Vì sao Mỹ chật vật truy vết tiếp xúc Covid-19?
Mỗi sáng đi làm, Radhika Kumar đều mong có thể cứu thêm nhiều người qua truy vết tiếp xúc, nhưng nhiệm vụ này thực tế không đơn giản.
Trên giấy tờ, công việc của Kumar, nhân viên truy vết tiếp xúc của hạt Los Angeles, bang California, Mỹ, là gọi điện cho người dương tính nCoV cùng những người tiếp xúc gần để hướng dẫn họ tự cách ly, ngăn nguy cơ lây nhiễm cho người khác. Công việc nghe đơn giản nhưng thực tế lại không.
Để thuyết phục mọi người hợp tác, Kumar phải khiến họ tin tưởng mình. Bà phải khiến họ tin rằng họ có thể đã nhiễm nCoV, dù không biểu hiện triệu chứng. Bà thậm chí phải nghe rất nhiều lời mắng chửi từ họ, nhưng vẫn kiên nhẫn gọi điện lại những ngày sau đó. Nếu muốn họ nghe lời khuyên của mình, Kumar cũng phải chịu lắng nghe họ giãi bày nỗi sợ hãi nếu phải ở nhà cách ly và không thể nuôi sống gia đình.
“Có hôm tôi gọi điện cho một người phụ nữ trẻ và cô ấy hét lên trên điện thoại ‘Bà không hiểu gì cả. Tôi có 3 đứa con. Tôi phải đi làm’. Tôi đã cố gọi lại hết lần này tới lần khác. Tôi đã kiên nhẫn như vậy. Tôi nghĩ về nó suốt đêm và tự hỏi mình đang làm gì vậy? Tôi đã gọi lại cho cô ấy ngay buổi sáng hôm sau và thật mừng vì cô ấy đã bắt máy”, Kumar kể.
Radhika Kumar, nhân viên truy vết tiếp xúc tại hạt Los Angeles, bang California. Ảnh: NYTimes.
Dù Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ tiếp tục ca ngợi hiệu quả của công tác truy vết tiếp xúc, các cơ quan y tế địa phương cũng tuyển thêm nhân viên mới, truy vết nCoV vẫn được xem là thử thách như của Sisyphean trong thần thoại Hy Lạp, người bị trừng phạt suốt đời bằng việc đẩy một khối đá lớn lên đỉnh núi.
Theo Kumar và nhiều đồng nghiệp, một trong số lý do chính khiến công tác truy vết ở Mỹ gặp thách thức chính là nỗi sợ hãi.
Đắm chìm trong thành công trong đợt bùng phát đầu tiên, giới chức ở California, bang hiện tại là điểm nóng Covid-19 của Mỹ, không chỉ thất bại vì không lường trước được diễn tiến của đợt bùng phát này, mà còn vì thái độ lưỡng lự của người dân khi phối hợp truy vết tiếp xúc. Một số đơn giản không muốn bị làm phiền, nhưng nhiều người khác từ chối hợp tác với nhân viên truy vết bởi họ sợ bị mất thu nhập, trục xuất hoặc bị kỳ thị. Các yếu tố này đã tạo hiệu ứng dây chuyền, cản trở khả năng tiếp cận người cần theo dõi tiếp xúc trước khi quá muộn.
Tại hạt Los Angeles, nhân viên theo dõi tiếp xúc được giao xử lý 13.766 trường hợp trong một tuần trước ngày 28/7. Nhưng hơn 1/3 cuộc gọi tới người nhiễm nCoV không thể kết nối và hơn một nửa số người nhận điện thoại từ chối cung cấp thông tin về những người họ từng tiếp xúc gần. “Mọi người lưỡng lự bởi họ sợ”, Kumar, 55 tuổi, nói.
Mùa xuân năm nay, sau khi quan chức y tế công cộng California phải từ bỏ truy vết tiếp xúc trên diện rộng khi “quá tải” số ca nhiễm, Thống đốc Gavin Newsom sau đó khởi động một chương trình tham vọng nhất ở Mỹ để theo dõi người nhiễm và nghi nhiễm.
Video đang HOT
Nỗ lực có tên California Connected (California Kết nối) có chi phí lên tới 30 triệu USD. Nó bao gồm một khóa học trực tuyến do Đại học California điều hành, nhằm đào tạo các nhân viên của hạt và bang trở thành người truy vết Covid-19, cùng chiến dịch nâng cao nhận thức nhằm đảm bảo người dân California hiểu bất kỳ thông tin nào mà nhân viên truy vết thu thập đều được bảo mật.
Bang California đã đáp ứng kỳ vọng đặt ra khi tuyển được 10.000 học viên tham gia khóa đào tạo cho tới đầu tháng 7. Dù quan chức y tế công cộng tin tưởng số nhân lực tăng sẽ giúp kiểm soát đại dịch, chương trình này không thể “liều thuốc thần”.
Truy vết tiếp xúc hiệu quả cần phải được tiến hành kịp thời. Nhân viên y tế tiếp cận người nhiễm nCoV càng nhanh, họ càng sớm có được danh sách người tiếp xúc gần để hướng dẫn họ tự cách ly ở nhà.
Giới chức dự đoán rằng California sẽ ghi nhận 3.600 ca nhiễm mới mỗi ngày vào mùa hè này, nên phải cần thêm 10.000 người truy vết mới, theo tiến sĩ Mark Ghaly, giám đốc sở y tế và dịch vụ nhân sinh bang California. Nhưng khi quy định cách biệt cộng đồng được nới lỏng, số ca nhiễm mới hàng ngày ở California tăng vọt tới mức kỷ lục 12.807 ca hôm 22/7, gấp hơn 3 lần dự kiến.
Số ca nhiễm tăng quá nhanh khiến nhiều phòng thí nghiệm quá tải và không thể trả kết quả xét nghiệm kịp thời. Do đó, đội ngũ truy vết cũng không thể nhanh chóng liên hệ với các ca nhiễm.
Tại hạt Los Angeles, nơi số người truy vết đã tăng từ 200 đến 2.600 người, Kumar và đồng nghiệp đã được trang bị tốt hơn để theo kịp tốc độ ca nhiễm mới. Ngay khi phát hiện ca nhiễm, họ có thể cố gắng theo dõi tới 94% số ca tiếp xúc trong một ngày.
Nhưng họ cũng phải đối mặt với thách thức cơ bản là làm thế nào để mọi người trả lời điện thoại. Ở hạt Los Angeles, tỷ lệ trả lời cuộc gọi thấp đến mức chính quyền phải tặng thêm thẻ quà tặng 20 USD để khuyến khích mọi người trả lời điện thoại từ nhân viên truy vết. Mỗi ngày, các nhân viên truy vết phải xử lý danh sách 3.000-4.000 cuộc gọi, theo tiến sĩ Jeffrey Gunzenhauser, giám đốc cơ quan y tế công cộng hạt Los Angeles.
Trung bình mỗi ngày, họ có thể hoàn thành khoảng một nửa, đồng nghĩa 1.500 – 2.000 trường hợp phải chuyển sang ngày hôm sau và cộng dồn với số ca nhiễm mới báo cáo. Các nhân viên thường cố gắng liên hệ với ca tiếp xúc gần trong ba ngày liên tiếp trước khi kết luận người này từ chối trả lời.
Theo kết quả khảo sát 7 ngày gần đây, chưa tới 60% người nhiễm nCoV đồng ý hợp tác. Trong đó, chỉ 40% sẵn lòng cung cấp thông tin về ít nhất một người từng tiếp xúc gần. Nhưng trong số người tiếp xúc gần được chia sẻ đó, khoảng 64% người trả lời điện thoại và tham gia khảo sát.
“Chúng tôi lo lắng nhất là dù đã thực hiện tất cả cuộc gọi, nhưng không thể chuyển tải được hướng dẫn cách ly cho họ. Vậy nên, chúng tôi phải dành nhiều thời gian hơn để cố gắng thực hiện các cuộc gọi mang tính nâng cao nhận thức. Đó là lựa chọn giữa việc chúng tôi có thể thực hiện được lượng lớn cuộc gọi hay là thực hiện được ít cuộc gọi nhưng có tác động và hiệu quả”, tiến sĩ Ghaly nói.
Đó là điều mà những người như bà Kumar đang làm. Bà thường dành 20-45 phút cho một cuộc gọi và đóng vai trò như một nhà điều tra dịch tễ học, nhà giáo dục và nhân viên xã hội.
Theo dõi lịch sử tiếp xúc không chỉ đơn giản là gọi điện và đọc một kịch bản sẵn có hay tính toán số ngày tự cách ly của một người, hay xác định thời điểm gọi điện phù hợp với từng người. Công việc này đòi hỏi nhiều thứ khó khăn hơn nhiều.
“Làm thế nào tôi có thể truyền tải thông điệp của mình và đồng cảm hơn khi tôi không thể nhìn thấy biểu cảm khi họ khóc. Nó không chỉ là phỏng vấn. Nó là cuộc đối thoại. Tôi nói ‘tôi ở đây để giúp đỡ và chúng ta hãy cùng nhau làm điều này’”, bà Kumar nói.
Một điểm xét nghiệm nCoV trên xe tại Riverside, bang California, tháng trước. Ảnh: NYTimes.
Gần đây, Kumar gọi điện cho một người mẹ trẻ nhiễm nCoV sắp sinh đôi, đang tự cách ly với hai đứa con đầu của cô. Kumar đã phải cố gắng xây dựng mối quan hệ bằng câu hỏi về các đứa bé trước khi hỏi người phụ nữ này đã tự cách ly như thế nào.
Người mẹ trẻ kể bất kỳ khi nào rời phòng, cô đều đeo găng tay và khẩu trang, nhưng sau đó bỗng im lặng. “Thật khó để ôm những đứa trẻ của tôi với găng tay”, cô nói. Kumar nói rằng bà hiểu điều cảm giác đó, nhưng điều quan trọng hơn là cô phải giữ khoảng cách an toàn với chúng.
Một số người mà Kumar liên lạc lo lắng về giấy tờ nhập cư không còn hợp lệ. “Tôi không quan tâm điều đó, tôi chỉ quan tâm tới an toàn của bạn và gia đình”, bà nói trước khi thuyết phục họ rằng Los Angeles không chia sẻ thông tin của người nhập cư với cơ quan di trú liên bang.
Một nhân viên nhà hàng mà Kumar gọi gần đây không muốn cung cấp địa chỉ làm việc vì sợ rằng quản lý sẽ đổ lỗi cho anh ta vì khiến họ phải cách ly. Một số trường hợp thậm chí nói dối rằng đang tự cách ly, dù thực tế họ đang ra ngoài.
Bà cho biết cách tiếp cận tốt nhất là tuyên truyền giáo dục chứ không phải đối đầu. Tuy nhiên, không phải lúc nào nó cũng hiệu quả. Một phụ nữ lớn tuổi kiên quyết từ chối cung cấp tên thành viên gia đình đã chăm sóc bà, khi cho rằng họ “đã làm đúng cách” và “dọn sạch mọi thứ”.
Một ngày thứ 6 gần đây, Kumar phải gọi 10-14 người trong danh sách cần truy vết. Trong hầu hết trường hợp, bà phải gọi lại rất nhiều lần. Dù vậy, bà vẫn hy vọng công việc của mình có thể giúp ngăn Covid-19 lây lan cho tới khi có vaccine.
“Chúng tôi đang tạo ra khác biệt và tôi biết điều đó”, Kumar nói khi chuẩn bị danh sách dài cho ngày hôm sau.
Texas hơn nửa triệu ca COVID-19, vùng dịch lớn thứ hai nước Mỹ sau California
Texas, một bang đông người Việt sinh sống, trở thành bang thứ ba tại Mỹ có số ca mắc COVID-19 trên 500.000 sau Florida và California.
Người dân xếp hàng mua thức ăn ở Los Angeles, bang California (Mỹ) - Ảnh: REUTERS
Theo số liệu của Reuters tối 8-8 giờ Mỹ, tức sáng 9-8 giờ Việt Nam, Mỹ ghi nhận thêm 54.203 ca nhiễm trong ngày 8-8.
Điều này đồng nghĩa tổng số ca mắc bệnh do virus corona chủng mới (COVID-19) tại nước này là 5,01 triệu, so với 4,96 triệu ghi nhận một ngày trước đó.
Tương ứng, tổng số trường hợp tử vong liên quan tới COVID-19 ở Mỹ tăng ít nhất 982 trong ngày 8-8, nâng tổng số người chết vì virus corona chủng mới lên 162.105 người.
Đáng chú ý, tình hình COVID-19 ở những nơi đông người Việt và gốc Việt sinh sống đang khá đáng ngại.
Texas trở thành bang thứ ba có số ca mắc trên 500.000 và hiện cùng California là hai bang có tổng số ca cao nhất nước Mỹ. Bang thứ ba ghi nhận cột mốc hơn 500.000 ca là Florida.
Hôm 8-8, số ca nhiễm virus ở California tăng ít nhất 5.997 người, nâng tổng số ca nhiễm đã xác nhận lên 555.322. Số người tử vong do virus corona chủng mới tại bang này tương ứng đã tăng thêm 99 người hôm 8-8, nâng tổng số người thiệt mạng lên 10.311.
Các chuyên gia sức khỏe của ĐH Washington tại Mỹ hôm 6-8 dự báo đến ngày 1-12, Mỹ có thể ghi nhận gần 300.000 ca tử vong nhưng cho biết khoảng 70.000 người có thể được cứu sống nếu tuân thủ tốt việc đeo khẩu trang.
Trong khi đó về mặt kinh tế, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8-8 đã ký một số sắc lệnh hành pháp nhằm tiếp tục hỗ trợ tài chính cho hàng chục triệu người Mỹ đối mặt với tình trạng thất nghiệp do đại dịch COVID-19 gây ra.
"Ngày tận thế" của nhà hàng Mỹ khi đại dịch Covid-19 càn quét Nhiều nhà hàng buộc phải đóng cửa vĩnh viễn và rơi vào tình trạng khó khăn như "ngày tận thế" khi đại dịch Covid-19 càn quét khắp nước Mỹ. Nhà hàng Beachwood BBQ của Gabriel Gordon phải đóng cửa vì dịch Covid-19. (Ảnh: AFP) Đối với Gabriel Gordon và vợ ông, Lena, nhà hàng nhỏ được họ mở cách đây 14 năm tại...