Vì sao Nga muốn triển khai đội máy bay ném bom tới Crimea
Một đội máy bay ném bom tầm xa Tupolev Tu-22M3 có thể được Nga điều động tới bán đảo Crimea, trong động thái được tin là để đáp trả việc NATO triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa gần biên giới Nga.
Tupolev Tu-22M3 là mẫu máy bay ném bom tầm xa có thể mang bom hạt nhân. Ảnh: Tupolev.ru
Kế hoạch điều động chiến đấu cơ Tupolev Tu-22M3 đã được hãng thông tấn Interfax cùng nhiều tờ báo khác đăng tải, dù chưa có thông tin chính thức từ chính phủ Nga. Trước đó, Moscow từng tuyên bố sẽ nâng cao năng lực quân sự tại Crimea, sau khi sáp nhập bán đảo này từ Ukraine tháng 3/2014.
Theo một số nhà bình luận tại Nga, việc các máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 được điều động tới Crimea là hành động đáp trả việc Mỹ lên kế hoạch triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa đất đối không tại Romania.
Từ tháng 10/2013, công tác triển khai đã diễn ra tại căn cứ không quân Deveselu của Romania. Đây là một phần của kế hoạch lập lá chắn tên lửa của NATO, nhằm bảo vệ châu Âu trước nguy cơ bị tấn công tên lửa từ “một quốc gia liều lĩnh”. Các tên lửa được triển khai đều là phiên bản trên bộ của tên lửa lớp Aegis do Mỹ cung cấp, và đã được hải quân Mỹ sử dụng từ năm 2004.
Giới chuyên gia cho rằng máy bay ném bom Nga khi được triển khai có thể tấn công các tàu mặt nước cỡ lớn, bao gồm cả tàu sân bay.
Nga hiện cũng phản đối việc Mỹ đưa hệ thống đánh chặn tên lửa tới Ba Lan, và cảnh báo sẽ đưa các tên lửa tầm ngắn Iskander tới vùng Kaliningrad để đáp trả. Tuy nhiên, đến nay ngoại trừ thông tin về những đợt triển khai ngắn ngày, Iskanders vẫn chưa hiện diện thường trực tại Kaliningrad.
Cuối những năm 1980, các máy bay Tu-22M3 từng hiện diện tại căn cứ Vesyoloye và sân bay Oktyabrskoye trên bán đảo Crimea, thuộc biên chế lực lượng không quân hải quân Liên Xô.
Video đang HOT
Sau khi Liên Xô tan rã, Crimea trở thành một phần của Ukraine và sau khi Nga sáp nhập bán đảo này vào năm ngoái, một vài chiếc Tu-22M3 đã được điều trở lại đây trong các cuộc kiểm tra sẵn sàng chiến đấu.
Một nguồn tin trong Bộ quốc phòng Nga tiết lộ, nước này luôn thấy cần phải duy trì mẫu máy bay ném bom chiến lược ở phía nam, và giờ là thời điểm thích hợp.
“Hiện đã có những điều kiện thuận lợi để các máy bay này trở lại Crimea, nơi từng được xem như “một hàng không mẫu hạm không thể bị đánh đắm”, nguồn tin trên phát biểu với Interfax.
Theo chuyên gia quân sự Igor Korotchenko, đây là quyết định hoàn toàn hợp lý, bởi việc triển khai máy bay ném bom Tu-22M3 tới Crimea “sẽ đối trọng lại mối đe dọa từ hệ thống phòng thủ chống tên lửa của châu Âu tại Romania, và đảm bảo quyền kiểm soát trên Biển Đen”.
Hiện vùng biển này vẫn nằm trong tầm bao phủ của các hệ thống phòng thủ bờ biển cơ động Bastion của Nga. Nhưng việc triển khai Tu-22M3 sẽ giúp hoạch định sức mạnh trong trường hợp căng thẳng quốc tế leo thang.
Sau khi được nâng cấp, các máy bay này sẽ được trang bị loại tên lửa hành trình mới, X-32, giúp cải thiện mạnh mẽ hỏa lực, ông Korotchenko cho biết thêm.
Tuy nhiên, theo chuyên gia quân sự Viktor Murakhovsky, bày tỏ sự hoài nghi về tính hiệu quả của kế hoạch này. Bởi trước hết, việc phải xây dựng các căn cứ không quân mới sẽ tốn kém. Kế đến, Tu-22M3 sẽ nằm trong tầm hỏa lực của các chiến hạm đối phương trên Biển Đen. Do đó, ông tin rằng tốt hơn hết Tu-22M3 nên được triển khai sâu trong lục địa Nga.
Máy bay Tupolev Tu-22M3
Có khoảng 500 chiếc Tu-22M với nhiều phiên bản khác nhau đang trong biên chế không quân Nga sau khi ra mắt năm 1989.
Được NATO đặt tên mã Backfire, Tu-22M là mẫu máy bay ném bom chiến lược tầm xa đồng thời có thể ném bom trên biển.
Vận tốc tối đa: 2.000 km/h (gần gấp đôi vận tốc âm thanh)
Chiều dài: 42,5m
Phi hành đoàn: 4 người (cơ trưởng, cơ phó, hoa tiêu và xạ thủ)
Động cơ: 2 động cơ cánh quạt Kuznetsov NK-25
Tầm tác chiến: 2.200 km
Tải trọng tối đa: 124 tấn
Trần bay: 14.000m
Hỏa lực: tên lửa, bom và một đại bác gắn phía đuôi
Hoàng Nguyên
Theo BBC
10 năm nữa Trung Quốc mới có máy bay ném bom tầm xa
Báo China Daily (Trung Quốc) ngày 7-7 dẫn lời Phó Tổng Biên tập tạp chí Kiến thức hàng không vũ trụ Vương Diên An nhận định ý tưởng trang bị máy bay ném bom chiến lược tầm xa đủ sức bay đến Thái Bình Dương đã được Chủ tịch Tập Cận Bình ủng hộ.
Vương Diên An hô hào không quân phải sở hữu máy bay ném bom tầm xa, bằng không thì không thể nói đến lực lượng chiến lược.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã chủ trương xây dựng không quân mang bản chất chiến lược, nghĩa là đủ khả năng tấn công chứ không chỉ phòng thủ như lâu nay. Chỉ đạo của ông đã được nhắc đến trong Sách Trắng quốc phòng 2015 công bố ngày 26-5. Đến giờ này, thuật ngữ "chiến lược" chỉ được dùng cho Quân đoàn 2 pháo binh trang bị tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.
Theo báo China Daily, dự kiến máy bay ném bom tầm xa phải bảo đảm chở 10tấn bom với tầm hoạt động đến 8.000km, tức đến chuỗi đảo thứ hai trong phạm vi phòng thủ hàng hải do Trung Quốc vạch ra. Chuỗi đảo thứ nhất chạy dài từ phía Bắc Nhật đến Đài Loan và Philippines ở phía Nam. Chuỗi đảo thứ hai chạy dài từ quần đảo Ogasawara (Nhật) ở phía Bắc đến phía Nam là các quần đảo Mariana và Caroline.
Hiện thời không quân Trung Quốc chỉ có máy bay ném bom chiến lược H-6 tương tự máy bay Tu-16của Liên Xô cũ trong những năm 1950. Thế hệ cải tiến H-6K có thể mang sáu tên lửa hành trình. Máy bay ném bom tầm xa sắp tới có thể giống thế hệ máy bay tương lai Tu-160của Nga nhưng loại này lại không có tính năng tàng hình. Còn như máy bay B-2 của Mỹ thì Trung Quốc không thể vượt qua thách thức về tài chính và công nghệ. Báo chí Trung Quốc đánh giá phải 10 năm nữa Trung Quốc mới có thể sở hữu máy bay ném bom tầm xa.
TNL
Theo_PLO
Oanh tạc cơ H-6K Trung Quốc có thể tấn công tới đảo Guam của Mỹ? Tạp chí Kanwa Defense Review số tháng 6-2015 đã đăng tải một bài viết có tên "Trung Quốc đang phát triển máy bay ném bom tầm xa", trong đó đặt ra câu hỏi liệu máy bay ném bom chiến lược H-6K có thể thay thế tất cả các máy bay H-6 cũ, hay chỉ được sản xuất ở mức độ giới hạn. Mới...