Vì sao nhiều y bác sĩ nghỉ việc?: Kỳ 4 – Lương 3 triệu, việc tăng 3 lần!
Câu chuyện những ngày cuối năm của các nhân viên y tế (NVYT), y, bác sĩ tại TP.Đà Nẵng quan tâm đó là tình trạng áp lực, stress trong công việc sẽ kéo dài đến bao giờ.
Không chỉ có NVYT trẻ, cả những người có thâm niên cũng đối mặt với áp lực công việc, nguồn thu giảm sâu; sức lực bị vắt kiệt với gần 2 năm chống dịch, nhiều đợt ảnh hưởng dịch bệnh triền miên ở tâm dịch Đà Nẵng. Công việc gia tăng gây áp lực, thu nhập hơn nửa năm qua bị cắt giảm, nhưng nhiều y, bác sĩ (BS) vẫn không dám nghỉ việc.
Cơm, cá trộn rau, trộn luôn nước mắt
Hơn 2 năm trước, trước khi có dịch Covid-19, BS N.N.T, hiện làm việc tại một bệnh viện (BV) lớn ở TP.Đà Nẵng, đánh liều vay ngân hàng để mua đất, định bụng trả hết nợ sẽ từ từ tích góp làm một ngôi nhà nhỏ để con cái có chỗ ở riêng. Nhưng dịch ập đến, mọi thứ chệch khỏi sự tính toán trước đó của cả hai vợ chồng đều là BS làm việc tại các BV công lập, chỉ riêng khoản tiền phải trả ngân hàng mỗi tháng gần 12 triệu đồng là không thay đổi.
Nhân viên y tế tuyến cơ sở tại Đà Nẵng tham gia truy vết, xét nghiệm Covid-19. Ảnh AN DY
Các khoản thu nhập của BS N.T chỉ còn chừng một nửa so với trước. “Hiện tại, thu nhập chính của tôi chỉ còn lương cứng nhân hệ số là gần 5 triệu đồng/tháng, còn các khoản phúc lợi giảm sâu vì thời gian dài ảnh hưởng bởi hoạt động khám chữa bệnh, thu nhập của các BS ngồi phòng khám của bệnh viện công đều không còn được bao nhiêu do không có bệnh nhân. Mức thưởng lễ tết vừa qua cũng giảm còn chưa đến 10% so với trước dịch. Không nghĩ có lúc thu nhập của BS với gần 10 năm vất vả, học từ BS đa khoa sang BS nội trú, giờ lại ở mức như vậy”, BS N.T cám cảnh.
BS N.T cho hay sẽ không thể quên được cảm giác vừa nhận chi phí hỗ trợ 68.000 đồng cho 3 ngày tăng cường phục vụ tiêm vắc xin Covid-19. “Trời mưa lạnh, chạy xe máy đi xa cả chục cây số. Quá trưa ngớt người khám, tư vấn theo dõi, mới cầm hộp cơm thì cơm đã nguội lạnh. Vì giờ giao cơm thì người khám còn quá nhiều… Cơm, cá, rau trộn lẫn với nhau, trộn luôn nước mắt tủi thân với nghề”, BS N.T kể.
BS V.T.N, có thâm niên hơn 20 năm làm việc tại một BV chuyên khoa tại TP.Đà Nẵng, cũng cám cảnh với thu nhập hiện tại. “Biết là khó khăn chung, khó khăn cả hệ thống. Nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ thu nhập theo thâm niên của mình chỉ vỏn vẹn chục triệu đồng như lúc này. Nuôi hai đứa con ăn học cũng đã khó, chứ nói gì sống thoải mái hay khá giả với nghề”, BS T.N tâm sự.
Nhưng theo BS T.N, dù sao các BS vẫn còn gắng gượng được vì có hệ số lương cao hơn, chứ các điều dưỡng thì còn khó nữa. “Có những điều dưỡng trẻ thu nhập chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng. Người có thâm niên thì nhỉnh hơn, nhưng cũng chỉ chừng 4 hay 5 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, áp lực công việc tăng gấp 3 lần vì phải chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân thay cho người nhà, từ vệ sinh, ăn uống, thủ tục hành chính cho đến các công việc chuyên môn khác. Có nhiều bạn vì quá khó khăn cũng tranh thủ bán thêm hàng online, nhưng sự thực thời gian làm việc không kịp thở, điện thoại phải tắt liên tục… nên các bạn cũng đành bỏ”, BS T.N nói.
“Không nghĩ có lúc thu nhập của bác sĩ với gần 10 năm vất vả, học từ đa khoa sang bác sĩ nội trú, giờ lại ở mức như vậy”
Bác sĩ N.N.T, làm việc tại một bệnh viện lớn ở TP.Đà Nẵng
Bản tin Covid-19 ngày 17.12: Cả nước 15.236 ca | Dịch bệnh ở TP.HCM, Bến Tre, Cà Mau đang rất nóng
Vẫn bám trụ với công việc
Dù phải đối mặt với áp lực công việc, thu nhập thấp hơn nhiều so với trước, nhưng đa phần các NYTT ở Đà Nẵng vẫn bám trụ với công việc chứ không còn lựa chọn nào khác, càng không có ý định nghỉ việc, bỏ việc. “Vài ngày trước, NVYT tại BV tôi công tác được nhận bảo hiểm thất nghiệp. Mức lương của BS trẻ như chúng tôi thì chỉ được hỗ trợ tầm hơn 2 triệu đồng thôi, nhưng thấy mọi người mừng mà tôi cũng ứa nước mắt. Không nghĩ có ngày BS được nhận ít tiền trợ cấp mà vui đến vậy”, BS N.T kể.
Áp lực công việc, thu nhập giảm sâu nhưng nhiều y, bác sĩ ở Đà Nẵng vẫn bám trụ công việc. Ảnh AN DY
Cũng như nhiều đồng nghiệp, BS N.T nhìn nhận khó khăn lúc này là khó khăn chung, không chỉ riêng ngành y tế. “Nghỉ chỗ này qua chỗ khác cũng khó, nên có khó cũng làm và chờ đợi khó khăn đi qua chứ không ai dám nghỉ. Y tế công lập khó khăn thì y tế tư nhân cũng vậy, họ tự chèo chống cũng không biết được bao lâu khi dịch giã kéo dài…”, BS N.T nhận định.
Đồng quan điểm, BS T.N lý giải ở miền Trung cơ hội việc làm thấp hơn các tỉnh phía nam. NVYT ở TP.HCM không làm chỗ này có thể làm chỗ khác, không làm trong ngành y tế cũng có thể làm công việc khác. Nhưng ở Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung, không đơn giản như vậy. “Người miền Trung mình cùng chịu thương chịu khó, ăn chắc mặc bền nên dù khó khăn họ cũng sẽ vẫn cầm cự với công việc đến cùng, stress lên tới não cũng phải làm chứ không dám nghỉ. Mong mọi thứ sớm ổn định trở lại”, BS T.N hy vọng.
Huy động nguồn lực chia sẻ khó khăn chung
TS-BS Lê Đức Nhân, Giám đốc BV Đà Nẵng, cũng khẳng định khó khăn, áp lực hiện tại là khó khăn chung của các cơ sở y tế. Tại BV Đà Nẵng cũng không ngoại lệ khi dịch giã kéo dài, hoạt động khám chữa bệnh bị đình trệ, giãn cách, đi lại giữa các tỉnh thành bị hạn chế nên lượng bệnh nhân khám bệnh ngoại trú cũng giảm nhiều.
“Ngoài việc đảm bảo lương cơ bản, chúng tôi cũng cố gắng duy trì ổn định các hoạt động phòng chống dịch, khám chữa bệnh dịch vụ… để đảm bảo thu nhập tăng thêm cho từng NVYT”, BS Nhân cho biết. Cũng theo BS Nhân, hiện tại bên cạnh đảm bảo công tác phòng chống dịch để duy trì hoạt động khám chữa bệnh an toàn, tin cậy…, BV Đà Nẵng cũng dành thời gian để tập trung phát triển, triển khai các kỹ thuật mới, kỹ thuật khó ở các chuyên khoa lồng ngực, tim mạch… để thu hút BN đến khám và điều trị.
Nhân viên y tế tuyến cơ sở tại Đà Nẵng tham gia hỗ trợ tiêm vắc xin Covid-19. Ảnh AN DY
Chia sẻ với những áp lực của các NVYT ở thời điểm hiện tại, bà Trần Thanh Thủy, Phó giám đốc Sở Y tế TP.Đà Nẵng, cho biết hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của TP.Đà Nẵng đều tập trung cho NVYT, đầy đủ và kịp thời. Bên cạnh đó, những nguồn hỗ trợ đóng góp cho tuyến đầu chống dịch của các tổ chức, đơn vị, cá nhân cũng ưu tiên hướng về NVYT.
“Chúng tôi cân đối, huy động nguồn lực toàn hệ thống để chia sẻ, tăng cường, chia sẻ áp lực công việc cho nhau. Còn áp lực thu nhập hiện tại là áp lực chung của toàn ngành chứ không riêng gì Đà Nẵng, khi nguồn thu từ công tác khám chữa bệnh giảm sâu, y tế tuyến cơ sở, quận huyện còn khó khăn nữa. Rất may là các anh chị em y, bác sĩ tâm huyết, đồng lòng gắn bó vì mục tiêu chung. Vì thực sự, qua 2 năm dịch giã thì khó khăn là khó tránh khỏi”, bà Thủy chia sẻ.
Một tuần làm tình nguyện viên của bác sĩ người Nga ở chung cư TP.HCM
Một tuần qua, bác sĩ Victor Vladovich dành 3 giờ mỗi sáng để mua giúp thuốc chữa bệnh, đi chợ hộ cho cư dân Vinhomes Central Park (quận Bình Thạnh).
Buổi sáng cuối tuần, khu đô thị Vinhomes Central Park (phường 22, quận Bình Thạnh) vắng vẻ vì đang giãn cách để phòng dịch.
Trên chiếc xe đạp thể thao, anh Victor đeo băng đô của đội tình nguyện viên chung cư, rảo một vòng kiểm tra xem cư dân có ra ngoài khi không cần thiết không. Sau đó, người đàn ông này đạp xe tới nhà thuốc trong nội khu mua thuốc chuyển đến các tòa nhà, rồi nhận đơn đi chợ hộ cho cộng đồng người nước ngoài sinh sống tại đây.
Hôm nay là ngày 7 Victor Vladovich (38 tuổi, quốc tịch Nga) làm công việc tình nguyện viên ở chung cư này.
Người Nga rành tiếng Việt
Từng đọc được thông tin trên nhóm cư dân về việc chung cư cần tình nguyện viên, nhưng Victor không biết cách đăng ký. Đến cuối tuần trước, anh liên hệ lễ tân dưới tòa nhà, ngỏ ý xin được gia nhập đội tình nguyện viên và được đồng ý.
Một tuần nay, Victor thức dậy sớm hơn mọi khi. Anh chuẩn bị khẩu trang, nón bảo hộ, bình nước cá nhân, mang giày thể thao, đeo tấm băng đô nhận diện bên tay phải rồi xuống sảnh tòa nhà, bắt đầu công việc của mình lúc 8h.
Victor Vladovich làm tình nguyện viên trong sáng 2/9 tại Vinhomes Central Park. Ảnh: Kazuyuki Shimizu.
Nhờ thông thạo tiếng Việt, tình nguyện viên Victor không gặp nhiều khó khăn. Anh có thể trò chuyện tự tin với chủ nhà thuốc, bảo vệ. Cư dân Vinhomes Central Park dường như đã quen mặt "ông Tây" trên chiếc xe đạp thể thao, nhanh nhẹn và nhiệt tình giao hàng đến từng tòa nhà.
"Ở nhà một mình trong thời gian dài rất bí bách. Ra ngoài giúp đỡ mọi người tôi thấy rất vui. Gặp tôi giao hàng, cư dân ai cũng chào và nói lời cảm ơn. Qua lớp khẩu trang không nhìn thấy mặt nhau nhưng rất chân tình", Victor kể.
Cộng đồng người nước ngoài sinh sống tại Vinhomes Central Park nhiều người đã biết Victor từ trước, khi nghe tin anh làm tình nguyện viên, họ nhờ anh đi chợ hộ. Những gia đình có con nhỏ thường khó sử dụng thực phẩm mua theo combo để chế biến cho trẻ nên Victor mua giúp đồ ăn dành riêng cho các cháu.
Trong ca trực 3 giờ mỗi sáng, Victor thường giao khoảng 10 đơn thuốc và 3 đơn đi chợ hộ.
"Nhiều người nước ngoài không rành tiếng Việt nên gặp một số khó khăn khi mua hàng. Vì thường ngày hay tư vấn các bà mẹ về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ nhỏ nên việc mua hàng không khó khăn với tôi. Khó nhất là phải đi tới 3 hoặc 4 của hàng để mua đủ đồ ăn cho các bạn nhỏ", Victor kể về trải nghiệm đi chợ hộ của mình.
Victor Vladovich cùng các tình nguyện viên khác ở chung cư. Ảnh: NVCC.
Từ khi làm tình nguyện, Victor còn biết thêm cộng đồng tình nguyện viên và bác sĩ tại Vinhomes Central Park. Anh bất ngờ khi một bác sĩ tình nguyện trò chuyện với mình bằng tiếng Nga.
"Ở nơi đất khách, nghe được tiếng mẹ đẻ thật vui. Lại là từ người Việt Nam tôi yêu mến. Thật xúc động", Victor bộc bạch.
Anh Nguyễn Như Yên (Trưởng ban quản trị tòa nhà C2) khá bất ngờ khi nhận được thông tin Victor đăng ký làm tình nguyện viên. Anh Yên lo lắng công việc áp lực và thường trực nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khiến Victor khó theo đuổi lâu dài.
"Tôi không ngờ Victor nhiệt tình, nhanh nhẹn và làm việc rất hiệu quả. Anh ấy là cầu nối giữa cộng đồng người nước ngoài và cư dân. Gần đây nhất vào ngày Quốc khánh, Victor phát cờ tới từng nhà để cư dân treo lên ban công, hình ảnh này khiến tôi xúc động", anh Yên chia sẻ.
Victor Vladovich trong những chuyến du lịch Việt Nam trước dịch. Ảnh: NVCC
14 năm gắn bó với Việt Nam
Victor Vladovich sang Việt Nam gần 14 năm. Anh là một bác sĩ gia đình, đào tạo chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp.
Quyết định gắn bó lâu dài với Việt Nam đối với người đàn ông ngoại quốc này là cái duyên. Trong một lần đi công tác tại Hà Nội vào năm 2008, Victor cảm mến đất nước Việt Nam và sau đó đã quyết định bay sang làm việc ở đây, dù khi đó anh chưa biết tiếng Việt và vốn tiếng Anh cũng hạn chế.
Ba mẹ lo lắng cho Victor khi tới một đất nước xa lạ, nhưng họ không cấm cản con cái trước quyết định này.
"Từ khi 16 tuổi, tôi đã tự trang trải chi phí ăn ở, học hành và tự lựa chọn nghề nghiệp để theo đuổi. Do đó, ba mẹ luôn ủng hộ với quyết định của tôi và tin rằng con trai họ sẽ hạnh phúc khi sinh sống ở Việt Nam", Victor nói về lựa chọn sang Việt Nam lập nghiệp năm 24 tuổi.
Anh Vladovich cùng các đồng nghiệp. Ảnh: NVCC
Để học được tiếng Việt, anh đã giao tiếp, bắt chuyện với nhiều người bản xứ. Đến nay, anh có thể trò chuyện thành thạo với bất cứ người Việt Nam nào mà mình gặp. Trang facebook cá nhân của Victor có nhiều bạn bè người Việt và anh thường trả lời bình luận của họ rất rành mạch.
"Trao đổi càng nhiều thì vốn từ mình càng tăng lên. Tôi học tiếng Việt từ chính người Việt Nam qua những lần trò chuyện, bàn bạc công việc hay trong những chuyến tình nguyện", Victor cho hay.
Sau một thời gian ở Hà Nội, vì tính chất công việc nên Victor Vladovich chuyển vào TP.HCM. Nhận thấy việc bảo vệ sức khỏe gia đình rất quan trọng, nên Victor chia sẻ cho mọi người về cách ăn uống, tập thể dục, bổ sung vitamin và khoáng chất thông qua internet.
Trước dịch, người đàn ông này cũng đi hỗ trợ các trẻ em mồ côi ở khắp nơi trên cả nước. Anh cùng nhóm thiện nguyện của mình xây nhà tình thương, hỗ trợ các em bé kém may mắn khắp các tỉnh thành.
Anh Victor Vladovich trong một lần dã ngoại với học sinh. Ảnh: Trung tâm Anh ngữ IFLY.
Điều khiến Victor quyết định gắn bó với Việt Nam vì có nhiều điểm tương đồng văn hóa với nước Nga. "Nơi đây mọi người sống rất tình cảm. Nhiều người không giàu có nhưng cũng san sẻ cho người gặp khó khăn. Tôi yêu mến người Việt Nam ở điều này", Victorcho hay.
Trong nhiều năm ở Việt Nam, Victor đi rất nhiều nơi. Anh và bạn bè có những kỷ niệm ngắm sương mù ở Sapa, ngắm Vịnh Hạ Long huyền ảo, ghé đồi cát Mũi Né, đến vùng đất Bazan Buôn Ma Thuột hay ngắm biển ở Vũng Tàu, Phú Quốc...
Đi càng nhiều, Victor nhận ra mỗi vùng đất đều có những nét đẹp riêng về con người, văn hoá. "Phong cảnh ở Việt Nam tuyệt đẹp, đặc biệt là các bãi biển", bác sĩ người Nga nói.
Ngoài những chuyến đi, Victor còn thích không khí cổ vũ bóng đá của người dân Việt. Lúc chưa giãn cách, anh hay cùng bạn bè tụ tập reo hò cổ vũ đội tuyển Việt Nam. Những dịp đặc biệt, anh cũng thích khoác lên mình áo dài, trang phục truyền thống của Việt Nam.
Anh Victor Vladovich trong một lần cổ vũ đội tuyển Việt Nam. Ảnh: NVCC.
Nhiều năm đón Tết Việt Nam và lang thang những cung đường của thành phố, Victor thấy đường phố bây giờ của TP.HCM "vắng như Tết", khi anh ngắm nhìn những bức ảnh được chụp lại lúc giãn cách.
Điều người đàn ông này mong muốn là dịch bệnh sớm qua đi, cuộc sống quay trở lại như ngày thường, các bác sĩ, lực lượng chống dịch giảm tải công việc và về với gia đình.
"Tôi rất đồng cảm với lực lượng y bác sĩ ở tuyến đầu. Họ đã rất vất vả để bảo vệ sức khỏe cho người dân thành phố. Mong họ sớm được về nhà, tận hưởng những giây phút đầm ấm bên gia đình sau khi dịch bệnh qua đi", Victor tâm sự.
Thủ tướng truy tặng bằng khen 18 cá nhân ở TP.HCM có nhiều thành tích trong phòng, chống dịch Ngày 4-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký quyết định truy tặng bằng khen cho 18 cá nhân có nhiều thành tích và đóng góp cho công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM. BS Trịnh Hữu Nhẫn (bìa phải) là một trong hai nhân viên y tế được Sở Y tế TP.HCM đề nghị xét công nhận liệt sĩ -...