Vì sao Mỹ đổ quá nhiều tiền cho máy bay chiến đấu F-35?
Bất chấp các vấn đề kỹ thuật dai dẳng và vô số lần trì hoãn, quân đội Mỹ vẫn không có kế hoạch hủy dự án máy bay chiến đấu mới F-35, chương trình vũ khí tốn kém nhất trong lịch sử của Lầu Năm Góc.
Chuyến bay đầu tiên của F-35 diễn ra vào năm 2006 nhưng nó sẽ không thể đi vào phục vụ trước năm 2016.
Máy bay chiến đấu mới Joint Strike Fighter, hay còn gọi là F-35, đã được ca ngợi là kỳ kích công nghệ, có thể thống trị bầu trời. Nhưng nó đã vấp phải hết trở ngại này tới trở ngại khác, khiến dự án bị chậm 7 năm so với kế hoạch và vượt ngân sách 167 tỷ USD.
Trong bối cảnh Lầu Năm Góc chuẩn bị công bố đề xuất ngân sách cho tài khóa 2015, sự tồn tại của chương trình F-35 là không có gì phải nghi ngờ, nhưng vẫn chưa rõ cuối cùng bao nhiêu máy bay sẽ được chế tạo và bao nhiêu đối tác nước ngoài sẽ sẵn sàng mua nó.
Tại sao chương trình F-35 đi tới ngưỡng không thể lùi?
Sau hơn 1 thập niên kể từ khi dự án F-35 được khởi động, giới chức giờ đây khẳng định không thể lùi chương trình được nữa, khi vì nó được kỳ vọng sẽ trở thành xương sống của phi đội máy bay chiến đấu Mỹ trong tương lai.
Không quân và thủy quân lục chiến Mỹ không đầu tư vào một dòng máy bay nào khác và đặt cược với F-35. Còn hải quân Mỹ, về mặt lý thuyết, có thể rút lui khỏi chương trình nếu muốn mua thêm các máy bay chiến đấu F-18, nhưng hải quân cũng chịu sức ép to lớn là phải tiếp tục chương trình.
Dự án đã phát triển “quá lớn tới nỗi không được phép thất bại”, Gordon Adams, giáo sư tại Đại học Mỹ và từng là quan chức Nhà Trắng, nhận định.
Video đang HOT
Chương trình F-35 nhận được sự ủng hộ rộng rãi tại quốc hội, vì nhà thầu Lockheed Martin tạo công ăn việc làm từ dòng máy bay này ở 45 bang của nước Mỹ.
Các đồng minh nước ngoài cũng cam kết ủng hộ chương trình, và Washington đã hứa sẽ bàn giao dòng máy bay chiến đấu được kỳ vọng có thể thay đổi cuộc chơi.
Chi phí bao nhiêu?
F-35 sẽ có 3 phiên bản khác nhau: một phiên bản thông thường dành cho không quân, một mẫu có thể cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng cho thủy quân lục chiến và một mẫu có thể hoạt động trên tàu sân bay.
Được xem là một máy bay phù hợp mọi đối tượng và với việc các đồng minh của Mỹ cũng tham gia, chương trình ban đầu được ca ngợi là một ý tưởng tiết kiệm.
Nhương chi phí của dự án đã tăng vọt, ước tính vượt 68% so với chi phí ban đầu. Lầu Năm Góc giờ đây dự kiến chi 391,2 tỷ USD cho 2.443 chiếc F-35, đồng nghĩa với việc mỗi chiếc tiêu tốn 160 triệu USD.
Nếu cộng cả chi phí bay và bảo dưỡng F-35 trọn trời, chương trình có thể vượt con số 1 nghìn tỷ USD, theo Văn phòng kế toán chính phủ Mỹ.
Tại sao F-35 được ca ngợi là chiến đấu cơ mang tính “cách mạng”?
F-35 được gọi là máy bay tấn công tàng hình siêu việt, với khả năng tránh bị radar phát hiện.
Khi F-35 đối mặt với đối thủ trên không, “máy bay của đối phương sẽ bị tiêu diệt trước khi biết rằng nó đang tham gia một trận đấu”, Tham mưu trưởng không quân Mỹ Mark Welsh nói trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hìnhCBS.
Có khả năng bay với tốc độ siêu âm và được trang bị phần mềm tinh vi, F-35 giống một máy tính đang bay. Thông qua tấm kính trên mũ bảo hiểm công nghệ cao được kết nối với camera của máy bay, phi công có thể nhìn xuyên từ buồng lái xuống mặt đất bên dưới, cho phép phi công có cái nhìn 360 độ.
Tạo sao chương trình bị chậm trễ?
F-35 sẽ không thể đi vào phục vụ trước năm 2016, tròn 10 năm sau chuyến bay đầu tiên.
Nguyên nhân chính của sự trì hoãn là một quyết định nhằm bắt đầu chế tạo máy bay trước khi quá trình thử nghiệm hoàn tất. Kết quả là, các sai sót và những trục trặc kỹ thuật khác khiến các nhà thiết kế nhiều lần phải sửa chữa và thiết kế lại, làm chậm quá trình sản xuất.
25 triệu dòng mã cho phần mềm của máy bay đã gây ra cơn đau đầu dai dẳng, và F-35 cho tới nay vẫn chưa đạt được mức độ tin cậy và hoạt động như mong muốn.
Ngày 21/2, văn phòng chương trình cũng thừa nhận rằng F-35B, phiên bản cất cánh ngắn dành cho thủy quân lục chiến, đã có các vết nứt ở buồng lái trong quá trình thử nghiệm áp suất. Kết quả là, các cuộc thử nghiệm sức bền đã bị hoãn và máy bay có thể phải bị chỉnh sửa.
Giống các chương trình vũ khí khác trong quá khứ, các trục trặc về kỹ thuật đã đẩy chi phí của mỗi máy bay tăng cao và đang buộc Washington phải giảm bớt số máy bay mà Mỹ sẽ mua.
Lầu Năm Góc đã công bố các kế hoạch mua chỉ 34 chiếc F-35 trong tài khóa 2015, thay vì 42 chiếc như thế hoạch ban đầu.
Những quốc gia nào sẽ mua F-35?
8 quốc gia đã tham gia hỗ trợ tài chính cho Mỹ để phát triển F-35.
Ngoài Mỹ, 8 quốc gia tham gia đang chương trình F-35, gồm Úc, Anh, Canada, Đan Mạch, Ý, Hà Lan, Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ.
Israel đã bày tỏ sự quan tâm đối với F-35, cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.
Một số chính phủ đã đặt hàng chiếc F-35 đầu tiên, nhưng với chi phí mỗi chiếc đang tăng cao, kế hoạch mua sắm vẫn chưa dứt khoát.
An Bình
Tổng hợp
Theo Dantri