Vì sao nhân viên “sống chết” với địa ốc Alibaba và Nguyễn Thái Luyện?
Công an lý giải một thực tế vì sao nhân viên của công ty địa ốc Alibaba “sống chết” với công ty và bảo vệ ông Nguyễn Thái Luyện đến cùng khi bị phanh phui, điều tra.
Trong vụ án Công ty CP địa ốc Alibaba, đến nay cơ quan công an đã giải mã ít nhiều câu hỏi vì sao nhân viên Alibaba lại “sống chết” khi công ty địa ốc Alibaba có biến và Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thái Luyện gặp nạn.
Theo đó, khi báo chí phản ánh về hoạt đông kinh doanh bất động sản có dấu hiệu lừa đảo của Alibaba thì bộ sậu quản lý, các nhân viên tổ chức livestreams trên mạng xã hội, các kênh thông tin khác để phản ứng lại, bêu xấu các phóng viên viết bài.
“Linh hồn” của địa ốc Alibaba chính là Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thái Luyện.
Hay như trong vụ chống đoàn cưỡng chế khu dự án ma tại xã Tóc Tiên, TX.Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hồi giữa tháng 6, các nhân viên và an ninh của Alibaba sẵn sàng đập phá phương tiện của chính quyền.
Thậm chí sau đó, ông Luyện còn tổ chức livestreams trên mạng xã hội để có lời lẽ hằn học, xúc phạm đến Chủ tịch UBND xã nói riêng và những người giữ chức vụ trong xã, công an viên nói chung.
Và có rất nhiều sự việc, nhân viên của công ty địa ốc Alibaba đã “sống chết” với công ty, bảo vệ cho ông Luyện. Vì sao như vậy?
Các nhân viên của Alibaba “sống chết” với công ty, bảo vệ ông Nguyễn Thái Luyện đến cùng vì họ có góp tiền vào các dự án “ma”.
Thực tế là trong các dự án ma, ông Luyện và bộ sậu Alibaba đã chủ trương bán với giá cực rẻ cho các nhân viên sale. Đây vốn là khu đất nông nghiệp mà ông Luyện chỉ đạo một số nhân viên cấp quản lý đi thu gom mua, để vẽ ra dự án hoành tráng là đất nền, dự án cao cấp này nọ.
Giá bán của ông Luyện mang tiếng là ưu đãi cho nhân viên nội bộ nhưng cũng đã khá lời so với giá gốc mà ông mua đất nông nghiệp. Các nhân viên mua đất giá rẻ, sử dụng chính đó để đi chào mời, giăng bẫy khách hàng.
Video đang HOT
Cơ quan CSĐT thu giữ nhiều tài liệu tại trụ sở công ty con Chiến Binh Thép thuộc Công ty địa ốc Alibaba chiều 20/9.
Cán bộ điều tra cho hay, hồ sơ đã có thể hiện các nhân viên của Alibaba góp vốn, thực chất là hình thức mua đất ở từng khu đất cụ thể.
Do đó, trong khoảng 1 năm trở lại đây, khi mà địa ốc Alibaba bị báo chí phanh phui, bị Công an tập trung điều tra thì các nhân viên Alibaba liên tục đứng ra bảo vệ cho công ty nói chung và bản thân ông Luyện nói riêng. Vì dễ hiểu, trong Alibaba có phần tiền của các nhân viên này đóng vào.
Khi Alibaba đổ sập thì đồng nghĩa với việc họ mất tiền. Suy cho cùng trong vụ án Alibaba, những nhân viên của công ty nào cũng là những nạn nhân.
Bất động sản theo kiểu đa cấp tinh vi
Nguyễn Thái Luyện và bộ sậu Alibaba đã tinh vi khi tổ chức kinh doanh, môi giới bất động sản theo hình thức đa cấp.
Khi các nhân viên kéo thêm người tham gia vào công ty thì lập tức được thăng chức dần dần. Do đó nhiều nhân viên nỗ lực kéo người tham gia vào “tập đoàn” để thành… lãnh đạo.
Địa ốc Alibaba tổ chức kinh doanh theo hình thức đa cấp, định kỳ thăng chức và trao thưởng khủng cho nhân viên.
Thông tin từ cơ quan công an cho hay, tính đến thời điểm hiện tại lượng nhân viên của Alibaba và các công ty con đã lên đến 2.600 người. Tuy nhiên, công an cho rằng, con số nhân viên hay cộng tác viên của Alibaba có thể còn đông hơn nữa.
Thủ đoạn khác là bộ sậu Alibaba trong các đợt định kỳ bổ nhiệm cấp quản lý dựa vào hiệu quả công việc đã có tổ chức trao thưởng các vật phẩm, điển hình thường là ô tô.
Trong giai đoạn đầu năm nay, Alibaba có 1 vài lần tổ chức định kỳ theo tháng để trao thưởng cho các nhân viên gọi là Super Sale. Đến nay hé lộ, nguồn tiền mà Alibaba sử dụng mua ô tô để trao thưởng cho nhân viên thực tế là tiền khách hàng đóng vào, bị lừa mua đất ở khắp nơi.
Hiện Bộ Công an và Công an TP.HCM, các tỉnh, thành khác đang tập trung mở rộng điều tra về công ty Alibaba và các công ty con.
Theo Linh An (VNN)
Nhiều khách hàng "sập bẫy" Công ty Alibaba phải đeo khẩu trang viết đơn tố cáo
Cơ quan công an bước đầu xác định có hơn 6.700 người có thể là nạn nhân của Công ty địa ốc Alibaba, với số tiền giao dịch hơn 2.500 tỷ đồng tại 40 dự án.
Nhiều nạn nhân phải "che mặt" vì sợ người thân biết chuyện, ảnh hưởng đến gia đình.
Chiều 20/9, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an TP.HCM vẫn đang làm việc với Nguyễn Thái Luyện (SN 1985), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần địa ốc Alibaba và Nguyễn Thái Lĩnh (SN 1989, em ruột Luyện), Tổng giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Alibaba, để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bước đầu, công an xác định Luyện có vai trò cầm đầu, chỉ đạo Lĩnh dùng danh nghĩa cá nhân để nhận chuyển nhượng, thu gom lượng lớn đất nông nghiệp ở các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận...
Sau đó, Lĩnh dùng pháp nhân Công ty cổ phần địa ốc Alibaba và các công ty con lập hàng chục dự án không có thật. Tất cả các dự án này chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án... Tuy nhiên, Công ty cổ phần địa ốc Alibaba quảng cáo để huy động tiền của hàng nghìn khách hàng để chiếm đoạt.
Cụ thể, anh em Luyện lập 29 dự án ở tỉnh Đồng Nai, 9 dự án ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và 2 dự án ở tỉnh Bình Thuận. Dự án trái phép có diện tích lớn nhất là khu đất 13 hecta ở xã Châu Pha (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) của ông Nguyễn Ngọc Sự nhưng Công ty cổ phần địa ốc rao bán đất nền dưới tên dự án "Alibaba Tân Thành Center City 1". Tính đến hết tháng 6/2019, công ty này đã ký hợp đồng bán đất nền cho hơn 6.700 khách hàng, chiếm đoạt số tiền hơn 2.500 tỷ đồng.
Khách hàng đeo khẩu trang viết đơn tố cáo
Theo Dân trí, tính đến chiều 20/9, có rất đông người ở các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận và trên địa bàn TP tìm đến trụ sở Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu Công an TPHCM (đường 3/2, phường 14, quận 10) để hỏi thủ tục và làm đơn tố cáo Công ty cổ phần địa ốc Alibaba lừa đảo.
Nhiều người đeo khẩu trang hoặc đề nghị giấu tên khi tiếp xúc với PV vì sợ người thân biết chuyện, ảnh hưởng đến gia đình.
Một nạn nhân của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba đeo khẩu trang kể lại sự việc.
Bên trong trụ sở công an, nhiều cán bộ điều tra hướng dẫn người dân viết đơn trình bày sự việc.
Bà N.T.T. (52 tuổi, quê Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết bà mua dự án đất nền của Công ty Alibaba ở Bà Rịa-Vũng Tàu và khi nghe tin lãnh đạo của công ty này bị bắt nên tìm đến trụ sở công an làm đơn trình báo. Theo bà T., bà mua lô đất với giá 350 triệu đồng và đã thanh toán cho Công ty Aibaba 321 triệu đồng.
Một phụ nữ khác giấu tên cho hay, do tin vào lời giới thiệu của người quen nên mua lô đất của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba với giá 950 triệu đồng trong vòng 12 tháng. "Tôi đóng được gần 700 triệu đồng thì thấy báo chí đăng tải vụ việc nên đến làm đơn tường trình với công an. Sự việc bây giờ như vậy rồi, tôi làm đơn để hi vọng cơ quan chức năng thu hồi giúp số tiền đã đóng", nữ nạn nhân nói.
Theo người phụ nữ này, sau khi đóng được 4 tháng và muốn rút lại tiền thì nhân viên tìm cách dụ dỗ để tiếp tục đóng tiền. "Không tiếp tục đóng tiền thì sẽ mất trắng nên tôi phải vay mượn để đóng cho đủ 12 tháng", người phụ nữ cho hay.
Theo thông tin của cơ quan chức năng, trong ngày hôm nay đã có hơn 500 người đến hỏi thủ tục tố cáo Công ty cổ phần địa ốc Alibaba lừa đảo. Qua đó, công an trực tiếp hướng dẫn, tiếp nhận đơn của hơn 100 người là khách hàng của công ty này.
Công an đã thu giữ nhiều xe ô tô tại Công ty Alibaba, trong đó có chiếc xe hiệu Range Rover trị giá hàng tỷ đồng.
Cũng trong ngày 20/9, Dân Việt đã đưa tin, Công an thu giữ nhiều xe ô tô, xe máy xịn hiệu Range Rover, Kia, Innova, SH và lượng lớn tiền mặt ở trụ sở công ty nằm ở đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức, TP.HCM.
Trong số các xe thu giữ có xe ô tô hiệu Range Rover trị giá hàng tỷ đồng. Chiếc xe này được Luyện dùng để đi tiếp khách, giao dịch.
Theo Danviet
Lan truyền cuốn sách Nguyễn Thái Luyện dạy nhân viên Alibaba 'bí kíp' lừa đảo Trong cuốn sách của mình, Nguyễn Thái Luyện dạy nhân viên nói dối và mượn tiền 100 người thân quen với mục đích dụ dỗ họ mua đất từ dự án "ma" của Alibaba. Mạng xã hội đang lan truyền cuốn sách lưu hành nội bộ của Tập đoàn Địa ốc Alibaba mang tên " Cẩm nang sale bất động sản", được cho...