Vì sao Mỹ công khai video Trung Quốc cải tạo ở Trường Sa
Bằng cách công bố video quay cảnh Trung Quốc cải tạo đảo, Mỹ đang phát đi tín hiệu sẽ có lập trường cứng rắn hơn về Biển Đông và tìm cách khuyến khích những đối tác ở châu Á hành động nhiều hơn.
Các tàu hút bùn của Trung Quốc hoạt động quanh đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh do Hải quân Mỹ chụp hôm 21/5. Ảnh: Reuters.
Quân đội Mỹ tuần trước công bố video quay từ một phi cơ giám sát, cho thấy các tàu hút bùn cùng nhiều tàu khác của Trung Quốc đang bận rộn với công việc biến các bãi đá thành đảo nhân tạo, xây đường băng và cầu cảng tại đó. Động thái này giúp đảm bảo vấn đề trên sẽ thống trị trong Đối thoại Shangri-La, theo Reuters.
Đối thoại Shangri-La là hội nghị an ninh thường niên quan trọng bậc nhất châu Á, quy tụ các quan chức cấp cao nhất về an ninh của 28 quốc gia. Đối thoại năm nay bắt đầu từ ngày mai tại Singapore, có sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter.
Washington đang tiếp tục hướng “trục” quân sự sang châu Á, một phần là để đối phó với Bắc Kinh. Mỹ muốn các quốc gia Đông Nam Á có lập trường hợp nhất hơn về việc Trung Quốc tăng tốc xây dựng trên một số bãi đá ở Biển Đông trong năm nay.
Đối thoại Shangri-La lần này sẽ bị phủ bóng bởi căng thẳng trên Biển Đông. Trung Quốc kể từ đầu năm đã mở rộng thêm 6 km2 tại 5 tiền đồn trên các bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà nước này đang kiểm soát.
“Những quốc gia này cần hiểu rõ (vấn đề)”, một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên nói, đồng thời cho biết sẽ phản tác dụng nếu Mỹ đi đầu trong việc thách thức Trung Quốc. Các đối tác, bao gồm 10 thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cần sớm có thêm hành động hợp nhất bởi “mọi việc đã xong xuôi nếu các bạn đợi thêm 4 năm nữa”.
Philippines, quốc gia đồng minh của Mỹ, và Việt Nam đã lên tiếng phản đối những hành động của Trung Quốc nhưng ASEAN về tổng thể vẫn còn chia rẽ về vấn đề này. Tuy nhiên, do lo ngại gia tăng, các lãnh đạo trong ASEAN tháng trước đã ra tuyên bố chung, cho rằng hoạt động cải tạo đất làm xói mòn lòng tin và có thể gây hại đến hòa bình khu vực.
Giới chuyên gia bác bỏ ý tưởng sẽ sớm có một hành động chung về Biển Đông ở cấp độ ASEAN nhưng việc tăng cường hợp tác giữa một số quốc gia là hoàn toàn có thể. Nhật Bản đang xem xét tham gia cùng Mỹ tuần tra trên không ở vùng biển này. Tokyo và Manila dự kiến bắt đầu đối thoại về khung chuyển giao trang bị và công nghệ phòng thủ cùng hiệp ước cho phép binh sĩ Nhật Bản thăm Philippines trong tuần tới.
Phát biểu tại Honolulu trước khi tới Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter nhắc lại Washington yêu cầu chấm dứt hoạt động xây đảo, đồng thời nói Trung Quốc đang vi phạm những nguyên tắc “kiến trúc an ninh” và sự đồng thuận “tiếp cận phi cưỡng chế” của khu vực.
Video đang HOT
Trung Quốc ngang nhiên đòi chủ quyền với 90% diện tích Biển Đông, nơi được cho là giàu dầu mỏ và khí đốt, chồng lấn lên vùng biển của nhiều quốc gia khác như Việt Nam, Philippines.
Cho Trung Quốc một vài “giải pháp”
Nhằm tiếp thêm nghị lực cho các đồng minh, một phi cơ giám sát P-8 của Hải quân Mỹ đã cho phép phóng viên hãng tin CNN và tổ quay phim hải quân ghi lại hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa rồi công bố.
“Không ai muốn thức dậy vào một buổi sáng nào đó rồi phát hiện Trung Quốc đã xây vô số tiền đồn, tệ hơn nữa là trang bị chúng với các hệ thống quân sự”, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel nói.
Ernest Bower, chuyên gia về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nhận định mục tiêu của Mỹ là thuyết phục Trung Quốc hướng đến giải quyết tranh chấp theo hệ thống quốc tế thay vì áp đặt yêu sách lãnh thổ trải khắp khu vực.
Trong tương lai gần, “tôi nghĩ người Mỹ sẽ cho Trung Quốc một vài giải pháp”, ông Bower nói.
Giới chức Mỹ trước đó cho biết tàu hải quân có thể được điều động trong phạm vi 12 hải lý tính từ các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng để chứng tỏ Washington không công nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại đây.
Washington còn tiếp tục thúc đẩy chiến lược tái cân bằng sang châu Á, 4 năm kể từ khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sự thay đổi chiến lược này, dù một số quốc gia thấy nó định hình quá chậm.
Mỹ cũng sửa lại các thỏa thuận an ninh với đồng minh Nhật Bản và Philippines, đồng thời tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa tại Nhật Bản nhằm để mắt đến Triều Tiên.
Thủy quân lục chiến Mỹ đang tham gia huấn luyện luân phiên ở Australia, các tàu chiến đấu ven biển hoạt động ngoài khơi Singapore và phi cơ giám sát P-8 đóng tại Nhật Bản đã thực hiện nhiều nhiệm vụ trong khu vực.
Về tổng thể, giới chức quốc phòng Mỹ thông báo hải quân nước này sẽ tăng cường hiện diện thêm 18% trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2020. Washington hướng đến mục tiêu chuyển 60% tàu hải quân sang Thái Bình Dương vào năm 2020, tăng thêm 3% so với hiện nay.
Các quan chức quân sự Philippines nói có thể thấy rõ thay đổi của Mỹ thể hiện ở hoạt động tập trận, huấn luyện cùng các chuyến thăm của tàu, máy bay. Vấn đề trọng tâm đã chuyển từ chống chủ nghĩa khủng bố sang an ninh hàng hải, một quan chức nói.
Tuy nhiên, Trung Quốc dường như vẫn chưa có dấu hiệu bị ngăn cản. Bắc Kinh hôm 26/5 tổ chức lễ khởi công xây dựng hai hải đăng trên Biển Đông, đồng thời tuyên bố sẽ gia tăng “bảo vệ các đại dương” và chỉ trích các nước láng giềng có “hành động khiêu khích” trên những bãi ngầm, đá mà Trung Quốc ngang nhiên nhận là của mình.
Như Tâm
Theo Reuters
Bài toán thử thách với Trung Quốc trước căng thẳng Biển Đông
Hành động cải tạo đảo phi pháp, thể hiện ý đồ chiến lược của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ phải đối mặt với những thách sức ép càng gia tăng đến từ Mỹ, theo tạp chí Yazhou Zhoukan của Hong Kong.
Căng thẳng xung quanh vấn đề chủ quyền trên Biển Đông ngày càng gia tăng sau khi Trung Quốc tăng cường xây đắp đảo, đơn phương tuyên bố chủ quyền phi lý.
Tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép trên Biển Đông.
Đá Chữ Thập tại quần đảo Trường Sa (chủ quyền của Việt Nam - PV) đã được Trung Quốc ngang nhiên cải tạo, mở rộng để trở thành hòn đảo lớn nhất trong nhóm. Với đường băng cũng như các cơ sở quân sự, truyền thông Mỹ nói rằng Đá Chữ Thập được ví như "tàu sân bay không thể đánh chìm của Trung Quốc".
Hồi đầu tháng 5 này, tàu chỉ huy USS Blue Ridge của hải quân Mỹ đã đụng độ với hai tàu chiến Trung Quốc trên Biển Đông. Tuần trước, máy bay trinh sát P-8A Poseidon đã bay tuần tra trên các hòn đảo tranh chấp và bị phía Trung Quốc cảnh báo rời khỏi khu vực 8 lần. Phía Mỹ luôn khẳng định đang thực hiện nhiệm vụ trên không phận quốc tế.
Ngày 16/5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định lại lập trường của Bắc Kinh về các hoạt động xây dựng (trái phép -PV) trên Biển Đông trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Bắc Kinh.
Trung Quốc những năm qua đang ngày càng tập trung triển khai các trang thiết bị vũ khí cho Hạm đội Hải quân Nam Hải, tờ Yazhou Zhoukan nhận định., 19 tàu chiến đã bổ sung cho hạm đội này trong giai đoạn 2010-2013.
Hạm đội Nam Hải cũng sở hữu 7 chiến hạm Type 054A so với 4 chiến hạm loại này thuộc biên chế hạm đội Đông hải và Bắc Hải. Đây là hạm đội duy nhất của Trung Quốc được trang bị tàu đổ bộ tấn công Type 071.
Tuy vậy, Hải quân Mỹ trong khu vực vẫn đang nắm ưu thế vượt trội. Hạm đội 7 của hải quân Mỹ có khoảng 50-60 tàu chiến, 350 máy bay và 60.000 người, trong đó có 38.000 sĩ quan hải quân và 22.000 lính thủy đánh bộ
Hải quân Trung Quốc cũng không có các chiến hạm tương đương với tàu sân bay hạt nhân Geogre Washington của Mỹ hay tàu chỉ huy USS Blue Ridge.
Tạp chí Yazhou Zhoukan nhận định, mặc dù Trung Quốc đã đẩy mạnh việc xây dựng các cơ sở quân sự trên Biển Đông trong thời gian qua nhưng nhìn chung khả năng tác chiến của Bắc Kinh vẫn còn khá hạn chế bởi Đá Chữ Thập cách đất liền Trung Quốc tới 1.400 km
Một khi việc cải tạo đảo và xây dựng cơ sở quân sự hoàn tất, quân Trung Quốccó thể sử dụng Đá Chữ Thập như một căn cứ hải quân lớn, ngăn chặn các quốc gia trong khu vực. Nếu như triển khai các máy bay ném bom chiến lược H-6, PLA cũng có thể đe dọa các căn cứ hải quân Mỹ ở Australia và hạn chế tối đa khả năng Mỹ có thể can thiệp vào Biển Đông.
Yazhou Zhoukan cho rằng nhiều khả năng Washington sẽ không thực hiện chiến lược toàn diện ngăn chặn Trung Quốc trên Biển Đông do còn nhiều những điểm nóng xung đột khác trên thế giới như Nhà nước Hồi giáo IS ở Trung Đông và khủng hoảng Ukraine cũng như căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật trên biển Hoa Đông.
Đối với Trung quốc, sự lép vế về mặt quân sự của PLA trước quân đội Mỹ càng khiến cho Bắc Kinh tăng cường chiến lược cải tạo và xây dựng căn cứ quân sự trên Biển Đông.
Hoàn thiện việc cải tạo Đá Chữ Thập chỉ là bước đầu tiên của Trung Quốc trong việc "cân bằng" chiến lược xoay trục châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ và Bắc Kinh muốn theo đuổi đến cùng nhiệm vụ này, theo Yazhou Zhoukan.
Đăng Nguyễn
Theo_Người Đưa Tin
Hậu trường chuyến tuần tra Biển Đông của Thần biển P-8A Phóng viên CNN mới đây đã có dịp tham gia vào một chuyến bay trinh sát của hải quân Mỹ, mục kích các hoạt động cải tạo và xây đảo phi pháp của Trung Quốc tại các bãi đá trên Biển Đông cũng như các hành động đe dọa trắng trợn của Hải quân Trung Quốc. Cất cánh từ căn cứ không quân...