Vì sao Mazda3 thế hệ mới ế khách?
Chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 cùng các vấn đề liên quan đến hệ thống phanh và hộp số, Mazda3 vừa trải qua tháng thứ hai liên tiếp sụt giảm đáng kể về doanh số.
Tháng 4/2020, thị trường ôtô Việt Nam tiếp tục hứng chịu sự sụt giảm mạnh về doanh số. Theo số liệu từ VAMA, kết thúc tháng đỉnh điểm về giãn cách xã hội do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, doanh số bán hàng toàn thị trường đạt 11.761 xe, giảm 39% so với tháng trước và giảm 44% so với cùng kỳ 2019.
Mazda3 đang giảm dần sự hấp dẫn tại Việt Nam.
Đáng chú ý, Mazda3, mẫu sedan hạng C làm mưa làm gió tại Việt Nam suốt nhiều năm qua, tiếp tục đánh mất ngôi vương phân khúc vào tay Kia Cerato. Mazda3 vừa trải qua tháng thứ hai liên tiếp chứng kiến sự sụt giảm về doanh số. Cụ thể, nếu trong giai đoạn 2016-2019, Mazda3 luôn duy trì mức doanh số xấp xỉ 1.000 xe/tháng thì từ đầu năm 2020 tới nay, con số này chỉ còn khoảng 500 xe/tháng.
Doanh số Mazda3 giai đoạn 4 tháng đầu các năm gần đây. (Số liệu: VAMA, đơn vị tính: xe)
Với nhiều mẫu xe hot trên thị trường như Mazda3, Kia Cerato, hay Hyundai Elantra, phân khúc sedan hạng C luôn được đánh giá là một trong những phân khúc sôi động nhất của thị trường ôtô Việt Nam. Giai đoạn 2016-2019, bảng xếp hạng 10 xe bán chạy nhất năm luôn có sự góp mặt của Mazda3 và Kia Cerato.
Tuy nhiên, bước sang năm 2020, dòng xe sedan C chứng kiến sự sụt giảm mạnh về doanh số. Trước khi Kia Cerato trở lại top 10 xe bán chạy nhất tháng 4, phân khúc sedan C thậm chí đã “mất tích” khỏi bảng xếp hạng xe bán chạy của tháng 3. Theo số liệu từ VAMA, 4 tháng đầu 2020, phân khúc sedan C đạt doanh số 5.951 xe, giảm hơn 50% so với 11.817 xe bán ra cùng kỳ 2019.
Doanh số phân khúc sedan C giai đoạn 4 tháng đầu các năm gần đây (Số liệu: VAMA, đơn vị tính: xe)
Như vậy, có thể thấy thị trường ôtô sụt giảm doanh số mạnh vì ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và các mẫu sedan hạng C, trong đó Mazda3 không phải ngoại lệ. Bên cạnh đó, xu hướng chuyển sang lựa chọn các mẫu xe gầm cao và xe 7 chỗ của người dùng Việt cũng khiến phân khúc này kém hấp dẫn hơn. Sau khi Chevrolet Cruze và Ford Focus rút khỏi thị trường Việt Nam, các mẫu xe còn lại như Toyota Altis, Honda Civic hay Hyundai Elantra đều có doanh số ảm đạm suốt thời gian qua.
Video đang HOT
Giá bán tăng vọt so với thế hệ cũ
Một trong những lợi thế lớn của Mazda3 so với các đối thủ cùng phân khúc là giá bán. Thế hệ trước, các phiên bản Mazda3 có mức giá từ khoảng 670-750 triệu đồng, ngang ngửa Kia Cerato, Hyundai Elantra và thấp hơn đáng kể Toyota Altis hay Honda Civic. Bên cạnh đó, ngôn ngữ thiết kế Kodo trên Mazda3 được đa số người dùng Việt đánh giá cao và lượng trang bị của xe cũng tương đối đầy đủ so với các đối thủ cùng phân khúc.
Tháng 11/2019, Thaco ra mắt Mazda3 mới với giá bán tăng mạnh so với thế hệ trước. Cụ thể, Mazda3 1.5L Deluxe 2020 có giá 719 triệu đồng, tăng 50 triệu đồng so với phiên bản tương tự của năm 2019. Trong khi đó, Mazda3 2.0L Signature Premium, phiên bản Mazda3 sedan cao cấp nhất, có giá lên tới 919 triệu đồng, cao hơn đời xe trước khoảng 170 triệu đồng.
Giá bán các mẫu xe trong phân khúc sedan hạng C. Đơn vị tính: Triệu đồng.
Mức tăng 50-170 triệu đồng là rất đáng kể với những mẫu xe thuộc phân khúc sedan hạng C. Bên cạnh đó, chính sách giá mới cao ngang ngửa các đối thủ Toyota Altis và Honda Civic – những mẫu xe ế khách nhất phân khúc – còn đưa giá bán của Mazda3 tiệm cận các mẫu sedan D như Toyota Camry 2.0G hay chính người anh em Mazda6. Có thể nói dù vẫn đẹp, nhưng giá cao khiến nhiều khách hàng chuyển sang lựa chọn khác.
Anh Phạm Minh (Hà Nội), chủ sở hữu xe Mazda3 1.5L 2018, nhận xét mức giá của Mazda3 mới tăng mạnh khiến chiếc xe bị đẩy lên ngưỡng phân khúc cao hơn. Với khoản chi phí như vậy, nếu đổi xe, anh sẽ chọn mua Mazda CX-5 thay vì Mazda3 thế hệ mới.
“Chiếc Mazda3 tôi đang dùng vẫn có một số nhược điểm như ồn, gương gập trục trặc sau thời gian ngắn sử dụng, hệ thống i-stop gây bất tiện và làm cho ắc quy mau hỏng hơn so với trung bình tuổi thọ các dòng xe khác. Tuy nhiên, mức giá bán khá hợp lý, gần với các đối thủ cùng phân khúc khác của Hàn Quốc như Kia Cerato hay Hyundai Elantra, chính là yếu tố quyết định khi tôi chọn chiếc xe này và chấp nhận các nhược điểm kể trên”, anh Minh chia sẻ.
Mức giá bán mới đẩy Mazda3 vào tình cảnh “gà nhà đá nhau” với chính Mazda6 và Mazda CX-5.
Theo chuyên gia ôtô Nguyễn Mạnh Thắng, đa số người dùng thường có phản ứng tiêu cực với việc tăng giá xe, dù mẫu xe đó được nâng cấp và bổ sung nhiều công nghệ mới. Trước Mazda3, Chevrolet Captiva là một trong những mẫu xe từng áp dụng chiến lược phát triển sản phẩm này và thất bại tại Việt Nam.
“Xu hướng tăng giá của Mazda3 có thể nằm trong lộ trình của Thaco để sẵn sàng khi Mazda toàn cầu định vị lại sản phẩm của hãng lên phân khúc cao cấp hơn, với nhiều công nghệ hơn trong tương lai. Tuy nhiên, sẽ cần thời gian để người dùng chấp nhận sự thay đổi này”, ông Thắng nhận định.
Lùm xùm xung quanh lỗi hệ thống phanh khẩn cấp
Đầu năm 2020, một chủ xe Mazda3 Sport 2.0L Signature Premium mới tại Hà Nội phản ánh xe gặp lỗi ở hệ thống hỗ trợ phanh thông minh (SBS). Cụ thể, khi xe đang di chuyển trên đường, hệ thống này có thể tự kích hoạt và đột ngột phanh xe dù không có vật cản phía trước, dẫn đến nguy cơ xe bị phương tiện phía sau đâm phải.
Lỗi hệ thống hỗ trợ phanh thông minh SBS ảnh hưởng không nhỏ đến doanh số của Mazda3 mới.
Trên thực tế, lỗi phần mềm hệ thống SBS từng xuất hiện trên những chiếc Mazda3 bán tại thị trường Bắc Mỹ, khiến hơn 35.000 xe tại Mỹ và Mexico được thông báo triệu hồi để cập nhật phần mềm mới.
Tại Việt Nam, sau khi xác nhận lỗi phanh SBS vào tháng 1/2020, cuối tháng 3, Thaco chính thức đưa ra thông báo triệu hồi Mazda3 để khắc phục lỗi. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý những người có dự định mua Mazda3 trong quãng thời gian nói trên, từ đó họ tạm hoãn việc mua xe để chờ đợi thông tin hai chiều rõ ràng hơn.
Bên cạnh đó, cách thức hoạt động của động cơ và hộp số trên Mazda3 thế hệ mới cũng được một số người dùng phản ánh khiến xe gặp phải hiện tượng vòng tua tăng giảm bất thường, gây khó chịu khi vận hành.
Ngôi vương phân khúc sedan C liệu có đổi chủ?
Xét 4 tháng đầu năm 2020, Mazda3 hiện vẫn là mẫu sedan hạng C ăn khách nhất và 2 tháng đánh rơi ngôi vương doanh số vừa qua có thể xem như bước sảy chân của Mazda3.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc chiếc xe đang dần mất đi sức hút với người dùng Việt. Khoảng cách giữa Mazda3 và Kia Cerato đã được thu hẹp đáng kể và màn đổi ngôi tại phân khúc sedan C hoàn toàn có khả năng xảy ra khi năm 2020 kết thúc.
“Bên cạnh các yếu tố khách quan như tốc độ hồi phục của nền kinh tế sau dịch bệnh, Thaco cũng cần có các động thái và chính sách thích hợp để tạo dựng lại sức hút, cũng như sự an tâm của người dùng vào dòng xe Mazda3″, ông Thắng nhận định.
Xét ra ngoài phân khúc sedan hạng C, rõ ràng Mazda3 sẽ phải đối mặt với nhiều đối thủ mạnh, những chiếc SUV và crossover đang là xu hướng, với trang bị và công nghệ không thua kém. Có thể trong thời gian tới, Mazda3 sẽ được điều chỉnh giảm giá bán để tăng sức cạnh tranh, trong bối cảnh rất nhiều mẫu xe trên thị trường đang giảm giá.
Vừa bán ra chưa lâu, Mazda3 thế hệ mới đã phải triệu hồi tại Việt Nam để cập nhật hệ thống phanh
Mazda Việt Nam vừa tuyên bố thực hiện Chương trình kiểm tra, cập nhật phần mềm điều khiển hệ thống hỗ trợ phanh SBS (Smart Brake Support) trên các phiên bản Premium của Mazda3
Vào ngày 12/3/2020, Mazda Việt Nam chính thức thông báo thực hiện Chương trình triệu hồi để kiểm tra, cập nhật phần mềm điều khiển hệ thống hỗ trợ phanh SBS (Smart Brake Support) trên các phiên bản Premium của All New Mazda3, cũng như Chương trình chăm sóc khách hàng đang sử dụng dòng xe này.
Hệ thống hỗ trợ phanh SBS giúp cảnh báo cho người lái xe về khả năng xảy ra va chạm khi phát hiện xe hoặc vật cản phía trước nhờ cảm biến radar, cảm biến siêu âm và camera phía trước. Nếu khả năng xảy ra va chạm tăng lên, hệ thống sẽ cảnh báo và hỗ trợ phanh để giảm thiệt hại từ va chạm có thể xảy ra. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, Mazda Việt Nam đã nhận được thông tin từ một số khách hàng đang sử dụng xe All New Mazda3 phiên bản Premium về hiện tượng hệ thống hỗ trợ phanh SBS tự động kích hoạt dù không có khả năng rõ ràng về việc xảy ra va chạm.
Sau khi khảo sát điều kiện giao thông thực tế, phân tích các báo cáo kỹ thuật, Tập đoàn Mazda đã kết luận chính thức về vấn đề liên quan đến hệ thống hỗ trợ phanh SBS như sau:
Theo Tập đoàn Mazda, nguyên nhân của vấn đề là do phần mềm điều khiển hệ thống hỗ trợ phanh SBS chưa phù hợp với điều kiện giao thông, có thể khiến hệ thống hiểu nhầm rằng xe đang ở gần với vật cản hoặc các xe khác, tự kích hoạt phanh kèm với âm thanh cảnh báo và thông báo trên màn hình của bảng điều khiển. Để khắc phục vấn đề trên, Tập đoàn Mazda đã nâng cấp phần mềm điều khiển hệ thống hỗ trợ phanh SBS.
Căn cứ theo kết luận của Tập đoàn Mazda, Mazda Việt Nam xin thông báo triển khai Chương trình cập nhật phần mềm hệ thống hỗ trợ phanh SBS trên các phiên bản Premium của xe All New Mazda3. Chương trình được áp dụng cho các xe theo danh sách dưới đây:
Theo nội dung của chương trình, Mazda Việt Nam và Đại lý sẽ liên hệ để mời Quý khách hàng đưa xe tới các xưởng dịch vụ ủy quyền để được kiểm tra miễn phí và cập nhật lại phần mềm điều khiển hệ thống hỗ trợ phanh SBS. Chương trình kiểm tra, cập nhật phần mềm được bắt đầu từ ngày 12/03/2020.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thể hiện sự tri ân tới Quý khách hàng, từ ngày 12/03/2020 đến 30/04/2020, Mazda Việt Nam sẽ đồng thời triển khai Chương trình chăm sóc khách hàng đang sử dụng xe All New Mazda3 với ưu đãi dịch vụ bảo dưỡng miễn phí lên đến 20.000km dành cho toàn bộ khách hàng đã mua xe All New Mazda3 trước ngày 12/03/2020.
Giá lăn bánh Mazda3 2020 sau giảm giá, cao nhất 1,021 tỷ đồng Tại Hà Nội, sau khi mua xe và nộp các loại thuế, phí và bảo hiểm đi kèm thì giá lăn bánh của Mazda3 2020 bản sedan 2.0 Premium là 1,021 tỷ đồng. Mazda3 2020 được ưu đãi giá trực tiếp từ 30 đến 60 triệu đồng so với giá niêm yết cho tất cả 10 phiên bản Theo khảo sát của PV...