Vì sao mô hình nhóm nhạc này rất thành công ở Nhật mà sang Hàn lại bị ghẻ lạnh?
Cùng giải mã sự khan hiếm của các nhóm nhạc Kpop đi theo mô hình nhập học – tốt nghiệp.
Mô hình nhóm nhạc nhập học – tốt nghiệp với các thành viên mới thường xuyên được thêm vào và các thành viên cũ rời nhóm sau một thời gian hoạt động rất phổ biến tại Nhật Bản. Tuy nhiên, ở Hàn Quốc, số nhóm nhạc đi theo mô hình này rất ít ỏi và chỉ mỗi After School thu hút được sự chú ý của công chúng. Dẫu vậy, ngay cả After School cũng chỉ nổi lên trong thời gian đầu rồi dần chìm nghỉm giữa hàng loạt những tên tuổi khác của Kpop.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm cũng như sự thất bại của các nhóm nhạc theo mô hình nhập học – tốt nghiệp ở Hàn?
Tâm lý “gia đình” của fan Kpop
Thực tế, có sự khác biệt rõ ràng trong quan niệm của fan Kpop và Jpop về việc các thần tượng gia nhập và rời nhóm. Nhật Bản chính là nơi bắt nguồn các nhóm nhạc nhập học – tốt nghiệp và mỗi năm lại có hàng chục nhóm mới ra mắt dưới hình thức này. Bởi vậy, người hâm mộ Jpop từ lâu đã quen với việc nhóm nhạc yêu thích của mình liên tục được “thay máu”, đồng thời xem đó là một nét đặc trưng trong văn hóa âm nhạc nước mình.
Ngược lại, đối với các fan Kpop thì mô hình nhập học – tốt nghiệp lại khá mới mẻ và khó chấp nhận. Nó xuất phát từ việc người hâm mộ nhạc Hàn luôn tâm niệm rằng các thành viên trong nhóm gắn bó với nhau như một gia đình. Đây chính là hệ quả trực tiếp của “văn hóa nhóm nhạc” mà các công ty giải trí xứ Hàn chủ trương xây dựng cho các thần tượng. Ngay từ những ngày làm thực tập sinh cho đến khi ra mắt trong cùng một nhóm, các thần tượng luôn được yêu cầu phải xây dựng quan hệ tốt với nhau.
Bên cạnh đó, trong con mắt của người hâm mộ, đội hình ban đầu là toàn vẹn, tuyệt vời nhất và họ sẽ làm mọi cách để bảo vệ sự thiêng liêng và thần thánh đó. Các fan chỉ chấp nhận các thành viên gốc, đồng thời lên tiếng phản đối kịch liệt việc thêm vào những người mới.
Chắc hẳn bạn vẫn nhớ đến câu chuyện của Henry và Super Junior. Năm 2007, khi SM thông báo rằng Henry sẽ trở thành thành viên thứ 14 của Super Junior, một cuộc biểu tình rầm rộ đã diễn ra. Hơn 1500 fan có mặt ở trước cửa công ty, mang theo nhiều biểu ngữ mà nổi bật nhất là thông điệp “Chỉ 13 người”. Cuối cùng, Henry chỉ góp mặt trong đội hình nhóm nhỏ Super Junior – M chứ không được thêm vào nhóm chính.
Một trường hợp tương tự cũng xảy đến với Hyelim (Wonder Girls). Sau khi Sunmi rời nhóm, JYP quyết định bổ sung Hyelim bởi “Wonder Girls tốt nhất với đội hình 5 thành viên”. Tuy nhiên, quyết định này của JYP đã dẫn đến sự phản đối từ các fan của nhóm. Fan đã gửi hàng loạt bình luận gay gắt dành cho nhóm, đặc biệt là với Hyelim như “Chúng tôi chỉ muốn Sunmi, tôi sẽ chờ bạn”, hay “Hyelim không xứng đáng”, “Hãy trả Sunmi cho chúng tôi”… Dẫu vậy, may mắn hơn nhiều so với Henry, sau một thời gian, công chúng đã dần dần chấp nhận sự hiện diện của Hyelim trong Wonder Girls.
Không chỉ người “nhập học” không được chấp nhận mà các thành viên “tốt nghiệp” cũng phải hứng chịu những cơn mưa chỉ trích không ngừng của công chúng. Đối với nhiều fan, việc rời nhóm đồng nghĩa với “phản bội”, còn thành viên đi theo ngã rẽ khác, đặc biệt khi đã đạt được thành công cùng nhóm chính là “kẻ tội đồ”.
Video đang HOT
Mất đi thành viên chủ lực
Thông thường, trong một nhóm nhạc sẽ có những thành viên chủ lực hay còn được gọi là thành viên “gánh team”. Những người này có thể hát hay, nhảy tốt hoặc giữ vai trò như một người thủ lĩnh trong nhóm. Bởi vậy, nếu họ rời đi thì sẽ là một mất mát lớn.
Trong trường hợp của After School, nhóm đã từng có thời gian lao đao bởi trong khi những gương mặt mới còn chưa kịp thu hút sự chú ý của công chúng thì Kahi – thành viên quan trọng nhất lại rời nhóm. Kahi vốn là một vũ công xuất sắc, đồng thời cũng là một trưởng nhóm tài năng và có trách nhiệm. Khi cô tốt nghiệp, nhiều người hâm mộ đã nhận định rằng đó chính là khởi đầu cho sự chấm hết của After School. Ý kiến này phần nào đó đúng bởi kể từ sau khi Kahi ra đi, After School bắt đầu chìm nghỉm ở Kpop.
Sự hòa hợp giữa các thành viên
Một trong những vấn đề lớn nhất mà các nhóm nhạc theo mô hình nhập học – tốt nghiệp phải đổi mặt chính là làm thế nào để đoàn kết và duy trì tinh thần nội bộ nhóm, xây dựng mối quan hệ tốt giữa những thành viên cũ và thành viên mới. Khi một thành viên mới được thêm vào đồng nghĩa với việc những căng thẳng hoàn toàn có thể xảy ra trong nội bộ nhóm.
T-ara không hẳn đi theo mô hình nhập học – tốt nghiệp nhưng lại mang những đặc điểm của nhóm nhạc kiểu này khi có những thành viên mới được bổ sung và thành viên cũ rời nhóm. Bởi vậy, T-ara cũng phải đối mặt với những vấn đề mà một nhóm nhạc nhập học – tốt nghiệp gặp phải.
Năm 2012, scandal của T-ara nổ ra gây chấn động giới giải trí Hàn Quốc. Rất nhiều bằng chứng cho thấy Hwayoung bị bắt nạt đã được tung ra và lan truyền trên khắp báo chí cũng như các trang mạng xã hội. Theo nhiều người, Hwayoung bị bắt nạt và cô lập vì cô là thành viên tham gia vào nhóm sau.
Giờ đây, dù câu chuyện ai là người có lỗi vẫn được “bỏ ngỏ” và chỉ người trong cuộc mới biết rõ, nhưng công chúng vẫn tin rằng mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” giữa thành viên cũ và thành viên mới trong một nhóm nhạc Kpop là hoàn toàn có thật.
Ngoài những nguyên nhân trên, cũng có nhiều lý do khác dẫn đến sự thất bại của một nhóm nhạc theo mô hình nhập học – tốt nghiệp. Trong đó có thể kể đến những vấn đề liên quan tới chia line, động tác vũ đạo phải sửa lại để phù hợp hay các thành viên đến sau ít nhận được sự chú ý…
Tạm kết
Trong thời điểm hiện tại, việc làm sao để xây dựng thành công những nhóm nhạc đi theo mô hình nhập học – tốt nghiệp vẫn là một câu hỏi khó chưa có lời giải đáp ở Kpop. Nhưng biết đâu trong tương lai, khi 3 ông lớn của Kpop là SM – JYP – YG để những “đứa con” của mình thử sức với mô hình này, người hâm mộ lại tìm thấy một nhóm nhạc hoàn hảo thì sao. Hãy cùng chờ đợi xem!
Theo Trí Thức Trẻ
8 idol từng trải qua chứng trầm cảm nghiêm trọng
Luôn đem đến hình ảnh đẹp mắt cho công chúng, ít ai biết G-Dragon hay Suzy đều từng bị trầm cảm kéo dài.
Ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc được đánh giá là rất khắc nghiệt. Để thành công và nổi tiếng, nhiều ngôi sao đã phải hứng chịu không ít áp lực dẫn đến trầm cảm. Một số đã dám dũng cảm thừa nhận và vượt qua căn bệnh tinh thần nguy hiểm này.
1.G-Dragon
G-Dragon nổi tiếng với tài năng âm nhạc và phong cách thời trang độc đáo, cá tính. Nhưng ít ai biết rằng, bên trong anh là một con người nhạy cảm. G-Dragon từng thú nhận trên sóng truyền hình rằng sau khi ca khúc Heartbreaker bị chỉ trích nặng nề vì nghi vấn đạo nhạc, anh cảm thấy tuyệt vọng và xa lánh tất cả người thân kể cả cha mẹ và bạn bè. Anh từ chối nói chuyện với mọi người và tự giam mình trong cô độc.
2.Suzy
"Tình đầu quốc dân" Suzy trong con mắt mọi người luôn là một cô gái có sắc đẹp và cuộc sống đáng mơ ước. Ít ai biết cô nàng từng trải qua điều trị trầm cảm vào năm 2013. Suzy tiết lộ: "Tôi từng mắc chứng trầm cảm và không thể nói cho bất kỳ ai. Thậm chí tôi còn nghĩ tới cái chết. Một ngày, khi tôi nói chuyện với một người bạn, tôi bỗng dưng bật khóc".
3.Jo Kwon
Jo Kwon, cựu thành viên 2AM, được gọi là virus vui vẻ của Kpop bởi luôn mang tới tiếng cười và niềm vui cho người xung quanh. Fan đã rất bất ngờ khi phát hiện ra Jo Kwon từng phải điều trị trầm cảm trong thời gian 8 năm làm thực tập sinh. Cuối cùng nam ca sĩ đã vượt qua chính mình bằng quyết tâm và ý chí đáng ngưỡng mộ.
4.Lizzy (After School)
Khi nhắc đến Lizzy, khán giả sẽ nhớ tới cô gái với nụ cười sáng và chất giọng địa phương đáng yêu. Lizzy từng là thành viên của show truyền hình thực tế đình đám Running Man, nhưng sau một thời gian cô đã xin rút khỏi chương trình. Ngay sau đó, cô nhận không ít lời chỉ trích, mỉa mai cho rằng cô chỉ là khách mời chứ chưa bao giờ là thành viên cố định. Những bình luận tiêu cực, ác ý khiến Lizzy buồn bã, thất vọng và suy sụp.
5.T.O.P
Năm 2008, T.O.P liên tục bị ảnh hưởng bởi cảm giác căng thẳng và bất an dẫn tới trầm cảm. Anh vẫn phải liên tục điều trị bằng thuốc hàng ngày. Nam rapper từng phải nhập viện do bị suy sụp vì làm việc quá nhiều.
6.Baro (B1A4)
Quá gắn bó với đoàn làm phim Reply 1994, sau khi bộ phim này kết thúc, Baro rơi vào trạng thái trầm cảm trong thời gian ngắn. Anh rất muốn gặp lại những người gắn bó khi quay phim nhưng không thể vì lịch làm việc dày đặc của họ.
7.Jin Woon (2AM)
Jin Woon nói rằng, sau tour diễn ở Mỹ của nhóm, anh đã rơi vào trạng thái trầm cảm. Nam ca sĩ bị mất ngủ trong một tháng và chỉ muốn được ở một mình.
8.Hee Chul (Super Junior)
Sau khi người bạn thân thiết Han Kyung đột ngột rời khỏi Super Junior, Hee Chul đã lâm vào tình trạng trầm cảm nặng. Hee Chul tự nhốt mình trong phòng và không xuất hiện trên sân khấu suốt 3 tháng.
Theo VNE
Nhóm nhạc NCT 127 đến Việt Nam vào ngày 5/12 Thông tin đã được chính nhóm nhạc thông báo đến người hâm mộ. Ngày 2/12, các thành viên của NCT 127 đã đăng tải một đoạn video trên fanpage chính thức của nhóm, xác nhận về việc sẽ đến biểu diễn tại Việt Nam. Dự kiến nhóm sẽ có mặt tại Việt Nam vào ngày 5/12 và có buổi họp báo chính thức...