Vì sao ngôi chùa nằm trên xương con rồng phải đổi cổng tới 3 lần?
Nằm trên đỉnh ngọn núi có địa hình rất đẹp, ngôi chùa cổ Long Cốt Tự từng là một ngôi chùa to nhất nhì xứ Kinh Bắc ngày xưa, đã tồn tại đến vài trăm năm tuổi, được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Ngôi chùa tuy đã bị phá hủy chỉ còn lại một số di tích nhỏ, nhưng hàng năm người dân nơi đây vẫn mở hội rất to, khách thập phương về chiêm bái rất đông.
Ngôi chùa tuy không còn bề thế như trước nhưng tại nơi đây những nét văn hóa độc đáo vẫn còn giữ được trên những dấu tích sót lại. Những nét văn hóa này minh chứng cho một ngôi chùa từng là trung tâm Phật giáo của xứ Kinh Bắc xưa. Và ngôi chùa này còn nổi tiếng với những tập tục rất đặc biệt cùng những câu chuyện kỳ bí được truyền miệng từ đời này sang đời khác.
Hướng cổng chùa làm trai, gái làng bị ế
Chùa Long Cốt Tự thuộc địa phận của làng Thượng Lâm, xã Thanh Lâm, huyện Lục Nam, Bắc Giang. Ngôi chùa ngụ trên đỉnh ngọn núi địa hình rất đẹp có tên là núi Chùa, từ đỉnh núi có thể quan sát khắp bốn phương tám hướng. Ngày xưa một vị quan tinh thông địa lý đã chọn địa thế cho ngôi chùa này, cái tên Long Cốt Tự có nghĩa là chùa nằm trên xương con rồng. Chùa có niên đại khoảng vài trăm năm. Theo gia phả của làng để lại thì trước kia ngôi chùa này rất bề thế, sư sãi rất đông đến hàng trăm tu sĩ, người dân vẫn còn lưu truyền câu ví để ca ngợi về ngôi chùa là “nhất Kinh Kỳ, nhì Thượng Lâm”, tức ngôi chùa này to thứ nhì xứ Kinh Bắc ngày xưa. Lúc còn bề thế, chùa có tới hơn một trăm gian, làm toàn bằng gỗ quý. Trong thời kỳ Pháp xâm lược thì ngôi chùa đã bị đốt phá, đổ nát nên người ta dỡ bỏ đi để xây chùa mới ở vị trí khác. Những di tích còn lại đã được xếp hạng di tích quốc gia.
Đến thăm ngôi chùa, chúng tôi may mắn được gặp cụ Nguyễn Văn Mùa (93 tuổi) là người trông nom chùa cùng một số bậc cao niên đang dọn dẹp chuẩn bị cho cúng lễ ngày rằm. Được Cụ Mùa và những cụ già trong thôn cho biết những câu chuyện kỳ lạ ở ngôi chùa cổ này, trong đó có câu chuyện về hướng cổng chùa làm cho trai gái trong làng ế chồng ế vợ nhiều năm liền. Dân gian có câu “Mắt toét thì tại hướng đình, cả làng mắt toét chứ mình gì em”. Theo như cụ Mùa thì ngôi chùa này từng đổi hướng cổng đi tất cả ba lần vì những lý do rất “lạ đời”.
Trước kia cổng của ngôi chùa quay về hướng Bắc, nhìn thẳng xuống cánh đồng dài rộng rất đẹp. Nhưng trong nhiều năm liền trai làng không hiểu sao mắt cứ toét nhèm, con gái làng thì đẹp như tiên, nức tiếng khắp cả vùng Kinh Bắc nhưng trai làng Thượng Lâm không lấy được vợ làng vì xấu mã, con gái toàn lấy chồng thiên hạ hết. Tình trạng trên diễn ra nhiều năm liền. Các cụ trong làng thấy vậy cho rằng tại hướng cổng chùa chưa chuẩn, bèn bàn bạc với sư cụ cho đổi cổng chùa sang hướng Đông. Khi đổi cổng chùa sang hướng Đông thì quả nhiên trai làng hết mắt toét và có phần “đẹp mã” ra, đi đâu là gái cứ mê tít. Thời đó nhiều ông có tới 3, 4 bà vợ. Nhưng ngược lại gái làng lại trở nên xấu xí khó lấy chồng, trông cô nào không đen thì thấp, hoặc là có tật, ế chỏng chơ cả đám.
Lần này cổng chùa lại được xem là nguyên nhân và các cụ quyết đinh đổi sang hướng khác. Khi đổi hướng cổng chùa, sắc đẹp của chị em có vẻ ổn hơn, nhưng khổ nỗi dân làng lại khó làm ăn, nhiều gia đình đang giàu có bỗng khuynh gia bại sản, người buôn bán thì thua lỗ, kẻ cấy cày thì mất mùa. Người ta lại nghĩ ngay đến hướng cổng chùa “không hợp” nên mới xảy ra như vậy.
Video đang HOT
Thế là cổng chùa lại được đổi một lần nữa sang hướng Nam. Hồi cụ Mùa còn bé được chứng kiến lần đổi cổng chùa cuối cùng đó. Lần đổi này xem ra “hiệu quả” nhất, trai gái đều bình thường như nhau, dân làng làm ăn yên ổn và cổng chùa cũng được giữ nguyên từ đó đến giờ.
Ngôi chùa không bao giờ bị mất trộm
Ngôi chùa còn nổi tiếng là linh thiêng, được người dân nơi đây thờ cúng rất chu đáo. Cụ Mùa là người gắn bó với ngôi chùa từ nhỏ nên cụ cho biết có rất nhiều câu chuyện ly kỳ xảy ra với những người trót “đụng chạm” vào vùng đất của ngôi chùa, những câu chuyện khó tin nhưng mà có thật tại ngôi chùa cổ này. Ở ngôi chùa này có một điều đặc biệt là không bao giờ mất đi một thanh củi hay một thứ gì. Từ củi đóm đến tiền giọt dầu công đức, ngay cả đến những đồ thờ cúng có giá trị dù không có ai trông nom thì cũng không sợ mất trộm bao giờ. Vì cứ có ai trót lấy những gì thuộc về ngôi chùa đều phải trả lại y nguyên chỗ cũ.
Trước kia trong chùa có những viên gạch cổ vuông vức và những phiến đá khá nhẵn nhụi, nhiều người thấy vậy bèn đem về để dùng. Nhưng cứ ai lấy về cũng đều gặp phải những chuyện lạ, người đau tay, người thì lăn ra ốm, thuốc thang thế nào cũng không khỏi. Rồi khi ngủ hễ cứ nhắm mắt là thấy một vị sư chống gậy gõ mõ đến nói: “của nhà chùa sao các con lại đem về dùng, nhà chùa lấy đâu ra đồ dùng”. Cả mấy người lấy gạch đá về đều gặp chung một giấc mộng như vậy, ai cũng sợ hãi bê vội gạch đá lên trả lại nhà chùa thì lập tức hết đau ốm, khi nằm ngủ cũng không còn gặp giấc mộng như vậy nữa.
Ở làng có cô Nguyễn Thị Thực, thỉnh thoảng lên núi kiếm củi vào chùa thấy một hòn đá xanh nhẵn nhụi rất đẹp. Cô nghĩ nhà mình đang cần có một phiến đá để kê cái bể nước, liền đem về để dùng. Nhưng kể từ ngày mang đá về cứ đau ốm liên miên, khám thế nào cũng không ra bệnh. “Có bệnh thì vái tứ phương”, cô đi xem bói thì thầy bói bảo cô lấy của nhà chùa nên mới bị như vậy, chỉ cần đem trả lại thì không sao hết. Nhớ ra hòn đá mà mình mang về nhà cô vội đem trả lại, sự ốm đau cũng hết.
Rồi có mấy người dân có lần rủ nhau lên chùa chặt cây lấy củi về đun, làm cán cuốc. Nhưng củi chưa kịp khô, cây chưa kịp làm cán cuốc thì ai cũng bỗng dưng bị đau bụng, mê sảng giống y hệt như nhau. Những cụ già biết chuyện bèn khuyên nên trả lại chùa củi đóm thì cả mấy người lập tức khỏi ốm đau, trở lại bình thường. Cụ Mùa nói rằng: “Mấy người trót phạm vào đất linh thiêng của chùa đều là người dân xung quanh đây cả, họ vẫn còn sống nên hỏi ai cũng biết những chuyện đó”.
Lên chùa nói bậy là “đau mồm”
Ngôi chùa có một tập tục là khi lên chùa thì tuyệt đối không ai được nói bậy bạ một từ nào. Theo các bậc cao niên ở địa phương thì tập tục này đã có từ rất lâu, ngay từ thời các cụ đầu còn để chỏm đã được ông bà cha mẹ dặn dò là “lên chùa không được nói bậy bạ nếu không thần thánh sẽ quở phạt”. Và cũng có câu chuyện linh ứng xoay quanh tập tục này mà đến nay chưa có lời giải thích.
Tục lệ này này bắt nguồn từ việc sư trụ trì ra lệnh cấm không ai được nói những câu bậy bạ trong chùa, nếu nói bậy sẽ bị phạt. Vì thế mà từ sư sãi đến người dân đến chùa không ai dám nói những câu tục tĩu. Tục lệ này cũng chẳng ai để ý đến nữa từ khi ngôi chùa không còn. Nhưng có một điều lạ là cho đến nay hễ cứ ai nói bậy là mồm miệng lại “có vấn đề”.
Cách đây nhiều năm về trước khi các cụ muốn tu bổ lại ngôi chùa, mọi người cùng góp sức vào làm, có mấy người đàn ông trong số đó có ông Nguyễn Văn Lộc nhà trong thôn văng tục trêu đùa nhau, còn nói rằng “chuyện hoang đường, có thần thánh nào quở phạt nói bậy bao giờ”, nhưng đến tối về nhà mồm không hiểu sao cứ sưng lên. Mua thuốc uống kiểu gì cũng không khỏi, đêm nằm ngủ cứ mơ thấy một người mặc quần áo chùa vả vào mồm vì cái tội ăn nói bậy bạ. Mấy ông sợ quá liền sắm mâm hoa quả mang lên chùa tạ lỗi thì lập tức mồm khỏi sưng và ăn uống bình thường. Cũng từ đó mà người dân nơi đây không ai bảo ai nhưng khi lên chùa thì từ già đến trẻ con đều không ai dám nói bậy bạ dù chỉ một câu.
Hàng năm ngày 19 tháng Giêng là ngày hội của chùa, với sự nổi tiếng và linh thiêng của mình, ngôi chùa vẫn thu hút khá nhiều khách thập phương từ mọi miền về dự lễ hội. Tuyệt nhiên không ai dám nói bậy bạ một câu nào.
Những câu chuyện nghe có vẻ khó tin những người dân ở quanh ngôi chùa này từ già tới trẻ đều thuộc những câu chuyện đó như lòng bàn tay. Không những thế ngôi chùa còn những chuyện ly kỳ xung quanh những tòa tháp cổ còn tồn tại đến ngày nay.
Kì tới: Những cuộc đào bới bí ẩn và bí mật về con rắn trú ngụ tại ba tòa tháp cổ hàng trăm năm tuổi
Theo ANTD
Tái hiện lễ giã bánh dày Mochi Nhật Bản tại Hà Nội
Giã bánh dày Mochi vào ngày đầu tiên của năm mới là một tục lệ và là một nét đẹp văn hoá của người Nhật Bản với ước muốn cầu mong sự may mắn, sức khoẻ và thịnh vượng.
Giã bánh dày Mochi
Theo thông tin từ nhà tổ chức, vào lúc 14h00 ngày 1-1-2014, tại Khách sạn Nikko (84 Trần Nhân Tông, Hà Nội) sẽ diễn ra Lễ truyền thống Nhật Bản "Giã bánh dày Mochi" đón chào năm mới 2014.
Không giống như các nước châu Á khác, người Nhật tổ chức lễ hội mừng năm mới vào dịp Tết Dương lịch với nhiều tập tục và nghi lễ độc đáo, trong đó có lễ "Giã bánh dày Mochi". Đây là một tục lệ và là một nét đẹp văn hoá của người Nhật Bản với ước muốn cầu mong sự may mắn, sức khoẻ và thịnh vượng.
Bánh dày Mochi truyền thống được làm hoàn toàn từ gạo nếp ngọt và dẻo (người Nhật gọi là gạo Mochi). Gạo được ngâm qua đêm và nấu chín thành cơm. Sau đó cơm được giã nhuyễn trong một chiếc cối gỗ lớn bởi 2 người trong trang phục truyền thống (một người giã, một người đảo và làm ướt) cho đến khi đạt độ dẻo nhất định thì được đưa ra nặn thành những miếng tròn vừa ăn.
Được biết, Ban Tổ chức sẽ tái hiện nguyên vẹn một lễ giã bánh dày Mochi theo đúng phong cách truyền thống của người Nhật. Bên cạnh đó, công chúng còn có cơ hội thưởng thức rượu sake sau khi nghi lễ "Đập bình rượu Sake" kết thúc. Lễ truyền thống Nhật Bản mở cửa tự do để mọi người dân vào tham quan, tìm hiểu.
Theo ANTD
Hồ Gươm đêm Noel: Trai gái cứ là... ôm ấp, sờ mó Rất nhiều bạn trẻ có những hành động như: ôm, hôn, sờ mó... cực kỳ phản cảm giữa "trái tim Thủ đô" tấp nập người đổ về đón Giáng sinh. Tối 24/12, hàng vạn bạn trẻ khắp nơi đã kéo nhau về khu vực hồ Gươm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) để vui chơi Noel. Bên cạnh những hoạt động vui chơi, rất nhiều...