Vì sao nên hàn gắn hôn nhân sau ngoại tình
Nếu bạn nghĩ nên đường ai nấy đi vì không còn yêu nữa thì có lẽ cứ 2-3 năm lại phải đi tìm người mới vì tình yêu dựa trên cảm xúc thường đến nhanh và đi vội.
Ảnh minh họa: Everydayfeminism.
Thực tế, có rất nhiều vấn đề dễ khiến hôn nhân trở nên căng thẳng như lo lắng về tiền bạc, sức khỏe, bất đồng trong mối quan hệ… tuy nhiên sự không chung thủy có thể tàn phá hôn nhân đến kiệt quệ. Ấy thế nhưng, ly hôn thực sự lại không phải là giải pháp nhất thiết sau ngoại tình. Thời gian có thể chữa lành các vết thương khi cả hai vợ chồng cùng nhìn nhận lại mối quan hệ của chính họ. Điều gì đã gây nên sự trục trặc giữa hai người? Điều gì đã khiến cho người thứ ba xen vào? Và khi nguyên nhân cũng như mục tiêu chung được chỉ ra, cả hai cùng ngồi lại và suy xét vấn đề, thì sự vững mạnh trong hôn nhân sẽ có thể được thiết lập trở lại thậm chí còn vững vàng hơn trước.
Phải chăng người thứ ba chỉ là giọt nước tràn ly?
Trên thực tế, ngoại tình không phải là nguyên nhân chính phá hủy mối quan hệ vợ chồng. Khi sợi dây kết nối tình cảm giữa hai người không còn mật thiết nữa, thì bất cứ điều gì cũng có thể xen vào hòng phá hoại mối quan hệ.
Chẳng hạn, khi vợ chồng không thể nói chuyện được với nhau thì việc tìm một người bạn để dốc bầu tâm sự chỉ là nhu cầu tự nhiên của mỗi người. Người vợ có thể trở nên say mê mua sắm hay tán gẫu với vài cô bạn để lấp chỗ trống trong lòng, người chồng có thể tìm quên trong công việc, hay bia rượu như một cách để khỏa lấp nỗi cô đơn. Từ đó dẫn đến gia đình không còn là tổ ấm nữa, nó dần trở thành quán trọ ban đêm, nhà hàng ban ngày, hai vợ chồng “đồng sàng mà dị mộng”, cây tình yêu giữa hai người dần suy yếu đến tàn héo.
Nếu chúng ta nghĩ hôn nhân đổ vỡ là do vợ/chồng đã không làm theo ý mình thì thật là ích kỷ. Còn nếu bạn nghĩ tổ ấm tan tành vì vợ chồng không còn yêu thương nhau nữa thì có lẽ cứ mỗi hai hoặc ba năm, chúng ta sẽ phải đi tìm một người mới vì tình yêu dựa trên cảm xúc thường đến rất nhanh và ra đi cũng vội vã.Và khi một trong hai người không nhìn nhận được sự nguy hiểm của việc tiếp tục che đậy cảm xúc, họ sống với nhau theo kiểu “bằng mặt mà không bằng lòng” thì việc có một người thứ ba xuất hiện sẽ dễ khiến họ lý tưởng hóa mối quan hệ đó một cách thiếu khôn ngoan. Họ khỏa lấp sự thiếu hụt bên trong bằng cách tự cho mình chạy theo cảm xúc nhất thời, và nhìn nhận đó chính là lối thoát của vấn đề mà không lường hết hậu quả của việc ngoại tình sẽ đem đến.
Hôn nhân là một cam kết trọn đời chứ không phải một hợp đồng với những điều khoản rõ ràng cho cả hai. Tình yêu trong hôn nhân là một sự lựa chọn chứ không phải là một cảm xúc thăng hoa nhất thời.
Nên làm gì khi việc phát hiện chuyện ngoại tình
Video đang HOT
Thông thường, việc phát hiện bạn đời ngoại tình thường gây nên những cảm xúc mạnh mẽ cho cả hai. Sốc, giận dữ, xấu hổ, tổn thương, cảm thấy mình bị phản bội, hay cảm giác tội lỗi, hối hận… Vậy nên tại thời điểm này, mọi lời nói ra, mọi hành động phải hết sức thận trọng.
Đừng đưa ra quyết định một cách vội vàng: Nếu bạn nghĩ mình đang ở trạng thái tổn thương quá lớn và không thể suy xét vấn đề một cách khôn ngoan thì đừng vội làm gì cả. Hãy tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp hơn là tìm một ai đó để chất sự tổn thương lên họ, hay nghe và làm theo lời khuyên của bất kỳ ai một cách thiếu suy xét.
Cuộc sống khiến chúng ta phải đối diện với muôn vàn sự quyết định mỗi ngày. Từ việc quyết định hôm nay ăn gì, mặc gì, đến quyết định kết hôn, mua nhà, chọn nghề nghiệp… chúng ta đều phải suy tính kỹ càng trước khi làm. Có những lựa chọn dù không được khôn ngoan lắm nhưng cũng chẳng tổn hại gì nhiều, chúng ta có thể sửa sai được. Ví dụ như lựa chọn mua một chiếc áo, hay thậm chí một chiếc xe. Nhưng cũng có những lựa chọn dẫn chúng ta vào con đường một chiều, đã bước vào thì không có cơ hội quay đầu lại, dù nhầm đường thì vẫn phải đi tiếp cho đến khi tìm ra ngã rẽ, đó chính là những lựa chọn trong hôn nhân.
Khi đã kết hôn, đặc biệt là đã có con, thì việc xung đột xảy ra, hay thậm chí phát hiện ra vấn đề ngoại tình, bạn cần phải hết sức bình tĩnh cân nhắc vấn đề trước khi hành động. Có những người sau khi phát hiện ra sự tồn tại của người thứ ba, đã rút ra được bài học cho hôn nhân của mình và sửa sai, khiến quan hệ vợ chồng trở nên bền vững hơn cả lúc trước. Nhưng cũng có những người không kìm chế được cảm xúc, nên đã buông lời xúc phạm lẫn nhau, khiến hôn nhân đổ vỡ, để lại sự tổn thương cho chính mình và con cái sau này.
Dĩ nhiên, ở trong hoàn cảnh này thì thật khó để bất kỳ ai còn có thể nghĩ được điều gì khôn ngoan. Việc tìm kiếm sự hỗ trợ, chia sẻ cảm xúc với những người mình tin cậy, hoặc những người thân yêu hay nói chuyện với một chuyên gia tư vấn hôn nhân là điều vô cùng quan trọng. Mục tiêu của những sự hỗ trợ này không phải là tìm đồng minh để cùng ngồi vào vị trí phán xét người đã ngoại tình, mà là giúp bạn tìm ra giải pháp tốt nhất để cứu vãn lấy gia đình.
Phục hồi hôn nhân từ một sự đổ vỡ là một quá trình khó khăn và lâu dài. Tuy nhiên, nếu “còn nước” mà bạn “không tát”, thì bạn thực sự là người thất bại. Người thất bại là người chỉ nghĩ đến những điều tiêu cực và bỏ cuộc, nhưng người thành công là người đã thấy cơ hội ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn của vấn đề.
Hãy suy xét vấn đề thấu đáo: Trước khi lựa chọn tiếp tục hay kết thúc cuộc hôn nhân, bạn hãy dành thời gian để nhìn nhận điều gì đã đứng đằng sau việc này. Có rất nhiều bài học đã được rút ra khi chúng ta bình tĩnh ngồi lại để xem xét vấn đề cách thấu đáo.
Điều này sẽ trở nên khó nếu bạn cứ khăng khăng là mình đúng, người kia sai. Và nếu chúng ta không nhận diện được gốc rễ của vấn đề, dù hôn nhân có được nối lại thì sớm hay muộn sự xung đột lại tiếp tục nảy sinh.
Biết chịu trách nhiệm: Nếu bạn đã là người không chung thủy, thì bạn phải chịu trách nhiệm về hành động của chính mình. Hãy đóng những cánh cửa cơ hội đã khiến bạn phạm lỗi và suýt phá hủy tổ ấm. Hãy ngừng tất cả những giao thiệp với người mà mình có cảm xúc. Nếu đó là đồng nghiệp thì thậm chí hãy chuyển sang một công việc khác.
Thực hành lối sống trung thực: Để hôn nhân có thể phục hồi trở lại, bạn cần nhìn nhận nguyên nhân của vấn đề và khắc phục nó. Phần lớn sự đổ vỡ trong hôn nhân thường đến từ việc vợ chồng không thể nói chuyện được với nhau. Vậy nên, hãy khắc phục bằng cách tập chia sẻ cởi mở và trung thực mọi điều diễn ra mỗi ngày với bạn đời. Những khó khăn cũng như những niềm vui, càng chia sẻ chúng ta càng trở nên gắn bó mật thiết với nhau hơn.
Cùng nhau xây dựng lòng tin: Trong các liệu pháp trị liệu hôn nhân gia đình, thì việc giúp một cặp vợ chồng khôi phục lại lòng tin với nhau đòi hỏi cả hai đều cùng phải có sự cam kết bằng việc cùng nhau trải qua những bài tập với chuyên gia tư vấn. Đó là những loạt bài tập giúp họ xây dựng sự mật thiết trong hôn nhân, ngăn chặn những vấn đề có thể tiếp tục nảy sinh làm hủy hoại mối quan hệ giữa hai người.
Tham khảo ý kiến một chuyên viên tư vấn hôn nhân: Tìm kiếm sự giúp đỡ từ một chuyên gia tâm lý trị liệu có kinh nghiệm đặc biệt trong điều trị hôn nhân là điều vô cùng quan trọng. Tư vấn hôn nhân có thể giúp bạn xác định các vấn đề có thể gây dẫn đến những sai lầm, giúp bạn tìm hiểu làm thế nào để xây dựng và củng cố lại mối quan hệ của mình được bền vững. Tránh ly dị luôn là mục tiêu chung của những chuyên gia tư vấn hôn nhân có kinh nghiệm.
Biết tha thứ: Ngoại tình thường để lại những vết sẹo rất khó lành. Nó khiến cho cảm xúc của cả hai người đều bị tổn thương. Vậy nên, sự tha thứ chính là chìa khóa đem đến việc chữa lành. Dĩ nhiên, mọi cái đều cần có thời gian, nhưng việc quyết định tha thứ sẽ khiến cho mối quan hệ giữa hai vợ chồng được hàn gắn trở lại. Tha thứ không phải là cố đè nén xuống, hay tìm cách để quên đi mà là một quyết định bỏ lại sau lưng những gì thuộc về quá khứ để đi tiếp cho tương lai.
Theo VNE
Muốn hàn gắn với vợ cũ nhưng lại sợ bị 'cắm sừng'
Sau khi ly hôn, tôi không yêu ai. Tôi khá buồn khi biết thời gian đó, vợ cũ qua lại với một cậu làm chung cơ quan nhưng họ đã chia tay.
ảnh minh họa
Tôi và vợ ly hôn cách đây 7 năm vì chúng tôi có quá nhiều mâu thuẫn. Thời gian gần đây, tôi và cô ấy có điều kiện gặp nhau thường xuyên. Có lẽ cả hai vẫn còn tình cảm nên đã gần gũi trở lại và dự định bỏ qua mọi lỗi lầm để cùng chung sống hạnh phúc.
Cách đây vài ngày, tôi thấy cô ấy nói chuyện điện thoại với người yêu cũ. Tôi rất giận, tại sao không phải là tôi mà là cậu ta? Rõ ràng cô ấy không tôn trọng tôi. Cô ấy mong muốn hàn gắn với tôi mà vẫn liên lạc với người cũ. Tôi rất dị ứng và không chấp nhận chuyện này.
Mỗi lần có chuyện gì xảy ra, cô ấy đều than phiền tôi xử lý mọi chuyện thiếu tinh tế, sâu sắc... Tôi cũng muốn đáp trả lại chuyện cô ấy vẫn còn tình cảm với người cũ, nhưng lại thôi. Tôi sẵn sàng chờ đợi cho đến khi cô ấy quên chuyện cũ, người cũ nhưng tôi cảm thấy mệt mỏi quá. Hay là tôi lo nghĩ quá xa về cuộc nói chuyện với người cũ của vợ? Liệu tôi có nên tiếp tục cố gắng? (Tấn)
Trả lời
Anh và vợ đã ly hôn. Hiện tại mối quan hệ giữa anh và cô ấy đang có những dấu hiệu tích cực cho việc hàn gắn. Đây là giai đoạn khá nhạy cảm vì chỉ cần thiếu một chút tinh tế cũng có thể khiến mọi cố gắng xem như vô nghĩa.
Cô ấy đồng ý cho nhau cơ hội để nối lại mối quan hệ, vậy tại sao vẫn còn liên lạc với người cũ? Liệu tất cả các cuộc thoại của những ai từng yêu nhau đều xuất phát từ động cơ không đúng đắn? Mong anh bình tâm để suy xét.
Nhu cầu sẻ chia, thấu hiểu là điều mà bất cứ ai cũng cần và mong muốn. Chúng ta thường có cái nhìn khắt khe đối với cụm từ "người yêu cũ" vì đánh đồng chúng với sự phản bội. Tuy nhiên, mối quan hệ của anh và cô ấy đã khác xưa, chúng chẳng có gì ràng buộc và cam kết. Có tiếp tục hay không tùy thuộc vào tình cảm và tâm thế của mỗi người. Trên một góc độ nào đó, việc cô ấy liên lạc với ai dù là người cũ cũng là quyền cá nhân và bản thân anh nên tôn trọng.
7 năm xa cách, cô ấy và anh đều vận hành cuộc sống của mình theo những cách rất riêng. Những thói quen cũ được thay thế bằng những suy nghĩ, hành động mới. Chúng ta phải mất một thời gian khá lâu để tập quên và chấp nhận thực tại. Cô ấy chỉ thật sự sẵn sàng quay về vị trí cũ khi bản thân cần gia đình và nhận ra có thể thay đổi một điều gì đó. Anh đừng vội đánh giá, vì điều anh cần quan tâm là những trăn trở của cô ấy ở hiện tại (phải chăng chúng liên quan đến những thiếu sót của riêng anh) thay vì thắc mắc họ nói gì, làm gì.
Anh nên để những tổn thương trong quá khứ qua đi. Anh đang nắm giữ một cơ hội cho những yêu thương. Đừng để những nghi ngờ giết chết niềm tin trong anh. Anh nên sắp xếp lại mọi thứ để tạo dựng lòng tin.
Trước mắt, anh nên bày tỏ thiện chí của mình bằng những quan tâm, sẻ chia với cô ấy về cuộc sống của riêng anh, công việc cũng như những dự định về tương lai. Tránh nhắc về những đổ vỡ trong quá khứ vì chúng chỉ đem đến những cảm xúc tiêu cực cho cả hai.
Sau biến cố, có lẽ anh cũng đã nhìn nhận được những điều thiếu sót của bản thân. Đây cũng là cơ hội để anh thay đổi. Sự khác biệt liên quan đến tính cách, quan điểm sống sẽ khó tránh khỏi, anh cũng nên thẳng thắn chia sẻ với cô ấy về chúng và cùng nhau đi đến thống nhất cách thức giải quết vấn đề và có những cam kết để đảm bảo sự tôn trọng dành cho nhau.
Hạnh phúc chỉ thật sự trọn vẹn khi anh và cô ấy ý thức được trách nhiệm của bản thân và cùng nhau vun vén.
Chúc anh hạnh phúc.
Theo VNE
Có nên đi bước nữa với người đàn ông vô sinh Nhà anh muốn tôi nhận lời đồng ý làm vợ anh và chấp nhận cho tôi được đem theo con riêng của mình về sống cùng (họ cũng biết rõ tôi bị bệnh não). Tôi từng có cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Sau bao năm cam chịu tôi đã quyết định đơn phương ly hôn để giải thoát cho mình, tòa giải...