Vì sao ông Nguyễn Đức Tồn 2 lần bị bác hồ sơ đề nghị phong Giáo sư?
Tại sao ông Nguyễn Đức Tồn từng nộp hồ sơ đề nghị phong chức danh Giáo sư nhưng đã bị bác?
Sau khi Dân Việt phản ánh về vụ việc vụ việc Giáo sư Nguyễn Đức Tồn – nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học bị tố đạo văn của nhiều người, đã có nhiều chuyên gia lên tiếng đồng tình.
Gần đây nhất, GS.TS Nguyễn Văn Lợi – nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, nguyên Thư ký Hội đồng chức danh ngành Ngôn ngữ học nhiệm kỳ 2000 – 2007 đã gửi ý kiến đến Dân Việt giải thích vì sao ông Nguyễn Đức Tồn từng bị bác hồ sơ xét công nhận chức danh Giáo sư.
Dưới đây là bài viết của GS.TS Nguyễn Văn Lợi gửi đến Dân Việt:
3 lần “vượt ải” bị tố đạo văn để được phong Giáo sư
Từ năm 1995 – 2005 tôi tham gia lãnh đạo Viện trong tư cách Phó Viện trưởng, phụ trách khoa học.Từ năm 1996 đến năm 2007, tôi nhiều lần tham gia Hội đồng xét phong chức danh (Học hàm) Giáo sư cấp Cơ sở và cấp Chuyên ngành. Ở HĐ cấp Cơ sở (Viện Ngôn ngữ học), năm 1996, tôi là Ủy viên Hội đồng, năm 2002 là Chủ tịch Hội đồng. Ở HĐ Chuyên ngành Ngôn ngữ học, từ năm 1996 – 2000 tôi là Ủy viên Hội đồng; nhiệm kỳ 2000 – 2007, tôi là Thư kí HĐ.
Ông Nguyễn Đức Tồn là cán bộ Viện Ngôn ngữ học, những lần ông Tồn nộp hồ sơ xin xét phong Phó Giáo sư và Giáo sư ở HĐ cơ sở Viện Ngôn ngữ học và HĐ chuyên ngành Ngôn ngữ học, tôi, trong tư cách khác nhau ở các HĐ, đã xem xét các hồ sơ của ông Tồn.
Năm 1996, Ông Nguyễn Đức Tồn xin được xét phong học hàm Phó giáo sư ở Hội đồng Cơ sở Viện Ngôn ngữ học và Hội đồng Chuyên ngành. Hội đồng các cấp không phát hiện trong hồ sơ của ứng viên Nguyễn Đức Tồn các trường hợp nghi đạo văn (trong hồ sơ chưa có các sách “Những vấn đề dạy và học trong nhà trường, Phương pháp dạy và học tiếng Việt ở bậc trung học cơ sở” và sách “Tìm hiểu đặc trưng văn hóa – dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (Trong sự so sánh với những dân tộc khác”). Do vậy, ứng viên được HĐ các cấp bỏ phiếu tán thành đủ tiêu chuẩn phong Phó giáo sư.
Nội dung sách của Giáo sư Nguyễn Đức Tồn có nhiều trang giống như luận án của nghiên cứu sinh do chính ông hướng dẫn trước đó 6 năm
Năm 2002, ông Nguyễn Đức Tồn nộp hồ sơ xin phong Giáo sư ở Hội đồng cấp cơ sở Viện Ngôn ngữ học. HĐ đã phát hiện những điều bất minh, khuất tất trong hồ sơ của ứng viên này.Theo quy định của Hội đồng cấp Nhà nước, sách chuyên khảo – một tiêu chuẩn “cứng” minh chứng về thành tích nghiên cứu khoa học cho ứng viên, phải được xuất bản trước khi nộp hồ sơ.
Tuy nhiên, trong hồ sơ của ông Nguyễn Đức Tồn, sách “Tìm hiểu đặc trưng văn hóa – dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (Trong sự so sánh với những dân tộc khác)” như một tiêu chuẩn cứng để xét phong Giáo sư, trên thực tế, chưa được xuất bản.
Trụ sở Viện ngôn ngữ học trên phố Kim Mã Thượng
Video đang HOT
Kết luận này của Hội đồng căn cứ vào công văn của Cục Xuất bản. Đồng thời, Hội đồng cũng phát hiện trong các sách mà ứng viên đưa ra làm bằng chứng thành tích đào tạo và nghiên cứu khoa học có nhiều chỗ nghi được sao chép của người khác.
Trong sách “Những vấn đề dạy và học trong nhà trường, Phương pháp dạy và học tiếng Việt ở bậc trung học cơ sở”, (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tháng 5.2001) có nhiều đoạn sao chép từ bài báo: “Dạy từ láy cho học sinh trung học cơ sở” của Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà đã đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ số 2 năm 2001.
Trong sách trên của ứng viên Nguyễn Đức Tồn, cũng có hàng chục trang chép gần như nguyên vẹn từ luận văn tốt nghiệp đại học chuyên ngành Ngôn ngữ học, đã bảo vệ cách đó 7 năm: “Đặc điểm định danh và ngữ nghĩa trường từ vựng tên gọi thực vật trong tiếng Việt” của Cao Thị Thu, sinh viên K36 (1991-1995) Khoa Ngôn ngữ học, trường đại học KHXH&NV Hà Nội.Còn trong sách “Tìm hiểu đặc trưng văn hóa – dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (Trong sự so sánh với những dân tộc khác)” (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2002), có nhiều trang chép nguyên xi từ luận án Phó tiến sĩ: “Đặc điểm trường từ vựng ngữ nghĩa tên gọi động vật” của Nguyễn Thúy Khanh, bảo vệ cách đó 6 năm (năm 1996) tại cơ sở đào tạo Viện Ngôn ngữ học.
Do đó, Hội đồng cơ sở đã bỏ phiếu bác bỏ hồ sơ xin phong Giáo sư của ứng viên Nguyễn Đức Tồn.
Năm 2006, ông Nguyễn Đức Tồn lần thứ 2 nộp hồ sơ xin phong Giáo sư. Ông Tồn nộp hồ sơ xin xét phong ở Hội đồng cơ sở Khoa Ngôn ngữ học, trường đại học KHXH&NV Hà Nội. Một số cán bộ Viện Ngôn ngữ học đã có đơn gửi Hội đồng Cơ sở tố cáo việc ông Tồn đạo văn trong các sách của ứng viên Nguyễn Đức Tồn.
Ở Hội đồng Cơ sở (Khoa Ngôn ngữ học trường ĐH KHXH&NV Hà Nội), ứng viên này đủ số phiếu tán thành và hồ sơ được chuyển lên Hội đồng chuyên ngành Ngôn ngữ học.Tại Hội đồng chuyên ngành Ngôn ngữ học, các thành viên đã thảo luận kĩ về những chỗ nghi ngờ đạo văn trong hồ sơ ứng viên này.
Sau đó, Hội đồng đã bỏ phiếu, kết quả ứng viên Nguyễn Đức Tồn không đủ số phiếu đồng ý phong chức danh Giáo sư. Cuối năm 2006, công luận đã có những bài viết phơi bày và lên án việc đạo văn của ông Nguyễn Đức Tồn.
Sau đó, năm 2007 Hội đồng chức danh Giáo sư chuyên ngành Ngôn ngữ học mới được thành lập, tôi và một số thành viên khác không tham gia. Năm 2008, ông Nguyễn Đức Tồn lần thứ ba nộp hồ sơ xin xét phong chức danh Giao sư. Lần này, ứng viên Nguyễn Đức Tồn được thông qua ở các vòng xét phong ở cả 3 Hội đồng cấp cơ sở, cấp chuyên ngành và cấp Nhà nước.
Ai sai người đó chịu trách nhiệm
Việc sao chép các bài báo, luận văn, luận án của người khác trong những sách được xem như các minh chứng cho thành tích đào tạo (sách coi là giáo trình giảng dạy trên đại học – tiêu chuẩn cứng để được phong GS) và nghiên cứu khoa học (Sách coi là chuyên khảo khoa học – tiêu chuẩn cứng để được phong GS) của ông Tồn là rõ ràng và nghiêm trọng.
Vấn đề này đã được thảo luận, phê phán trong hàng chục cuộc họp của Viện, của Chi Bộ Viện Ngôn ngữ học giai đoạn 2002 – 2006. Hội đồng xét phong Giáo sư cơ sở Viện Ngôn ngữ học đã cử người thẩm định, so sánh đối chiếu các sách của ông Tồn với các bài báo và luận văn luận án mà đương sự sao chép.
Sau đó, ông Tồn được phong GS năm 2008, qua 3 Hội đồng cấp cơ sở, chuyên ngành, nhà nước. Tôi không tham gia các Hội đồng này, do vậy, tôi không trả lời được câu hỏi vì sao ứng viên đạo văn (Hội đồng các năm trước đã phát hiện, công luận đã phơi bày và lên án), nhưng vẫn được xét phong Giáo sư. Thiết nghĩ, cá nhân, tổ chức nào làm sai, phải chịu trách nhiệm.
Đạo đức người làm khoa học ở đâu?
Tôi có nhiều năm làm việc ở Viện Ngôn ngữ cùng với ông Tồn và chị Nguyễn Thúy Khanh. Tôi đã nhiều lần đọc luận án của chị Khanh do ông Tồn hướng dẫn. Luận án đề cập đến vấn đề “Đặc điểm trường từ vựng ngữ nghĩa tên gọi động vật” dựa trên tư liệu tiếng Việt.
Có thể, trong quá trình hướng dẫn NCS Khanh, ông Tồn đã dịch cho nghiên cứu sinh phần cơ sở lí thuyết, còn phần tư liệu và nội dung miêu tả “Đặc điểm trường từ vựng ngữ nghĩa tên gọi động vật” trong tiếng Việt, là công sức nghiên cứu của chị Khanh (Khi làm luận án, chị Khanh làm việc hơn 30 năm ở Phòng từ điển tiếng Việt; là một trong các tác giả của Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên).
Cần phải khẳng định rằng, luận án của nghiên cứu sinh Khanh không phải hoàn toàn được sao chép từ luận án Phó tiến sĩ bảo vệ ở Nga của ông Tồn.
Trong khi đó, sách của ông Tồn sao chép nguyên xi từ dấu chấm, dấu phẩy trong luận án của chị Nguyễn Thúy Khanh. Trong luận án của chị Khanh, ít nhất các tư liệu và nội dung miêu tả “Đặc điểm trường từ vựng ngữ nghĩa tên gọi động vật” trong tiếng Việt thuộc bản quyền của tác giả luận án; ông Tồn sao chép luận án của Chị Khanh tức là đã vi phạm bản quyền của tác giả, là đạo văn, vi phạm đạo đức của người làm khoa học.
Hơn nữa, một trong các tiêu chuẩn cứng để được phong Phó Giáo sư là ứng viên phải hướng dẫn thành công NCS Phó Tiến sĩ. Trường hợp nghiên cứu sinh Nguyễn Thúy Khanh bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ là thành tích đào tạo, để ông Tồn được phong Phó Giáo sư (năm 1996).
Khi nghiên cứu sinh Nguyễn Thúy Khanh bảo vệ luận án, tại sao trong bản nhận xét của người hướng dẫn trước HĐ chấm LA, ông Tồn vẫn cam kết, khẳng định tinh thần thái độ học tập nghiêm túc, chủ động của nghiên cứu sinh. Sau này ông Tồn nói nghiên cứu sinh chép của mình.
Nếu đúng vậy, tức là ông Tồn đã lừa dối Hội đồng các cấp và Bộ Giáo dục (cơ quan cấp bằng Phó Tiến sĩ cho nghiên cứu sinh). Và như vậy phải xem xét lại việc phong chức danh Phó Giáo sư của ông Tồn do vi phạm đạo đức nhà giáo, lừa dối Hội đồng chấm luận án và Bộ Giáo dục.
“Sau khi bị Hội đồng cơ sở Viện Ngôn ngữ học (do tôi là Chủ tịch và các cán bộ chủ chốt của Viện là Ủy viên) phát hiện những điều gian dối, đạo văn trong hồ sơ và bỏ phiếu không đồng ý phong GS cho ứng viên Nguyễn Đức Tồn, đương sự mới bắt đầu kiện cáo lãnh đạo Viện, Chi ủy. Từ 2002-2008, ông Tồn thường xuyên khiếu kiện, gây nên tình trạng bất ổn ở Viện. Cao trào khiếu kiện của ông Tồn xảy ra sau năm 2006, lần thứ 2 ông Tồn không được phong Giáo sư” – GS Nguyễn Văn Lợi.
Theo Danviet
Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đã hết nhiệm vụ lịch sử?
Mỗi năm, hàng trăm giáo sư, phó giáo sư làm hồ sơ để được công nhận và hàng chục hội đồng xét duyệt chức danh gây tốn kém cho xã hội, trong khi hiệu quả không cao.
Những ngày qua, vấn đề công nhận chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận. Không ít tranh cãi nảy ra xung quanh chất lượng của các GS, PGS và sự ngộ nhận về những chức danh này ở Việt Nam.
Zing.vn giới thiệu bài viết của TS Đàm Quang Minh về vấn đề này. Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả.
Giáo sư - theo nhu cầu hay năng lực?
Đầu tiên cần phải hiểu GS, PGS nên là gì? Theo thông lệ quốc tế, đây là chức danh dành cho những người làm khoa học trong các viện nghiên cứu hoặc các trường đại học nghiên cứu. Giáo sư hay Professor (dịch nôm là chuyên gia) là những người chịu trách nhiệm chính về hướng phát triển của một ngành tại đơn vị nghiên cứu hoặc đào tạo.
Nhưng hiện nay, GS, PGS của Việt Nam ngày càng mang tính vinh danh nhiều hơn. Vậy nên, nhiều người sắp về hưu cũng phấn đấu trở thành GS, PGS trước khi nghỉ. Khi được xét duyệt, Nhà nước tổ chức trao chứng nhận rất trọng thể theo hình thức vinh danh. Trong khi đó, GS, PGS nên để phục vụ công việc.
TS Đàm Quang Minh từng được xem là hiệu trưởng trường đại học trẻ nhất Việt Nam khi 35 tuổi. Ảnh: ĐH FPT.
Việc xét tuyển GS hiện tại theo năng lực. Nghĩa là, ai đủ các tiêu chí sẽ được công nhận đủ tiêu chuẩn, sau đó được các trường đại học bổ nhiệm. Hầu như chưa thấy ai đủ tiêu chuẩn mà không được bổ nhiệm.
Trong khi đó, nếu xét GS như là nhu cầu của xã hội sẽ khác. Nhu cầu của xã hội cần bao nhiêu GS thì sẽ có bấy nhiêu vị trí để đăng ký. Những người đủ năng lực sẽ nộp đơn để được chấp thuận vị trí như vậy.
Hiện nay, quy định để được công nhận đủ tiêu chuẩn GS hết sức rườm rà, vừa khó vừa dễ. So sánh đúng chuẩn quốc tế là quá khó vì yêu cầu GS phải có viết sách, có đề tài cấp quốc gia. Ngay ở các quốc gia có nền khoa học tiên tiến, họ cũng không yêu cầu GS phải có những tiêu chuẩn như vậy.
Nhưng liệu có phải vì vậy khiến chất lượng GS của Việt Nam cao hơn chất lượng GS quốc tế? Chắc là không! Nhiều ứng viên để đủ tiêu chuẩn đã cho ra đời những cuốn sách chẳng ai đọc, gây lãng phí trong xã hội.
Đánh giá năng lực giáo sư chỉ cần 2 tiêu chí quan trọng nhất là đào tạo và nghiên cứu. Về đào tạo, GS cần hướng dẫn được thành công các thạc sĩ, tiến sĩ. Về nghiên cứu, GS cần có hồ sơ khoa học tốt, được thể hiện bằng những công bố khoa học trong các danh mục được đánh giá cao trên thế giới.
Xét duyệt giáo sư gây lãng phí lớn
Việc hàng năm tổ chức xét duyệt hồ sơ và vinh danh các GS là vô cùng lãng phí và không cần thiết. Riêng việc hồ sơ của các ứng viên đã là những tài liệu khổng lồ. Hội đồng xét duyệt các cấp toàn là những nhà khoa học uy tín, phải bỏ rất nhiều thời gian để đọc, phản biện, ra quyết định. Tất cả đều mất chi phí và thời gian vô cùng lớn. Trong khi đó, kết quả mang lại có thực sự xứng đáng với chi phí?
Để dễ so sánh, một vị trí có vai trò không kém quan trọng trong một trường đại học là hiệu trưởng. Tiêu chí và quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng của một trường đại học hiện nay đơn giản và nhẹ nhàng hơn nhiều so với quy trình để bổ nhiệm một GS.
Hiệu trưởng có ảnh hưởng việc phát triển nghiên cứu khoa học và đào tạo hơn là GS trong đơn vị. Nhưng hiện nay, việc bổ nhiệm hiệu trưởng lại không rắc rối, nhiều tranh cãi và khiếu nại như bổ nhiệm GS.
Vì vậy, nên trả vị trí GS, PGS trở về vị trí đúng của nó trong các đơn vị nghiên cứu và đào tạo. Nhà nước chỉ cần yêu cầu tiêu chí cứng về năng lực chuyên môn, còn việc tín nhiệm và đánh giá về uy tín hãy để Hội đồng khoa học của các đơn vị tự thực hiện và đề xuất bổ nhiệm theo nhu cầu thực tế của các đơn vị sử dụng.
Một nghịch lý hiện nay là có nhiều nơi, GS, PGS rất ít việc chuyên môn, đào tạo, trong khi đó nhiều đơn vị nghiên cứu, đào tạo hiệu quả nhưng lại rất ít GS, PGS. Có lẽ, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử và nên trả GS về cho các trường đại học, đơn vị nghiên cứu.
Vấn đề của việc bổ nhiệm GS, PGS không nằm ở quy trình vì nói chung các hội đồng làm việc nghiêm túc và công tâm. Nó nằm ở hệ thống này đã lạc hậu và không còn đáp ứng được nhu cầu thực tiễn phát triển của khoa học và giáo dục đại học.
Do đó, nên bổ nhiệm GS, PGS theo nhu cầu thực tế của các đơn vị đào tạo và nghiên cứu thay vì công nhận mang tính dựa theo năng lực hiện nay. Thứ nữa là cần bỏ cơ chế Hội đồng học hàm các cấp mà chuyển về cho các Hội đồng Khoa học và đào tạo của các trường đại học hoặc Viện nghiên cứu. Hãy trả các GS, PGS về các nơi thực sự cần và tránh hình thức, phù phiếm trong học thuật.
Theo Đàm Quang Minh (Zing)
Xét danh hiệu giáo sư, phó giáo sư: Sẽ bỏ phiếu công khai Theo dự thảo bản mới nhất về Quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư, việc bỏ phiếu tín nhiệm sẽ được tiến hành công khai thay vì bỏ phiếu...