Vì sao Ông già Noel chui qua ống khói tặng quà?
Các “phiên bản” Ông già Noel ở nhiều nước có điểm chung là tặng quà trẻ em qua ống khói lò sưởi. Vì sao phải phức tạp như vậy?
Truyền thống Ông già Noel chui ống khói vào nhà tặng quà cho các em bé phổ biến ở nhiều nước châu Âu. Theo truyền thống ở Bắc Âu khi chưa có Thiên chúa giáo, thần Odin thường vào nhà qua ống khói và bếp lửa vào ngày hạ chí. Trong truyện dân gian Befana của người Ý, phù thủy tặng quà bị bụi than phủ khắp người vì chui qua ống khói vào nhà tặng quà cho trẻ em.
Ông già Noel tặng quà qua ống khói (Ảnh: Getty Images)
Trong câu chuyện về Thánh Nicholas, vị thánh này ném đồng tiền qua cửa sổ, và phiên bản sau đó là chui qua ống khói khi ông thấy cửa sổ bị khóa. Trong bức tranh Ngày lễ thánh Nicholas của họa sĩ người Hà Lan Jan Steen, nhiều người lớn và trẻ nhỏ ngước lên nhìn ống khói với khuôn mặt chờ đợi háo hức, trong khi những đứa trẻ khác chơi đồ chơi vui vẻ.
Lò sưởi được coi là nguồn gốc của phước lành, và người ta tin rằng những người hầu cận của Ông già Noel và những vị thánh thần mang quà qua chiếc cổng này. Đường vào của Ông già Noel qua ống khói trở thành truyền thống ở Mỹ một phần nhờ bài thơ “A Visit from St. Nicholas” (Một chuyến thăm của Thánh Nicolas).
Để đáp lại ông, ở Mỹ và Canada, trẻ em thường để dành cho Ông già Noel một cốc sữa và một đĩa bánh. Ở Anh và Úc, Ông già Noel đôi khi được tặng rượu hoặc bia và bánh nướng thịt bằm. Ở Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển, trẻ em có truyền thống để phần Ông già Noel cháo và đường quế.
Tại Hungary, Thánh Nicolaus (Mikulás) đến vào đêm 5/12 và trẻ em nhận được quà vào sáng hôm sau. Những đứa trẻ ngoan được tặng túi kẹo, còn những trẻ hư nhận được cây roi màu vàng. Vào đêm Giáng sinh, “Chúa Jesus nhỏ” đến và tặng quà cho tất cả mọi người.
Trẻ em ở New Zealand, Anh, Úc, Ireland, Canada và Mỹ còn để dành một củ cà rốt cho tuần lộc của Ông già Noel. Bọn trẻ cũng được dạy rằng nếu không ngoan suốt cả năm, chúng sẽ nhận được một cục than đựng trong tất, nhưng truyền thống này nay bị coi là đã cũ.
Video đang HOT
Ông già Noel hiện đại thường gắn với việc lắng nghe mong ước của trẻ nhỏ. (Getty Images)
Một câu hỏi khác khiến nhiều người thắc mắc là Ông già Noel lấy quà ở đâu? Theo truyền thuyết, nhà của ông có một xưởng làm việc nơi ông và những người giúp việc tạo ra những món quà tặng cho trẻ em ngoan vào dịp Giáng sinh. Một số câu chuyện và truyền thuyết nói rằng nhà của ông là cả một ngôi làng với rất nhiều người hầu cận giúp việc ở quanh nơi ở và xưởng đồ chơi của ông.
Trong truyền thống Bắc Mỹ (Mỹ và Canada), Ông già Noel sống ở Bắc cực, và Canada cho rằng nhà của Ông già Noel nằm trong khu vực thuộc thẩm quyền của Canada với mã bưu chính là H0H – liên quan đến tiếng cười “ho ho ho” của ông, cho dù mã bưu chính bắt đầu bằng H đúng là của đảo Montrel ở Québec, Canada. Ngày 23/12/2008, Bộ trưởng Quốc tịch, Di trú và Đa văn hóa Canada, ông Jason Kenney, chính thức trao quốc tịch Canada cho Ông già Noel.
Bức họa Lễ Thánh Nicholas của Jan Steen
“Chính phủ Canada chúc Ông già Noel thực hiện tốt nhất nhiệm vụ trong đêm Giáng sinh của mình và muốn ông biết rằng, với tư cách công dân Canada, ông tự động có quyền về Canada sau khi hoàn thành chuyến đi vòng quanh thế giới”, báo Toronto Sun dẫn lời ông Kenney nói trong một tuyên bố chính thức.
Một thành phố khác mang tên Cực Bắc ở Alaska có điểm du lịch hấp dẫn mang tên “Nhà của Ông già Noel”. Dịch vụ bưu chính Mỹ dùng mã bưu chính 99705 là mã bưu chính dành cho Ông già Noel. Nước nào ở Bắc Âu cũng cho rằng nhà của Ông già Noel nằm trong lãnh thổ nước họ. Na Uy cho rằng Ông già Noel sống ở Drbak.
Người Đan Mạch cho rằng ông sống ở Greenland. Thị trấn Mora ở Thụy Điển có công viên chủ đề mang tên Tomteland. Bưu điện quốc gia tại Tomteboda ở Stockholm nhận thư của các em bé gửi cho Ông già Noel. Phần Lan và Belarus cũng có nơi gọi là nhà của Ông già Noel và các công viên chủ đề liên quan.
_____________
Đón đọc kỳ tiếp theo vào chiều 20.12: Những điều ước rơi nước mắt gửi Ông già Noel
Theo Danviet
Những nhân vật Giáng sinh rùng rợn và kỳ quặc nhất thế giới
Không chỉ có ông già Noel và tuần lộc, Giáng sinh ở khắp nơi trên thế giới còn có nhiều hiện nhiều biểu tượng kinh dị, rùng rợn thậm chí là kỳ quặc, khó lý giải.
Quỷ Krampus ở Áo. Người Áo cho rằng, vào đêm Giáng sinh, ông già Noel sẽ đi phát quà cho những đứa trẻ ngoan, còn những đứa trẻ hư sẽ thuộc "phần việc" của ác quỷ Krampus. Krampus là một con quỷ với vẻ ngoài đáng sợ, nửa người nửa con dê, với thân hình cao lớn,có móng chẻ như dê, sừng dài, và cái lưỡi dài đỏ lè ra ngoài.
Con quỷ này sẽ dùng roi để trừng phạt những đứa trẻ không nghe lời bố mẹ, thậm chí bắt chúng bỏ vào bao tải. Tại Áo còn có một lễ hội có tên là Krampusnacht dành riêng cho nhân vật này. Tại lễ hội những người đàn ông đóng giả Krampus bằng cách đeo một chiếc mặt nạ gỗ hết sức rùng rợn, đội sừng dê và đi dọa trẻ con. Quỷ Krampus đã trở thành một nét văn hóa Giáng sinh đặc sắc của miền Trung châu Âu, nhất là vùng núi Alpine.
Ác quỷ lòng đất Kallikantzaroi ở Hy Lạp. Ở Hy Lạp, người ta tin rằng có các ác quỷ Kallikantzaroi sinh sống dưới lòng đất và sẽ xuất hiện trước 12 ngày của lễ Giáng sinh để phá bĩnh gia chủ. Những đứa trẻ nào sinh ra trong thời gian này sẽ bị cho là có thể trở thành Kallikantzaroi.
Người Hy Lạp cũng tin rằng dưới lòng đất tồn tại một cây ác quỷ mà Kallikantzaroi chuyên dùng để kéo con người xuống thế giới của chúng, bởi vậy, trước đêm Giáng sinh, các gia đình sẽ treo hàm răng lợn trong ống khói để ngăn ko cho ác quỷ vào nhà.
13 quỷ lùn ở Iceland. Trong văn hóa của Iceland xuất hiện một con yêu tinh độc ác chuyên làm hại trẻ em tên là Gryla. Con yêu tình này có 13 người con được gọi là Yule Lad hay còn được gọi là các quỷ lùn tinh nghịch. Theo truyền thuyết, 13 ngày trước Giáng sinh những Yule Lad này sẽ xuất hiện và quấy rối các gia đình. Nhiều nơi còn cho rằng, những ông già Yule Lad còn chuyên bắt cóc và ăn thịt trẻ con trong dịp lễ.
Mèo Yule ở Iceland. Một quái vật khác cũng khiến trẻ em Iceland "khóc thét" trong đêm Giáng sinh là mèo khổng lồ Yule. Con mèo này được miêu tả là vô cùng khát máu và độc ác, chuyên lang thang khắp nơi để ăn thịt những người không được nhận quần áo mới trong lễ Giáng sinh.
Hộp sọ ngựa ở xứ Wales. Một phong tục khá rùng rợn của người dân xứ Wales có tên gọi Mari Lwyd trong dịp lễ Giáng sinh là diễu hành khắp phố cùng một chiếc hộp sọ ngựa cá và hát vang các bài hát truyền thống. Người dân ở đây cho rằng, tục lệ này sẽ giúp xua đuổi ma quỷ khi Năm Mới sắp cận kề.
Ác quỷ mặt đen Zwarte Piet ở Hà Lan. Tại Hà Lan cũng có một bộ đôi song hành trong đêm Giáng sinh để đi gặp trẻ nhỏ. Nếu như Thánh Nicholas, (người Hà Lan gọ là Sinerklass) là người sẽ trèo qua ống khói vào nhà phát quà cho những em bé ngoan thì Zwarte Piet, một nhân vật có một mặt đen xì, đôi mắt được hóa trang sặc sỡ và mở to hết cỡ là nỗi ám ảnh với những đứa trẻ hư ở Hà Lan. Piet sẽ dùng một chiếc chổi để đánh đòn những đứa bé nghịch ngợm và không vâng lời bố mẹ.
"Người đại tiện" ở xứ Catolonia. Xứ Catalonia ở phía Bắc Tây Ban Nha có một biểu tượng Giáng sinh khá kỳ cục . Vào dịp lễ này, ở các gốc cây tại Catalonia đều được đặt các bức tượng Caganer, có ý nghĩa là "người đại tiện". Người dân ở đây tin rằng, "người đại tiện" là một điềm lành , mang lại mùa vụ bội thu và nhiều may mắn trong dịp Năm Mới.
"Khúc gỗ phân". Đi liền với "người đại tiện", một biểu tượng Giáng sinh khác ở xứ Catalonia mà khiến nhiều người ngạc nhiên không kém đó là "khúc gỗ phân"(Tió de Nadal). "Khúc gỗ phân" này được trang trí với gương mặt tươi cười và một chiếc mũ đỏ. Vào đêm Giáng sinh khúc gỗ này sẽ được trước lò và bị đánh bằng gậy gỗ.
Theo_Dân việt
Những câu chuyện độc lạ ít người biết về Giáng sinh Càng gần đến Giáng sinh mọi người càng háo hức chờ đợi nhưng rất ít người biết về những câu chuyện độc lạ về Giáng sinh này Càng gần đến Giáng sinh mọi người càng háo hức chờ đợi nhưng rất ít người biết về những câu chuyện độc lạ về Giáng sinh này Mở đầu những câu chuyện độc lạ ít người...