Vì sao Nga “quay ngoắt thái độ” một cách choáng váng với NATO?
Bộ Ngoại giao Nga mới đây đã bất ngờ bày tỏ mong muốn bình thường hóa quan hệ với NATO. Diễn biến này diễn ra chỉ một thời gian ngắn trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chính thức nhậm chức.
Nga phát đi tín hiệu muốn làm lành với NATO
Mối quan hệ giữa Nga và NATO trong những năm gần đây đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow.
Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia.
Trong bối cảnh Nga và NATO đang đối đầu không khoan nhượng với nhau thì hôm 4/1 vừa rồi, Bộ Ngoại giao Nga bất ngờ tuyên bố nước này sẵn sàng bỏ qua mọi chuyện trước đây để khởi động một mối quan hệ mới với cựu địch thủ thời Chiến tranh Lạnh.
“Chúng ta cần thiết lập một mối quan hệ bình thường với NATO và làm mới lại những gì chúng ta đã có trong quan hệ với NATO”, ông Andrei Kelin – người đứng đầu Cơ quan Phát triển Châu Âu thuộc Bộ Ngoại giao Nga, đã phát biểu như vậy với hãng tin Interfax.
Ông Kelin không nhắc gì đến cáo buộc của Nga về việc NATO đang bành trướng ngày một sát đến biên giới của họ. Thay vào đó, vị quan chức Nga lại nói rằng, là một thành viên của câu lạc bộ NATO là “hợp lý” bởi lợi ích chính trị của liên minh cũng như số tiền mà các nước thành viên nhỏ hơn có thể tiết kiệm được trong chi tiêu quân sự.
Những phát biểu trên cho thấy sự thay đổi lập trường đầy bất ngờ của Nga. Trước đó, hồi đầu tháng 11 năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu vẫn còn tuyên bố, Moscow sẽ trả đũa NATO về việc triển khai quân đến các khu vực Đông Âu.
Lý giải sự thay đổi gây choáng váng của Nga nói trên, nhiều người tin rằng, chuyện này có liên quan đến việc Tổng thống đắc cử Donald Trump sắp chính thức nhậm chức.
Vụ sáp nhập bán đảo Crimea, cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine, những hoạt động dương ai diễu võ của Nga và NATO cùng cuộc chiến trừng phạt căng thẳng đã đẩy quan hệ giữa Nga-Mỹ và Nga-NATO xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, ông Trump gần đây liên tục phát đi tín hiệu cho thấy ông sẵn sàng thay đổi mọi thứ trong quan hệ với Nga.
Video đang HOT
Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump đã miêu tả NATO là tổ chức lỗi thời và đề xuất đặt ra các điều kiện để Mỹ giúp đỡ 27 thành viên khác của NATO bất chấp các nghĩa vụ trong hiệp ước của NATO đã quy định như vậy. Ông Trump cũng không tiếc lời khen ngợi Tổng thống Vladimir Putin. Hồi tháng 9 năm ngoái, ông Trump từng so sánh rằng ông Putin là nhà lãnh đạo “vượt xa” Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama. Gần đây, Tổng thống đắc cử Trump còn lên Twitter khen ngợi quyết định không trả đũa Mỹ của ông Putin, nói rằng “Tôi luôn luôn biết, ông ấy là người rất thông minh”.
Với việc ông Trump sẽ bước vào Nhà Trắng trong khoảng 2 tuần nữa, đang có những quan ngại về sức mạnh của NATO. Trong khi các đồng minh của Mỹ tỏ ra lo ngại thì Nga lại đang tràn đầy hy vọng. Những phát biểu của ông Kelin có thể là bước thử đầu tiên cho việc bình thường hóa quan hệ Nga-NATO khi ông Trump bước vào Phòng Bầu dục. “Tôi cho rằng, tuyên bố của Nga đưa ra vào một thời điểm mang tính chiến lược khi ông Trump chuẩn bị nhậm chức. Nga muốn thể hiện họ sẵn sàng thiết lập lại mối quan hệ với NATO và họ đang chờ đợi phương Tây đáp lại”, bà Rachel Rizzo – một chuyên gia về NATO ở Trung tâm An ninh Mỹ mới, nhận định.
(Theo Vnmedia)
Trả vali hạt nhân và những việc trước khi Obama hết nhiệm kỳ
Trả lại vali hạt nhân, tìm một cơ ngơi mới, nói lời chia tay người dân và cộng sự..., đó là danh sách những việc tổng thống Mỹ cần làm trước khi kết thúc nhiệm kỳ.
Ông Obama đang trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ thứ hai trong khi một số nhân viên Nhà Trắng bắt đầu thôi việc từ đầu tháng 1. Chỉ chưa đầy ba tuần nữa, nước Mỹ sẽ chính thức có tổng thống mới.
Để chuẩn bị cho điều này, cả hai bộ máy của tổng thống tiền nhiệm và kế nhiệm đều hoạt động hết công suất, với sự hỗ trợ từ nhiều cơ quan chính phủ.
Tuy vậy, thay đổi cả một chính quyền là việc không đơn giản. Trước khi trở thành công dân bình thường, các tổng thống tiền nhiệm luôn có những việc thủ tục mang tính bắt buộc. Một số khác lại là thông lệ "bất thành văn".
Bàn giao vali hạt nhân
Vali hạt nhân cùng chiếc thẻ kích hoạt luôn là vật bất ly thân với mọi tổng thống Mỹ. Chiếc thẻ chứa mã kích hoạt hệ thống vũ khí hạt nhân sẽ được tổng thống đương nhiệm trả lại cho Bộ quốc phòng trước khi mãn nhiệm.
Một quy trình bí mật giữa Lầu Năm Góc và tổng thống kế nhiệm sẽ diễn ra nhằm thiết lập mật mã mới và chuyển giao chiếc vali quan trọng này.
Tổng thống đương nhiệm trả lại chiếc valy hạt nhân cùng thẻ kích hoạt cho Lầu Năm Góc, nơi sẽ khởi động một quy trình hoàn toàn mới cho tổng thống kế nhiệm. Ảnh: Getty.
Trong lễ nhậm chức tổng thống mới, việc trao trả chiếc vali hạt nhân này chỉ diễn ra theo hình thức. Vì an ninh quốc gia, thời điểm thay đổi mật mã và quy trình hoàn toàn được giấu kín.
Trong lịch sử, nhiều tổng thống Mỹ từng làm mất chiếc thẻ chứa mã kích hoạt, khiến lực lượng an ninh nước này không khỏi đau đầu. Lần gần đây nhất, theo Reuters, Tổng thống Bill Clinton không nhớ mình để chiếc thẻ quan trọng này ở đâu, khiến nhà chức trách lục lọi khắp nơi trong Nhà Trắng và vẫn thất bại trong việc tìm kiếm.
Tổng thống Obama nhiều lần bày tỏ lo ngại khi mã kích hoạt vũ khí hạt nhân được quản lý bởi người bốc đồng như ông Trump. Tuy vậy, để sử dụng hệ thống này, tổng thống luôn cần đội ngũ cố vấn tin cậy và vững chắc.
Chào đón người kế nhiệm
Để quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra trơn tru, đội ngũ của tổng thống sắp mãn nhiệm thường hợp tác chặt chẽ với người kế nhiệm. Hai tổng thống sẽ có những cuộc gặp gỡ, điện đàm, trao đổi.
Tháng 11/2016, ngay sau khi ông Trump thắng cử, Tổng thống Obama đã mời ông tới Nhà Trắng thảo luận về nhiều vấn đề. Dù có những quan điểm khác biệt và từng phản đối nhau, việc hợp tác giữa hai tổng thống trong giai đoạn này là tất yếu. Đó là dấu hiệu của nền dân chủ Mỹ.
Trong ngày diễn ra lễ nhậm chức, tổng thống mới thường tới Nhà Trắng, trò chuyện cùng người tiền nhiệm. Sau đó họ sẽ cùng ngồi trên chiếc limousine tới Đồi Capitol, nơi tổng thống tuyên thệ trước sự chứng kiến của hàng triệu người.
Gần như ngay sau sự kiện này, tổng thống mãn nhiệm sẽ rời Nhà Trắng để người kế nhiệm dọn vào và chính thức trở thành ông chủ của tòa nhà quyền lực.
Vợ chồng thống Obama cùng vợ chồng Tổng thống Bush tại lễ nhậm chức của ông Obama năn 2009. Ảnh: Getty.
Không chỉ vậy, tổng thống tiền nhiệm thường gửi một lá thư cho người kế nhiệm mình. Điều này dường như đã trở thành một truyền thống ở Mỹ. Năm 2009, Tổng thống George Bush để lại vài dòng cho ông Obama trên chiếc bàn trong phòng bầu dục của Nhà Trắng. Ông Bush bày tỏ hy vọng về nước Mỹ do ông Obama lãnh đạo, chào mừng vị tổng thống thứ 44 của nước Mỹ bước sang một trang mới của cuộc đời.
Tổ chức tiệc chia tay và ân xá tù nhân
Khi các tổng thống kết thúc nhiệm kỳ, cả nội các và bộ máy của họ cũng ngưng làm việc. Để nói lời chia tay, ông chủ Nhà Trắng thường tổ chức một bữa tiệc thân mật dành cho các cộng sự của mình. Tại đây, tổng thống sẽ nói lời cảm ơn và chia sẻ kỷ niệm trong suốt những năm tại chức.
Năm nay, Tổng thống Obama sẽ tổ chức bữa tiệc vào ngày 6/1 trong khuôn viên của Nhà Trắng. Ngày 10/1, ông có bài phát biểu chia tay tại quê nhà Chicago, nơi ông sẽ nói về hành trình của mình.
Ân xá Patty Hearst là một trong những quyết định gây tranh cãi nhất của Tổng thống Bill Clinton trong những ngày cuối nhiệm kỳ. Ảnh: FBI.
Cũng trong khoảng thời gian này, một số tổng thống thường ân xá tù nhân. Đây được coi như thông lệ đã tồn tại qua nhiều đời tổng thống. Một trong những lý do họ làm điều này vào cuối nhiệm kỳ là muốn tận dụng quyền hạn của mình trong lúc mọi sự chú ý dồn vào tổng thống mới, tránh gây ra các rắc rối chính trị.
Lần gần đây nhất, năm 2001, Tổng thống Bill Clinton đã gây tranh cãi khi ân xá Patty Hearst, cháu gái một ông trùm truyền thông. Cô gái bị kết án năm 19 tuổi vì cầm súng bắn người và đi cướp ngân hàng.
Chỉ trong 8 năm tại nhiệm, Tổng thống Obama đã ân xá và giảm tội cho gần 1000 người, nhiều hơn con số của 10 tổng thống trước đó cộng lại. Vì vậy, việc ông sẽ ân xá ai trong những ngày tới là câu hỏi khó trả lời.
(Theo Zing News)
4 cách Trump giải quyết mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể đàm phán trực tiếp, nhờ Trung Quốc can thiệp hoặc đánh đòn phủ đầu, loại bỏ nguy cơ bị Triều Tiên tấn công bằng vũ khí hạt nhân. Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Theo CNN, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày...