Vì sao “Ông Anh Trời Đánh” có doanh thu cao hơn “Bad Genius” ở Thái Lan nhưng vẫn thất bại tại Việt Nam?
Khán giả Việt Nam không yêu thích “Ông Anh Trời Đánh” nhưng ở Thái Lan, doanh thu của bộ phim đã vượt qua “ Bad Genius”.
Ông Anh Trời Đánh (tên tiếng Anh: Brother of the Year) là phim điện ảnh được xem là có doanh thu là cao nhất ở Thái Lan tính tới thời điểm này và phim vẫn đang được công chiếu. Phim được sản xuất bởi GDH, nơi đã làm ra Bad Genius ( Thiên Tài Bất Hảo) gây sốt năm vừa rồi. Thế nên, khi Ông Anh Trời Đánh ra mắt, tất nhiên người ta sẽ so sánh với Bad Genius. Nhưng sự so sánh này đang tạo ra hai hiệu ứng trái ngược ở Thái Lan và Việt Nam.
Ở Việt Nam, có thể thấy rõ là hiệu ứng truyền miệng của Ông Anh Trời Đánh không mạnh, từ đó dẫn đến những ý kiến cho rằng tác phẩm này không xứng đáng để so với Bad Genius. Thế nhưng ở Thái Lan, doanh thu của Ông Anh Trời Đánh lại tăng trưởng cực kì mạnh mẽ. Đến thời điểm này, bộ phim đã thu được 4.6 triệu đô la Mỹ sau 28 ngày công chiếu (và vẫn còn đang chiếu) trong khi doanh thu chung cuộc của Bad Genius chỉ là 3.56 triệu đô.
Vậy, nguyên cớ gì mà sự đón nhận của khán giả ở hai thị trường lại khác nhau như vậy?
Khán giả Việt Nam thích những đề tài giật gân
Dù rằng điện ảnh Việt Nam vẫn chỉ đang thành công doanh thu ở những bộ phim thể loại nhẹ nhàng, có xu hướng khai thác tình cảm gia đình. Còn những phim đề tài hơi gai góc như Ống Kính Sát Nhân hay hơi “công thức Mỹ” như Lôi Báo dù chất lượng tốt thì vẫn bị quay lưng. Thế nhưng, cách khán giả nước ta đón nhận những bộ phim nước ngoài gần như ngược lại.
Ngoại trừ những phim đã có franchise (thương hiệu) quá lớn như phim siêu anh hùng của Marvel/DC, Jurassic Park/Jurassic World, The Mummy, KONG… thì những bộ phim ngoại trở thành hiện tượng ở Việt Nam phải là những phim có đề tài lạ, giật gân, kịch tính.
Một cảnh trong Bad Genius
Bad Genius chính là ví dụ rất rõ ràng. Từ khi phim công bố trailer và chủ đề, giới trẻ đã phát sốt vì nghĩ rằng đây là một phim học đường khai thác chuyện quay cop trong thi cử – một việc rất gần gũi với tất cả mọi người. Nhưng khi xem rồi, khán giả lại tiếp tục há hốc mồm rồi ngả mũ bái phục khi phim chuyển rất khéo léo từ thể loại học đường sang phim heist (phim tổ chức tội phạm). Thế là từ người này truyền miệng sang người kia, cộng với chất lượng bộ phim quá tốt, Bad Genius tung hoành các rạp chiếu Việt Nam và nhận cơn mưa lời khen.
Sang đến Ông Anh Trời Đánh, vì được quảng cáo là người kế thừa của Bad Genius ở Thái Lan (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng vì bộ phim này đã vượt qua thành công của Bad Genius ở Thái) nên tất nhiên khán giả Việt Nam đã có một nhận định sẵn về bộ phim, rằng phim cũng có thể sẽ bất ngờ và giật gân như Bad Genius (?). Kết quả, Ông Anh Trời Đánh cũng là một cú lừa ngoạn mục giống Bad Genius khi chuyển từ thể loại này sang thể loại khác đấy nhưng sự lừa lần này lại mang đến tác dụng xấu.
Từ nội dung được quảng bá khá là hài hước và đậm chất Thái, nhiều khán giả cảm thấy chưng hửng khi nội dung thực chất lại khá sâu sắc nhiều chiêm nghiệm, nói về tình anh em nhiều hơn là chuyện cặp đôi bị phá rối bởi ông anh trời đánh. Chất lượng của phim không hề tệ nhưng rõ ràng câu chuyện cảm động của hai anh em không phải là nội dung mà khán giả mong chờ.
Nhận định này có thể sẽ mang tính chủ quan vì không có số liệu hay khảo sát cụ thể nhưng theo quan sát và kết quả doanh thu của mặt bằng chung phim nước ngoài ở Việt Nam thì những phim có nội dung không giật gân thường sẽ không có “đất sống” ở rạp. Thứ nhất, vì văn hoá xem phim của chúng ta vẫn chưa có. Rất nhiều người vẫn cho rằng ra rạp xem phim phải xem bom tấn hoặc những phim giật gân, kịch tính và hấp dẫn từ đầu chí cuối. Còn phim nhẹ nhàng như tình cảm gia đình, tình yêu thì… ở nhà chờ HD để xem lậu còn hơn. Đó cũng là lý do mà rất nhiều phim nước ngoài (đặc biệt là phim châu Á) có nội dung nhẹ nhàng thường bị thất thu.
Chưa kể Ông Anh Trời Đánh đã công chiếu ở Thái Lan từ tháng 5, nếu ai đó “quyết tâm” tìm bản lậu trên internet chắc vẫn sẽ có kết quả. Doanh thu cũng như phản ứng của khán giả Việt dành cho Ông Anh Trời Đánh nói chung cũng không mấy bất ngờ. Nhìn lại một loạt những phim điện ảnh Thái từng chiếu ở Việt Nam mới thấy số phim gây “chấn động” phòng vé cực kì ít, chắc chỉ có mỗi Tình Người Duyên Ma (Pee Mak) và Thiên Tài Bất Hảo (Bad Genius).
Người Thái rất cuồng… Nhật Bản!
Nghe có vẻ không liên quan đến phim ảnh lắm nhưng đây cũng là lý do rất quan trọng cho thành công rực rỡ của Ông Anh Trời Đánh tại nội địa. Nếu chịu khó tìm hiểu về thị trường xứ chùa vàng cũng như theo dõi số liệu doanh thu, bạn sẽ biết được người Thái thích ra rạp xem phim nước ngoài hơn phim nội địa. Một phần cũng do số phim chất lượng của Thái không nhiều như cách chúng ta vẫn hay ca ngợi và cho rằng điện ảnh Thái vượt xa Việt Nam. Có thể đúng ở phần nào đấy khi mà có không ít những bộ phim cực kì chất, cũng như tư duy và cách họ đi đến cùng thể loại đã hơn hẳn Việt Nam. Nhưng, những phim Thái chất lượng trời ơi đất hỡi, thảm hoạ cũng nhiều vô kể.
Bóng chày, môn thể thao được ưa chuộng ở Nhật là yếu tố trong phim
Sang Thái là biết ngay dân Thái chuộng xem phim gì khi mà lúc nào ở các trạm tàu hay những biển quảng cáo ngoài đường đều là những phim nước ngoài, rất hiếm khi xuất hiện những phim Thái trừ phi là những phim được yêu thích như Ông Anh Trời Đánh. Đặc biệt, người Thái còn cực kì thích Nhật Bản. Không chỉ phim Nhật, người Thái còn mê truyện Nhật, văn hóa Nhật, ngôn ngữ Nhật. Thái Lan cũng là quốc gia ở Đông Nam Á được miễn visa Nhật.
Đó chính là lý do khiến cho khán giả Thái yêu thích Ông Anh Trời Đánh vì bộ phim này có quá nhiều yếu tố xương sống liên quan đến Nhật: hai anh em mê văn hoá Nhật, mê truyện tranh Nhật, anh bạn trai đến từ Nhật Bản, cô nữ chính biết nói tiếng Nhật, một trong những thứ hàn gắn được quan hệ hai anh em cũng là bộ manga có tên Sayonara Home Run và cậu bé con trai của cô em được đặt tên Ryo – tên của nhân vật chính trong bộ truyện này.
Có thể bạn chưa biết: Sayonara Home Run là một bộ truyện… không có thật! Đây chỉ là tác phẩm do bộ phim tạo ra để phục vụ cho nội dung. Trên trang web của GDH còn bán cả những quyển sổ tay được in dưới dạng quyển truyện
Thế nên đối với khán giả Việt Nam, Ông Anh Trời Đánh giống như một tác phẩm… sính Nhật một cách không cần thiết. Nhưng đối với khán giả Thái, đó là lý do khiến họ hài lòng. Lại nói về chuyện doanh thu một chút, xét về độ khó trong thể loại thì tất nhiên Bad Genius thuộc hàng cao tay trong mặt bằng chung của phim Thái nhưng doanh thu của nó vẫn thua Ông Anh Trời Đánh chính là vì nó không có chất Nhật trong đó.
Nói thẳng ra thì Ông Anh Trời Đánh không có những thứ mà khán giả Việt Nam cần. Ngược lại nó có nhiều thứ mà khán giả nội địa muốn. Khi mà những mảng miếng hài hước đã quá quen thuộc với điện ảnh xứ này thì một tác phẩm có nội dung sâu lắng, mang màu sắc phảng phất của những phim gia đình Nhật Bản cùng với quá nhiều chi tiết phục vụ cho tinh thần sính Nhật ở Thái Lan thì tất nhiên nó sẽ thành công.
Chúng ta có thể không thích Ông Anh Trời Đánh nhưng rõ ràng đây không phải một phim tệ, chỉ là không phải một phim như chúng ta nghĩ và mường tượng. Người Thái họ làm phim tất nhiên là để phục vụ khán giả của họ trước tiên, và với phim này họ đã quá thành công.
Theo Trí Thức Trẻ
"Ông Anh Trời Đánh" có xứng đáng là siêu phẩm kế thừa "Thiên Tài Bất Hảo"?
"Ông Anh Trời Đánh" sở hữu dàn diễn viên đẹp đều và diễn tròn vai, nhưng câu chuyện gia đình có đủ ấn tượng vượt mặt "Thiên Tài Bất Hảo" (Bad Genius)?
Vì được giới thiệu là siêu phẩm kế thừa một tác phẩm kịch tính đột phá như Bad Genius (Thiên Tài Bất Hảo), nên Brother of the Year (Ông Anh "Trời Đánh") có thể khiến bạn bất ngờ. Không giống như kỳ vọng, nó là một câu chuyện gia đình khá bình thường, không quá choáng ngợp như "người anh em" cùng công ty đã khuynh đảo phòng vé Việt hồi năm ngoái.
Đây là phim về tình anh em, hay tình yêu với truyện tranh Nhật Bản?
Phim có thể tóm tắt ngắn gọn như sau: Xưa kia, có một người phụ nữ Thái Lan yêu một người đàn ông Pháp; sinh ra hai đứa con, một trai một gái. Trai tên Chut (Sunny Suwanmethanont thủ vai), thuở nhỏ vô dụng toàn tập, đi học toàn ăn điểm F; lớn lên thì bớt vô dụng đi một tí vì cũng có công ăn việc làm ổn định tại một công ty quảng cáo. Gái tên Jane (Yaya Urassaya thủ vai), hoàn hảo từ trong ra ngoài từ ngoài từ ngoài vào trong, đi học toàn được điểm A; lớn lên đi du học Nhật Bản 4 năm rồi về làm ở một công ty Nhật Bản có chi nhánh tại Thái Lan.
Tại đây, cô gặp một anh đẹp trai lai Thái - Nhật tên Moji (Nichkhun thủ vai). Moji và Jane vừa gặp nhau là yêu nhau luôn. Nhưng duyên thắm tình nồng chưa được bao lâu, hai tháng sau, do một biến cố mà Chut vô tình gây ra, Moji bị điều về Nhật. Anh ngỏ lời muốn cưới Jane và đưa cô về Nhật sinh sống. Anh cầu hôn lần một, Jane không đồng ý vì mọi việc diễn ra quá nhanh. Ít lâu sau, anh cầu hôn lần hai, ngọt ngào hơn và "soái ca" hơn, nên cô ưng liền. Vấn đề là, Jane ưng nhưng anh trai cô không ưng. Chut khuyên em gái là đừng đi, nhưng cô cứ đi và thế là tình anh em tan vỡ.
Sở dĩ phải tóm tắt từ đời bà mẹ, vì vấn đề "con lai" là một vấn đề vô cùng quan trọng trong phim. Ba nhân vật chính của chúng ta đều là con lai, và chuyện này cũng được nhắc đi nhắc lại suốt cả phim như sợ khán giả... quên mất.
Nếu không liên quan đến chuyện giao lưu văn hóa, thì chắc hẳn phải có ít nhất một người trong đoàn làm phim là fan của truyện tranh Nhật Bản. Bởi thứ nhen nhóm sự chia rẽ giữa hai anh em là quyển truyện tranh, rồi chính quyển truyện tranh đó lại là vật hàn gắn mối quan hệ của họ.
Các chi tiết gợi nhớ đến văn hóa truyện tranh cũng được "nhồi nhét" khắp phim và đôi chỗ nó gượng ép đến mức kịch bản phim phải thêm vào một số nhân vật hay tình tiết rất "giời ơi đất hỡi" để nó tự nhiên hơn. Ví dụ như nhân vật cô bạn của Jane ở cửa hàng hoa, được thêm vào có lẽ chỉ để có bối cảnh cửa hàng hoa và để cô Jane được mặc tạp dề trông hộ cửa hàng giúp bạn như thiếu nữ truyện tranh. Bối cảnh sân bóng chày nơi Moji quen Jane (rồi sau này cầu hôn Jane) cũng như để thỏa mãn giấc mơ ngày bé của hầu hết "hiệp hội otaku". Chuyện cô Jane đi mổ mắt lasik cũng thế, tạo cảm giác vô cùng chắp vá, như thể cô đi mổ mắt chỉ để úp hai cái đồ bảo vệ lên mắt và để anh Moji chọc là "Em trông giống Kamen Rider quá đi!".
Những chi tiết "hoa lá" này có thể được bỏ qua nếu tuyến truyện chính của Ông Anh Trời Đánh được phát triển tốt. Tuy nhiên, đoàn làm phim không làm được như vậy. Các tình huống mang tính bước ngoặt đều hời hợt (ví dụ chuyện Chut lỡ lời khiến Moji bị điều về Nhật, chuyện Chut lén uống bia trong giờ làm nên bị đuổi), còn các nhân vật thì dường như "dậm chân tại chỗ" suốt cả phim. Sự làm hòa của hai nhân vật ở kết phim không làm người xem thấy thỏa mãn, vì nó chẳng khác gì cảnh họ làm hòa trước lễ cưới của Jane. Bởi gốc rễ vấn đề là ở Jane chứ không phải ở Chut. Gốc rễ này không được giải quyết, vì cho đến phút cuối, Jane vẫn ra vẻ cao cả và ban ơn, còn Chut vẫn không thôi dằn vặt và mặc cảm.
Mông lung như một trò đùa, nhưng lại là trò đùa không vui
Ông Anh Trời Đánh được giới thiệu là một phim biết cân bằng giữa yếu tố hài hước và cảm động. Quả thật là như vậy, vì hai yếu tố này đều thấp như nhau.
Xem phim, khán giả có thấy một chút hài hước, một chút cảm động; nhưng phủ trùm lên tất cả là cảm giác mông lung. Đơn cử như tình hình tài chính của gia đình Jane - Chut. Ban đầu phim tạo ra cảm giác họ rất giàu có và sang trọng, nên khi đến một chi tiết "nghèo khó" là Jane bắt gặp cái áo cũ có thêu tên mình đè lên tên Chut (vì ngày bé cô thường phải mặc lại đồ của anh) thì người xem vô cùng hụt hẫng. Chắc giàu sang thì khó mà làm cho xúc động nên biên kịch phải tạo ra một chi tiết "lạc quẻ" thế chăng? Xem thêm một lúc thì cũng gặp được một câu nói gián tiếp giải thích là mẹ của Jane và Chut là một người keo kiệt, nhưng điều khó hiểu là bà mẹ keo kiệt chuyện quần áo nhưng lại thuê hẳn một ngôi nhà lớn và đầy đủ tiện nghi trên Bangkok cho hai anh em sinh sống? Ngôi nhà này về sau Jane mua lại được chỉ sau vài tháng về nước. Là do giá cả nhà đất ở Bangkok quá rẻ, hay Jane kiếm được quá nhiều tiền?
Chuyện tình giữa Jane và Moji cũng vô cùng mông lung. Vì phim tên là "Ông Anh Trời Đánh" chứ không phải "Tình Yêu Sét Đánh" nên cũng có thể bỏ qua chuyện mối quan hệ của hai người này được phát triển quá nhanh. Nhưng phát triển đến đoạn Moji cầu hôn Jane lần hai (ở chỗ mổ mắt lasik) thì khó mà "nuốt trôi". Nhớ lại lần cầu hôn thứ nhất, Moji rủ Jane về Nhật cùng anh nên Jane không đồng ý. Lần thứ hai này thì anh rút kinh nghiệm, bảo là Jane không cần về Nhật cùng anh nữa, anh sẽ ở lại Thái với cô. Cô đồng ý liền. Như vậy, ta đã đinh ninh là hai người sẽ cưới nhau và ở lại Thái, nhưng "đùng một cái", khi họ trình bày với Chut, kế hoạch của họ lại là về Nhật. Chut bất ngờ một thì khán giả bất ngờ mười. Không hiểu hai người đã thống nhất lại với nhau lúc nào và tại sao lại như thế? Ngoài việc cố gắng để tạo tình huống xung đột thì có lẽ chẳng có lý do nào có thể biện minh cho sự vô lý này.
Ông Anh Trời Đánh có đùa, nhưng lại đùa không hề vui. Phim sử dụng nhiều âm thanh để "mồi" cảm xúc khán giả, ví dụ những tiếng "tùng tùng xèng" như các chương trình hài trên TV, hay những bài hát lâm li bi đát được bật lên khi nhân vật đang lâm vào tình trạng đáng cười. Witthaya Thongyooyong đã tận dụng rất tốt yếu tố âm nhạc để tấu hài trong hai phim trước đây ông đồng đạo diễn là My Girl (2003) và The Little Comedian (2010); nhưng lần kế thừa này của ông là một sự thất bại. Duy nhất một chi tiết lặp lại được cái hài duyên dáng này là cảnh Chut tranh giành quyển truyện với em, và bài hát "The Best Big Brother" (Người anh tuyệt nhất) được bật lên. Còn lại, cũng như những yếu tố khác của bộ phim, âm nhạc tỏ ra vô cùng gượng gạo trong nỗ lực chọc cười khán giả.
Trailer "Ông Anh Trời Đánh"
Nói chung, Ông Anh Trời Đánh là một sản phẩm giải trí gia đình nhẹ nhàng. Nếu bạn không quá khó tính, hoặc là fan của điện ảnh Thái Lan, hoặc là fan truyện tranh Nhật Bản, hoặc là đứa con một luôn khát khao có thêm một ông anh, bà chị hay đứa em nào đó, thì đây là một bộ phim đáng để trải nghiệm. Chỉ là đừng quá hi vọng rằng nó là một "siêu phẩm", hay thậm chí là "siêu phẩm kế thừa Thiên Tài Bất Hảo" bởi như thế là khoác lên chiếc áo chùng quá khổ cho bộ ba Chut - Jane - Moji.
Theo Trí Thức Trẻ
"Ông Anh Trời Đánh" và cú lừa mặn chát của điện ảnh Thái Lan Nếu bạn nghĩ mình sẽ được xem một bộ phim hài hước bất tận từ bộ ba Sunny, Nickhun và Yaya trong "Ông Anh Trời Đánh" thì bạn đã lầm. Vì bộ phim sẽ khiến bạn phải chảy nước mắt và rung động rất nhiều. Nếu như năm ngoái Bad Genius (Thiên Tài Bất Hảo) đã "khuynh đảo" phòng vé Việt Nam, đưa...