Vì sao Obama cần quốc hội gật đầu để đánh Syria?
Quyết định chờ sự phê chuẩn của quốc hội cho hành động quân sự nhằm vào Syria cho thấy Tổng thống Mỹ Barack Obama là người thực tế, cũng như sẵn sàng chấp nhận rủi ro một cách có tính toán.
Obama sẵn sàng chấp nhận rủi ro một cách có tính toán. Ảnh: AFP
Obama trở thành ông chủ Nhà Trắng để chấm dứt chứ không phải là châm ngòi cho các cuộc chiến. Điều này là rất rõ ràng, bởi khi có bài phát biểu quan trọng tại Đại học Quốc phòng ở Washington hôm 23/5, ông đã kêu gọi chấm dứt “cuộc chiến dai dẳng chống khủng bố” và “tình trạng thời chiến kéo dài” vốn đã tồn tại ở nước Mỹ kể từ sau vụ 11/9/2001.
Với quyết định xin phép sự phê chuẩn của quốc hội cho một hành động quân sự nhằm vào Syria, Obama muốn rời Nhà Trắng vào năm 2016 như là một tổng thống khiến việc những người kế nhiệm đơn phương phát động chiến tranh mà không có cái gật đầu của các nghị sĩ trở nên khó khăn hơn.
Suy nghĩ thực tế
Cũng với việc chờ sự chấp thuận của quốc hội, tổng thống Mỹ không chỉ được nhìn nhận là một người hiểu luật vì từng giảng dạy luật hiến pháp ở đại học Chicago, mà còn là một người thực tế.
Trong vài ngày trước, chính quyền Obama có thể luôn biện minh rằng việc tấn công chế độ Bashar al-Assad là vì những lý do nhân đạo, để ngăn chặn các cuộc thảm sát tiếp theo bằng vũ khí hóa học nhằm vào người dân Syria, bất chấp thực tế rằng không có sự cho phép ở tầm quốc tế nào đối với việc tấn công quốc gia Trung Đông và không có nghị quyết nào của quốc hội Mỹ cho phép hành động này.
Nhưng thái độ cương quyết kể trên không thể che đậy được một thực tế, đó là dư luận Mỹ dường như bị chia rẽ về việc Mỹ có nên tấn công Syria hay không.
Các hành động quân sự đơn phương của Mỹ tất nhiên là không có gì phải bàn cãi nếu nó diễn ra sau khi một thế lực hoặc một nhóm ngoại quốc tấn công vào các mục tiêu Mỹ.
Tổng thống Bill Clinton đã không cần chờ sự chấp thuận của quốc hội để ra lệnh bắn các tên lửa hành trình vào những trại huấn luyện của al-Qaeda tại Afghanistan hồi năm 1998, sau khi tổ chức khủng bố này tấn công vào hai đại sứ quán Mỹ ở châu Phi.
Tổng thống George H. W. Bush cũng không cần các nghị sĩ phê chuẩn việc tấn công Panama vào năm 1989, vì một lính thủy đánh bộ Mỹ trước đó đã bị giết và hàng chục nghìn người Mỹ khác đang sinh sống ở quốc gia Trung Mỹ bị đe dọa.
Video đang HOT
Tuy nhiên, Syria vẫn chưa tấn công bất cứ mục tiêu hay công dân Mỹ nào, vì vậy việc lấy cớ rằng tấn công chế độ Assad nhằm bảo vệ các sinh mạng và lợi ích của Mỹ trở thành chủ đề để bàn cãi. Điều này khiến chính quyền Obama phải tính đến việc có sự phê chuẩn từ các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay Liên đoàn Arab.
Thế nhưng, Liên Hợp Quốc không phải là nơi Mỹ dễ có được sự đồng thuận, vì Nga và Trung Quốc vốn luôn nêu rõ rằng họ sẽ phủ quyết bất cứ nghị quyết nào về việc tấn công Syria.
Việc NATO sẽ phê chuẩn một cuộc tấn công vì lý do nhân đạo, như tổ chức này đã từng làm tại Kosovo vào năm 1999, ít có khả năng xảy ra. Thậm chí, nếu có một sự phê chuẩn như vậy, một thành viên chủ chốt của NATO là Anh cũng không thể tham gia vì quốc hội nước này đã bỏ phiếu chống lại hành động quân sự nhằm vào Syria.
Liên đoàn Arab, từng thông qua chiến dịch lật đổ lãnh đạo Moammar Gadhafi ở Libya hồi năm 2011, chưa cho thấy dấu hiệu của sự sẵn sàng chấp thuận một cuộc chiến nhằm vào Syria.
Chấp nhận rủi ro có tính toán
Quyết định chờ cái gật đầu của quốc hội còn cho thấy Obama là người sẵn sàng chấp nhận rủi ro một cách có tính toán.
Trong những vấn đề quan trọng mà cái giá phải trả là không nhỏ, Obama đã chứng minh rằng ông sẵn sàng đón nhận những rủi ro. Hai năm trước, tổng thống Mỹ phê chuẩn việc đội biệt kích SEAL của hải quân Mỹ thực hiện cuộc tìm diệt Osama bin Laden ở Pakistan. Obama làm điều này mà không cần lời khuyên của Phó tổng thống Joe Biden hay bộ trưởng quốc phòng khi đó, Robert Gates. Nếu chiến dịch đó thất bại giống như nhiều quan chức an ninh quốc gia cấp cao của Obama nhận định, có lẽ giờ ông đang dành thời gian ở nhà riêng tại Chicago hoặc sống ở quê nhà Hawaii.
Với Obama, sự phê chuẩn của quốc hội trong việc sử dụng vũ lực tại Syria sẽ mở đường cho ông một khi cần phải có những hành động quân sự trên bộ ở quốc gia Trung Đông. Nó cũng sẽ giúp ích cho Obama nếu ông cảm thấy phải có một cuộc đối đầu quân sự với Iran. Tất nhiên, nếu không có được sự phê chuẩn của các nghị sĩ, ông chủ Nhà Trắng sẽ phải chịu chung sự bẽ mặt như Thủ tướng Anh David Cameron từng chịu sau khi quốc hội Anh lắc đầu trước đề xuất tấn công Syria.
Tuy nhiên, Obama, một người của đảng Dân chủ, rõ ràng đã thử hình dung về việc cuộc bỏ phiếu ở quốc hội Mỹ có thể diễn ra như thế nào.
Ông có thể đã tính toán rằng các nghị sĩ Cộng hòa ở quốc hội sẽ phải giải thích với dư luận Mỹ lý do họ không đồng ý hành động quân sự nhằm vào Syria, dù vũ khí hóa học được sử dụng trên diện rộng ở nước này, trong khi vẫn luôn mô tả Iran (đồng minh gần gũi nhất của Syria) và chương trình hạt nhân của Tehran là một hiểm họa nghiêm trọng với thế giới.
Trong những ngày tới, chính quyền Obama sẽ khẳng định rằng nếu bỏ qua cho việc vũ khí hóa học được sử dụng liên tiếp và trên diện rộng ở Syria, nước Mỹ nên quên đi bất cứ cơ hội nào để làm chậm hoặc chấm dứt chương trình hạt nhân của Iran, điều mà đảng Cộng hòa vẫn luôn dành nhiều sự quan tâm.
Với những người thuộc đảng Dân chủ vốn luôn hoài nghi về các hành động quân sự Mỹ, Obama có thể chỉ đơn giản đặt câu hỏi: “Không phải là bây giờ thì lúc nào?”. Những người tự nhận là tôn thờ tự do có lý nào lại không can thiệp để chấm dứt việc sử dụng những vũ khí, vốn tồi tệ đến mức chúng đã bị cấm bởi thế giới văn minh trong gần một thế kỷ?
Theo VNE
Thái Bình Dương tương lai trong tay Mỹ?
Về quân sự - an ninh, mặc dù Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về tiềm lực quân sự, nhưng những đầu tư mạnh mẽ cho quốc phòng của Trung Quốc đang thu hẹp dần khoảng cách tiềm lực sức mạnh với Mỹ.
Trong 4 năm nhiệm kỳ thứ nhất, chính quyền Obama đã tiến hành chuyển trọng tâm chính sách đối ngoại mạnh mẽ sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Những biểu hiện của chính sách này là khá rõ ràng, khi Mỹ đã tăng cường sự hiện diện tại khu vực, tích cực tham gia các thể chế đa phương. Chính vì vậy, xu hướng của chính sách này trong tương lai và những tác động của nó tới cấu trúc khu vực là điều được các nước châu Á vô cùng quan tâm.
Trong khoảng thời gian nhiệm kỳ II của chính quyền Obama, chiều hướng chính sách "tái cân bằng" của Mỹ sẽ bị chi phối bởi vai trò của giới hoạch định chính sách trong quá trình xác định khu vực ưu tiên và vấn đề tương quan lực lượng giữa Mỹ - Trung Quốc.
Tương lai trong tay ai
Về xác định khu vực ưu tiên, việc Quốc hội Mỹ ngày càng kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu ngân sách, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng cho thấy nguồn lực không cho phép Mỹ căng sức và cam kết quá mức ở tất cả các khu vực trên thế giới. Vì vậy, bên cạnh việc hiện đại hóa quân sự và cắt giảm số lượng binh lính, chính quyền Obama phải sắp xếp lại ưu tiên đối ngoại nói chung trong đó có ưu tiên dành cho các khu vực. Theo đó, chính quyền Obama sẽ giảm bớt sự hiện diện và cam kết ở Trung Đông - là khu vực ảnh hưởng truyền thống của Mỹ và tăng cường ở châu Á - Thái Bình Dương.
Trong các cơ quan hoạch định chính sách, Quốc hội cũng có những tác động nhất định tới quá trình xác định khu vực ưu tiên trong chính sách đối ngoại. Hiện nay, trong lĩnh vực đối ngoại, Quốc hội Mỹ đang quan tâm tới ít nhất là ba vấn đề, bao gồm chi tiêu ngân sách, các vấn đề pháp lý và lựa chọn chiến lược sắp tới của nước Mỹ.
Theo đó, đầu tiên, chính quyền Obama phải giải trình việc sử dụng ngân sách như thế nào để có thể triển khai chiến lược ở châu Á - Thái Bình Dương có hiệu quả trong bối cảnh cắt giảm chi tiêu cho quốc phòng. Thứ hai, các cơ quan liên quan phải điều chỉnh luật như thế nào cho phù hợp với những cơ chế Mỹ đang triển khai. Điển hình như nếu đàm phán TPP thành công, chính sách thương mại hiện hành sẽ phải được điều chỉnh cho phù hợp với các thỏa thuận thương mại mới. Thứ ba, chính quyền Obama phải xem xét phân bổ các nguồn lực hiện tại trong việc đáp ứng các mục tiêu chính sách mà không làm ảnh hưởng tới các mục tiêu chiến lược tại các khu vực khác trên thế giới.
Mặc dù vẫn còn những khó khăn trong nội bộ giới hoạch định phải giải quyết, Tổng thống Obama vẫn sẽ tiếp tục ưu tiên các chính sách cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bởi vì, khu vực Tây Thái Bình Dương gồm nhiều các nước vừa và nhỏ là các nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, còn tiềm ẩn các cơ hội hợp tác, đầu tư. Các nước này sẽ giúp Obama đạt được các lợi ích về kinh tế, an ninh và ảnh hưởng; đồng thời, giải quyết các vấn đề trong nước như thất nghiệp, nợ công.
Một yếu tố tác động tới tương lai chính sách tái cân bằng của Mỹ chính là tương quan lực lượng giữa Mỹ - Trung. Từ đầu thế kỷ XXI đến nay, sự phân bổ quyền lực thế giới cho thấy sức mạnh Mỹ đã suy yếu tương đối trong khi Trung Quốc đang vươn lên mạnh mẽ. Trong khi, mục tiêu xuyên suốt của Mỹ là duy trì vị thế số 1 toàn cầu về sức mạnh và ảnh hưởng. Chính yếu tố này đã thúc đẩy chính quyền Obama kết nối các "nan hoa" ở châu Á - Thái Bình Dương với "đầu trục" Mỹ, nhằm ngăn chặn những yếu tố bất lợi do chênh lệch trong tương quan lực lượng với Trung Quốc gây ra.
Trong tương quan lực lượng Mỹ - Trung về kinh tế, chính phủ Mỹ trong hơn một thập niên qua luôn trong tình trạng nợ kinh niên, cụ thể 5.600 tỷ USD năm 2000, 7.930 tỷ USD năm 2005, 13.560 tỷ USD năm 2010, và năm 2012 là 16.066 nghìn tỷ USD. Trong khi đó, Trung Quốc sau hơn 30 năm phát triển đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, và có nguồn dữ trữ ngoại tệ khổng lồ là 1.500 tỷ USD năm 2008. Theo nhiều dự báo của Mỹ và quốc tế, trong tương lai, tương quan lực lượng sẽ tiếp tục theo chiều hướng bất lợi cho Mỹ và có lợi cho Trung Quốc. Theo dự báo của Goldman Sachs, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về mặt kinh tế vào năm 2041.
Về quân sự - an ninh, mặc dù Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về tiềm lực quân sự, nhưng những đầu tư mạnh mẽ cho quốc phòng của Trung Quốc đang thu hẹp dần khoảng cách tiềm lực sức mạnh với Mỹ. Năm 2010, Mỹ chi tiêu cho quốc phòng lớn gấp 9 lần của Trung Quốc (Mỹ: 692,8 tỷ USD, Trung Quốc: 76,4 tỷ USD). Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, Mỹ phải liên tục cắt giảm chi tiêu quốc phòng, thì Trung Quốc ngược lại. Ví dụ vào tháng 3 năm 2011, Bắc Kinh đã tuyên bố mức tăng 12,7%, nâng chi tiêu cho quốc phòng lên mức 91,5 tỷ USD.
Xét trên các khía cạnh khác như khả năng tác chiến toàn cầu và răn đe hạt nhân, Mỹ vẫn tỏ ra vượt trội so với Trung Quốc, song những động thái cứng rắn của Trung Quốc ở khu vực Đông Á khiến Mỹ không thể để lợi ích quốc gia cũng như lợi ích của các đồng minh ở khu vực bị đe dọa. Vì vậy, trong thời gian tới, song song với giải quyết các điểm nóng trên thế giới như Syria, Iran, Bắc Triều Tiên; Mỹ sẽ tiếp tục triển khai và làm sâu sắc thêm nội hàm của chính sách tái cân bằng.
Tương tác đa chiều
Cấu trúc khu vực có thể hiểu là tổng thể những tổ chức, thể chế, cơ chế, những dàn xếp, tiến trình,...nhằm duy trì hòa bình, ổn định của khu vực. Cấu trúc khu vực thường bao gồm 2 bộ phận chủ yếu là các dàn xếp song phương và các thể chế đa phương được xây dựng trên 2 lĩnh vực chính là chính trị - an ninh và kinh tế.
Với cách hiểu chung nhất về cấu trúc khu vực như trên, có thể thấy những triển khai "xoay trục" của Mỹ trên bình diện song phương và đa phương đã, đang và sẽ có những tác động sâu sắc tới cấu trúc khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trong số các bộ phận cấu thành cấu trúc khu vực, các dàn xếp an ninh song phương giữ vai trò chủ đạo. Liên minh Mỹ - Nhật khẳng định vai trò trụ cột trong việc ứng phó với các thách thức an ninh ở khu vực Đông Bắc Á. Liên minh Mỹ - Hàn không ngừng được thắt chặt sau những động thái hạt nhân của Triều Tiên. Liên minh Mỹ - Philippines được làm sống lại sau những căng thẳng tại biển Đông năm 2011. Quan hệ Mỹ - Ấn được nâng cấp lên đối tác chiến lược nhằm đáp ứng nhu cầu của hai nước trong bối cảnh mới, được ví như mối quan hệ "định hình thế kỷ XXI".
Bên cạnh hình thái "trục - nan hoa", giữa các đồng minh của Mỹ đã có sự phối hợp với nhau như Mỹ-Nhật-Úc, Mỹ-Ấn-Nhật hay Mỹ-Nhật-Philippines. Các liên minh do Mỹ lãnh đạo có xu hướng kiên kết với nhau thành một mạng lưới phòng thủ đa phương. Chính Mỹ cũng khuyến khích các nước đồng minh năng động để chia sẻ trách nhiệm với Mỹ trong hoàn cảnh sức mạnh Mỹ đang suy giảm tương đối.
Các thể chế an ninh đa phương đang chứng kiến nhiều xáo trộn do chính sách xoay trục của Mỹ. Sự tham gia tích cực của Mỹ vào EAS kể từ 2011 có thể khiến hợp tác EAS tiến triển nhanh, trở thành một diễn đàn chủ chốt ở châu Á - Thái Bình Dương. Khi đó, nhiều khả năng EAS sẽ thay thế vị trí của ARF và ADMM trong hợp tác chính trị - an ninh ở khu vực.
Về cấu trúc kinh tế khu vực, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự thúc đẩy của Mỹ đang cạnh tranh tầm ảnh hưởng với các khu vực mậu dịch tự do ASEAN 1. Tuy chỉ hình thành bên lề APEC, nhưng nếu đàm phán giữa các nước tham gia Hiệp định thuận lợi, TPP với sự tham gia của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật, Hàn,... hoàn toàn có khả năng vươn lên trở thành cơ chế tự do hóa kinh tế chủ đạo ở châu Á - Thái Bình Dương.
Như vậy, với thực tế chính sách xoay trục/tái cân bằng của Mỹ ít nhất vẫn sẽ được tiếp tục trong nhiệm kỳ II của Obama, những tác động của chính sách này tới cấu trúc khu vực sẽ còn phức tạp. Điều này đòi hỏi các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương phải có biện pháp phù hợp để ứng phó với những thách thức to lớn, nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định của khu vực.
Theo Dantri
Mỹ sẽ buộc Hong Kong dẫn độ Snowden? Một quan chức cấp cao của Mỹ cảnh báo, nếu Hong Kong không "hành động ngay" để bắt giữ và dẫn độ Edward Snowden, quan hệ song phương sẽ trở nên phức tạp. "Nếu Hong Kong không sớm hành động, họ sẽ khiến quan hệ song phương trở nên phức tạp. Đồng thời, các cam kết về mặt pháp luật của Hong Kong...