Vì sao Petrolimex “thống trị” sân chơi có 13 doanh nghiệp?
“ Kinh doanh xăng, dầu của chúng ta hiện nay chưa có thị trường cạnh tranh, đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bất cập về xăng, dầu hiện nay”, đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên – Huế) đặt vấn đề với Bộ trưởng Công Thương.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng về xăng dầu, đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên – Huế) nói: “Kinh doanh xăng, dầu của chúng ta hiện nay chưa có thị trường cạnh tranh, đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bất cập về xăng, dầu hiện nay. Xin phép hỏi Bộ trưởng là làm thế nào và khi nào chúng ta có thị trường cạnh tranh kinh doanh xăng, dầu?”.
Đại biểu Đồng Hữu Mạo (ảnh: Việt Hưng).
Đáp lại đại biểu Đồng Hữu Mạo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Nghị định 84 của Chính phủ cho phép, tất cả các doanh nghiệp trong nước không phân biệt thành phần kinh tế, nếu có đủ về tài chính, kho bãi, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, có hệ thống phân phối thì đều có thể được xem xét và trở thành các đầu mối về xuất nhập khẩu và kinh doanh xăng, dầu.
Từ sau khi có Nghị định 84 (vào năm 2009), chúng ta đã có thêm 4 doanh nghiệp đều là doanh nghiệp ngoài quốc doanh gia nhập vào cơ cấu là các doanh nghiệp được làm đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu và bán lẻ xăng, dầu. Tính đến nay, thị trường xăng dầu đã có 13 doanh nghiệp (cả Nhà nước và tư nhân) hoạt động.
Như vậy, “có nghĩa rằng chúng ta đã tạo điều kiện cho thị trường cạnh tranh xăng, dầu rồi chứ không phải đến bây giờ”, Bộ trưởng nói.
Còn “việc làm như thế nào, bản thân các doanh nghiệp trong lĩnh vực này phải có những biện pháp để tham gia vào thị trường xăng, dầu phải có những biện pháp để từng bước đáp ứng điều kiện theo tinh thần Nghị định 84. Việc này nhà nước không thể làm thay được”, Bộ trưởng cho biết thêm.
Video đang HOT
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Công thương cũng thừa nhận đúng là có việc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam ( Petrolimex) và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) chiếm thị phần lớn. Trong đó, Petrolimex chiếm 48 – 50% thị phần, PV Oil chiếm 15 – 16%.
Sở dĩ có thị phần này, theo Bộ trưởng Hoàng, trước kia việc nhập khẩu xăng dầu cho các nhu cầu dân sự của nền kinh tế chủ yếu là do Petrolimex và PV Oil thực hiện. “Với việc như vậy thì thị phần của Petrolimex và PV Oil lớn là dễ hiểu”, Bộ trưởng Hoàng nói.
Và để từng bước khắc phục sự bất cập trong việc doanh nghiệp chiếm thị phần lớn chi phối, từ năm 2011, Chính phủ đã thực hiện cổ phần hóa công ty mẹ Petrolimex. Thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện việc sắp xếp, tái cơ cấu với tập đoàn này.
Trước đó, tại báo cáo về việc thực hiện lời hứa kỳ 2 và 3 do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày cho biết: “Hiện nay, trên thị trường đã có 13 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, trong đó có cả doanh nghiệp nhà nước và các thành phần kinh tế khác. Nhưng trên thực tế, thị phần của Tổng công ty xăng dầu Việt Nam vẫn chiếm tỷ lệ cao so với các doanh nghiệp đầu mối khác”.
Theo Dantri
Bộ trưởng Công Thương kêu gọi tiêu dùng có trách nhiệm
Cho rằng hầu hết hàng giả, kém chất lượng đều là nhập lậu, cơ quan chức năng chưa thể kiểm soát hết, vì vậy Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đề nghị người tiêu dùng có trách nhiệm hơn khi lựa chọn, mua sắm hàng hóa.
Bộ trưởng Công Thương là thành viên đầu tiên của Chính phủ đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội kỳ này. 13 vấn đề các đại biểu nêu ra từ trước đã được ông giải trình bằng văn bản. Trong phần chất vấn đầu giờ sáng 12/11, Bộ trưởng tiếp tục nhận được 4 ý kiến khác tại hội trường xoay quanh các vấn đề nóng của doanh nghiệp, người tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng báo cáo tồn kho một số ngành. Ảnh: Hoàng Hà.
Chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường là câu chuyện được đặc biệt quan tâm thời gian gần đây khi liên tiếp có những vụ hàng giả, hàng kém chất lượng được phanh phui. Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) xung quanh trách nhiệm của ngành công thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận dù có nhiều cố gắng, việc quản lý hiện vẫn còn nhiều bất cập.
Theo ông Hoàng, với các mặt hàng nhập khẩu được đưa qua đường chính ngạch, nơi có đầy đủ các lực lượng quản lý chất lượng, biên phòng, chất lượng được kiểm soát chặt chẽ hơn. Thống kê cho thấy hầu hết hàng kém chất lượng đều có nguồn gốc từ nhập lậu, được đưa qua biên giới qua đường mòn, lối nhỏ, cơ quan chức năng chưa kiểm soát hết được.
Về việc quản lý thị trường trong nước, đại diện ngành công thương nhận định quản lý thị trường phải đi đầu. Tuy nhiên ông cũng đề nghị người tiêu dùng có trách nhiệm hơn với các hàng hóa tiêu dùng: "Nếu người tiêu dùng kiên quyết nói không với hàng kém chất lượng thì các mặt hàng này chắc cũng khó tiêu thụ", ông Hoàng nhận định.
Câu trả lời này của ông Hoàng không mới và cũng không làm hài lòng người hỏi. "Không phải ai cũng hiểu rõ chất lượng, nguồn gốc của hàng hóa để có thể trở thành người tiêu dùng thông thái và có lựa chọn thông minh. Đề nghị cơ quan chức năng công bố đích danh các mặt hàng kém chất lượng, không nên tiêu dùng, cũng như các địa chỉ kinh doanh các mặt hàng này", đại biểu Hà lần thứ hai đứng lên trao đổi lại với người đứng đầu ngành công thương tại buổi chất vấn.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết ông sẽ tiếp thu đề xuất này, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng cũng có biện pháp tuyên truyền, công bố các sản phẩm chất lượng tốt, trong nước đã sản xuất được để người tiêu dùng có thông tin lựa chọn.
Trước đó, mở đầu phần chất vấn, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) nêu ra một loạt số liệu về tồn kho tại các ngành công nghiệp. Đại biểu yêu cầu người đứng đầu ngành công thương làm rõ trách nhiệm của việc dự báo, quy hoạch, ảnh hưởng đến tình trạng tồn kho này, bên cạnh lý do ảnh hưởng từ kinh tế thế giới.
Tuy vậy, trong phần trả lời của mình, Bộ trưởng Công Thương lại dành phần lớn thời gian để đưa ra các số liệu cho thấy thực trạng và hướng giải quyết tồn kho tại các ngành sản xuất. Cụ thể, ông cho biết so với thời điểm đầu tháng 6, tồn kho tính đến 1/10 tại khu vực công nghiệp chế biến - chế tạo đã giảm từ 26% xuống 20%, thấp hơn cả cùng kỳ năm 2011.
Bộ trưởng cho biết khối lượng tồn ở một số ngành như than (6,5 triệu tấn, tương đương 19%), thép (190.000 tấn) còn cao, đồng thời thừa nhận công tác quy hoạch, giám sát, quản lý nhập khẩu chưa tốt (với ngành thép). Tuy nhiên, ông cũng khẳng định các cơ quan quản lý đang tích cực triển khai các biện pháp để giảm tồn ở các mặt hàng này. "Đến cuối năm, tồn kho than sẽ về mức bình thường, khoảng 15%", Bộ trưởng cho biết.
Riêng đối với tồn kho phân bón, ông Vũ Huy Hoàng cho biết chủ yếu do tính thời vụ và tình trạng này sẽ được giải quyết khi nông nghiệp bước vào vụ Đông Xuân. Trong khi đó, với tồn kho vật liệu xây dựng, Bộ trưởng cho biết cần giải quyết đồng bộ hơn, cùng với việc thúc đẩy thị trường bất động sản, vốn đang được các cơ quan quản lý tích cực "phá băng".
Câu trả lời của Bộ trưởng Hoàng sau đó được Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Sinh Hùng, người điều hành chất vấn "phê" là chưa trúng, bởi theo ông, câu hỏi của đại biểu chủ yếu nhắm tới nguyên nhân quy hoạch, dự báo, chứ không phải thực trạng tồn kho hiện nay. Do vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng báo cáo rõ hơn sau giờ giải lao...
Trong phiên thảo luận kinh tế xã hội tại hội trường Quốc hội sáng 30/10, Bộ trưởng Hoàng cho biết tồn kho các ngành sản xuất kinh doanh có xu hướng giảm dần trong quý III. Tại thời điểm 1/6, chỉ số hàng tồn kho ở lĩnh vực công nghiệp chế biến và chế tạo là 34,9%, cao so với thông lệ. Đến mùng 1/10, Bộ trưởng cho biết, chỉ số này giảm xuống còn 20,3%, thấp hơn cùng thời điểm này năm ngoái (đến 1/10/2011, chỉ số tồn kho công nghiệp chế biến và chế tạo, lượng tồn kho là 21,1%).
Tuy nhiên, ông thừa nhận một số mặt hàng như than, xi măng, sắt thép và phân bón, tồn kho vẫn khá cao. Riêng với mặt hàng than, mức tồn kho hợp lý trong giai đoạn sản xuất ổn định là 15%, nhưng hiện tại đang lên tới 19%, cho dù 3 tháng qua ngành than đã cố gắng giúp được tồn kho ở khoảng hơn 1 triệu tấn.
Tồn kho thép đang ở mức cao kỷ lục, tăng 40% so với cùng kỳ. Theo Bộ trưởng, lý do là cung vượt quá cầu khi có một số dự án vượt quy hoạch và nhập khẩu nhiều. Mặt khác, hoạt động xây dựng của các hộ gia đình cũng như của nhà nước đều giảm mạnh so với trước. "Chúng tôi đã làm việc với Hiệp hội Thép, với Tổng công ty Thép Việt Nam để điều chỉnh lại mức sản xuất cho phù hợp", ông nói.
Theo VNE
Thủ tướng, Thống đốc trả lời chất vấn đầu tuần tới Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, UB Thường vụ đã thống nhất danh sách các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cùng 3 Bộ trưởng khác sẽ đăng đàn kỳ họp này. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (trái) trao đổi với Phó Chủ tịch nước...