫn kiên quyết đi theo đường lối ban đầu. Tờ Time dẫn lời nhà báo Laurent Léger thuộc Charlie Hebdo cho biết, "mục đích của chúng tôi là để gây cười"
"Chúng tôi muốn cười nhạo tất cả các tổ chức cực đoan. Họ có thể là Hồi giáo, Công giáo và Do thái giáo. Mọi người có thể trở thành con chiên ngoan đạo nhưng những hành động và suy nghĩ cực đoan từ đó là không thể chấp nhận được", ông Laurent Léger nói.
Đối với vụ việc 12 bức ảnh năm 2006, Charlie Hebdo đã công bố một bức thư gồm chứ kí của 12 nhà báo. Trong thư, họ dõng dạc tuyên bố: "Chúng tôi, những người trí thức, những nhà báo, kêu gọi chống lại chế độ tôn giáo cực đoan, thúc đẩy tiến trình tự do và bình đẳng", theo tờ Time.
Huỳnh Mai
theo Thanhnien
Vì sao Nga tích cực tìm kiếm máy bay AirAsia QZ8501? Nga là một trong những quốc gia tích cực nhất trong chiến dịch cứu hộ chuyến bay QZ8501 trong ngày gần đây, trái ngược hẳn thái độ "lạnh nhạt" trong vụ MH370. Lực lượng thuộc quân đội Indonesia vạch kế hoạch cứu hộ máy bay AirAsia QZ8501 - Ảnh: Reuters Trong nỗ lực quốc tế nhằm tìm kiếm và trục vớt máy bay...