Vì sao ngày càng nhiều vụ trả thù bằng axit?
Để đạt được kế hoạch trả thù, giải quyết ân oán cá nhân “sòng phẳng”, một số đối tượng đã sử dụng axit làm vũ khí hủy hoại cuộc đời người khác, khiến cho nạn nhân sống trong những chuỗi ngày ám ảnh kinh hoàng về tâm lý đến suốt phần đời còn lại.
“Kẻ huỷ diệt” được bày bán công khai
Nhiều năm trở lại đây, việc dùng axit để hãm hại người khác ngày càng gia tăng gây nguy hại nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội. Đáng lo ngại, axit gần như được bày bán công khai. Điển hình ngày 3/11, cơ quan CSĐT công an quận 5 (TP.HCM) bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Văn Dũng (SN 1983, quê Bến Tre) để điều tra làm rõ vụ tạt axit làm bị thương 8 người.
Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 12h45 cùng ngày, một nhóm gồm 5 cô gái đang đứng đón taxi trước số nhà 127, Nguyễn Văn Cừ (phường 2, quận 5, TP.HCM) để về quê. Đang chuẩn bị leo lên xe, Dũng đi từ đâu tới bất ngờ hất ca axit vào chị H.K.H. và 4 cô gái đi cùng. Hành động mất nhân tính của Dũng còn liên lụy đến bà chủ sạp vé số và hai bé gái 11 tuổi. Sau khi gây án xong, hung thủ quay ra đường lên xe tháo chạy về hướng quận 8. Tuy nhiên, do bị người dân và lực lượng công an chặn ở các ngả đường, tên Dũng nhanh chóng bị giải về cơ quan công an quận 5 để chịu tội.
Hung thủ Nguyễn Văn Dũng, kẻ gây ra vụ tạt axít kinh hoàng giữa TP.HCM khiến nhiều người bị bỏng.
Bị lừa gạt cả về mặt tình cảm và gia tài, ngày 21/10, ông Vương Chí Linh (SN 1943, ngụ phường 7, quận Gò Vấp, TP.HCM) đã dùng hóa chất chứa axit đổ lên đầu bà N.T.T.V. (SN 1964, ngụ quận 3, TP.HCM, vợ đã ly hôn của ông Linh). Sau đó, ông Linh chạy vào nhà khóa trái cửa, dùng xăng tự thiêu bản thân.
Nguồn cơn vụ việc bắt đầu từ năm 2002, sau khi ly hôn với người vợ đầu ở ngoài Bắc, ông Linh tiến hành kết hôn với bà V.. Trước khi đến với nhau, cả hai đã có tài sản riêng là nhà và đất ở quận Bình Thạnh, quận 9. Sống chung được vài năm tài sản cứ thế lớn dần lên.
Năm 2007, ông Linh tình nguyện viết giấy tặng toàn bộ tài sản trị giá hơn 30 tỷ đồng cho bà V. đứng tên. Tuy nhiên, bà V. phải có trách nhiệm lo toàn bộ cuộc sống của ông đến khi qua đời, lúc đó bà V. mới được sở hữu toàn bộ khối tài sản. Thế nhưng, sau khi ông ký giấy tặng cho tài sản thì bà V. bất ngờ làm đơn ly hôn gửi tòa án để chiếm đoạt toàn bộ tài sản dẫn đến ông Linh trắng tay.
Ghét người hàng xóm N.Q.T. (SN 1974, ngụ quận Gò Vấp) hay buông lời chửi cha mình khiến ông đã từng treo cổ tự tử nhưng may mắn thoát chết, Lâm Tiến Dũng (SN 1964, cùng địa chỉ trên) đã dùng axit tạt vào anh T. làm 4 người nguy kịch.
Để thực hiện mục đích trả thù, ngày 18/1, Dũng đi mua một lít axit về đổ vào lọ thủy tinh. Tránh cho axit không dính vào người, Dũng mặc áo mưa, đeo kính, khẩu trang chạy xe máy đến bệnh viện 175 rồi đón xe về nhà anh T.. Thấy anh T. đang bước ra bán hàng, Dũng đi tới tạt thẳng ca axit vào người anh T. và N.Q.H.B. (con anh T.). Bị bỏng anh T. chạy vào phía trong chạy trốn thì Dũng đuổi theo thấy chị P.T.X. (SN 1977, vợ anh T.), Dũng tiếp tục hất số axit còn lại vào người chị X.. Con gái anh T. ở trên lầu đi xuống giẫm phải vũng axit cũng bị bỏng nặng. Sử dụng hết axit, Dũng chạy ra ngoài tẩu thoát. Sau hai ngày chạy trốn, Dũng biết mình không thể thoát tội nên đã ra đầu thú với cơ quan công an.
Video đang HOT
Đến bây giờ, người dân TP. Nam Định vẫn chưa hết xôn xao về việc cả gia đình anh L.V.Đ. (ngụ phường Cửa Bắc) bị tạt axit. Hung thủ gây án là Đặng Đình Hải (SN 1990, trú huyện Mỹ Lộc, Nam Định). Trước đây, Hải từng là người làm thuê và được gia đình anh Đ. cưu mang. Do làm việc chăm chỉ, Hải được gia đình anh Đ. rất quý trọng. Thế nhưng, trong lúc làm việc, H. nảy sinh tình cảm với con gái anh Đ. mới được 10 tuổi.
Hải thường xuyên giấu giếm nhắn tin qua lại với cô bé. Khi vợ chồng anh Đ. phát hiện đã ra sức khuyên ngăn thì Hải không nghe mà kiên quyết làm theo ý mình nên hai bên xảy ra mâu thuẫn. Anh Đ. cho Hải nghỉ việc khiến y đã đem lòng thù hận và lên kế hoạch trả thù. Ngày 3/8, gia đình anh Đ. đang ăn cơm tối thì Hải xông vào cầm can axit hất thẳng vào mâm cơm khiến cho 5 người trong gia đình anh Đ. bị thương tích nặng.
Hiện trường nơi 8 nạn nhân bị đối tượng Nguyễn Văn Dũng tạt axit.
Giải mã nguồn gốc tội phạm
Liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ dùng axit để hành hung, tấn công người khác khiến dư luận không khỏi xôn xao, cảnh giác. Trên thực tế, nạn nhân bị “bạo hành” bằng axit thường có tỷ lệ sống cao hơn những nạn nhân bị dùng súng bắn, dùng dao đâm chém. Song, bị tạt axit nạn nhân phải đối mặt với những chấn thương nghiêm trọng về cả thể xác lẫn tinh thần. Đồng thời, họ phải trải qua những cuộc phẫu thuật cắt ghép da, chỉnh hình rất đau đớn tốn kém nhưng vẫn không thể lấy lại hình dạng, trạng thái ban đầu. Vì thế, những người bị axit hủy hoại thường rơi vào trạng thái tâm lý khủng hoảng, ngại tiếp xúc với mọi người. Do đó, hành vi dùng axit để uy hiếp người khác đáng bị lên án, trừng trị nghiêm khắc.
Bác sỹ Trần Đoàn Đạo, trưởng khoa Bỏng – Tạo hình bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho hay: “Phần đông các nạn nhân và hung thủ của các vụ tạt axit nằm trong độ tuổi từ 20- 50 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu thường là do các mâu thuẫn trong vấn đề tình cảm cá nhân. Để “dằn mặt” đối phương các thủ phạm hay nhắm vào vùng cổ, mặt trở lên của nạn nhân để tạt axit với mục đích hủy hoại dung nhan của họ. Theo số liệu thống kê, phụ nữ thường là nạn nhân chủ yếu của các vụ “khủng bố” bằng axit. Từ hàng loạt các vụ uy hiếp tính mạng người khác bằng hóa chất độc hại, axit cho thấy rằng việc mua bán axit ở Việt Nam vẫn còn lỏng lẻo. Điều này đặt ra câu hỏi về vấn đề quản lý hóa chất độc hại và trách nhiệm của lực lượng liên quan đến vấn đề này đến đâu?”.
Đề cập về vấn đề này, giáo sư, tiến sỹ, chuyên gia tâm lý Vũ Gia Hiền, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hóa nhận định: “Trong tâm lý học, những đối tượng dùng axit để giải quyết mâu thuẫn được gọi chung là hiện tượng “hưng phấn mất kiểm soát”. Kèm theo trong họ hình thành tư tưởng bạo lực nên đã ngang nhiên ra tay tàn nhẫn với đối phương. Mặt khác, những thủ phạm sử dụng axit để trả thù, gây hấn người khác khi đạt đến trạng thái hưng phấn sẽ trở về tâm lý bình thường. Khi đó, họ nghiệm lại hành vi phạm tội của mình rồi mới thấy sợ hãi và hối hận. Đối với nạn nhân muốn trở lại cuộc sống như trước đây phải mạnh mẽ vượt qua “cuộc chiến” nhan sắc và những lời dị nghị của xã hội. Có thể nhận định rằng, axit đã trở thành vũ khí lợi hại của những thủ phạm trong các cuộc tấn công, hành hung”.
Trao đổi với PV, TS. Trương Văn Vỹ, giảng viên xã hội học, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) bày tỏ: “Hành động tạt axit để giải quyết mâu thuẫn là hành động tội ác man rợ, tàn nhẫn gây hậu quả khôn lường cho xã hội. Thậm chí, hành động này để lại những hậu quả đáng sợ, độc ác hơn cả hành vi giết người. Đây là cách hành xử theo kiểu “luật rừng”, xem thường pháp luật và mang tính chất phản xã hội. Những đối tượng chọn cho mình cách hành xử như trên thường là đối tượng thanh thiếu niên thiếu kiến thức pháp luật, không tôn trọng cộng đồng. Họ thường là những người hiếu chiến, hung hãn, tính ích kỷ cao. Do vậy, các đối tượng này thường không để tâm đến những hậu quả nghiêm trọng gây ra cho nạn nhân mà chỉ hành động theo cảm tính để thỏa mãn cơn tức giận của bản thân. Xã hội cần có những biện pháp kiên quyết hơn để hạn chế cách hành xử côn đồ, dã man như trên để đảm bảo tính văn minh, pháp chế của một xã hội hiện đại”.
“Không ăn được thì đạp đổ” (!)
Liên quan đến vụ tại axit làm 8 người bị thương vừa xảy ra, trao đổi với PV, một lãnh đạo cơ quan CSĐT công an quận 5 (TP.HCM) cho biết: “Tại cơ quan CSĐT, Dũng khai nhận vì yêu đơn phương chị H. gần ba năm nay nhưng không được đáp trả. Khi hay tin chị H. sắp đính hôn, Dũng đã trả thù tình bằng axit. Đồng thời, Dũng khai thêm rằng ba năm nay đã quen thương thầm nhớ trộm chị H.. Kể từ ngày đó, Dũng luôn tìm mọi cách tiếp cận, tán tỉnh chị H.. Nhưng chị H. chỉ xem Dũng như một người bạn bình thường và nhiều lần đồng ý đi chơi cùng. Khi Dũng buông lời tỏ tình, chị H. liền từ chối với lý do có chồng sắp cưới ở quê. Bỏ qua lời giải thích, Dũng đã nhắn tin đe dọa khiến chị H. lo lắng sợ hãi. Vào năm 2012, Dũng đã từng giội nước sơn vào xe chị H. kèm theo những lời hăm dọa cay độc. Hiện vụ việc đang được cơ quan CSĐT mở rộng điều tra”.
Theo Người đưa tin
Cần áp dụng mức án cao nhất cho những vụ tạt axít
Nhiều vụ tạt axít để trả thù hay dằn mặt nạn nhân xảy ra trong thời gian qua, gây hậu quả hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần người bị nạn trong một thời gian dài, thậm chí là suốt cuộc đời.
Tuy nhiên, hung thủ thường được tuyên những bản án nhẹ, chưa có tính răn đe. Vì thế, loại tội phạm này ngày càng manh động. Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Đăng Liêm, hiệu trưởng trường đại học Công nghệ thông tin Gia Định, thành viên Hội Luật gia Châu Á.
Hành vi man rợ phải truy tố tội giết người
Những vụ án tạt axít thường gây ra hậu quả hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nạn nhân suốt cuộc đời. Nhưng những bản án mà tòa đã tuyên thường rất nhẹ, chưa có tính răn đe. Ông nhận định sao về vấn đề này?
Sát hại người yêu rồi tự tử nói chung và tạt axit vào người yêu vì mâu thuẫn, vì bị từ chối tình yêu nói riêng... là những bi kịch không hiếm trong xã hội ngày nay. Những vụ án xảy ra thường rất đau lòng, khiến dư luận bàng hoàng và phẫn nộ. Tất nhiên, những kẻ gây án phải trả giá trước pháp luật cho hành vi của mình. Còn những nạn nhân của các vụ tạt axit thường phải gánh chịu hậu quả nặng nề hơn, khi thân thể bị hủy hoại, tinh thần hoảng loạn, không ít người bị hàng xóm và dư luận dị nghị.
Đó thật sự là những bi kịch, khi người gây án thì đáng trách, còn nạn nhân thì đáng thương. Thực tế, những hung thủ gây ra các vụ tạt axit người khác bị xử lý về tội cố ý gây thương tích và được tuyên với mức án nhẹ khiến dư luận bức xúc. Tuy nhiên, tòa án cũng đã căn cứ vào pháp luật để định tội. Theo tôi, đây chính là một lỗ hổng của pháp luật khi xử phạt chưa nghiêm những vụ án kinh hoàng này.
Thưa ông, việc nhiều người chọn cách giải quyết mâu thuẫn bằng cách tạt axit khiến nạn nhân bị bỏng nặng, có nhiều trường hợp tử vong, gây bức xúc trong dư luận, theo ông nguyên nhân là do đâu?
Nguyên nhân của những vụ án đau lòng này là do những người trong cuộc cho rằng người mình yêu thuộc quyền "sở hữu" của riêng mình. Đến khi người yêu đi chung với người khác, hay ghen tuông, giận hờn, sợ người mình yêu bỏ rơi... nên dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực. Hành vi phạm tội là kết quả của những dồn nén, những bức xúc của người phạm tội khi không kiểm soát được hành vi của mình.
Để xảy ra những vụ án đau lòng này là vì cả người bị hại và hung thủ chưa có những kỹ năng giải quyết mâu thuẫn và khả năng vượt qua những ức chế nhất thời. Khi không giải quyết được những xung đột này, nhiều bạn trẻ chọn cách giải quyết vấn đề một cách mù quáng, để rồi chính họ rơi vào những bi kịch khó lường.
Luật sư Nguyễn Đăng Liêm.
Một nguyên nhân khác nữa khiến tội ác này ngày càng gia tăng là do luật xử phạt còn chưa nghiêm. Loại tội phạm này thường gây ra hậu quả hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe thể xác và sức khỏe tinh thần của người khác nên phải xử lý nghiêm khắc. Trong nhiều vụ án nghiêm trọng, cần xem xét hành vi và mức độ phạm tội để đưa ra những phán quyết công tâm, thậm chí có thể truy tố tội giết người nếu có hành vi man rợ.
Vậy theo ông, khi gặp phải những xung đột mà hai người không thể giải quyết, họ cần phải làm thế nào để không để lại hậu quả đau lòng?
Tạt axit vào người khác là một tội ác đáng lên án, người phạm tội thường có quá trình chuẩn bị rất kỹ, có chủ ý. Tức là người phạm tội có thời gian để suy nghĩ lại vấn đề nhưng vẫn phạm tội. Thay vì giải quyết vấn đề một cách mù quáng, người trong cuộc nên chia sẻ những khó khăn của mình cho người thân, người đáng tin cậy để tìm những lời khuyên và hướng xử lý hợp lý. Không để những bức xúc này kéo dài, sự ức chế nếu kéo dài sẽ gây nên những hậu quả khôn lường cho bản thân và xã hội.
Nhiều tình tiết tăng nặng
Trước thực trạng axit được bày bán công khai, không thấy cơ quan nào quản lý, ai cũng có thể mua được hóa chất này. Theo ông, về mặt quản lý, các cấp các ngành nên có nên đưa ra những quy định chặt chẽ về việc bày bán công khai chất lỏng nguy hiểm này không?
Hiện nay, chất axit được bày bán công khai, theo quy định, những người từ đủ 18 tuổi trở lên thì được mua axit, người bán cũng chỉ bán cho những người đủ số tuổi này. Tuy nhiên, vì dễ dàng mua nên hầu như cứ ai hỏi là bán, người có nhu cầu mua cũng dễ dàng. Khó có thể đưa ra những quy định về việc bày bán hóa chất độc hại này. Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không làm được.
Theo tôi, về mặt quản lý, các cấp các ngành nên siết chặt quản lý bằng cách chỉ bày bán tại những điểm nhất định, không bán cho cá nhân nhỏ lẻ. Những điểm bán axit phải có giấy phép của cơ quan chức năng, quản lý việc bày bán hóa chất độc hại này theo địa bàn. Lực lượng chất năng cần thường xuyên rà soát hoạt động buôn bán axit, cần yêu cầu, ngăn chặn những người bán axit nhỏ lẻ chấm dứt ngay tình trạng này. Sau khi nhắc nhở, nếu ai bán cho cá nhân, mà cá nhân đó dùng số axit vừa mua gây hậu quả nghiêm trọng thì phải xử lý nghiêm trước pháp luật.
Thưa ông, có nên kiến nghị sửa đổi theo hướng tăng nặng hình phạt những vụ án tạt axít vì tình hay trả thù không, thưa ông?
Luật pháp quy định xử lý tội danh rất rõ ràng, bất cứ hành vi nào vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm. Những kẻ mang axit đi tạt người khác là những kẻ man rợ, không còn một chút nhân tính nào. Tội phạm tạt axit vào người khác vì có chủ ý, phải coi hành vi này là giết người, do đó cần xử phạt nghiêm.
Kiến nghị sửa đổi Bộ luật Hình sự về tội phạm tạt axit người khác là điều cần thiết để có tính răn đe, phòng ngừa chung. Các cấp tòa án cần áp dụng triệt để những tình tiết tăng nặng khi định án. Mỗi tội danh đều có khung hình phạt, theo tôi, sau khi xem xét hành vi, xét các tình tiết tăng nặng cần áp dụng hình phạt cao nhất trong khung hình phạt dành cho tội danh này.
Theo Người Đưa Tin
Hoa hồng và a-xít Từ lâu hoa hồng vẫn được coi là tượng trưng cho tình yêu, có lẽ vì nó rực rỡ, quyến rũ, quý phái, mềm mại, lại tỏa thứ hương thanh khiết. Kẻ dùng a-xít để minh chứng tình yêu của mình, đích thị là quỷ sứ. Còn a-xít là thứ dung dịch gây bỏng, ăn mòn, hủy hoại, làm tiêu tan mọi thứ....