Vì sao người Mỹ yêu quý ông John McCain?
Trong nhiều năm phục vụ nước Mỹ với tư cách là một thượng nghị sĩ, ông John McCain được kính trọng bởi quan điểm và lý tưởng sống.
Thượng nghị sĩ quá cố John McCain (Ảnh: AZR)
Từ khi bắt đầu bước chân vào chính trường Mỹ từ năm 1982, ông John McCain luôn tâm niệm rằng với cương vị là một chính trị gia, ông luôn phải tận tụy hoàn thành mọi nghĩa vụ để mang lại những lợi ích và giá trị cho nước Mỹ. Theo nhà báo John Raidt của Politico, động lực để cho ông cần cẫn trong hơn 30 năm qua chính là sự tin tưởng tuyệt đối vào giá trị của nền dân chủ Mỹ.
Trong suốt từng đó năm, ông đã kiên trì chống lại nạn buôn người và những hành động vi phạm nhân quyền. Ông đã đấu tranh những hành động thiếu nhân đạo với con người, bao gồm vấn nạn bạo hành và đối xử bất công với người Mỹ bản địa. Ông dẫn đầu chiến dịch nhằm làm giảm sự ảnh hưởng của tiền tài trợ trong các hoạt động bầu cử, sự lãng phí trong nền quốc phòng Mỹ, vấn đề biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường…
Ngay từ đầu, quan điểm chính trị của ông McCain đã được hình thành bởi bộ ba giá trị mang lại sự tiến bộ cho con người: quyền, trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm với xã hội của công dân. Những chính sách và định hướng mà ông McCain đưa ra trong suốt khoảng thời gian làm chính trị đều tuân thủ theo những nguyên tắc trên và ông rất quyết liệt khi bảo vê niềm tin của bản thân.
Theo nhà báo John Raidt, ông McCain đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng di sản lớn nhất mà ông để lại là những giá trị về đạo đức. Có thể, đôi khi ông sẽ có những khoảnh khắc mất bình tĩnh, vượt quá những giới hạn cho phép khi tranh luận về những ý kiến đối lập, nhưng ông không bao giờ thiếu đi sự công bằng khi xét đoán một vấn đề và không quên đối tượng duy nhất mà ông phụng sự suốt cuộc đời chính là nước Mỹ. Ông Raidt đã tổng hợp lại những di sản đạo đức mà ông McCain đã để lại.
Lắng nghe một cách chủ động. Ông McCain luôn là người biết lắng nghe, lắng nghe với sự tập trung cao độ để có thể đưa ra phản hồi. Trong những buổi điều trần trên quốc hội hay những cuộc hội thoại hàng ngày, người ta có thể thấy ông McCain luôn cố gắng tiếp nhận mọi câu nói và ý tưởng. Ông “khao khát” được biết người khác đang nghĩ gì và lý do vì sao, ngay cả khi họ bất đồng quan điểm với ông.
Không ngừng học hỏi. Ông McCain luôn “tò mò” về kiến thức và không bao giờ ngừng học hỏi để tiếp nhận những điều mới. Ông không bao giờ cho rằng cấp bậc và thâm niên là yếu tố đánh giá trí tuệ của một con người. Tại văn phòng, hình ảnh ông McCain vùi đầu vào những chồng báo đã trở nên quen thuộc. Ông cũng rất thích đọc sách, tìm tòi tri thức mới. Ông coi việc gặp gỡ người khác là cơ hội để học hỏi.
Video đang HOT
Nhiệt tình giao tiếp. Ông McCain có thể trò chuyện, tiếp xúc với bất cứ ai, bất kể cấp bậc hay địa vị của họ là gì. Đó không phải là chiến thuật, mà dường như là khuynh hướng bẩm sinh. Với Thượng nghị sĩ này, mọi người đều ẩn chứa bên trong một giá trị nào đó xứng đáng để tìm tòi.
Lòng nhiệt huyết. Sự nghiệp chính trị của ông McCain là minh chứng rõ ràng nhất cho đức tính này. Ông luôn quan tâm một cách sâu sắc đến các vấn đề, từ đó luôn hết mình giải quyết, với tư tưởng phục vụ và cống hiến cho nước Mỹ. Ông luôn tuân thủ một cách chặt chẽ những mục tiêu mà ông đã đặt ra từ đầu, phấn đấu vì những giá trị mà ông tin tưởng,
Làm việc không biết mệt mỏi. Nhà báo John Raidt cho rằng sự chăm chỉ đáng ngưỡng mộ của ông McCain là một trong những di sản đạo đức đáng trân trọng. Trong lần tranh cử đầu tiên vào quốc hội, đôi giày của ông McCain đã bị thủng do ông di chuyển quá nhiều. Vợ ông, Cindy McCain, thậm chí đã mạ đồng vào đôi giày. Trong nhiều năm, gia đình McCain đã đặt đôi giày trên lò sưởi như một lời nhắc nhở rằng sự chăm chỉ và tận tâm đã làm nên thành tựu to lớn.
Hợp tác nhiệt tình. Phong cách quân đội dường như có ảnh hưởng tới cách sống và làm của ông McCain khi ông vốn là con nhà binh và bản thân ông cũng là một cựu chiến binh. Ông hiểu rằng nếu con người chỉ đơn độc một mình thì sẽ khó đạt được thành tựu to lớn. Ông đánh giá cao vai trò của các thành viên trong một đội, dù đó chỉ là vai trò nhỏ bé. Trong giao tiếp hàng ngày với đội ngũ dưới quyền, ông thường dùng từ “chúng ta” thay vì từ “tôi”. Với ông, thành công của cá nhân chính là thành công của cả tập thể và ngược lại.
Bảo vệ phe thiểu số. Là một chính trị gia, việc đảng của mình chiếm ưu thế hay thất thế trước đảng đối thủ là chuyện thường tình, nhất là với Thượng nghị sĩ đã có 6 nhiệm kỳ như ông McCain. Tuy nhiên, ông McCain luôn quan niệm rằng dù bất cứ ai thuộc phe thiểu số hay phe đa số, họ đều có quyền được phát biểu, đóng góp về luật pháp và chính sách. Ông sẵn sàng đứng lên để bảo vệ quyền được đưa ra ý kiến của mọi nghị sĩ vì ông luôn đặt lợi ích của nước Mỹ lên trên lợi ích của đảng phái. Chính vì vậy, ông McCain có thể ủng hộ đảng đối lập nếu những chính sách, đề xuất họ đưa ra phù hợp với niềm tin của ông và mang lại giá trị cho nước Mỹ. Là một đảng viên Cộng hòa nhưng ông McCain duy trì những mối quan hệ thân thiết với những chính trị gia đảng Dân chủ như Joe Lieberman, Joe Biden, Ted Kennedy và Sheldon Whitehouse. Họ có thể tranh cãi gay gắt trong công việc, nhưng sau đó có thể bắt tay và cười với nhau sau khi kết thúc tranh luận.
Lòng biết ơn chân thành. Ngay cả trong những tháng cuối cùng chống chọi với căn bệnh ung thư não quái ác, ông McCain với cương vị Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện không bao giờ đề cập tới bệnh tật, những nỗi đau, hay sự thất vọng và hối tiếc trong cuộc sống. Ông vẫn cùng các đồng nghiệp ở Thượng viện suy nghĩ về tương lai, về những dự định mà ông ấp ủ nhưng chưa hoàn thành. Với chính trị gia này, ông trân trọng tất cả những con người từng gặp, những trải nghiệm từng trải qua, những buồn bực, niềm vui, hạnh phúc. Tất cả những khoảnh khắc này đã góp phần tạo nên một cuộc đời đầy ý nghĩa của chính trị gia kỳ cựu người Mỹ.
Đức Hoàng
Theo Dantri/ Politico
Thượng nghị sĩ John McCain và mối duyên nợ đặc biệt với Việt Nam
Ngoài là một trong những người có tầm ảnh hưởng hàng đầu tới nền chính trị Mỹ, Thượng nghị sĩ quá cố John McCain còn là một người Mỹ có rất nhiều mối lương duyên với Việt Nam.
Thượng nghị sĩ quá cố John McCain. (Ảnh: Reuters)
Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, Thượng nghị sĩ Mỹ 6 nhiệm kỳ, cựu ứng viên tổng thống Mỹ John McCain đã qua đời ngày 25/8 tại nhà riêng ở tuổi 81. Có thể nói, ông McCain đã dành cả cuộc đời để cống hiến cho nước Mỹ và sự ra đi của thượng nghị sĩ kỳ cựu gây ra những mất mát không thể bù đắp cho gia đình cũng như chính trường Mỹ.
"Trái tim tôi đã tan vỡ. Tôi thật may mắn khi đã đồng hành với người đàn ông tuyệt vời này trong 38 năm qua. Ông ấy đã ra đi theo cách ông ấy sống, với những người thân yêu xung quanh, tại nơi mà ông ấy thích nhất", bà Cindy McCain, vợ ông John McCain, viết trên mạng xã hội Twitter sau sự ra đi của chồng.
Theo Reuters, ông McCain từng tham chiến ở Việt Nam với vai trò là một Thiếu tá phi công hải quân Mỹ và từng là tù binh chiến tranh tại nhà tù Hỏa Lò trong 5 năm rưỡi cho đến khi được thả năm 1973 sau khi Hiệp định Paris được ký kết.
Sau khi giải ngũ khỏi hải quân, ông McCain bắt đầu tham gia vào con đường chính trị từ năm 1981, trở thành Thượng nghị sĩ Mỹ vào năm 1986. Ông từng thất bại trong 2 cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2000 và 2008 trước cựu Tổng thống George W. Bush và Barack Obama.
Theo Fox News, những trải nghiệm từ Việt Nam dường như đã khiến ông McCain có cái nhìn khác về chiến tranh. Trong những năm tháng làm chính trị, ngoài những vấn đề nội bộ của Mỹ, ông McCain luôn thúc đẩy Mỹ và Việt Nam hướng tới bình thường hóa quan hệ, gạt bỏ quá khứ, nhìn về tương lai. Ông và cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry được xem là 2 nhân vật tích cực nhất trong việc vấn động chính quyền Mỹ xây dựng quan hệ với Việt Nam.
Theo đó, ông McCain đã hối thúc 2 bên thực hiện các hoạt động nhân đạo như rà phá bom mìn, chất nổ hậu chiến tranh, tìm người mất tích, hỗ trợ nạn nhân chiến tranh... Ông cũng thường xuyên thực hiện các chuyến thăm tới Việt Nam. Có thể nói, những nỗ lực không ngừng nghỉ của ông McCain đã góp phần cho việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Mỹ vào năm 1994 cũng như tiến tới mối quan hệ đối tác toàn diện từ năm 2013.
Ngoài ra, về vấn đề Biển Đông, ông McCain cũng là người có tiếng nói cứng rắn với tham vọng bành trướng của Trung Quốc tại khu vực. Ông đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích động thái đi ngược luật lệ, luật pháp quốc tế của Bắc Kinh nhằm "độc chiếm Biển Đông". Ông cũng từng nói rằng Mỹ cam kết sẽ đồng hành cùng Việt Nam đối phó sự bành trướng của Trung Quốc.
Thượng nghị sĩ quá cố McCain chụp hình cùng Cựu Đại sứ Mỹ Ted Osius ở hồ Trúc Bạch trong chuyến thăm Việt Nam của ông McCain năm 2015 (Ảnh: Facebook/Ted Osius)
Tại chính trường Mỹ, theo Reuters, ông McCain là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất. Ông đã góp phần trong việc tìm hướng giải quyết cho hàng loạt vấn đề nước Mỹ đã và đang đối mặt như nhập cư, biến đổi khí hậu, tài chính, quân sự.
Trong cuốn hồi ký xuất bản năm 2002, ông McCain viết: "Tôi là một công chức nhà nước có tư duy độc lập, tận tụy, mẫn cán". Ông cũng đã từng nhiều lần bỏ phiếu chống các dự luật do đảng Cộng hòa của ông khởi xướng, động thái cho thấy quan điểm mạnh mẽ, và lối tư duy vì lợi ích nước Mỹ của chính trị gia kỳ cựu.
Ông McCain là người phản đối hàng loạt các chính sách của chính quyền Tổng thống Trump, trong đó có chính sách nhập cư quá cứng rắn, hay quan điểm đối đầu của ông Trump với giới truyền thông.
Thượng nghị sĩ quá cố John McCain sinh ngày 29/8/1936. Tháng 7 năm ngoái, ông đã bị phát hiện mắc bệnh ung thư não sau khi phẫu thuật loại bỏ cục máu đông ở mắt. Sau 10 tháng kiên trì điều trị nhưng vẫn mẫn cán hoàn thành các công việc tại chính trường Mỹ, ông McCain đã dừng trị liệu do bệnh tình biến chuyển quá nặng và sức khỏe ông quá yếu để tiếp tục điều trị.
Đức Hoàng
Tổng hợp
Theo Dantri
Thượng Nghị sĩ Mỹ John McCain từ bỏ điều trị ung thư não Thượng nghị sĩ John McCain đã quyết định dừng điều trị ung thư não sau hơn một năm chiến đấu. Thượng Nghị sĩ Mỹ John McCain. Ảnh: Getty. Thông tin do gia đình Thượng nghị sĩ John McCain công bố hôm 24.8. "Mùa hè năm ngoái, Thượng nghị sĩ John McCain đã chia sẻ với người dân Mỹ thông tin: Ông được chẩn...