Vì sao người Việt chỉ cao thêm 1cm trong 10 năm?
Chiều cao nam thanh niên Việt Nam hiện thấp hơn chuẩn quốc tế 13,1cm, nữ thấp hơn 10,7cm. Điều này đã phản ánh một thực tế chế độ dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Vi chất nào cũng thiếu
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có khoảng 29,5% số trẻ dưới 5 tuổi ở các nước đang phát triển bị suy dinh dưỡng, thấp còi; tại Việt Nam, năm 2013, tỷ lệ này là 25,9%. PGS-TS Lê Bạch Mai – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia – cho biết, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở nước ta vẫn còn ở mức cao. Theo kết quả điều tra của Viện Dinh dưỡng, cứ hơn 6 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị thiếu cân; cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị thấp còi. Thực trạng thiếu vi chất ở trẻ em cũng rất đáng lo ngại. 44% số trẻ dưới 23 tháng tuổi bị thiếu máu cao, 28% số trẻ 24-35 tháng tuổi bị thiếu máu. Có tới 42% số trẻ bị thiếu máu có nguyên nhân từ thiếu sắt. Tình trạng thiếu kẽm ở trẻ em mấy năm gần đây là vấn đề sức khỏe được quan tâm. Có khoảng 25-40% số trẻ bị thiếu kẽm. Hằng năm, ngành y tế đều có chiến dịch cho trẻ uống vitamin A, nhưng vẫn có khoảng 15% số trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu vitamin A tiền lâm sàng. Đặc biệt, tỉ lệ thiếu vitamin D ở trẻ em theo nhiều nghiên cứu gần đây là rất cao. Khoảng 60% số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và trẻ nhỏ thiếu viatmin D. Theo các điều tra, các thực phẩm giàu vitamin D, canxi như cá, đậu được tiêu thụ ở trẻ em chỉ khoảng 11%, các sản phẩm từ sữa được tiêu thụ hằng ngày ở trẻ em chỉ khoảng 19%.
Cho trẻ em uống vitamin A để trẻ phát trẻ tốt.
Theo thống kê của WHO, sự thiếu hụt về dinh dưỡng là nguyên nhân gây ra hơn 50% số trường hợp tử vong của trẻ dưới 5 tuổi trên toàn cầu; khoảng 12% số trường hợp tử vong do thiếu 4 loại vi chất dinh dưỡng phổ biến, gồm: Sắt, vitamin A, iốt và kẽm. Suy dinh dưỡng ở trẻ gây ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển về thể lực, trí lực, làm gia tăng các bệnh mạn tính không lây, trở thành rào cản đối với sự phát triển của đất nước.
Video đang HOT
Bữa ăn vẫn thiếu chất
Theo khảo sát, khẩu phần ăn hằng ngày của trẻ 1-3 tuổi chỉ đáp ứng được 60,3% nhu cầu canxi và 10,6% nhu cầu vitamin D. Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, chế độ dinh dưỡng quyết định 37% sự phát triển chiều cao, thể chất của trẻ, hơn cả yếu tố di truyền. Tuy nhiên, trong cách nuôi dưỡng trẻ hiện nay, nhiều bà mẹ đã bỏ qua “cơ hội vàng” này. Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, bữa ăn của trẻ hiện đã được cải thiện về chất lượng mới chỉ tăng về lượng thịt, lượng rau nhưng vẫn không đầy đủ đã hạn chế quá trình hấp thu canxi. Nhiều phụ huynh lại “nhồi nhét” cho trẻ quá nhiều, thường vào bữa tối khiến trẻ thừa cân, béo phì. Cho con ăn thỏa thích các loại đồ uống có gas, thức ăn nhanh, các loại bánh kẹo… cũng là nguyên nhân khiến trẻ hạn chế phát triển chiều cao và dễ dẫn tới béo phì. PGS Bạch Mai nhận định, khẩu phần ăn của trẻ hiện ít rau, dẫn đến tình trạng trẻ bị thiếu các loại vitamin, khoáng chất thiết yếu, chất xơ. Chế độ ăn uống của trẻ quyết định đến sự phát triển chiều cao. Trẻ không bị suy dinh dưỡng, thấp còi thì chiều cao khi trưởng thành có thể đạt 1,7m, nhưng nếu bị thấp còi thì chiều cao khi trưởng thành chỉ là 1,58m. Vì vậy, chế độ dinh dưỡng hợp lý, đáp ứng đầy đủ vi chất quan trọng cho trẻ từ giai đoạn thai nhi đến tuổi trưởng thành là rất quan trọng.
Để phòng chống sự thiếu vi chất dinh dưỡng, bữa ăn của trẻ cần đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm, chú ý sử dụng các loại thực phẩm có bổ sung vi chất dinh dưỡng. Cụ thể, cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; thêm mỡ hoặc dầu để tăng hấp thu vitamin A, vitamin D; cho trẻ em trong độ tuổi quy định uống vitamin A liều cao 2 lần/năm. Bà mẹ sau sinh 1 tháng được uống một liều vitamin A; trẻ từ 24 – 60 tháng tuổi cần được uống thuốc tẩy giun 2 lần/năm. Phụ nữ trước và trong khi mang thai cần uống viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất; sử dụng muối iốt và các sản phẩm có bổ sung iốt trong bữa ăn hằng ngày.
Theo Trí Thức Trẻ
Khoảng 5 triệu trẻ em sẽ được bổ sung vitamin A
Ngày 21/5, tại Hà Nội, Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) đã tổ chức họp báo về chiến dịch truyền thông "Ngày vi chất dinh dưỡng" (diễn ra trong ngày 1 và 2/6).
Phó giáo sư-tiến sỹ Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế), cho biết việc bổ sung vitamin A nhân "Ngày vi chất dinh dưỡng" năm 2014 sẽ diễn ra từ ngày 1-2/6 trên toàn quốc. Theo đó, khoảng 5 triệu trẻ em từ 6-36 tháng tuổi và 863.000 bà mẹ sau đẻ trong vòng một tháng của 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc sẽ được bổ sung uống viên nang vitamin A.
Bổ sung vitamin A cho trẻ trên toàn quốc. Ảnh minh họa.
"Ngày vi chất dinh dưỡng" năm 2014 có chủ đề "Vi chất dinh dưỡng cần thiết cho tăng trưởng, nâng cao sức khỏe, trí tuệ và chất lượng cuộc sống" được tổ chức với các hoạt động như bổ sung vitamin A đợt một cho trẻ từ 6-60 tháng tuổi tại 22 tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi cao; trẻ từ 6-36 tháng tuổi tại 41 tỉnh còn lại; trẻ em dưới 5 tuổi mắc các bệnh nhiễm trùng và bà mẹ sau khi sinh con trong vòng một tháng; truyền thông phòng chống suy dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng tại 63 tỉnh, thành phố...
Dự kiến đợt này có khoảng 5 triệu trẻ em từ 6-36 tháng tuổi và 863.000 bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng của 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc sẽ được bổ sung uống viên nang vitamin A. Riêng 22 tỉnh khó khăn sẽ có khoảng 880.000 trẻ từ 37-60 tháng tuổi được uống vitamin A.
Đối với Việt Nam, tình trạng thiếu vitamin A, thiếu sắt và thiếu iốt đã giảm nhiều trong những năm qua nhưng vẫn là mối đe dọa tiềm ẩn đối với tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe người dân, nhất là trẻ em.
Tại Việt Nam (năm 2013) có gần 26% trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi; tức là cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có một trẻ bị thấp còi. Hầu hết các trường hợp thấp còi xảy ra khi trẻ nhỏ hơn 3 tuổi. Bốn vi chất dinh dưỡng thường bị thiếu nhiều nhất là sắt, vitamin A, iốt và kẽm. Suy dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng ở bà mẹ và trẻ em ảnh hưởng tới gần một nửa dân số thế giới với các hậu quả như thai nhi kém phát triển, bà mẹ dễ bị sinh non, sinh thiếu cân, thiếu máu và các bệnh mãn tính khác (thừa cân béo phì, tăng huyết áp, tim mạch...).
Để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng bao gồm các tiếp cận dựa vào thực phẩm, tăng cường vi chất vào thực phẩm và bổ sung vi chất dinh dưỡng. Đặc biệt, công tác truyền thông giáo dục đóng vai trò quan trọng nhằm nâng cao kiến thức và thực hành dinh dưỡng đúng trong phòng chống các bệnh do thiếu vi chất dinh dưỡng, đa dạng bữa ăn, sử dụng các thực phẩm giàu vi chất (giàu vitamin, sắt, kẽm...). Các bà mẹ nên cho trẻ bú sớm, bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu đời và chú ý sử dụng các thực phẩm có bổ sung vi chất dinh dưỡng.
Hà Nội: Phấn đầu đạt tỷ lệ 99,8%
Được biết, Sở Y tế Hà Nội cũng đã tổ chức hội nghị triển khai "Ngày vi chất dinh dưỡng" năm 2014 đến tất cả quận, huyện, thị xã trên địa bàn.
Theo đó, Hà Nội phấn đấu đạt tỷ lệ 99,8% trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi được uống vitamin A liều cao; ngoài ra, bảo đảm trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ cao mắc sởi, sốt phát ban, suy dinh dưỡng, viêm đường hô hấp, tiêu chảy, trẻ dưới 6 tháng không được bú sữa mẹ và bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng được uống vitamin A liều cao.
Chiến dịch được triển khai thành hai đợt. Đợt một từ ngày 1 đến 2/6 (uống vét đến ngày 5/6); đợt hai từ ngày 2 đến 3/12.
Vnmedia
Bữa ăn gia đình, học đường thiếu dinh dưỡng Cuộc sống hiện đại, con người ta luôn tất bật, nhiều bà mẹ không còn thời gian để chăm lo bữa ăn cho gia đình tươm tất. Điều này đã ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Từ bữa ăn ở gia đình bận rộn... Mỗi sáng trước giờ học, đến các trường tiểu học, THCS ở TPHCM, chúng ta thường bắt...