Vì sao Nga không ủng hộ Trung Quốc ở Biển Đông?
Vì nhiều nhân tố chiến lược và chính trị, Moscow không thể ủng hộ các tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Vì sao Nga không thể công khai “về phe” Trung Quốc?
Sau hàng loạt các hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là hành động đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam, Trung Quốc đã bị nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Nhật lên tiếng chỉ trích. Tuy nhiên, Nga, “đối tác chiến lược” của Trung Quốc, vẫn chưa bày tỏ lập trường gì về vấn đề Biển Đông.
Điều đó khiến một số nhân vật ở Bắc Kinh nổi giận vì cho rằng mối quan hệ Nga – Trung không tốt đẹp như họ từng nghĩ. Ngay cả về tranh chấp Nhật – Trung đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, Nga cũng thể hiện lập trường không rõ ràng.
Mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc không thân mật như Trung Quốc tưởng?
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa Nga “hai lòng” trong mối quan hệ với Trung Quốc mà có các nhân tố phức tạp về chính trị và chiến lược khiến Nga phản ứng như vậy.
Thứ nhất, mối quan hệ Nga – Trung khác với mối quan hệ Mỹ – Philippines. Trung Quốc và Nga không phải là đồng minh. Hai nước không ký hiệp ước nào trong khi Mỹ và Philippines cũng như Mỹ và Nhật Bản có các hiệp ước an ninh song phương.
Trong mối quan hệ đồng minh, mỗi bên có nghĩa vụ ủng hộ về chính trị và thậm chí cả quân sự đối với bên kia. Trong quan hệ quốc tế, đây là hình thức cao nhất của quan hệ song phương. Mặc dù mối quan hệ Nga – Trung có một số điểm thể hiện mối quan hệ chiến lược toàn diện, hai bên vẫn chưa ký kết hiệp ước có tính ràng buộc.
Từ lâu, truyền thông Trung Quốc vẫn nhấn mạnh và đề cao các nhân tố tích cực trong mối quan hệ Nga – Trung và truyền thông hải ngoại thậm chí còn đề cao quá mức mối quan hệ này. Có lúc, một số tờ báo còn cho rằng Nga và Trung Quốc đã là “đồng minh” chỉ còn thiếu một hiệp ước chính thức. Điều đó khiến một số nhân vật ở Trung Quốc tin rằng Nga – Trung đã có mối quan hệ hợp tác chính trị vô cùng rộng lớn giúp cải thiện mạnh mẽ môi trường an ninh của Trung Quốc.
Video đang HOT
Tuy nhiên, những gì thực sự diễn ra trong các mối quan hệ quốc tế cho thấy bất kể mối quan hệ Nga – Trung tốt đẹp tới đâu, điều đó cũng không làm ảnh hưởng tới chính sách của Nga về Biển Đông và biển Hoa Đông. Trên thực tế, mối quan hệ Nga – Trung cơ bản dựa trên nguyên tắc “đôi bên cùng có lợi”. Biển Đông không phải là nơi Nga có thể mở rộng các lợi ích và cũng không cần thiết phải can thiệp vào vùng biển này. Trung Quốc không thể diễn giải sai bản chất mối quan hệ Nga – Trung và kỳ vọng quá nhiều vào Nga.
Thứ hai, Nga có mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia nằm xung quanh Biển Đông và không cần thiết phải khiến các nước này “mếch lòng” để bảo vệ lợi ích của Trung Quốc. Nga không lên tiếng công khai ủng hộ Trung Quốc về vấn đề Biển Đông và một trong những nguyên nhân quan trọng là Moscow muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với các quốc gia Đông Nam Á.
Mối quan hệ Việt – Nga là một ví dụ. Trước đây, Liên Xô có mối quan hệ gần gũi với Việt Nam hơn với Trung Quốc. Nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ của Liên Xô, Việt Nam đã chiến thắng Mỹ. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga thừa hưởng mối quan hệ này. Không có cản trở lớn nào trong mối quan hệ Việt – Nga và đặc biệt có một lĩnh vực giúp mối quan hệ hai nước gắn bó chính là quốc phòng. Nhiều vũ khí của Việt Nam được sản xuất ở Nga trong đó có tàu ngầm lớp Kilo, vũ khí giúp cải thiện sức mạnh của Hải quân Việt Nam. Ngoài ra, vào cuối năm 2014, Nga sẽ giao thêm 4 chiếc máy bay chiến đấu SU-30MK2 cho Việt Nam.
Nga cũng có mối quan hệ tốt đẹp với Philippines. Hai năm trước, 3 tàu Hải quân Nga (trong đó có tàu khu trục chống tàu ngầm Admiral Panteleyev) đã tới Manila trong 3 ngày. Theo phía Nga, chuyến thăm này sẽ giúp cải thiện mối quan hệ Nga – Philippines.
Thứ ba, Nga không cần thiết phải đối đầu trực tiếp với Mỹ về Biển Đông. Hiện Nga đang tập trung vào châu Âu, đặc biệt là cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến đối cầu giữa Nga và phương Tây trở nên vô cùng căng thẳng. Vấn đề đó không thể được giải quyết nhanh chóng. Trong bối cảnh đó, Nga cũng không mong muốn hoặc không có đủ năng lực để đối đầu Mỹ trên Biển Đông.
Ngoài ra, các cuộc tranh chấp trên Biển Đông không phải là tranh chấp giữa Trung Quốc và Mỹ mà là giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á. Mỹ chỉ là nhân tố gây ảnh hưởng, không phải nhân tố quyết định tương tai của Biển Đông. Trong bối cảnh đó, Nga với tư cách là quốc gia bên ngoài không có lý do gì để hậu thuẫn Trung Quốc và chỉ trích Mỹ.
Thứ tư, những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông khiến Nga cho rằng sự “giằng co” giữa Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á về Biển Đông sẽ giúp hạn chế Bắc Kinh “bành trướng” sang các khu vực khác. Tại Nga, luôn có tiếng nói lo ngại rằng sự lớn mạnh của Trung Quốc sẽ khiến vùng viễn đông của Nga đứng trước nguy cơ bị người Trung Quốc “xâm chiếm”. Đây là vùng lãnh thổ rộng lớn và có nhiều tài nguyên nên chắc chắn sẽ là “miếng mồi ngon” cho một Trung Quốc đang lớn mạnh. Mặc dù các quan chức Nga vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng hợp tác với Trung Quốc, họ chưa bao giờ ngừng cảnh giác trước cái mà Bắc Kinh gọi là “sự mở rộng lãnh thổ”.
Moscow vẫn ngấm ngầm ủng hộ Bắc Kinh?
Dù vậy, Trung Quốc có thể không cần phải thất vọng trước lập trường của Nga về Biển Đông. Mối quan hệ trong hàng chục năm đã khiến hai quốc gia có thể “ngầm hiểu nhau”.
Hải quân Nga – Trung tập trận trên biển Hoa Đông là 1 hình thức ủng hộ của Nga dành cho Trung Quốc?
Ví dụ, về vấn đề Crimea vừa qua, Trung Quốc đã tránh công khai ủng hộ Nga; thay vào đó bỏ phiếu trắng tại Liên Hợp Quốc. Điều đó không có nghĩa Trung Quốc phản đối Nga về Crimea. Tương tự, việc Nga thể hiện lập trường trung lập về Biển Đông không có nghĩa Nga không ủng hộ Trung Quốc.
Nga có cách riêng để bày tỏ sự ủng hộ đối với Trung Quốc, ví dụ như thông qua các cuộc tập trận quân sự chung trên biển Hoa Đông. Hành động đó khiến phương Tây không khỏi ghen tỵ.
Trung Quốc và Nga đều cho phép nhau thực hiện các chính sách không rõ ràng và đó là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ đối tác đã sâu đậm hơn. Điều đó giúp cả Nga và Trung Quốc tối đa hóa các lợi ích quốc gia của hai nước này.
Theo Kiến Thức
Hoàn Cầu "đổi giọng" anh em, Nhân Dân nhật báo tiếp tục dọa Việt Nam
Theo tờ báo này, giới chức Trung Quốc cần dùng tư tưởng làm vũ khí để cột chặt Việt Nam phụ thuộc vào họ để dễ bề thao túng láng giềng, bành trướng lãnh thổ.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp ông Dương Khiết Trì tại Hà Nội.
Thời báo Hoàn Cầu ngày 19/6 đăng bài xã luận của Vương Cường về quan hệ Trung - Việt, nhưng khác với văn phong ngỗ ngược và hiếu chiến thường thấy, lần này Thời báo Hoàn Cầu lại xoáy vào cái gọi là "Việt - Trung vừa là đồng chí, vừa là anh em" để dụ dỗ, lừa phỉnh Việt Nam "quay đầu" để khỏi đánh mất cái gọi là "tình cảm tốt đẹp giữa 2 nước".
Mặc dù "đổi giọng" sang tông "anh em đồng chí", nhưng ngay từ đầu bài báo, Hoàn Cầu đã đổ mọi trách nhiệm của căng thẳng trên Biển Đông trong vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam lên đầu Việt Nam với cái cớ gọi là "Hà Nội đã có thái độ sai lầm trong vấn đề Biển Đông, lời lẽ quá khích và hành động nguy hiểm"?!
Thay vì Trung Quốc phải thay đổi quan điểm sai trái, bành trướng lãnh thổ, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông, Thời báo Hoàn Cầu rêu rao rằng, "mấu chốt hóa giải nan đề quan hệ Trung - Việt nằm ở chỗ Việt Nam phải từ bỏ lập trường sai lầm" của mình.
Thời báo Hoàn Cầu tiếp tục luận điệu mị dân rằng, "trên cơ sở bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích hàng hải, Trung Quốc có thể vận dụng nhiều biện pháp (thủ đoạn) theo mô hình vừa là đồng chí, vừa là anh em để cải thiện quan hệ với Việt Nam".
Để lập luận lôi kéo Việt Nam, Thời báo Hoàn Cầu tiếp tục câu chuyện ý thức hệ bằng việc đưa ra những nhận xét phiến diện, sai lệch về tình hình Việt Nam khi cho rằng, "nếu Việt Nam không thể phân biệt rõ ràng âm mưu của các thế lực thù địch, không thể nhận rõ hiện thực nguy hiểm về (cái gọi là) đấu tranh nội bộ, không thể giải quyết vấn đề tư tưởng và để mặc cho chủ nghĩa dân tộc lan tràn" sẽ tạo ra mối uy hiếp và nguy cơ biến động rất lớn đối với xã hội và an ninh quốc gia.
Ở đây, cần phải nhấn mạnh rằng nguy cơ gây bất ổn lớn nhất trong khu vực hiện nay chính là hành động bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc trên Biển Đông, trong đó đe dọa và ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam chứ chẳng có thế lực thù địch nào có thể chia rẽ đoàn kết nội bộ của dân tộc Việt, kể cả những thế lực truyền thông như Thời báo Hoàn Cầu. Mọi vấn đề về nội bộ, Thời báo Hoàn Cầu hãy tự lo cho Trung Quốc thay vì huyên thuyên giao rảng cho các nước láng giềng - PV.
Theo tờ báo này, giới chức Trung Quốc cần dùng tư tưởng làm vũ khí để cột chặt Việt Nam phụ thuộc vào họ để dễ bề thao túng láng giềng, bành trướng lãnh thổ trên Biển Đông. Nhưng Thời báo Hoàn Cầu hãy nhớ rằng, chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam trên Biển Đông là không thay đổi và không thể thay đổi. Việt Nam sẽ áp dụng mọi biện pháp hòa bình để giữ vững chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Không thâm hiểm như bài báo này của Thời báo Hoàn Cầu, tờ Nhân Dân nhật báo bản hải ngoại ngày 19/6 tiếp tục đăng bài với luận điệu bôi nhọ, vu cáo và đe dọa Việt Nam khi cho rằng chuyến đi của ông Dương Khiết Trì "là cơ hội để Việt Nam ghìm cương trước vực, quay đầu từ bỏ dã tâm"?!
Bất chấp thực tế thái độ ngang ngược không có gì thay đổi của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông khi Dương Khiết Trì đi Việt Nam, Nhân Dân nhật báo gọi chuyến đi này là "thiện chí", nhắc lại quan điểm ngang ngược của Bắc Kinh muốn ép Việt Nam "không quốc tế hóa" vấn đề Biển Đông.
Không những vậy, Nhân Dân nhật báo còn cố tình bôi nhọ, vu cáo lãnh đạo Việt Nam khi cho rằng phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc doanh nghiệp Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường, tránh lệ thuộc vào 1 nền kinh tế bất kỳ nào, bao gồm Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh "hết sức lo ngại"?!
Tờ báo này kêu gọi Việt Nam không đưa vấn đề Biển Đông ra cơ quan tài phán quốc tế, mặc dù Bắc Kinh vẫn không chịu xuống thang. Kết thúc vấn đề, Nhân Dân nhật báo cho rằng quan hệ Việt - Trung có được cải thiện sau chuyến đi của ông Dương Khiết Trì hay không vẫn còn phải chờ xem, đặc biệt là hành động của Việt Nam, mà không phải là sự xuống thang, ngừng gây hấn từ phía Trung Quốc - PV.
Theo Giáo Dục
Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản viết bài xuyên tạc và vu cáo Việt Nam Trung Quốc cho Đại sứ viết bài tuyên truyền xuyên tạc chủ quyền ở Biển Đông và vu vạ, đổ lõi trắng trợn cho Việt Nam, hòng được quốc tế đồng tình. Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Trình Vĩnh Hoa Tờ "Tin tức Trung Quốc" ngày 19 tháng 6 đưa tin, trang mạng Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản...