Vì sao máy bay An-32, MiG-27 Ấn Độ “đắp chiếu” gần hết?
Việc chậm chễ nâng cấp, kéo dài tuổi thọ khiến hơn một nửa vận tải cơ An-32 và gần như toàn bộ tiêm kích MiG-27 của Ấn Độ nằm đất.
Tạp chí Jane’s Defence Weekly đưa tin, Kiểm soát viên và Tổng kiểm toán Ấn Độ (CAG) đã lên tiếng chỉ trích nặng nề Không quân Ấn Độ (IAF) về việc hơn một nửa phi đội 105 chiếc máy bay vận tải hạng trung An-32 phải nằm đất vì sự chậm trễ hơn 4 năm trong chương trình nâng cấp của họ.
Trong báo cáo đệ trình lên Quốc hội vào ngày 18/7/2014, CAG tiết lộ rằng. Không quân Ấn Độ dự kiến tiến hành nâng cấp 61 chiếc An-32 từ năm 2011 ở các cơ sở sửa chữa của IAF tại Kanpur, phía bắc Ấn Độ. Tuy nhiên, công việc tại cơ sở này vẫn đang trong tình trạng chờ đợi.
Việc nâng cấp đang được thực hiện thông qua một quá trình chuyển giao công nghệ (ToT) từ Antonov (Ukraine) và được dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2015. Theo CAG, phi đội An-32 của Không quân Ấn Độ đưa vào phục vụ trong giai đoạn 1984-1991. Máy bay này phải được nâng cấp lên tiêu chuẩn An-32RE để kéo dài thời gian phục vụ của nó thêm từ 25-40 năm nữa.
Video đang HOT
Chương trình nâng cấp máy bay vận tải hạng trung An-32 của Ấn Độ diễn ra quá chậm chạp.
Theo hợp đồng trị giá 19,64 tỷ Rupe (khoảng 386 triệu USD) được ký kết vào năm 2009 với Antonov (Ukraine), 40 chiếc An-32 sẽ được đưa đến nâng cấp tại nhà máy của Antonov và số còn lại sẽ được thực hiện tại cơ sở Kanpur từ năm 2011 trở đi. IAF cho biết, tuổi thọ kỹ thuật của máy bay sẽ hết hạn vào tháng 2/2009.
“Quá trình thiết kế lại và phát triển, mở rộng hoạt động sẽ mất thêm từ 4-5 năm dựa trên kinh nghiệm của quá khứ và các chương trình nâng cấp như kiến nghị đã bị trì hoãn”, CAG cho biết.
Việc đầu tư 2,72 tỷ Rupe để xây dựng một cơ sở sửa chữa chuyển giao công nghệ có thể không đảm bảo được thời gian và kết quả nâng cấp cho 61 chiếc An-32 còn lại.
Phát ngôn viên IAF đại úy Gerard Galway trao đổi với IHS Jane’s vào ngày 25/7 rằng, 35 trong tổng số 40 chiếc An-32 được nâng cấp An-32RE đã trở về Ấn Độ từ Ukraine và đi vào hoạt động trở lại. Do đó, hoạt động vận tải quân sự của IAF vẫn không bị ảnh hưởng do hậu quả của sự chậm trễ trong chương trình nâng cấp số máy bay còn lại.
Biến thể nâng cấp An-32RE được trang bị hệ thống điện tử tiên tiến, buồng lái và khoang hàng hóa được thiết kế lại để tăng cường sự thoải mái, giảm tiếng ồn và độ rung, cải thiện tổng thể nền tảng bảo trì cho máy bay.
CAG cũng chỉ trích chương trình Nghiên cứu hệ thống điện tử hàng không quốc phòng với khoản đầu tư vô ích trị giá 1,55 tỷ Rupe trong nỗ lực phát triển hệ thống chiến tranh điện tử Takshak. Hệ thống này phối hợp phát triển cùng với Elta của Israel nhằm trang bị cho khoảng 70 máy bay MiG-27ML và MiG-27UPG.
Cường kích cánh cụp cánh xòe MiG-27.
Báo cáo của CAG cho biết, do các quyết định “ngu ngốc và trậm trễ” trong việc phát triển hệ thống Takshak nên mục tiêu tăng cường hoạt động của máy bay chiến đấu IAF có thể không đạt được. IAF thừa nhận họ không thể lắp đặt Takshak trên máy bay MiG-27 trước năm 2016, hai năm sau khi việc loại bỏ dần các máy bay MiG-27 được lên kế hoạch.
“Vì vậy IAF đã quyết định thu hồi dự án vì nó không thể đưa vào hoạt động và khai thác hệ thống này trên máy bay. Các chi phí phát sinh 1,55 tỷ Rupe cho dự án không thể hoàn trả lại được”, báo cáo kết luận của CAG đã viết.
CAG cũng đổ lỗi cho IAF trong việc sử dụng hệ thống chiếu sáng cổ ngỗng năng lượng mặt trời cho sân bay từ thời chiến tranh thế giới thứ 2 thay vì hệ thống chiếu sáng hiện đại tại sân bay Leh trên dãy Himalaya.
Hệ thống chiếu sáng lạc hậu này đã gây khó khăn cho hoạt động của sân bay này trong suốt 13 năm qua đặc biệt là các hoạt động vào ban đêm. IAF đang triển khai tiêm kích MiG-29, Su-30MKI và máy bay vận tải C-130J tại sân bay Leh – căn cứ không quân cao nhất thế giới, ở độ cao 3.256 mét so với mặt nước biển.
Theo Kiến Thức