Vì sao người canh đền là ông Truyền lại tự đốt đền?
Tại buổi tiếp xúc cử tri của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội, vụ việc của ông Truyền là một trong những vấn đề “ nóng” được đề cập. Trước những thắc mắc của cử tri, Tổng Bí thư cũng khẳng định, việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ của ông Truyền trước khi về hưu cũng sẽ không bỏ qua…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi trong cuộc tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Ba Đình (Hà Nội) để báo cáo về kết quả kỳ họp Quốc hội thứ 8 diễn ra sáng nay, 6/12.
Đại biểu Quốc hội có thêm “bảo kiếm” là… phiếu tín nhiệm
Có 8 cử tri đã trực tiếp phát biểu ý kiến trong cuộc tiếp xúc cử tri của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội.
Ông Nguyễn Minh Chung (cử tri phường Đội Cấn, quận Ba Đình) đánh giá, việc lấy phiếu tín nhiệm đã có hiệu quả tích cực để những người được giao chức vụ có tín nhiệm cao được động viên để làm tốt hơn nhiệm vụ của mình và những người tín nhiệm chưa cao thì được nhắc nhở để nỗ lực, cố gắng hơn.
“Cử tri hài lòng với kết quả lấy phiếu lần này và đánh giá việc lấy phiếu có chất lượng, thể hiện tinh thần trách nhiệm, trí tuệ của các đại biểu” – ông Chung khái quát.
Tuy nhiên, ông Chung cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm chưa bằng lòng với quy định về 3 mức tín nhiệm vì theo cử tri, với 3 mức đưa ra, đại biểu rất khó đánh giá, rất thiếu logic khi đã xác định “tín nhiệm” rồi mà lại còn thêm “tín nhiệm thấp”, “tín nhiệm cao”. Vị cử tri phường Đội Cấn đề nghị chỉ nên thiết kế 2 mức “tín nhiệm” và “không tín nhiệm” và cho rằng đó là cách thức tốt nhất để đánh giá đúng người được giao trọng trách.
Cử tri Trần Viết Hoàn (phường Liễu Giai, quận Ba Đình) cũng ghi nhận kết quả kỳ họp thứ 8 của Quốc hội đã đáp ứng phần nào mong mỏi của cử tri khi những lá phiếu tín nhiệm Quốc hội bỏ là thực chất, sáng suốt và công minh. Ông Hoàn đánh giá, nhiều chức danh nhận phiếu tín nhiệm cao lần này thực sự đã có sự nỗ lực vươn lên đáng kể.
Ông Hoàn phát biểu, các đại biểu Quốc hội đã có trong tay “bảo kiếm” để vạch trần tham nhũng giữa hội trường, giờ lại có thêm lá phiếu để lọc, loại bỏ được những người không xứng đáng.
Vị cử tri cao niên chỉ băn khoăn, liệu Quốc hội có cơ chế để xác minh được tài sản kê khai của những người được lấy phiếu?
Cử Nông Quang Lộc (Hoàn Kiếm) cũng xác nhận, Quốc hội đánh giá đúng, chính xác những Bộ trưởng, Trưởng ngành đã có nhiều tiến bộ trong hoạt động điều hành. Đề cập đến kết quả tín nhiệm rất cao Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã đạt được trong lần thứ 2 lấy phiếu, ông Lộc gạt đi quan điểm phê việc Bộ trưởng “chạy ra đường” . Cử tri phát biểu thẳng, trong tình hình hiện nay, người dân mong có thêm nhiều Bộ trưởng quyết liệt, sâu sát, ra hiện trường, đến với dân như vậy để tránh việc ngồi phòng lạnh làm chính sách rồi “đẻ” ra những quy định “trên trời” kiểu cấm bán thịt sau 8 tiếng giết mổ, không bán bia cho phụ nữ có thai và cho con bú….
Đáp lại những nhận xét, phát biểu này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chung đánh giá, kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội vừa qua chính xác, khách quan.
Video đang HOT
Tổng Bí thư so sánh, lần lấy phiếu đầu tiên, ngành GTVT còn nhiều điểm nghẽn, nay đã được tháo gỡ, giải quyết, Bộ trưởng Đinh La Thăng lập tức nhận phiếu tín nhiệm rất cao. 2 năm trước, ngành ngân hàng để cho tỷ giá nhảy nhót, lãi suất đội trần, thị trường vàng lũng đoạn, nợ xấu nguy hiểm… nên Thống đốc Nguyễn Văn Bình khi đó nhận kết quả tín nhiệm thấp nhất (42% số phiếu tín nhiệm thấp). Hiện tại, mọi việc đã thay đổi tích cực hơn, lãi suất đã giảm, dư nợ tín dụng tăng hơn trước tới 10 lần… và theo đó, số phiếu tín nhiệm dành cho người đứng đầu NHNN cũng cải thiện ngay.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng lưu ý, có sự thay đổi trong đánh giá như thế không có nghĩa các ngành đã hoàn toàn tốt rồi. Đánh giá tín nhiệm sẽ lại… đảo chiều nếu người đứng đầu ngành không duy trì được hoạt động điều hành tích cực.
Giải thích thêm về việc phiếu tín nhiệm 3 mức, Tổng Bí thư nhắc lại mục đích của việc lấy phiếu là để thăm dò tín nhiệm, để kịp thời nhắc nhở, cảnh tỉnh, răn đe. Tác đụng của việc lấy phiếu, tinh thần không chỉ cốt để “bỏ” và “bác” mà phải nhân văn theo hướng “đánh kẻ chạy đi ko ai đánh người chạy”.
Còn bỏ phiếu tín nhiệm sẽ được tiến hành khi kết quả lấy phiếu quá thấp, khi đó sẽ chỉ có 2 mức đánh giá. “Nói tín nhiệm cao – tín nhiệm – tín nhiệm thấp là để mở đường, khơi gợi cho những tiến bộ còn khi đã bỏ phiếu thì nghĩa là đưa ra quyết định để chức danh đó làm tiếp hay không mà thường như thế là bãi miễn đấy. Tiến tới đây, cùng với văn hoá từ chức, tinh thần tự giác của cán bộ sẽ được tăng cao” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, không có chuyện bác bỏ cách đánh giá 2 mức nhưng việc đã được bàn đi bàn lại cẩn trọng, nhiều lần, 81% đại biểu Quốc hội cũng đã thông qua với phương án lấy phiếu 3 mức như này, giờ tinh thần cần thống nhất cao để triển khai.
“Người giữ đền tự châm lửa đốt đền?”
Chuyển sang chuyện chưa khi nào hạ nhiệt – chống tham nhũng, cử tri Nguyễn Minh Chung bày tỏ, chưa hài lòng vì tính quyết liệt trong hoạt động đấu tranh với tham nhũng chưa cao. Ông Chung gợi ý nên tổ chức những chiến dịch chống tham nhũng, như chiến dịch “săn cáo” của Trung Quốc.
“Phải chăng trong việc này chúng ta vẫn còn những vùng cấm? Vừa rồi, Tổng Thanh tra Chính phủ khi được hỏi về vụ người tiền nhiệm Trần Văn Truyền đã nói, đó là cán bộ do Ban Bí thư quản lý nên chưa trả lời được. Vậy phải chăng, với những cán bộ do Ban Bí thư quản lý mà vi phạm pháp luật thì không bị xử lý ngay?” – ông Chung nhận định, nếu Ban Bí thư có thể “làm” nhanh hơn, sớm hơn để đưa vụ việc ra ngay mổ xe ngay trong kỳ họp Quốc hội vừa rồi tác dụng mang lại là tốt nhất.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ những tâm tư của cử tri về những vấn đề trọng đại của đất nước.
Cử tri Nông Quang Lộc cũng góp thêm nhận xét, qua sự việc của ông Truyền, có thể thấy sức mạnh của tổ chức Đảng, Đảng viên, cơ quan có thẩm quyền chưa cao, chưa quyết tâm chống tham nhũng. Ông Lộc đề nghị làm rõ cả việc nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ đề bạt, bổ nhiệm 60 cán bộ trước khi nghỉ hưu để xem có việc biếu xén, chạy chọt, tham nhũng ở đây không. Nhắc tới việc sắp Đại hội Đảng, ông LỘc mong cơ quan làm công tác nhân sự xử lý, loại bỏ được những phần tử cơ hội, thoái hoá biến chất….
Trở lại chuyện xử lý sai phạm về nhà đất của ông Truyền, cử tri ghi nhận việc này đã mang lại tác dụng tốt khi có thông tin một cán bộ cao cấp 8 năm nay nghỉ hưu vẫn chưa trả nhà công vụ nhưng sau kết luận của UB Kiểm tra TƯ đối với nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, vị này thì đã có ý kiến đề nghị trả nhà.
“Mong các lãnh đạo Đảng, nhà nước làm kiên quyết hơn, tốt hơn để tìm ra được thêm nhiều ông Trần Văn Truyền nữa. Nếu làm được quyết liệt việc này, Đảng viên chúng tôi rất phấn khởi, tin tưởng” – cử tri còn mạnh mẽ đề nghị Ban Bí thư kiểm tra tư cách của ông Trần Văn Truyền, xem còn xứng đáng đứng trong hàng ngũ Đảng không.
Cử tri Nguyễn Văn Hồi (phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm) cũng mở rộng vấn đề, qua vụ nhà đất của ông Truyền, nhìn quanh thì thấy nhiều cán bộ cũng sử dụng nhà công vụ, về hưu nhiều năm rồi vẫn không chịu trả lại. Ông Hồi nhắc chuyện cựu lãnh đạo Hà Nội ở căn biệt thự được thuê đến gần 10 năm sau khi dời nhiệm sở vẫn chưa giải quyết được. Ông Hồi đặt câu hỏi, chiếm giữ tài sản công như vậy có phải là tham nhũng?
Cử tri Bùi Văn Lăng (phường Ngọc Khánh, Ba Đình) nhấn mạnh, thực sự lo lắng về tham nhũng. Khi xảy ra sự việc của ông Truyền, ông Lăng cho rằng, sự bất minh về tài sản đi liền với việc người được giao trọng trách trong PCTN lời nói đã không đi đôi với hành động.
“Tường trình của ông Truyền và kết luận của UB Kiểm tra TƯ vẫn chưa trả lời được câu hỏi, vì sao người canh đền lại tự đốt đền, tại sao có cán bộ nói không đi đôi với làm một cách sống sượng như thế. Có tâm lý e ngại sợ rút dây động rừng, ném chuột sợ vỡ bình quý ở đây không?” – ông Lăng hỏi găng.
Chia sẻ với bức xúc, đòi hỏi của cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, tinh thần chỉ đạo của Đảng là kiên quyết chống tham nhũng đến chúng, không nhân nhượng nhưng quan trọng là phương thức, cách thức làm để sao cho điểm cuối cùng là mang lại hiệu qủa. Chống tham nhũng nhưng làm sao đảm bảo ổn định để phát triển đất nước.
Đi vào chuyện sai phạm về nhà đất của ông Truyền mà UB Kiểm tra TƯ đã kết luận, công khai Tổng Bí thư cũng khẳng định, việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ của ông Truyền trước khi về hưu cũng sẽ không bỏ qua.
“Nhưng đừng để từ một vụ việc mà lại suy ra đủ thứ rồi, để cho rằng cả hệ thống hỏng cả thì không phải. Chúng ta phải kiên trì. Có dư luận về cán bộ nhưng cũng phải qua nhiều khâu xác minh, kiểm tra thận trọng thì mới kết luận được. Còn việc xử lý thế nào, kể cả việc khai trừ khỏi Đảng,UB kiểm tra TƯ cũng sẽ làm tiếp. Hiện tại, TPHCM và Bến Tre đã thu hồi những căn nhà có sai phạm của ông Truyền rồi” – Tổng Bí thư trao đổi.
Đề cập chuyện kê khai tài sản của cán bộ, người đứng đầu Đảng giải thích, nhà nước đã có quy định công khai nơi công tác nhưng đưa ra rộng hơn lại có thể vi phạm quy định về quyền công dân được Hiến định.
P.Thảo
Theo Dantri
"Cấp hàm chỉ để giải quyết khâu oai, hưởng phụ cấp"
"Bổ nhiệm cấp hàm bây giờ là để giải quyết khâu oai, tức là chức danh để đi làm việc. Ngoài ra, việc bổ nhiệm này còn để hưởng phụ cấp, hưởng chế độ chính sách", đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nói.
Bên hành lang Quốc hội ngày 21/11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương chia sẻ với phóng viên Dân trí những vấn đề liên quan đến việc nhiều Bộ ngành tự ý "đẻ" ra cấp "hàm" để hưởng chế độ như Vụ trưởng, Vụ phó.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng việc bổ nhiệm cấp hàm chỉ để hưởng phụ cấp, hưởng chế độ (Ảnh: MInh Thanh)
Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, dù không có quy định nào nhưng nhiều Bộ ngành tự vận dụng cho cán bộ hưởng chế độ theo cấp "hàm" Vụ trưởng, Vụ phó. Ông đánh giá thế nào về thực trạng này?
Thực ra, cấp "hàm" chỉ áp dụng trong trường hợp trước đây đã từng giữ chức vụ đó nhưng khi chuyển sang một cơ quan mới mà không có vị trí như vậy thì giữ cho anh "hàm" như vậy. Ví như người này từng là Vụ trưởng nhưng chuyển sang cơ quan khác đã có Vụ trưởng rồi thì tôi giữ cho anh cấp hàm như vậy để khẳng định hàm như thế.
Còn về vấn đề bổ nhiệm, ví dụ một Vụ phó mà cơ quan đã có Vụ trưởng ở đó rồi, mà lại bổ nhiệm lên hàm Vụ trưởng, mà hàm Vụ trưởng lại không phải là chức danh quản lý. Anh lại chỉ làm như một chuyên viên thì tôi nghĩ cái đó rất không hay, vì thực tế nhiều cơ quan đang phát triển cái này, thì tôi nghĩ không nên chút nào cả.
Từng làm Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ, xin ông cho biết cấp hàm hiện nay được vận dụng nhiều nhất ở những cơ quan nào?
Cấp hàm chủ yếu là các cơ quan Trung ương phát triển tương đối nhiều. Thậm chí từ chuyên viên, chuyên viên chính bổ nhiệm lên hàm Vụ phó nhiều quá.
Qua báo cáo sơ bộ của 18 Bộ ngành, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, hiện có 329 công chức, viên chức đang được vận dụng hưởng chế độ "hàm" chức danh quản lý, lãnh đạo từ cấp phòng trở lên. Theo ông liệu việc bổ nhiệm cấp hàm nhiều như vậy có phải do nể nang nhau hay một lý do nào khác?
Hiện pháp luật không có quy định nào nên rất dễ dẫn đến việc hiểu rằng pháp luật không cấm thì tôi được làm. Thế nhưng ở khía cạnh khác đây là việc lợi dụng kẽ hở pháp luật (vì không bị cấm) để làm việc đó. Còn việc bổ nhiệm cấp hàm để giải vì nể nang nhau hay vì vấn đề gì khác thì mình không khẳng định được vì nếu không có chứng cứ cụ thể mà quy kết người khác thì không hay.
Thế nhưng theo tôi bổ nhiệm cấp hàm bây giờ là để giải quyết khâu oai, tức là chức danh để đi làm việc. Ngoài ra, việc bổ nhiệm này còn để hưởng phụ cấp, hưởng chế độ. Chứ còn khi đã là cấp hàm, tức là anh không làm quản lý, nhưng không làm quản lý mà vẫn hưởng phụ cấp quản lý, phụ cấp trách nhiệm là sai rồi.
Ông có đồng tình với lý do việc bổ nhiệm hàm để cho đi làm việc ở địa phương thuận tiện hơn không?
Tôi không đồng tình với lý giải đó. Khi người ta làm việc thì người ta vì công việc, thực thi nhiệm vụ được giao chứ không phải ông cứ là vụ trưởng mới xuống làm việc được với lãnh đạo địa phương.
Theo ông có nên vận dụng những gì pháp luật không cấm để các Bộ ngành bổ nhiệm nhiều cấp hàm hay không?
Theo tôi là không nên bổ nhiệm cấp hàm vì nó không giải quyết vấn đề gì mà lại đẻ ra quá nhiều lãnh đạo. Mà lãnh đạo làm việc như chuyên viên thì để nhân viên làm việc còn hơn. Người ta cứ nói bổ nhiệm cấp hàm để có tư cách đi làm việc, nhưng mục đích cuối cùng là giải quyết công việc chứ đâu phải vì hàm hay không hàm thì mới làm được việc.
Cần phải có quy định làm sao cho nó chặt chẽ, như Bộ trưởng đã trả lời là không có quy định nào về hàm cả, nhưng các cơ quan nhà nước thì cứ thực hiện việc bổ nhiệm. Từ cấp hàm bấy lâu nay chưa có gì rõ ràng, nó xuất phát từ trong lực lượng quân đội. Đến giờ dân sự cũng đưa những cái hàm vào ý là để khẳng định tôi có một vị trí, phẩm chất của người lãnh đạo tương đương một cấp nào đó. Nhưng nói chung chẳng có quy định nào rõ ràng cho việc này.
Xin cảm ơn ông!
Quang Phong (thực hiện)
Theo dantri
Nữ sinh 16 tuổi rạch mặt dã man một phụ nữ giữa đường - Bộ trưởng Đinh La Thăng nhận định: "Dịch vụ ở Nội Bài và Tân Sơn Nhất là kém"; Bắt tổng giám đốc công ty vệ sỹ dùng súng bắn chồng cũ của vợ; Một phụ nữ bị nữ sinh 16 tuổi rạch mặt giữa đường; Lầu Năm Góc xác nhận thả nhầm vũ khí cho lực lượng IS; Canada đã xác định...