Vì sao Mỹ rút 12 tiêm kích F-15 khỏi Thổ Nhĩ Kỳ?
Theo Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ đặc trách châu Âu, Mỹ vừa quyết định rút toàn bộ 12 chiếc tiêm kích F15 khỏi căn cứ Incirlik ở Nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Quyết định bất ngờ sau cuộc gặp của Kerry
Theo nguồn tin này, trong số 12 chiếc F-15 thì có 6 chiếc F-15C Eagle được triển khai để đáp lại đề nghị hỗ trợ bảo vệ không phận quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ và 6 chiếc F-15E Strike Eagle nhằm phục vụ cho chiến dịch không kích lực lượng IS.
Các máy bay chiến đấu này đã hoàn tất đợt triển khai tạm thời tại châu Âu và sẽ rút khỏi căn cứ Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ để để bố trí tại căn cứ không quân Lakenheath của Anh, đại diện Bộ Tư lệnh của Mỹ nói về lý do rút số máy bay này.
Quyết định rút máy bay khỏi Thổ Nhĩ kỳ của Mỹ được coi là động thái khá bất ngờ, đặc biệt nó được đưa ra trong bối cảnh Moscow và Washington vừa đạt được sự đồng thuận trong nhiều vấn đề tại cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Nga Lavrov và người đồng cấp Mỹ Kerry tại Nga.
Theo đó, hai ông Lavrov và Kerry nhấn mạnh vào biện pháp đối phó với lực lượng IS. “Nga và Mỹ cùng nhất trí rằng IS là kẻ thù chung, kẻ thù mà chúng ta phải chiến đấu để tiêu diệt chứ không thể hòa đàm. Chúng đã chà đạp lên nền văn hóa nhân loại, lên nhân phẩm của tất cả chúng ta, khiến chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác là phải tiêu diệt chúng”, ông Kerry nhấn mạnh.
Ngoài ra, cả 2 ngoại trưởng cũng đề cập đến vấn đề giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine. Ngoại trưởng Nga đề nghị Washington tác động để lập trường của Kiev trở nên mang tính xây dựng hơn.
Dàn tiêm kích F-15 của Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau khi nhắc lại rằng hai tổng thống Nga – Mỹ đã nhiều lần thảo luận về vấn đề Ukraine, ông Lavrov bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ gây ảnh hưởng, giúp Kiev thực thi nghiêm túc các điều khoản được ký kết trong hội nghị “Bộ tứ Normandy”.
Ngoại trưởng Kerry cũng nói chuyến đi đến Moscow lần này sẽ khiến Kiev thay đổi phần nào quan điểm trước nay trong một số vấn đề đang tranh cãi, đồng thời cũng giúp cải thiện tình hình khủng hoảng Ukraine và có tác động đến việc giải quyết nhiều vấn đề khúc mắc khác.
Video đang HOT
“Tổng thống Putin và Tổng thống Obama đã thẳng thắng nhìn nhận rằng họ thực sự mong muốn tìm giải pháp tối ưu cho cuộc khủng hoảng ở Syria và Ukraine”, ông Kerry nhấn mạnh.
Cả hai ngoại trưởng Lavrov và Kerry cùng nhất trí rằng sự phối hợp hành động giữa Nga và Mỹ là tối cần thiết trong quá trình giải quyết các vấn đề quốc tế. Ông Kerry nói rằng việc Nga và Mỹ bắt tay nhau cùng hành động là một thắng lợi dành cho cả thế giới.
Triển khai F-15 – Mỹ chỉ để đối phó Nga?
Tại thời điểm tháng 11/2015, trong khi lên án Nga đưa vũ khí phòng không đến Syria là nhằm đối đầu với liên minh quân sự tấn công IS do Mỹ đứng đầu thì Lầu Năm Góc bất ngờ điều động phi đội 12 chiếc F-15 là F-15E và F-15C – loại chiến đấu cơ rất mạnh về không đối không đến Thổ Nhĩ Kỳ khiến Nga bất ngờ.
Trong bài viết trên tờ The Daily Beast, nhà báo quốc phòng David Axe nhận định, những chiến đấu cơ này chỉ trang bị các vũ khí không-đối-không, trong khi IS không hề có chiến đấu cơ. Điều này có nghĩa, đối thủ thực sự của chúng rất có thể là Nga.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Laura Seal cho biết, động thái này là nhằm “đảm bảo an toàn” cho các đồng minh NATO của Mỹ.
Theo đó, các máy bay F-15 với 8 tên lửa không-đối-không sẽ hỗ trợ Không quân Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra khu vực biên giới với Syria, ngăn chặn các máy bay và trực thăng Syria “đi lạc” vào lãnh thổ nước này.
Mặc dù vậy, bà Seal đã từ chối cung cấp thông tin chi tiết nhưng úp mở về mục đích thực sự của đợt triển khai: “Tôi không hề nói nó không nhằm vào Nga”.
Được biết, những chiếc F-15 mà Không quân Mỹ điều đến Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là các máy bay chiến đấu đầu tiên trong khu vực chuyên về tác chiến trên không.
Các loại máy bay khác (máy bay tấn công và ném bom mà Mỹ đã triển khai), gồm F-22, F-16, A-10 và B-1 được trang bị các loại bom và tên lửa không-đối-đất, chúng tập trung vào nhiệm vụ tấn công phiến quân trên bộ.
Ngược lại, F-15 chỉ mang theo vũ khí không-đối-không và các phi công của họ được huấn luyện tăng cường để bắn hạ máy bay chiến đấu của đối phương. Đáng lưu ý là, F-15 chưa từng được triển khai đến Afghanistan hay tham gia vào chiến dịch cho Mỹ dẫn đầu tại Iraq.
Tuấn Vũ
Theo_Báo Đất Việt
Rút F-15 khỏi Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ muốn vỗ về Nga
Việc Mỹ rút F-15 khỏi căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ là tín hiệu muốn hợp tác với Nga nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria.
Một chiến đấu cơ F-15C của Mỹ. Ảnh: Zone Militaire
Bộ Chỉ huy châu Âu của Quân đội Mỹ ngày 16/12 thông báo rút 12 chiến đấu cơ F-15 của nước này khỏi căn cứ không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là các máy bay chiến đấu mới được Mỹ triển khai đến căn cứ này từ tháng trước để phục vụ chiến dịch không kích phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS), theo Reuters.
Động thái này diễn ra chỉ một ngày sau khi Nga và Mỹ đã đạt được những thỏa thuận tích cực về vấn đề Syria trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Jonh Kerry đến Moscow, nhằm giảm nhiệt căng thẳng giữa các bên và tăng cường hợp tác giữa hai cường quốc trong cuộc chiến chung chống lại IS.
Bình luận viên Anthony Samrani thuộc nhật báo l'Orient le jour của Lebanon đánh giá rằng động thái này của Washington là một trong những nỗ lực nhằm giảm căng thẳng trong quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục leo thang, ảnh hưởng bất lợi đến kế hoạch chống IS trước mắt của Mỹ.
Theo ông Samrani, dù không trực tiếp dính líu đến vụ bắn hạ cường kích Su-24 của Nga hồi tháng trước, việc Mỹ điều động các tiêm kích F-15 đến căn cứ không quân Incirlik có thể đã gián tiếp khiến Thổ Nhĩ Kỳ có đủ tự tin để thực hiện một hành động phiêu lưu đối đầu với Nga.
"Căng thẳng leo thang giữa hai nước trong tình hình hiện nay không nằm trong tính toán của Mỹ, có thể Washington cho rằng mọi việc nên dừng lại ở đây và một vụ việc tương tự không được phép xảy ra một lần nữa", ông này nhận định.
Theo đó, động thái rút F-15 của Mỹ sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải thận trọng hơn và không thể mạo hiểm trong quan hệ với Nga liên quan đến cuộc chiến đang diễn ra ở Syria.
"Qua động thái này Washington cũng muốn nhắc nhở Thổ Nhĩ Kỳ nên tập trung và tham gia nhiều hơn vào cuộc chiến chống IS, thay vì nỗ lực thể hiện ảnh hưởng và dốc sức đi tìm hào quang quá khứ", ông Samrani đánh giá.
TV5 ngày 17/12 dẫn lời Nancy Spannaus, biên tập viên tạp chí Executive Intelligence Review, nhận định Mỹ hiện đang dốc sức vào việc tiêu diệt phiến quân IS, và tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad hiện chỉ là mối quan tâm thứ yếu của Washington. Bởi vậy, điều Mỹ cần hiện nay là hợp tác nhiều hơn với Nga trong cuộc chiến tại quốc gia Trung Đông này.
Theo đó, động thái rút các tiêm kích F-15 ra khỏi căn cứ quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ là bước đi đầu tiên của Mỹ nhằm thể hiện thiện chí hợp tác với Nga. Bởi từ lâu giới chức quốc phòng Nga vẫn tin rằng 12 chiến đấu cơ của Mỹ ở gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có 6 tiêm kích F-15C được trang bị chủ yếu các tên lửa không đối không, là mối đe dọa với các chiến đấu cơ Nga đang thực hiện nhiệm vụ tại Syria.
Việc rút các máy bay này về căn cứ quân sự ở Anh ngay sau chuyến công du của ông Kerry đến Nga cho thấy Washington và Moscow thực sự đã đạt được những thỏa thuận tích cực.
Thomas Gomart, giám đốc viện Quan hệ Quốc tế Pháp đánh giá rằng hành động này cho thấy Mỹ mong muốn nhìn thấy cuộc chiến chống IS trong thời gian tới sẽ đi vào thực chất hơn.
Đây là "một mũi tên trúng hai đích", vì nó vừa gạt bỏ được mối lo của Nga, nhưng lại không ảnh hưởng đến khả năng không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu, bởi chỉ có một nửa trong số 12 chiếc chiến đấu cơ này có thể đảm nhiệm vụ ném bom phiến quân. Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết Mỹ vẫn duy trì đội máy bay cường kích A-10 ở Incirlik để thực hiện các phi vụ không kích vào IS.
Việc rút các tiêm kích F-15 này về Anh cũng sẽ giải phóng đáng kể không gian hoạt động cho căn cứ Incirlik, vốn trở nên chật chội sau khi cả Đức và Anh cùng tham gia vào chiến dịch không kích của liên quân.
"Rút chiến đấu cơ khỏi Thổ Nhĩ Kỳ không có nghĩa là khả năng không kích ở Syria của liên minh bị giảm đi", Reuters dẫn lời phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jeff Davis nói, đồng thời thêm rằng các máy bay này đã hoàn thành nhiệm vụ.
"Động thái cử Ngoại trưởng Kerry sang Moscow và rút các tiêm kích khỏi Thổ Nhĩ Kỳ được đánh giá là bước lùi chiến lược của Washington với mong muốn đạt được những tiến triển thực chất trong hội nghị quốc tế lớn về Syria diễn ra tại New York vào ngày 18/12 tới", ông Gomart đánh giá.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Bên trong căn cứ chiến lược của Nga ở Syria Căn cứ không quân Hmeymim, ở ngoại ô Latakia, Syria hiện là trung tâm của chiến dịch chống nhóm khủng bố IS của Nga. Mỗi giờ, cứ vài lần căn cứ không quân này lại tràn ngập tiếng gầm của chiến đấu cơ cất cánh khỏi mặt đất để tiến hành các cuộc không kích mục tiêu IS. Ảnh AP CNN dẫn số...