Vì sao Nga – phương Tây khó bắt tay?
Chính sách ngoại giao là đặt ra ưu tiên giữa các lợi ích quốc gia cạnh tranh nhau. Từ góc nhìn này, rõ ràng những gì các chính phủ phương Tây cần làm hiện nay là tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và nhiệm vụ cấp thiết này khiến họ phải tính chuyện bắt tay với người Nga.
Theo nhà báo Jonathan Eyal của báo Straits Times, đó chính là những gì Tổng thống Pháp Francois Hollande theo đuổi. Ngay sau loạt vụ khủng bố ở Paris ngày 13/11, ông kêu gọi thành lập một “liên minh lớn” chống khủng bố. Đây dường như cũng là điều Tổng thống Nga mong muốn. Trong những bài phát biểu gần đây, Putin kêu gọi thành lập một liên minh toàn cầu “giống liên minh chống Hitler” thời Thế chiến II, để chống lại “những kẻ, cũng như phát xít Đức, gieo rắc tai ương và thù hận”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị G20 ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15/11/2015. (Ảnh: Reuters)
Tuy nhiên, nói dễ hơn làm. Dù có lập trường tương tự về chống khủng bố quốc tế nhưng cách tiếp cận của Nga với vấn đề này rất khác biệt so với phương Tây. Lịch sử sự hợp tác Nga – phương Tây cũng là một trong những trở ngại lớn nhất.
Ít có khả năng Nga và phương Tây sẽ giảng hòa, cho dù thực tế hai bên có thể có những lợi ích chung ở Trung Đông.
Có thể nói, ở một mức độ nào đó, căng thẳng ngoại giao giữa Nga và phương Tây – tăng vọt vào năm ngoái khi Nga sáp nhập bán đảo Crưm từ Ukraina – đến nay đã được kiềm chế. Khi dự hội nghị G20 ở Brisbane (Australia) năm 2014, Putin đã bị lãnh đạo nhiều nước tẩy chay. Nhưng tại hội nghị G20 năm nay ở Thổ Nhĩ Kỳ, mọi người đều muốn nghe ông nói. Nhiều cuộc gặp đã diễn ra bên lề, bàn về các vấn đề thế giới và Putin thực sự đã thoát khỏi sự ghẻ lạnh.
Tuy nhiên, chỉ một tuần sau cuộc gặp giữa Putin và Obama, quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi nhanh chóng vì sự kiện chiến đấu cơ của Ankara bắn hạ máy bay ném bom Su-24 của Moscow ở biên giới Syria. Các cuộc đối thoại về một cách tiếp cận chung giữa Nga và phương Tây đối với cuộc chiến chống IS cũng thất bại.
Tổng thống Pháp Hollande hối hả đi lại giữa Washington và Moscow để thuyết phục thành lập một liên minh thống nhất chống IS đã phải thừa nhận rằng nỗ lực của ông không đạt kết quả.
Một trong những trở ngại là Nga và phương Tây có nghị trình khác biệt ở Trung Đông. Mỹ và các đồng minh châu Âu chi phối khu vực; hầu hết các chế độ trong khu vực hoặc theo phương Tây hoặc tìm kiếm tư vấn và giúp đỡ từ phương Tây. Do vậy, đánh bại IS và các nhóm khủng bố khác là một mục tiêu tức thì. Mục tiêu lâu dài hơn là trả lại hiện trạng ban đầu cho khu vực – như một nơi ổn định và tiếp tục cung cấp dầu khí cho cả thế giới.
Trong khi đó, mục tiêu của Nga là giành lại vị thế chủ thể khu vực ở Trung Đông mà Liên Xô để mất từ những năm 1970. Tất nhiên, Moscow rất muốn chứng kiến IS bị tiêu diệt, bởi tổ chức khủng bố này đã giết rất nhiều người Nga khi cài bom làm nổ tung máy bay chở 224 khách trên bầu trời Ai Cập đầu tháng 11. Nhưng với Moscow, tiêu diệt IS chỉ là một bước tiến tới sự hiện diện chiến lược rộng hơn ở Trung Đông. Tổng thống Syria Bashar al-Assad là nhà lãnh đạo Ảrập duy nhất mà Nga coi là đồng minh, và ưu tiên đầu tiên của Moscow là bảo vệ ông này.
Những cuộc hội đàm kín nhằm giải quyết những khác biệt kể trên đang tiếp tục ở thủ đô Vienna của Áo. Và trong tuần này, Ảrập Xêút có thể sẽ triệu tập một hội nghị giữa các nhóm nổi dậy ở Syria để thu hẹp bất đồng giữa Nga và phương Tây.
Tuy nhiên, để hai bên đạt đồng thuận là không dễ dàng. Nhiều nước phương Tây lo ngại họ không chỉ phải chấp nhận để Syria trong tầm ảnh hưởng của Nga mà còn phải đồng ý xóa bỏ cấm vận đối với Moscow liên quan đến khủng hoảng Ukraina, và buộc phải để Ukraina tiếp tục bị chia rẽ.
Video đang HOT
Kiểu “thỏa thuận gói” này – ràng buộc một thỏa thuận về Syria với thỏa thuận về Ukraina – chính là những gì ông Putin mong muốn khi nhắc đến khoảng thời gian hợp tác Đông – Tây trong Thế chiến II; cuộc chiến kết thúc bằng một sự phân chia tầm ảnh hưởng mà ông Putin muốn khôi phục.
Trong trường hợp Nga vẫn hợp tác về Syria mà vẫn chấp nhận chịu cấm vận của châu Âu thì rất khó có thể thấy Moscow làm được gì ở Trung Đông. Cũng như phương Tây, Nga không muốn đưa quân đến thực địa để chống khủng bố. Họ chỉ oanh tạc IS từ trên cao, không khác gì cách phương Tây đang làm.
Rất có thể người Nga buộc phải “hy sinh” tương lai của ông Assad và thay thế ông bằng một chính phủ “thống nhất quốc gia”. Nhưng họ khó mà đảm bảo chính phủ đó tồn tại, cũng không thể đảm bảo tất cả các phe nhóm ở Syria đồng ý buông vũ khí.
Chắc chắn, các chính phủ phương Tây sẽ tiếp tục tìm cách đạt được thỏa hiệp với Moscow, vì Nga có một vai trò không thể phủ nhận trong bất kỳ một giải pháp nào. Sự hợp tác với Nga cũng cần thiết để tránh va chạm tình cờ, chẳng hạn vụ Su-24, vốn có thể dẫn đến những hậu quả không ngờ. Nhưng để người Nga đồng ý hợp tác thì cái giá mà Moscow đặt ra không hề nhỏ.
Thanh Hảo
Theo_VietNamNet
Sai lầm khiến Mỹ càng đánh IS càng mạnh (kỳ 1)
Mỹ đang hiểu sai bản chất của IS, đánh giá quá thấp sự nguy hiểm và khác biệt của tổ chức khủng bố này so với mạng lưới al Qaeda.
Tổng thống Mỹ từng tuyên bố IS "đơn giản chỉ là một tổ chức khủng bố". Nhưng sự phát triển của IS theo nhiều chiều kích, bất chấp bị liên quân do Mỹ dẫn đầu tiêu tốn gần 9,7 triệu USD mỗi ngày để vùi dập, cho thấy IS không hề đơn giản như như ông Obama nghĩ. Theo Audrey Kurth Cronin, Giám đốc Chương trình An ninh quốc tế tại Đại học George Mason, Mỹ đã rất sai lầm khi đánh giá IS. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của ông.
Mỹ hiểu sai bản chất của IS
Sau sự kiện 11.9, nhiều nhà phân tích cho rằng, Washington lấy al Qaeda làm kẻ thù mục tiêu trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Các cơ quan an ninh và tình báo cũng được xây dựng để phục vụ cho nhiệm vụ chính là tiêu diệt mạng lưới khủng bố này.
Tuy nhiên, việc một tổ chức khủng bố mới như Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nổi lên dần thay thế vị trí số 1 của al Qaeda đang làm nhiều cơ quan an ninh của Mỹ bối rối, bởi tuy cùng là khủng bố, từng là một nhánh con, nhưng IS lại không giống al Qadeda.
Tổng thống Obama thề sẽ tiêu diệt phiến quân Hồi giáo đến cùng trong bài phát biểu hồi tháng 9.2015.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình cuối tháng 9.2015, giải thích cho kế hoạch "làm suy giảm và cuối cùng là tiêu diệt IS", Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố: "IS rõ ràng và đơn giản chỉ là một tổ chức khủng bố. Chúng không có tầm nhìn nào khác ngoài việc tàn sát bất cứ ai cản đường".
Tờ Foreign Affair cho rằng đây có thể là một sự nhầm lẫn và đánh giá thấp tổ chức thánh chiến này. Tờ báo này cho rằng, IS sử dụng chủ nghĩa khủng bố làm tôn chỉ, nhưng không hoàn toàn là một tổ chức khủng bố đơn giản như những gì ông Obama miêu tả.
Nếu như mạng lưới khủng bố của al Qaeda, thường có hàng chục hoặc hàng trăm thành viên với mục tiêu là tấn công vào dân thường nhưng không chiếm giữ lãnh thổ và không trực tiếp đối đầu với lực lượng quân sự bên ngoài, thì IS lại hoàn toàn khác. Chúng "tự hào" khoe số lượng 30.000 máy bay chiến đấu, chiếm giữ một vùng lãnh thổ rộng lớn ở cả Iraq và Syria, duy trì khả năng quân sự, kiểm soát dòng thông tin liên lạc, các cơ sở hạ tầng, quỹ tài chính và tham gia vào nhiều các hoạt động quân sự tinh vi.
Tờ Foreign Affair đặt ra câu hỏi: "Nếu IS "đơn giản" như những gì mà Tổng thống Obama miêu tả thì tại sao sau hơn một năm, Mỹ và liên quân vẫn không thể quật ngã được "nhà nước tự xưng" này?". Phải chăng những gì Mỹ từng áp dụng với al Qaeda không có tác dụng với IS?
Hiểu sai bản chất của IS khiến các cuộc không kích IS của Mỹ và liên quân đang vô tác dụng
Tháng 8.2014, Mỹ bắt đầu các chiến dịch không kích nhằm tiêu diệt IS. Tính từ đó đến nay, liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu đã lên tới con số khoảng 60 nước. Theo công bố của Bộ Quốc phòng Mỹ hồi tháng 5.2015, trước khi các cuộc không kích và các hoạt động khác của Mỹ nhắm vào lực lượng IS được mở rộng sang Syria vào giữa tháng 9.2014, chi phí hàng ngày trung bình của chúng là 5,6 triệu USD.
Từ giữa tháng 9.2014 đến giữa tháng 5.2015, chi phí hằng ngày của các hoạt động quân sự tăng vọt lên 9,7 triệu USD. Thế nhưng, các cuộc không kích của Mỹ và liên quân vào các căn cứ của IS tại Syria và Iraq chưa hiệu quả rõ rệt và cũng không ngăn cản được sự lớn mạnh của lực lượng thánh chiến.
Tờ báo trên kết luận, chính nhận thức sai lầm về bản chất của IS đã khiến Washington chậm chạp các thay đổi chính sách và cách thức chống khủng bố tại Iraq và Syria.
IS không phải là al Qaeda
Sự khác nhau rõ ràng nhất giữa al Qaeda và IS nằm ở nguồn gốc hình thành. Al Qaeda được thành lập ở thời hậu Xô-Viết tại Afghanistan, thời điểm thế giới quan và tư duy chiến lược của giới đầu sỏ al Qaeda như Osama bin Laden được định hình thông qua các cuộc nội chiến.
Al Qaeda được xây dựng để trở thành một mạng lưới khủng bố toàn cầu, tập trung tấn công vào các mục tiêu nhà nước phương Tây hoặc đồng minh của phương Tây. Song song với đó, al Qaeda còn muốn tập hợp những người Hồi giáo có cùng chí hướng tham gia vào mặt trận chống lại các siêu cường trên bình diện toàn thế giới.
IS đang cho thấy là một tổ chức nguy hiểm hơn al Qaeda nhiều lần.
Trong khi đó, IS "ra đời" sau khi Mỹ tham chiến tại Iraq năm 2003. Ban đầu, tổ chức này chỉ là một nhóm phần tử Hồi giáo cực đoan nổi loạn dòng Sunni, đứng lên chiến đấu với lực lượng quân đội Mỹ và tấn công dân thường hòng kích động một cuộc nội chiến tại Iraq.
Vào thời điểm đó, nhóm này được gọi là chi nhánh của al Qaeda tại Iraq (AQI), còn Abu Musab al Zarqawi, lãnh đạo của nhóm tuyên thệ trung thành với Bin Laden. Đây cũng là nhánh đầu tiên của al Qaeda bên ngoài biên giới Afghanistan và Pakistan.
Ở vị trí mới, al-Zarqawi không chỉ là một thủ lĩnh của nhóm thánh chiến Hồi giáo ở Iraq mà còn trở thành đại diện chính thức của al-Qaeda ở Iraq. Tuy nhiên, năm 2006, Zarqawi bị giết trong một vụ không kích của quân đội Mỹ và gần như sau đó, AQI bị xóa sổ sau khi người Hồi giáo dòng Sunni quyết định hợp tác với Mỹ để đối đầu với các chiến binh thánh chiến.
Thời điểm này, vị trí lãnh đạo của AQI rơi vào tay một phần tử thánh chiến cực đoan người Iraq có tên Abu Omar al-Baghdadi. Tháng 10.2006, AQI chính thức đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo ở Iraq (ISI).
Abu Omar al - Baghdadi, thủ lĩnh đầu sỏ của tổ chức khủng bố IS.
Cuối năm 2011, quân đội Mỹ rút khỏi Iraq để lại một khoảng trống an ninh nguy hiểm và là "thời điểm vàng" để ISI xây dựng lại lực lượng và tăng cường các hoạt động khủng bố nhằm vào người Shi'ite và chính phủ Iraq. Cũng trong năm đó, cuộc nội chiến ở Syria nổ ra và mang đến cơ hội để ISI mở rộng hoạt động sang Syria cũng như truyền bá tư tưởng và ảnh hưởng tới quốc gia Trung Đông này.
Điểm khác biệt cơ bản của ISI đối với al-Qaeda là việc chiếm giữ lãnh thổ ở những nơi chúng đi qua. Tháng 1.2014, khi IS chiếm được các thành phố Fallujah và Ramadi, các nhà phân tích đã dự đoán về một mối đe dọa mới đối với quân đội Mỹ tại Iraq.
Đến tháng 6.2014, IS tiến đánh Baghdad, chiếm giữ thêm nhiều thành phố và thị trấn quan trọng khác như Mosul, Tikrit hay al-Qaim. Cuối tháng 6, tổ chức khủng bố non trẻ này chính thức đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo ở Irag và Syria (ISIS - báo Việt Nam thường gọi tắt là IS), tuyên bố cắt đứt mọi quan hệ với mạng lưới al Qaeda.
Nếu như al Qaeda ra đời với mục đích trở thành đội quân tiên phong cho phong trào nổi dậy của người Hồi giáo chống lại chính quyền thế tục thì IS ngược lại, tìm cách kiểm soát lãnh thổ, tạo ra một nhà nước Hồi giáo để ngay lập tức xóa bỏ biên giới chính trị ở Trung Đông, nơi đang bị các cường quốc phương Tây "xâu xé" trong thế kỷ 20. IS định hình mình như một tổ chức chính trị, tôn giáo, quân sự duy nhất của các tín đồ Hồi giáo trên thế giới.
__________
Mời bạn đọc đón xem tiếp kỳ 2 vào 19h tối 1.12.2015: IS vô hiệu hóa chiến thuật của Mỹ như thế nào và vì sao chúng thu hút được nhiều binh lính từ chính các nước phương Tây
Theo Danviet
Kịch bản Thổ Nhĩ Kỳ bắt tay Ukraine chống Nga Trước ảnh hưởng và vai trò quốc tế ngày càng cao của Nga, các lực lượng đối lập đã liên kết lại để cùng chống lại Moskva. Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường hợp tác kỹ thuật-quân sự với Ukraine Trong Hội nghị quốc tế Turkey Defence Week-2015 mới được tổ chức ở Ankara, Phó Tổng giám đốc Ukroboronprom, Denis Gurak khẳng định: "Ukraine...