Vì sao ô tô nhập khẩu sốt sình sịch?
Chính sách phát triển công nghiệp ô tô không ổn định khiến các liên doanh sản xuất trong nước đang có xu hướng chuyển dịch từ mô hình lắp ráp sang nhập khẩu xe nguyên chiếc.
Liên tục tăng cả về số lượng, giá trị
Trong giai đoạn sức mua của thị trường ô tô trong nước “bùng nổ” hai năm trở lại đây, mức độ tăng trưởng đối với mặt hàng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc luôn vượt trội so với xe sản xuất, lắp ráp (SXLR) trong nước.
Không chỉ các loại xe tải mà cả xe con nhập khẩu nguyên chiếc trong năm 2014 và 9 tháng năm 2015, liên tục tăng cả về số lượng và giá trị so với các năm trước đó.
Số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam ghi nhận, lượng ô tô nhập khẩu kể từ đầu năm 2015 đã đạt 92.467 xe, gấp hơn 3 lần so với cả năm 2012 (29.472 xe) và bằng 1,2 lần so với năm 2014 (76.780 xe).
Xe con nhập khẩu nguyên chiếc trong năm 2014 và 9 tháng năm 2015, liên tục tăng cả về số lượng và giá trị
Mức độ tăng mạnh đối với xe nhập khẩu còn được thể hiện trong báo cáo bán hàng hàng tháng của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), khi chỉ số tăng trưởng luôn đạt mức hai con số, bỏ xa mức tăng chỉ vài phần trăm của xe SXLR trong một năm trở lại đây.
Đi tìm nguyên nhân
Lý giải nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tăng đột biến về xe nhập khẩu, ông Nguyễn Tô An – Trưởng phòng quản lý chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, kể từ khi Chính phủ và Bộ GTVT triển khai việc tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đã tác động đến nhu cầu gia tăng số đầu phương tiện của các doanh nghiệp vận tải.
Video đang HOT
Thêm vào đó, ô tô nhập khẩu từ các nước ASEAN bắt đầu được ưu đãi thuế theo lộ trình cam kết hội nhập AFTA. Bằng chứng cho thấy, xe nhập khẩu từ Thái Lan đã tăng từ 443 chiếc trong cả năm 2011 lên con số 16.061 chiếc sau khi quý III/2015 kết thúc.
Ngoài ra, do nhu cầu thay thế các phương tiện sử dụng lâu năm hoặc hết niên hạn sử dụng (năm 2015 có 16.635 phương tiện hết niên hạn sử dụng, tập trung chủ yếu vào xe tải và xe khách), cộng với tình hình kinh tế đất nước có nhiều chuyển biến tích cực, thúc đẩy nhu cầu vận tải hàng hóa, góp phần làm gia tăng số lượng phương tiện vận tải đường bộ.
Ở phân khúc xe du lịch (xe con) và xe khách, mặc dù lượng xe SXLR trong nước vẫn chiếm ưu thế so với xe nhập khẩu trên thị trường nhưng tỷ trọng giữa hai chủng loại mặt hàng này đang có xu hướng dịch về điểm cân bằng. Nếu như năm 2014, tương quan số lượng giữa xe SXLR và nhập khẩu vẫn có khoảng cách rất lớn 82.553 so với 32.484, thì kết thúc 9 tháng năm 2015 khoảng cách đã được thu hẹp 70.793 xe SXLR so với 29.069 xe nhập khẩu nguyên chiếc.
Số lượng xe con nhập khẩu tăng từ năm 2014 đến nay có sự đóng góp không nhỏ của các dòng xe Hyundai từ Ấn Độ, trong đó tập trung chủ yếu vào hai mẫu i10 và i20. Cụ thể, năm 2014 có 12.941 xe, còn 9 tháng đầu năm 2015 có 11.807 xe Hyundai đã được đưa từ Ấn Độ vào Việt Nam.
Chính sách ưu đãi thuế đối với xe bán tải (pickup) và tải VAN, những loại xe có tính chất sử dụng gần như xe con, cũng trở thành tác nhân làm cho lượng xe nhập khẩu tăng. Nếu như cả năm 2014, số lượng nhập hai dòng xe này đạt hơn 14 nghìn chiếc, thì từ đầu năm tới nay, các doanh nghiệp đã nhập hơn 15 nghìn xe.
Mặc dù mặt hàng ô tô tải cỡ nhỏ hầu như được SXLR trong nước và chỉ có một số ít xe đã qua sử dụng được nhập khẩu từ Hàn Quốc, nhưng ở phân khúc xe tải hạng trung/lớn và ô tô đầu kéo thì xe nhập khẩu lại chiếm ưu thế tuyệt đối, mà phần nhiều là xe nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong khi đó, ở phân khúc xe sang, ngoại trừ Mercedes-Benz lắp ráp một số dòng xe tại Việt Nam, các thương hiệu còn lại đều phân phối dưới hình thức nhập khẩu nguyên chiếc. Tuy nhiên, so với các phân khúc xe khác, số lượng xe hạng sang nhập khẩu cũng chỉ chiếm một phần nhỏ trên thị trường.
Tỷ trọng xe nhập khẩu gia tăng cũng bắt nguồn từ nguyên nhân do chính sách phát triển công nghiệp ô tô không ổn định, dẫn đến tình trạng các liên doanh trong nước đang có xu hướng ngừng sản xuất một số loại xe và chuyển sang nhập khẩu từ Thái Lan và châu Âu, thậm chí có hãng đã chuyển hẳn sang nhập khẩu như BMW.
Hầu hết các liên doanh sản xuất ô tô đã không thực hiện đúng lộ trình cam kết: Tăng tỷ lệ linh kiện, phụ tùng nội địa hóa. Mặc dù có ưu thế về nguồn nhân lực giá rẻ, nhưng các doanh nghiệp SXLR trong nước lại gặp không ít khó khăn về chất lượng nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ và thiết bị từ nhà sản xuất nước ngoài.
Có một số doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ, trang thiết bị để SXLR loại xe tải cỡ lớn như MAZ, KAMAZ, HINO, THACO-FOTON, FUSO… nhưng hiện tại số lượng xe xuất xưởng vẫn rất khiêm tốn.
Theo_24h
Gia nhập TPP: Người Việt có cơ hội mua ô tô giá rẻ?
Theo cam kết tại TPP, nhiều khả năng mức thuế nhập khẩu giữa các nước trong khối sẽ giảm về 0%. Hiện thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc từ các nước như Nhật Bản, Mỹ, EU về Việt Nam ở mức 70%.
TPP được cho là "cú hích" cho nhiều ngành kinh tế tại Việt Nam, trong đó bao gồm cả ngành công nghiệp ô tô nếu biết tận dụng cơ hội.
Doanh nghiệp xe nội mơ vượt Thái, Indonesia
Một trong số những rào cản chính trong đàm phán TPP liên quan tới 4 nước sản xuất ô tô lớn nhất trong khối bao gồm: Nhật Bản, Mỹ, Canada và Mexico. Theo thông tin mới nhất trên Japan Times, hiện tại, 4 nước này đã đạt được thỏa thuận về ô tô, trong đó ô tô được miễn thuế nhập khẩu sẽ phải có ít nhất 45% linh kiện sản xuất nội khối TPP.
Theo nguồn tin này, 4 nước cũng đồng ý với một đề xuất của Nhật Bản rằng họ sẽ coi một chiếc xe là sản xuất nội khối nếu các thành phần chính được làm tại một trong 12 nước TPP. Còn các linh kiện nhỏ vẫn có thể được lấy từ bên ngoài.
Với những thoả thuận đạt được, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, sẽ có thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trở thành "địa bàn" cung cấp linh kiện cho các nhà sản xuất ô tô của các nước trong khối. Hiện tại như Nhật Bản đang sử dụng linh kiện, phụ tùng sản xuất tại Thái Lan, một nước không phải thành viên tham gia TPP. Do đó, nhiều dự báo cho rằng, sẽ có sự thay đổi đáng kể trong chuỗi cung ứng sản phẩm của các doanh nghiệp ô tô Nhật Bản khi TPP chính thức có hiệu lực.
Hiện nay tổng năng lực sản xuất, lắp ráp ô tô của Việt Nam vào khoảng 460.000 xe/năm, phần lớn mới dừng ở lắp ráp giản đơn, trong đó xe con tỉ lệ nội địa hóa của Thaco đạt 15-18%; Toyota Việt Nam đạt 37% (riêng cho dòng xe Innova). Với xe tải nhẹ, tỉ lệ nội địa hóa của Thaco đạt 33%, Vinaxuki đạt 50%.
Theo Chủ tịch VAMA, ông Yoshihisa Maruta lý giải, ngành ô tô chưa đạt được tỉ lệ nội địa hóa cao nguyên nhân chính là do sản lượng còn thấp. Theo đại diện VAMA, doanh nghiệp Việt cần tăng sản lượng mỗi mẫu xe, cắt giảm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
"Với dung lượng bao nhiêu thì thị trường mới bứt phá được? Câu trả lời là còn phải tùy vào từng mẫu xe. Tuy nhiên, Việt Nam có nhiều tiềm năng, dự báo giai đoạn năm 2021 - 2022 sẽ diễn ra quá trình công nghiệp hóa mạnh mẽ, đi cùng với đó là sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô", ông nói.
Ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI) cũng từng cho rằng, để các doanh nghiệp sản xuất ô tô của Việt Nam trụ vững, về lâu dài, chính bản thân các doanh nghiệp trong nước phải biết liên kết với nhau mới có thể xây dựng một ngành công nghiệp ô tô phát triển bền vững.
Giá xe có giảm?
Với dân số 90 triệu người cùng mức thu nhập đang không ngừng tăng lên, Việt Nam trở thành thị trường đầy tiềm năng cho các nhà sản xuất ô tô trên thế giới. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng năm 2020 đến 2030 sẽ phổ cập ô tô tại Việt Nam và chắc chắn nhìn dài hạn, thị trường ô tô Việt Nam sẽ phát triển quy mô vượt qua thị trường ô tô Thái Lan.
Theo cam kết tại TPP, nhiều khả năng mức thuế nhập khẩu giữa các nước trong khối sẽ giảm về 0%. Cùng với các Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, AFTA, Việt Nam sẽ mở cửa thị trường mạnh mẽ cho hầu hết các nước có ngành công nghiệp ô tô phát triển hàng đầu trên thế giới như: Đức, Anh, Pháp, Ý (thành viên EU), Mỹ, Nhật Bản... (thành viên TPP), Thái Lan, Indonesia ( thành viên AFTA) và Hàn Quốc.
Hiện thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc từ các nước như Nhật Bản, Mỹ, EU về Việt Nam ở mức 70%. Về tới Việt Nam, tính thêm nhiều khoản thuế phí, giá xe Việt Nam có thể "đội giá" lên tới 1-2 lần. Về nguyên tắc, nếu thuế nhập khẩu giảm, giá xe kỳ vọng sẽ giảm theo, giúp người tiêu dùng có cơ hội mua xe với mức giá phù hợp hơn.
"Với quy mô dân số 90 triệu, và đặc biệt, xu hướng dùng hàng cao cấp của nhiều người ở mức thu nhập trung và cao tại Việt Nam đã giúp các dòng xe nhập có thể tồn tại và phát triển trong thời gian dài. Tôi tin rằng, trong những năm tới, khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, thuế nhập khẩu giảm, số lượng xe nhập bán ra trên thị trường Việt Nam trong những năm tới sẽ còn tăng cao", Ông Klingler - đại diện một hãng xe nhập khẩu tại Việt Nam chia sẻ.
Tuy nhiên, khả năng giảm giá cũng còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố thuế phí khác do Nhà nước điều chỉnh. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, theo nguyên tắc phân chia thành các nhóm nhỏ hơn, theo hướng giảm đối với các dòng xe ưu tiên phát triển và áp mức "đặc biệt cao" đối với xe có dung tích trên 3.0L.
"Nhiều khả năng khi thuế nhập khẩu giảm theo lộ trình cam kết thì thuế tiêu thụ đặc biệt cũng sẽ được tăng nên giá bán xe cho người tiêu dùng ngoài thị trường sẽ không giảm đáng kể. Thêm vào đó, trong trường hợp tỷ giá tăng mạnh như thời gian qua, giá xe thậm chí sẽ còn nhích lên đôi chút", đại diện một hãng xe cho hay.
Phương Dung
Theo Dantri
Đánh thuế xe sang 150%, ôtô rùng mình lo tăng giá? Ngoài phương án chỉ tăng nhẹ thuế tiêu thụ đặc biệt (70-75%) với ô tô sang do Bộ Tài chính đề xuất, Văn phòng Chính phủ đang tổ chức lấy ý kiến với phương án 2, tăng thuế tới 90-150% theo kiến nghị của Bộ Công Thương. Thuế ôtô tăng đột biến 1,5 lần Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô...