Vì sao Nguyễn Thị Huyền từ vô danh vụt sáng thành sao châu Á
Một khối lượng tập luyện rất cao, gắn với khát khao và chút buồn tủi, cay cú giúp Huyền vượt ngưỡng.
Chỉ trong đúng 6 tháng, từ một chân chạy gần như vô danh ngay ở tầm Đông Nam Á, Nguyễn Thị Huyền vụt sáng thành ngôi sao của châu lục, một hiện tượng đặc biệt mà hàng thập kỷ điền kinh và thể thao Việt Nam mới có được.
Nguyễn Thị Huyền là hiện tượng kỳ lạ của điền kinh Việt Nam. Ảnh: Kỳ Lân.
Có nhiều điều kỳ lạ phía sau kỳ tích ba HC vàng, hai chuẩn Olympic, một kỷ lục của tuyển thủ 20 tuổi người Nam Định tại SEA Games 28 và ngay sau đó là hai HC vàng ở Grand Prix châu Á. Bởi suốt giai đoạn chuẩn bị trực tiếp trước SEA Games, Huyền chỉ tập huấn trong nước, dưới sự dẫn dắt của một ông thầy nội không mấy tên tuổi. Bởi suốt một thời gian dài Huyền luôn phải đứng sau bóng, cùng cả áp lực lớn từ đồng đội xuất sắc Quách Thị Lan, người đoạt HC bạc Asiad 2014. Trong khi đó, cả bề dày thành tích, kinh nghiệm của Huyền cũng chưa là gì, so với hàng loạt cái tên ở đội tuyển điền kinh.
Thế nhưng, cô gái quê Nam Định đã thành công ngoạn mục, thành công một chắc vững chắc và thuyết phục, mang tính đẳng cấp rõ ràng, chứ không hề có bất cứ dấu ấn của sự may mắn hay xuất thần. Như đánh giá của giới chuyên môn, thông số 56 giây 15 ở nội dung 400m rào (phá kỷ lục SEA Games, vượt chuẩn Olympic) hay 52 giây trên đường chạy 400m (đạt chuẩn Olympic) của Huyền trên đất Singapore, hoàn toàn phản ánh đúng thực lực.
Với kỳ tích của Huyền, theo cách nhìn thông thường, đương nhiên, cô phải có một tố chất và sự khổ luyện đặc biệt mà như chính cô tiết lộ thì bí quyết là “mải miết tập, tập và tập, không sợ khó sợ khổ”. Song chỉ như thế sẽ không thể đưa ra sự lý giải thuyết phục cho kỳ tích khó tin, phần đó có chứa đựng nhiều nghịch lý trong cuộc bùng nổ của Huyền.
Vấn đề quan trọng bậc nhất về chuyên môn với VĐV Nam Định là thời điểm cô bước vào độ chín của mình, sau 7 năm ăn tập kể từ khi được phát hiện tại cuộc đấu Hội khỏe Phù đồng. Hay nói cách khác, tài năng cùng quá trình tích lũy, rèn giũa liên tục, với quyết tâm, nỗ lực cao độ và sự bài bản của Huyền đã đạt tới đỉnh. Không có sự đốt cháy giai đoạn hay đột biến, nhất là khi thực sự về năng khiếu hay yếu tố khác lạ, Huyền cũng chỉ thuộc diện bình thường, chứ chưa có gì so với Vũ Thị Hương, hay kể cả Quách Thị Lan.
Tuy nhiên, thú vị và đáng nể ở việc Huyền đã tạo ra cuộc vượt ngưỡng để mang đến một vị thế, đẳng cấp mới cho mình ở thời gian khoảng một năm rèn chân ở trong nước, với thầy nội và sau hồi phục chấn thương. Các chuyên gia điền kinh nhận xét “cuộc vượt ngưỡng” của nhà vô địch SEA Games đến nhờ ý chí và nội lực phi thường. Dựa trên một nền tảng, quá trình chắc chắn và đầy đủ, cô đã vượt lên một tầm mới bằng một khối lượng tập luyện cao, gắn với khát khao và kể cả một chút buồn tủi, cay cú chính đáng. Hồi đầu năm, theo kế hoạch Huyền sẽ cùng Quách Thị Lan sang Mỹ tập huấn nhưng rốt cuộc chỉ có Lan đi còn Huyền ở nhà.
Nguyễn Thị Huyền và Quách Thị Lan có cuộc ganh đua thú vị giúp điền kinh Việt Nam hưởng trái ngọt. Ảnh:Kỳ Lân.
HLV đội tuyển điền kinh Nguyễn Trọng Hổ nhận xét trong số 4 nữ tuyển thủ có đợt sang Mỹ tập huấn trước Asiad 2014, Huyền chính là người có sự thích nghi sớm và thay đổi rõ nét nhất từ giáo án của chuyên gia, từ những chuyện tưởng như nhỏ nhất như cách khởi động, xuất phát hay tập thể lực, nhóm cơ. Thực tế, ngay tại Đại hội TDTT toàn quốc 2014, Huyền đã hai lần đánh bại Quách Thị Lan ở cả hai cự ly 400m và 400m rào, với thông số ngang ngửa HC vàng SEA Games 27.
Theo VNE
Quách Công Lịch và nỗi khổ yêu đối thủ của em gái
Không biết nên cổ vũ cho em gái Quách Thị Lan hay người yêu Nguyễn Thị Huyền, nhiều lúc nhà vô địch châu Á cự ly 400m chọn cách trốn, không xem hai người thân thương thi đấu.
Quách Công Lịch bên em gái Quách Thị Lan (trái) và người yêu Nguyễn Thị Huyền. Ảnh: FBNV.
Năm 2010, Quách Công Lịch đi thi nhảy cao tại giải Phổ thông trung học tỉnh Thanh Hóa. Dù không được giải, cậu bé sinh ra tại huyện nghèo Ngọc Lặc vẫn lọt vào mắt xanh của các thầy cô nhờ thể hình ấn tượng, được tới tận nhà xin cho lên thành phố ăn tập chuyên nghiệp.
"Sau hai năm ăn tập nhảy cao, đến tháng 2/2012 thầy Lưu Văn Hùng, HLV trưởng điền kinh Thanh Hóa, đề xuất chuyển tôi sang chạy. Thầy muốn tôi đi tập huấn cự ly 400 mét cùng Quách Thị Lan với hy vọng hai anh em cùng kéo nhau lên", Quách Công Lịch chia sẻ với PV.
Đó là quyết định bước ngoặt trong sự nghiệp của Quách Công Lịch. Anh được gọi vào đội tuyển điền kinh Việt Nam, giành HC bạc SEA Games 28 và HC vàng Grand Prix châu Á tại Thái Lan vừa qua. Cũng nhờ điền kinh, chàng trai sinh năm 1994 bén duyên với "cô gái vàng" Nguyễn Thị Huyền - người vừa giành ba HC vàng SEA Games 28, hai HC vàng giải Grand Prix châu Á 2015 và suất dự Olympic 2016.
"Tôi biết Huyền thông qua em gái. Đi tập, thi đấu cùng nhau ở đội tuyển điền kinh nhiều, dần dần hai đứa mến nhau. Tôi yêu Huyền bởi cô ấy hiền lành, lại có nghị lực sống mãnh liệt", Quách Công Lịch kể về câu chuyện tình được các đồng đội gọi là "đẹp nhất làng điền kinh".
Nguyễn Thị Huyền sinh ra đã thiếu sự chăm sóc của cha, chỉ có tình yêu thương của mẹ. Kiếm được bao nhiêu tiền, cô gái sinh ra tại Ý Yên, Nam Định lại gửi về để phụng dưỡng mẹ già 60 tuổi và người chị sinh ra đã kém minh mẫn.
"Yêu Huyền, tôi rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười. Huyền và Lan là đối thủ của nhau ở cả cự ly 400m và 400m rào. Khi họ thi đấu, tôi chẳng biết phải cổ vũ cho ai nữa. Hôm Huyền giành HC vàng 400m rào tại Singapore, cô ấy hỏi sao tôi không vui lắm. Tôi không biết trả lời thế nào bởi nếu tỏ ra hồ hởi thì biết ăn nói sao với em gái. Nhiều lúc bí quá, tôi chọn cách trốn, không cổ vũ ai cả", Quách Công Lịch vừa cười vừa chia sẻ về cái khó xử của anh.
"Đổi lại, đôi khi tôi cũng được hưởng niềm vui hạnh phúc khi cả người yêu lẫn em gái động viên. Tại SEA Games 28, tôi đã dẫn đầu cự ly 400m nam nhưng cuối cùng chịu thua sự tinh quái của đối thủ Thái Lan ở mét đích cuối cùng và đánh mất tấm HC vàng tưởng nằm trong tầm tay. Trên xe về khách sạn, tôi đã bật khóc vì tiếc nuối. May lúc đó có cả em gái và người yêu động viên nên tôi mới bình tâm lại được. Tại giải Grand Prix châu Á vừa qua, cũng nhờ họ động viên mà tôi quên đi được nỗi ám ảnh trên đất Singapore để giành HC vàng ở chặng ba".
Chạy trả nợ ngân hàng cho bố mẹ
Quách Công Lịch sinh ra trong một gia đình thuần nông, khó khăn ở Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Thương bố mẹ phải đội nắng mưa làm đồng, đi làm phụ hồ... ngay từ bé cứ sau buổi học anh lại tranh thủ đi chăn trâu, mò cua, bắt ốc để phụ giúp. Lịch từng mơ ước trở thành bác sĩ, sẽ có nhiều tiền để bố mẹ được an hưởng tuổi già nhưng cuối cùng chọn nghiệp vận động viên điền kinh để nhanh có tiền hơn.
Quách Công Lịch đang phấn đấu để giành vé dự Olympic 2016 tại Brazil cùng người yêu. Ảnh: Đức Đồng.
"Tôi mới chạy chưa được bao lâu, năm nay mới có thành tích nên khoản tích góp chưa được nhiều. Gia đình vẫn phần lớn trông vào thu nhập của em gái Quách Thị Lan. Niềm hạnh phúc lớn nhất của anh em tôi là kiếm được khoản tiền nho nhỏ, giúp bố mẹ trả món nợ ngân hàng đã vay để sửa nhà, mua máy xát gạo... Chạy đã giúp gia đình tôi đổi đời. Nếu không có những đồng tiền kiếm được từ điền kinh, không biết đến bao giờ bố mẹ tôi mới trả được nợ ngân hàng bởi ở quê, làm nông giờ chẳng kiếm được bao nhiêu", Quách Công Lịch chia sẻ.
Sau thành công tại SEA Games 28 và giải châu Á. Quách Công Lịch và Quách Thị Lan được về nhà nghỉ vài ngày. Niềm hạnh phúc của họ là được xà vào lòng bố mẹ, ăn những bữa cơm đạm bạc nhưng đầm ấm. Sắp tới, hai anh em sẽ sang Mỹ tập huấn dài hạn, với mục tiêu lấy vé dự Olympic 2016 tại Brazil.
Theo VNE
Tình yêu lãng mạn của hoa khôi điền kinh và hot boy xứ Mường Nguyễn Thị Huyền và Quách Công Lịch đang cùng nhau tỏa sáng trên đường chạy. Kể từ SEA Games 28, trong làng thể thao Việt, mọi người dành sự quan tâm đặc biệt tới hai tuyển thủ điền kinh Nguyễn Thị Huyền (Nam Định) và Quách Công Lịch (Thanh Hóa). Ngoài lý do họ là hai ngôi sao đang lên, đây là cặp...