Vì sao người dân “thờ ơ” với gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng?
Tổng tiền gửi của dân cư tại hệ thống các tổ chức tín dụng chỉ tăng vẻn vẹn 2,9% kể từ đầu năm đến nay, mức tăng trưởng thấp nhất trong lịch sử thống kê về tiền gửi giai đoạn 2012 – 2021.
Người dân gửi 795.000 tỷ trong ngân hàng với lãi suất gần 0%
Trong báo cáo vừa cập nhật của Công ty Chứng khoán SSI, các chuyên gia từ Công ty chứng khoán này cho biết, việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục khẳng định chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ được duy trì và Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm nới hạn mức tín dụng đối với các ngân hàng có chất lượng tài sản và các chỉ số an toàn tốt. Nhờ vậy, mặt bằng lãi suất tiết kiệm và cho vay vẫn ở mức thấp như hiện tại.
Hiện mặt bằng lãi suất tiết kiệm dao động từ 3 – 4% đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7 – 5% đối với kỳ hạn 6 – 12 tháng và 4,2 – 6,5% đối với kỳ hạn trên 12 tháng, trong khi lãi suất cho vay dao động từ 5 – 7% đối với khoản vay ngắn hạn và 9-11% đối với khoản vay trên 12 tháng.
Tổng phương tiện thanh toán và Tiền gửi tiết kiệm của khách hàng tại TCTD. (Nguồn: SBV)
Về lãi suất huy động, theo các chuyên gia tăng trưởng tiết kiệm giảm rõ rệt kể từ tháng 4/2021 trong bối cảnh tiền gửi khu vực dân cư có xu hướng giảm.
Cụ thể, tổng lượng tiền gửi trong nền kinh tế đạt 10,5 triệu tỷ đồng tính đến hết tháng 9, tăng 11,2% so với cùng kỳ (thấp hơn so với mức 12,6% vào năm 2020), chủ yếu là do mức tăng trưởng sụt giảm mạnh từ tiền gửi khu vực dân cư.
Theo đó, tăng trưởng huy động khu vực dân cư này chỉ tăng trung bình khoảng 4% trong năm 2021, giảm từ mức 7,5% vào năm 2020 khi môi trường lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở mức thấp trong lịch sử.
SSI cho rằng, trong giai đoạn 2 tháng cuối năm, tăng trưởng tổng tiền gửi sẽ không có nhiều yếu tố đột biến khi cân nhắc tới yếu tố mùa vụ. Tuy nhiên, một điểm cần lưu ý là tăng trưởng kinh tế 2020-2021 ở mức thấp, nhiều khả năng ảnh hưởng tới mức tích lũy của người dân nói chung, do đó cũng khó có thể kỳ vọng mức độ tăng trưởng tiền gửi của khu vực dân cư có thể quay lại mức trước khi có đại dịch Covid-19 một cách nhanh chóng.
Video đang HOT
Số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, tổng tiền gửi của dân cư tại thời điểm cuối tháng 9/2021 tiếp tục giảm 2.500 tỷ đồng trong tháng 8, tháng 9, xuống còn hơn 5,291 triệu tỷ đồng,
Với kết quả này, tổng tiền gửi của dân cư tại hệ thống các tổ chức tín dụng chỉ tăng vỏn vẹn 2,9% kể từ đầu năm đến nay – mức tăng trưởng thấp nhất trong lịch sử thống kê về tiền gửi giai đoạn 2012 – 2021. Rõ ràng, lãi suất huy động duy trì ở mức thấp khiến cho người dân ngày càng “thờ ơ” với kênh gửi tiết kiệm.
Người dân để gần 795.000 tỷ trong ngân hàng với lãi suất gần 0%. (Nguồn: SBV)
Mặc dù vậy, đến cuối quý III/2021, số dư tiền gửi thanh toán của cá nhân tại các ngân hàng lại tăng mạnh lên gần 795.000 tỷ đồng, với 110,92 triệu tài khoản thanh toán.
Đây là các khoản tiền gửi không kỳ hạn đang hoạt động mở tại ngân hàng để sử dụng các dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung ứng như dịch vụ thẻ, dịch vụ thanh toán bằng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ngoài thẻ. Vì là các khoản tiền gửi không kỳ hạn, khách hàng có thể rút ra bất cứ lúc nào nên lãi suất ở mức rất thấp, chỉ khoảng 0,1%/năm.
Như vậy, tiền gửi thanh toán cá nhân đã tăng gấp 3 lần trong 5 năm trở lại đây, đặc biệt tăng mạnh kể từ năm 2020-2021 (tăng khoảng 60% kể từ đầu năm 2020 đến nay).
Ngân hàng đã hy sinh 15.559 tỷ đồng lợi nhuận để giảm lãi cho khách hàng
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tình hình thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay tại 16 ngân hàng thương mại, tổng số tiền lãi giảm lũy kế từ 15/7/2021 đến 31/10/2021 vào khoảng 15.559 tỷ đồng, đạt 75,48% so với cam kết.
Riêng trong tháng 10, 16 ngân hàng đã giảm tổng cộng 3.323 tỷ đồng tiền lãi cho các khách hàng.
Trong đó, Agribank vẫn là nhà băng đi đầu với số tiền lãi đã giảm lũy kế từ 15/7 đến hết tháng 10/2021 cho khách hàng là 4.996 tỷ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 1,3 triệu tỷ đồng cho gần 3,2 triệu khách hàng.
Tiếp theo là Vietcombank và BIDV với số tiền giảm lãi lần lượt là 3.055 tỷ đồng và 2.739 tỷ đồng. Tổng giá trị nợ được giảm lãi suất cho vay tại Vietcombank là trên 1,14 triệu tỷ đồng cho 236.403 khách hàng và tổng giá trị nợ được giảm lãi suất cho vay tại BIDV là trên 1,21 triệu tỷ đồng cho 407.603 khách hàng.
Tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng tại VietinBank là 1.873 tỷ đồng, với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 1,71 triệu tỷ đồng cho 685.573 khách hàng.
Tổng số tiền lãi giảm lũy kế từ 15/7/2021 đến 31/10/2021 vào khoảng 15.559 tỷ đồng. (Ảnh: Agribank)
Tại MB, tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 610 tỷ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 118.653 tỷ đồng cho 104.282 khách hàng.
SHB, Techcombank, ACB hay VPBank ghi nhận tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng từ 328 tỷ đồng – 369 tỷ đồng.
Ở mức độ thấp hơn, TPBank, Sacombank, HDBank hay MSB có số tiền giảm lãi lũy kế đến hết tháng 10 từ 124 tỷ đồng đến 187 tỷ đồng.
Lienvietpostbank và VIB là 2 ngân hàng cuối bảng, với số tiền lãi đã giảm cho khách hàng lần lượt là 95,06 tỷ đồng với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 42.079 tỷ đồng cho 6.309 khách hàng; và 22,57 tỷ đồng với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 10.837 tỷ đồng cho 8.541 khách hàng.
Trái phiếu doanh nghiệp tăng 'nóng', Ngân hàng Nhà nước siết quy định mua
Một trong những nội dung chú ý của Thông tư 16/2021/TT-NHNN vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành có nêu: Tổ chức tín dụng (TCTD) chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất của NHNN.
Nợ xấu vẫn có dấu hiệu tăng nên ngân hàng cần thận trọng khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh: CTV.
Quy định này được kỳ vọng sẽ là một "nút chặn" để chặn hoạt động bắt tay "mua tay trái, bán tay phải" qua TPDN, giữa các ngân hàng có hệ sinh thái bao gồm các công ty con, đặc biệt trong các lĩnh vực hoạt động bất động sản, chứng khoán...
Theo quy định mới, TCTD cũng không được mua TPDN trong các trường hợp: TPDN phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành; TPDN phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác; TPDN phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động. TCTD không được bán TPDN cho công ty con của chính TCTD đó, trừ trường hợp TCTD là bên nhận chuyển giao bắt buộc bán TPDN cho ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc.
Ngoài ra, các ngân hàng chỉ được mua trái phiếu của công ty phát hành không có nợ xấu tại các TCTD trong 12 tháng gần nhất; doanh nghiệp phát hành cam kết mua lại trái phiếu trước hạn khi thay đổi mục đích sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu trong thời gian TCTD nắm giữ trái phiếu... Đây không phải lần đầu tiên NHNN lên tiếng cảnh báo, siết lĩnh vực này. Từ năm 2019 đến nay, có không ít đợt phát hành TPDN, các ngân hàng đã xuất hiện và ôm trọn lô, trong đó có rất nhiều trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản. Một số ngân hàng thương mại không mua trực tiếp nhưng lại thông qua các công ty chứng khoán thành viên để mua.
Giới đầu tư đánh giá: Thông tư này đã đánh trực diện vào đối tượng mua TPDN của các doanh nghiệp bất động sản. Bởi doanh nghiệp bất động sản là đối tượng phát hành TPDN lớn nhất do nhu cầu vốn đầu tư lớn nhưng bị siết nguồn vay từ các TCTD.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, quý 3/2021, các doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu thị trường trái phiếu khi phát hành 85,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu, giảm khoảng 4% so với quý 2/2021 và cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, sự kiện "Evergrande" (khủng hoảng nợ của Tập đoàn Evergrande, Trung Quốc) cũng không làm thị trường trái phiếu bất động sản kém sôi động. Chỉ tính riêng tháng 9/2021, tổng giá trị trái phiếu bất động sản phát hành là 30,4 nghìn tỷ đồng - chiếm 36% tổng lượng phát hành trong quý.
Giới chuyên gia của SSI nhận định: Thời gian qua, các loại TPDN được phát hành tại Việt Nam đều chưa được xếp hạng tín nhiệm, nhiều loại không tài sản đảm bảo, không bảo lãnh thanh toán. Một số doanh nghiệp công bố huy động vốn với lãi suất cao nhưng không có phương án kinh doanh khả thi rõ ràng nên không đảm bảo cho khả năng trả nợ gốc và lãi sau này. "Trong ngắn hạn, rủi ro vỡ nợ đến từ các doanh nghiệp này là chưa nhiều khi thời điểm đáo hạn sẽ rơi nhiều vào năm 2023 - 2024. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện tại sẽ đẩy nhanh nguy cơ vỡ nợ từ các doanh nghiệp này khi không thể kiểm soát được dòng tiền khiến dòng tiền bị mất cân đối", đại diện SSI cho biết.
"Việc ngân hàng ồ ạt mua TPDN thời gian qua không loại trừ mục đích đảo nợ, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp. Nói cách khác, đây là một cách ngân hàng và doanh nghiệp bắt tay nhau dùng TPDN để đảo nợ. Các doanh nghiệp không nên sử dụng những đòn bẩy tài chính như vậy để xóa nợ xấu của mình. Các ngân hàng cũng không nên tìm cách đảo nợ qua mua trái phiếu, bởi làm như thế sẽ có rất nhiều nợ xấu lại được 'trưng' lên như nợ tốt, làm gia tăng rủi ro cho nền kinh tế", chuyên gia ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
"Quy định rất đáng chú ý này của Thông tư 16 trước mắt chưa thể ảnh hưởng đến nhiều ngân hàng thương mại. Nhưng sẽ là lời cảnh báo vì phân tích về nợ xấu, có thể thấy các ngân hàng đang trích lập dự phòng rủi ro theo các Thông tư, với lộ trình dài và tỷ lệ theo từng giai đoạn nên con số nợ xấu này chưa phản ánh đầy đủ, hoàn toàn có thể thay đổi ở mỗi TCTD theo mỗi kỳ", TS Nguyễn Duy Phương, chuyên gia phân tích tài chính Quỹ DG Investment cho biết.
Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), quy định mới của NHNN sẽ có tác động không đáng kể do trước đây các ngân hàng không tham gia vào các hoạt động này. Đối với quy định các ngân hàng không được bán và mua lại trái phiếu của doanh nghiệp chưa niêm yết trong vòng 12 tháng, VCSC cho rằng: Các ngân hàng trước đây kiểm soát tăng trưởng tín dụng bằng cách bán TPDN vào cuối năm và sau đó mua lại vào năm mới nhưng hành vi này hiện đã bị cấm bởi quy định trước đó.
Với quy định các ngân hàng không được chuyển nhượng TPDN cho các công ty con của họ, VCSC lấy ví dụ tại Techcombank, điều khoản này hiện không cho phép Techcombank chuyển nhượng TPDN cho Công ty CP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS). Tuy nhiên, đại diện Techcombank cho biết: Số lượng này rất nhỏ và sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của ngân hàng. Do đó theo VCSC, Thông tư 16 sẽ có tác động làm giảm lượng giao dịch TPDN trên thị trường liên ngân hàng.
Lãi suất huy động tăng giảm trái chiều Thời gian qua, một số ngân hàng vẫn duy trì lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở mức thấp, nhưng từ giữa tháng 10/2021 đến nay, ở khối ngân hàng có quy mô nhỏ đã tăng lãi suất huy động khi gửi tiền tiết kiệm online. Một số ngân hàng áp dụng chương trình hút khách gửi tiền tiết kiệm. Ảnh: NL. Thời...