Vì sao nhiều bạn trẻ Việt thích mặc đồ hàng thùng?
Thời trang second-hand hiện là xu hướng được giới trẻ Việt và thế giới ưa chuộng.
Quần áo second-hand là dùng để chỉ những sản phẩm may mặc đã qua sử dụng, chất lượng còn tốt và được bán lại với mức giá thấp hơn mặt bằng chung. Tại Việt Nam, mọi người thường gọi mặt hàng này với cái tên dân dã hơn là đồ si, hàng thùng.
Sức tăng trưởng của đồ second-hand có tiềm năng làm thay đổi sự nổi bật của thời trang nhanh. Trong khi thời trang nhanh dự kiến tiếp tục tăng trưởng 20% trong 10 năm tới, đồ second-hand có thể tăng trưởng 185%, theo The Conversation.
Quần áo đã qua sử dụng từ lâu bị coi là cũ nát và hoen ố. Song nhiều người vẫn coi đồ si có chất lượng giống hệt hoặc thậm chí cao hơn trang phục mới.
Nhiều bạn trẻ hiện nay chuộng sử dụng đồ cũ.
Trào lưu mặc đồ second-hand
Theo ghi nhận , nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ Gen Z gần đây có xu hướng mặc đồ second-hand. Giá thành rẻ, kiểu dáng đa dạng và đặc biệt hơn là sự độc nhất (khả năng đụng hàng thấp) là những lý do tiêu biểu cho trào lưu mặc đồ si của giới trẻ.
Thông thường các món second-hand có chất vải tốt và thoáng mát, màu sắc bắt mắt. Ngoài ra, người mua còn có thể tìm thấy hàng hiệu đã qua sử dụng tại cửa hàng đồ si.
Chia sẻ với Zing , Bảo Trân (sinh năm 1995, sống tại TP.HCM) cho biết nhiều mẫu chỉ có số lượng giới hạn, giúp cho bộ đồ của khách hàng trở nên độc nhất.
Video đang HOT
Bảo Trân cho biết việc tìm được món đồ second-hand ưng ý giúp cô vui vẻ hơn.
“Ngày càng nhiều người thuộc thế hệ Gen Z chuyển hướng sang đồ cũ. Khách hàng trẻ tuổi có ý thức hơn về tính bền vững. Do đó, nhiều khả năng họ mua sắm đồ cũ”, Bloomberg cho hay.
Ngành công nghiệp thời trang từ lâu gắn liền với những vấn đề về môi trường như ô nhiễm và chất thải do sản xuất quần áo.
Báo cáo của The Conversation cho biết công nghiệp dệt may tạo ra nhiều khí thải carbon hơn hàng không và hàng hải cộng lại. Khoảng 20% ô nhiễm nước trên toàn cầu là kết quả của nước thải từ quá trình sản xuất, hoàn thiện hàng dệt may.
Tuy nhiên, người tiêu dùng dần có nhận thức sâu sắc hơn về tác động sinh thái của đồ may mặc. Không ít người yêu cầu các nhà mốt, thương hiệu thời trang mở rộng cam kết về tính bền vững.
Một trong những ưu điểm của đồ si là giúp bảo vệ môi trường.
Hạn chế của hàng thùng
Mặt khác, đồ second-hand có một số hạn chế nhất định.
Văn Lợi (sinh năm 1999, Hà Nội) chia sẻ rằng không phải lúc nào cũng tậu được đồ đúng ý. Do số lượng mặt hàng không nhiều, người mua có thể tìm được đồ ưng ý nhưng không vừa. Đây là trở ngại cho khách hàng khi mua sản phẩm.
Đối với những người mới mua đồ si, phần trăm mua “trúng” hàng bị lỗi cao do không để ý. Các lỗi thường thấy là rách, ố, mất cúc…
Văn Lợi thường mặc đồ si Mỹ và Nhật với phom rộng.
Ngoài ra, đồ hàng thùng có thể dính bụi bẩn. Vì vậy, sau khi mua về, mọi người cần vệ sinh chúng thật kỹ để tránh gặp phải các bệnh về da, phụ khoa…
Thảo Nguyên Phương (sinh năm 1993, sống tại Hạ Long) đã theo xu hướng sử dụng đồ second-hand được 10 năm.
“Khó khăn khi mua là hơi mất công săn đồ và lựa chọn. Nếu mặt hàng được bán ở chợ, người buôn sẽ đổ đống và mỗi món chỉ có một, không nhanh tay là hết”, cô tâm sự.
Cô dâu diện toàn đồ second-hand tại đám cưới
Becky McMitchell bắt đầu mua đồ second-hand từ năm 2015. Thậm chí, cô còn sắm váy cưới ở cửa hàng bán trang phục cũ.
Becky McMitchell (35 tuổi, đến từ Worcestershire, Anh) cho biết cô đã chấm dứt việc đến các cửa hàng thời trang trên phố từ năm 2015. Cô quyết định theo chân mẹ mình đến thrift shop (cửa hàng đồ cũ) để mua sắm.
Tại đây, Becky McMitchell đã "săn" được những món đồ với giá hời như áo len cashmere với giá 4 USD. Cô còn sắm được mẫu túi xách của Russell và Bromley (có giá gốc hơn 260 USD) chỉ với 14 USD, thắt lưng hàng hiệu Escada (có giá hơn 400 USD) với gần 2 USD.
Ngoài ra, cô còn mua được loạt sản phẩm như áo khoác da, áo giả lông, giày loafer có kiểu dáng giống Gucci... với mức tiền dao động 5-24 USD.
Đặc biệt, cửa hàng bán đồ cũ là nơi Becky McMitchell mua váy cưới, sau khi bạn trai George ngỏ lời cầu hôn.
Becky McMitchell làm lễ thành hôn với trang phục và hoa cưới từ đồ second hand. Ảnh: PA Real Life.
Becky McMitchell từ chối lên lịch hẹn ở cửa hàng bán đồ cưới. Thay vào đó, thrift shop là nơi người phụ nữ 35 tuổi quyết định "chọn mặt gửi vàng". Cô cảm thấy may mắn vì có một cửa hàng địa phương vừa mở khu bán đồ cưới.
Theo The Sun , Becky McMitchell chọn mẫu váy lụa và ren có giá hơn 400 USD. Cô đã cắt lại nó cho vừa vặn với cơ thể. Ngoài ra, cô còn chi thêm 27 USD cho đôi giày cao gót màu hồng nhung.
Becky McMitchell tận dụng 100 chiếc ghim cài áo cổ điển cũ cùng một cái dây để làm hoa cưới.
"Tôi đi cùng mẹ. Bà là người phát hiện ra chiếc váy này. Nhìn trên giá treo, trông nó không có gì đặc biệt. Song nó mang phong cách vintage, là đồ second-hand. Tôi đã thử và thấy thích nó.
Một số người cho rằng tôi thật điên rồ khi mặc váy cưới của cửa hàng từ thiện nhưng không đâu hoàn hảo hơn chỗ này. Ngay cả đồ trang sức của tôi cũng là đồ cũ. Ngọc trai này là của mẹ tôi. Nhẫn cưới, nhẫn đính hôn là đồ của bà tôi và bà của George", Becky McMitchell chia sẻ.
Cô tiến vào lễ đường với những món đồ second-hand từ đầu đến chân. Becky McMitchell vẫn cảm thấy như đang khoác trên mình bộ trang phục có giá triệu USD.
Becky McMitchell bắt đầu mua đồ ở thrift shop từ năm 2015. Ảnh: PA Real Life.
Khi còn nhỏ, Becky McMitchell từng mua sắm tại các cửa hàng trên phố và quan tâm đến xu hướng thời trang mới.
"Tôi bắt đầu nhận ra rằng mình có thể mua đồ với giá bằng 1/4 giá gốc. Vì vậy, đây là sự thúc đẩy tốt. Tôi cảm thấy xấu hổ vì từng mua quần áo của các nhãn hiệu thời trang nhanh. Tôi không biết về tác động của nó đối với môi trường hay công nhân may mặc ở các nước thế giới thứ 3.
Giờ tôi biết rõ hơn và không muốn hỗ trợ các công ty làm tổn hại đến môi trường, cộng đồng. Tôi không ủng hộ việc tiêu thụ quá mức hoặc sản xuất quá mức", người phụ nữ 35 tuổi tâm sự.
Ngoài ra, cô chia sẻ những mẹo mua sắm tiết kiệm. Cô khuyên mọi người nên ưu tiên chất lượng hơn số lượng, kiểm tra kích cỡ và cần có tính kiên nhẫn. Bởi mua sắm tiết kiệm không dành cho những người vội vàng.
Thời trang "mì ăn liền" liệu có phải cơn ác mộng có thật của trái đất? Thời trang nhanh phổ biến khắp thế giới đáp ứng nhu cầu ăn mặc của nhiều người có hầu bao vừa phải. Thời trang nhanh là gì? Thời trang nhanh là một thuật ngữ dùng để mô tả một mô hình kinh doanh có lợi nhuận cao dựa trên việc tái tạo các xu hướng trên sàn catwalk và các thiết kế thời...