Vì sao người Mỹ giúp Ấn Độ có tàu sân bay tốt hơn Trung Quốc?
Người Mỹ đang đáp lại những lời cáo buộc rằng cường quốc số một thế giới này đang bị chìm vào vấn đề đàm phán hạt nhân ở Iran và lãng quên mất những sự kiện nóng ở khu vực châu Á -Thái Bình Dương.
Người Mỹ đang đáp lại những lời cáo buộc rằng cường quốc số một thế giới này đang bị chìm vào vấn đề đàm phán hạt nhân ở Iran
Và cách đáp lại của Washington cũng nặng cân không kém so với những động thái mà đối thủ của nước này là Trung Quốc gây ra trong khu vực thời gian vừa qua. Trung Quốc tranh thủ tăng cường xây dựng căn cứ trên các đảo ở biển Đông thì Mỹ đáp lại bằng việc bán các công nghệ tàu sân bay tối tân nhất cho Ấn Độ.
Người Mỹ đang chứng tỏ một điều rằng, mọi động thái của Trung Quốc đều nằm trong khả năng tính toán của Washington và Mỹ sẽ luôn có cách đáp trả xứng đáng để duy trì sự cân bằng quyền lực và sự ổn định trong khu vực.
Video đang HOT
Trong bàn cờ địa chính trị ở khu vực châu Á Thái Bình Dương của Mỹ, Ấn Độ là một trong những yếu tố quan trọng nhất để tạo nên một hệ thống dày đặc vây quanh Trung Quốc để kiềm chế sự trỗi dậy của đất nước đông dân nhất thế giới này. Về cơ bản, hai đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở châu Á Thái Bình Dương là Nhật Bản và Hàn Quốc chưa đủ tiềm lực để có thể đối chọi với Trung Quốc một cách độc lập về lâu dài.
Còn Mỹ thì không thể thường xuyên duy trì sự hiện diện của mình trong mọi vấn đề tranh chấp ở khu vực có dính líu đến Trung Quốc. Nước duy nhất có thể đủ khả năng và tiềm lực để trở thành đối trọng lớn nhất với Trung Quốc về lâu dài chỉ có thể là Ấn Độ, và người Mỹ đã nhanh chóng thiết lập những nền tảng vững chắc nhất để đưa Ấn Độ trở thành đối trọng ấy.
Vào những năm cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, khi mà sự trỗi dậy về kinh tế và chính trị của Trung Quốc là điều không còn phải hồ nghi, thì cũng là lúc người Mỹ dành ưu tiên tối đa cho vấn đề đưa Ấn Độ trở thành đối trọng lớn nhất của Trung Quốc trong tương lai. Khi tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố chiến lược xoay trục về châu Á, cũng là lúc những hiệp định quan trọng giữa Mỹ và Ấn Độ được hình thành.
Điển hình trong số đó là thỏa thuận hạt nhân, trong đó Mỹ có thể cung cấp cho Ấn Độ những công nghệ mới nhất trong lĩnh vực này, bề ngoài là vì mục đích dân sự nhưng ai cũng hiểu rằng với công nghệ này Ấn Độ có thể đủ sức phát triển những loại vũ khí hạt nhân cần thiết. Dĩ nhiên không phải để trở thành một mối đe dọa mới ở châu Á như Iran, mà là trở thành một đối trọng đủ lớn với Trung Quốc khi giờ đây hai quốc gia lớn nhất châu Á đều cân bằng nhau trong vấn đề sở hữu loại vũ khí này.
Kể từ sau những thỏa thuận đầu tiên về vấn đề hạt nhân, Ấn Độ đang ngày càng tăng cường sự hiện diện và tầm ảnh hưởng của mình vào những vấn đề ở khu vực châu Á Thái Bình Dương đang dính líu tới Trung Quốc. Các nước ASEAN đều hiểu rằng sự có mặt của Ấn Độ trong những vấn đề khu vực có thể giúp kiềm chế Trung Quốc, nên không ngần ngại mời các nước có thể giúp tái cân bằng quyền lực như Ấn Độ hay Nhật Bản tham gia.
Mối quan tâm đến những vấn đề ở biển Đông của Ấn Độ hay Nhật Bản cũng đang nhanh chóng tăng lên, khi mà Nhật Bản tuyên bố sẽ xem xét việc tạo các tuyến đường mới của tàu tuần tra nước này vòng xuống biển Đông, còn Ấn Độ với hai tàu sân bay có thể di chuyển đến đây bất cứ lúc nào.
Cả Ấn Độ và Nhật Bản đều hiểu rõ rằng, sự hiện diện của họ ở biển Đông có thể giúp ích cho những vấn đề tranh chấp của hai nước này với Trung Quốc, khi nó sẽ làm tăng áp lực buộc Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đến tình hình biển Đông, và làm giảm áp lực ở biển Hoa Đông với Nhật Bản và tranh chấp trên đất liền với Ấn Độ.
Việc Mỹ tuyên bố bán những thiết bị tối tân nhất trang bị trên các tàu sân bay cho Ấn Độ vì thế là một động thái trực tiếp gia tăng tầm ảnh hưởng của hải quân Ấn Độ, để đáp trả lại việc Trung Quốc tranh thủ Mỹ bận bịu với vấn đề Iran để xây dựng trên các đảo đang tranh chấp ở biển Đông.
Các tàu sân bay chính là yếu tố chủ chốt nhất để Ấn Độ gây áp lực với Trung Quốc trên biển Đông, vì tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước này là nằm trên đất liền và hải quân không có nhiều tác dụng. Việc Mỹ bán các thiết bị tối tân cho tàu sân bay của Ấn Độ, vì thế cũng đồng nghĩa với việc gia tăng tầm ảnh hưởng và sức mạnh của các tàu sân bay này đối với những động thái gia cố các đảo ở biển Đông của Trung Quốc gần đây.
Một trong những thiết bị tối tân nhất mà Mỹ chấp nhận bán cho Ấn Độ lần này là hệ thống phóng máy bay điện từ EMALS. Với thiết bị này, các tàu sân bay của Ấn Độ có thể đạt được sự linh hoạt lớn hơn tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc rất nhiều. Nó cho phép triển khai các phi cơ trên các tàu sân bay nhanh hơn, và tăng tầm hoạt động trên một phạm vi rộng lớn hơn.
Sức mạnh của một tàu sân bay nói chung phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ triển khai và phạm vi hoạt động của các phi cơ trên tàu. Nói cách khác, thiết bị này sẽ tạo ra một khoảng cách đáng kể giữa sức chiến đấu của các tàu sân bay Ấn Độ với tàu sân bay Trung Quốc, tạo ưu thế đáng kể cho các tàu sân bay của Ấn Độ trong các cuộc tranh chấp hay xung đột có thể diễn ra trên biển Đông.
Vì thế, dễ hiểu khi Trung Quốc đang tỏ ra rất tức giận với việc Mỹ bán các thiết bị tối tân cho các tàu sân bay Ấn Độ. Lời tuyên bố của thứ trưởng quốc phòng Mỹ Frank Kendall, người đứng đầu ủy ban hợp tác công nghệ và thương mại quốc phòng Mỹ – Ấn, còn đang khiến Bắc Kinh điên tiết hơn. Ông này tuyên bố “Chúng tôi không thấy có gì trở ngại trong việc cung cấp các thiết bị tối tân nhất trên tàu sân bay cho Ấn Độ, họ chỉ cần nói ra công nghệ họ cần”.
Lời tuyên bố này cũng đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ không có bất cứ một hạn chế nào đối với các yêu cầu của Ấn Độ về các thiết bị tối tân nhất. Bất cứ thứ gì Ấn Độ muốn, Mỹ sẽ đáp ứng. Miễn là để phục vụ cho việc duy trì sự ổn định và cân bằng quyền lực ở biển Đông – điều mà Trung Quốc không được phép động đến.
Theo Một Thế Giới