Vì sao Mỹ khó tìm diệt chiến binh IS
Sự tinh khôn trong việc che giấu thông tin liên lạc giữa các chiến binh nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) khiến tình báo Mỹ gặp nhiều khó khăn ngay trong việc do thám, truy lùng các phần tử cực đoan, chứ chưa nói đến tiêu diệt chúng.
Thủ lĩnh tối cao của IS Abu Bakr al Baghdadi. Ảnh: BBC
Mỹ hôm 7/11 không kích một đoàn xe tải vũ trang, nhằm vào “một cuộc họp của các lãnh đạo IS”. Truyền thông Arab sau đó đưa tin tên thủ lĩnh tối cao của IS, Abu Bakr al Baghdadi có thể “bị thương nặng” sau cuộc tấn công. Một số nguồn tin còn cho rằng tên này đã bị tiêu diệt.
Tuy nhiên, Baghdadi hôm 13/11 tung ra bản ghi âm kêu gọi “những ngọn núi lửa jihad” bùng nổ trên toàn thế giới, dường như là một lời tuyên bố rằng hắn vẫn sống. Theo Iraq News, đoạn ghi âm rõ ràng được thực hiện gần đây vì nó đề cập đến quyết định gửi thêm 1.500 lính Mỹ đến Iraq được Tổng thống Barack Obama thông qua hôm 7/11.
Việc tên thủ lĩnh có thể vẫn sống sót thể hiện khó khăn của Mỹ trong việc lần ra dấu vết của Baghdadi và các tay sai. “Chúng ta không thể tiêu diệt IS nếu không tìm ra chúng”, David E. Johnson, chuyên gia quân sự tại Rand Corp phát biểu.
Theo Daily Beast, trong một cuộc họp hôm 13/11, các quan chức đương nhiệm và cựu quan chức cho biết IS đã mã hóa thông tin liên lạc và thực hiện nhiều biện pháp để ngăn cản Mỹ do thám. Washington không có tình báo hoạt động trên bộ tại thành trì của IS ở Syria và chỉ có ít máy bay trinh sát hoạt động tại đây. Do vậy, việc nghe hoặc xem trộm nội dung liên lạc của các thành viên IS là phương pháp chắc chắn duy nhất để do thám nhóm này.
Video đang HOT
Ngoài việc mã hóa tinh vi nội dung liên lạc, IS còn sử dụng một dịch vụ có sẵn để xóa vĩnh viễn các tin nhắn được gửi qua mạng Internet, khiến chúng gần như không thể bị lần ra, tuy nhiên, các quan chức không công khai tên dịch vụ này.
Theo các quan chức tình báo và chống khủng bố Mỹ, IS điều chỉnh phương pháp liên lạc vì chúng biết chúng liên tục bị theo dõi. Cuộc đột kích các lãnh đạo cấp cao của IS, trong đó có tên thủ lĩnh Baghdadi, diễn ra chỉ 6 tuần sau khi Mỹ khởi động chiến dịch không kích ở Syria. Trong khi đó, thực chất, các chiến binh đã đặc biệt đề phòng trong vòng vài tháng gần đây. Việc hắn sống sót qua cuộc tấn công cho thấy IS đã kiểm soát chặt chẽ thông tin liên lạc nội bộ, đặc biệt là trong các thành phần cấp cao.
“Những tên này có kỷ luật cao. Chúng ra lệnh cho các chiến binh trong đội ngũ không sử dụng điện thoại di động”, Daily Beast dẫn lời một quan chức tham dự cuộc họp hôm 13/11 cho biết. Nhóm cực đoan cũng sử dụng người đưa thư để truyền đạt một số thông điệp, nhằm tránh liên lạc qua thiết bị điện tử.
Trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ hôm 12/11, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel thừa nhận IS đã qua mặt tình báo Mỹ, đặc biệt là khi liên minh do Mỹ dẫn đầu đang tiến hành không kích chúng. “Các chiến binh IS buộc phải thay đổi chiến thuật. Chúng di chuyển thành các nhóm nhỏ hơn, che giấu các thiết bị lớn, và thay đổi phương pháp liên lạc”, ông Hagel cho biết.
Một cựu quan chức Mỹ cho biết việc thiếu lực lượng trên bộ để xác minh các manh mối do cơ quan tình báo hoặc máy bay không người lái thu thập là một yếu tố khác khiến việc lần dấu IS càng thêm khó khăn. “Nếu có lực lượng trên bộ, chúng ta có thể tận dụng những thông tin đó tốt hơn”, một cựu quan chức cho biết.
Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) năm 2007 theo dõi máy tính và điện thoại di động các thành viên Al Qaeda ở Iraq, tổ chức khủng bố tiền thân của IS. NSA sau đó thông báo cho bộ binh địa điểm của các chiến binh cực đoan. Chu trình từ thu thập thông tin tình báo đến bắt giữ hoặc tiêu diệt nhóm nhóm khủng bố mang lại lợi thế cho Mỹ. Tuy nhiên, chu trình này hiện không tồn tại ở Iraq và Syria.
“Ngày dễ dàng nhất trong chiến dịch không kích IS là ngày đầu tiên”, Christopher Harmer, một nhà phân tích của Viện Nghiên cứu Chiến tranh nói. Phi công Mỹ biết vị trí của các cơ quan chỉ huy cùng kho chứa của IS. Các chiến binh bị tấn công bất ngờ vì chúng không biết chính xác thời điểm cuộc không kích bắt đầu.
“Sau khoảng một, hai ngày đầu dễ xác định mục tiêu, các chiến binh IS có thể đã trà trộn vào dân thường. Chúng ngừng sử dụng radio, vệ tinh, điện thoại di động, chuyển sang mô hình chỉ huy và kiểm soát theo nhóm nhỏ”, Harmer nói.
Tuy nhiên, nỗ lực theo dõi các thiết bị điện tử cũng như giám sát trên không bằng máy bay của Mỹ đã phần nào chế ngự được nhóm. “Chúng có hai lựa chọn, liên lạc với nhau và có nguy cơ bị lộ, hoặc không liên lạc và không thể phối hợp hành động”, một cựu quan chức Mỹ nói.
IS không hề là “lính mới” trong việc ngăn chặn tình báo. Các quan chức đương nhiệm và cựu quan chức Mỹ đã tranh cãi về giả thiết cho rằng tiết lộ của Edward Snowden về hoạt động của NSA giúp IS khôn khéo và thận trọng hơn khi giao tiếp với nhau.
Một quan chức tình báo Mỹ cho biết IS “có thể đã rút kinh nghiệm từ những thông tin bị rò rỉ. Nhiều tên trong nhóm cũng có hiểu biết về lực lượng Mỹ do chúng từng hoạt động trong Al Qaeda. Các chiến binh này xoay xở rất tốt để tránh bị phát hiện”.
Ngay cả các nhà lập pháp hàng đầu cũng hoài nghi rằng IS đã nắm bắt được biện pháp do thám của Mỹ nhờ vào tài liệu rò rỉ của Snowden.
“Chắc chắn chúng đã học được điều gì đó vì chúng thay đổi gần như toàn bộ cách hoạt động để tránh bị nhìn thấy hoặc nghe trộm”, Thượng nghị sĩ Bob Corker, người dự kiến sẽ là tân Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện cho biết.
Tuy nhiên, các quan chức khác cho rằng IS đương nhiên biết Mỹ theo dõi thông tin liên lạc của chúng. “Thật sai lầm khi cho rằng tiết lộ của Snowden khiến cuộc chiến chống IS thêm khó khăn”, một quan chức quốc phòng có nhiều kinh nghiệm trong chiến đấu với Al Qaeda và các phiến quân khác nói. Ông cho biết NSA hơn 10 năm qua sử dụng biện pháp giám sát điện tử để xác định vị trí của các thành phần khủng bố, vì vậy, IS chắc chắc nhận thức được điều này.
Nhiều nhà nghiên cứu theo dõi IS cho biết từ trước khi Mỹ và đồng minh bắt đầu chiến dịch không kích, nhóm cực đoan đã mã hóa nội dung liên lạc.
“Sau khi Snowden tiết lộ các tài liệu mật, chúng đã xóa bỏ rất nhiều cuộc thảo luận giữa các chiến binh trên các diễn đàn trực tuyến”, Christopher Ahlberg, Giám đốc điều hành của Recored Future, một công ty phân tích dữ liệu được cộng đồng tình báo Mỹ tài trợ, cho biết. IS trước đó thường sử dụng các diễn đàn công cộng và các phòng chat để hội ý chiến lược và chia sẻ chiến thuật.
Vào tháng 11/2013, trước khi Mỹ và đồng minh tiến hành chiến dịch không kích, “IS đã lập một trang web mã hóa. Tuy nhiên, hiện nó biến mất”, Ahlberg cho biết.
Nhóm cực đoan gần đây đề nghị người ủng hộ thôi sử dụng Twitter và các mạng xã hội có thể tiết lộ địa điểm tin nhắn được gửi đi. Sự thất vọng của các quan chức Mỹ trong việc theo dõi IS cho thấy các chiến binh dường như đã chấp hành yêu cầu đó.
Phương Vũ
Theo VNE