Vì sao mật vụ Mỹ ôm súng bắn tỉa cỡ lớn hộ tống ông Trump thay vì ẩn trên các tòa nhà?
Hình ảnh mật vụ Mỹ mang súng bắn tỉa cỡ lớn hộ tống Tổng thống Donald Trump đến nhà thờ St. John gần đây đã gây chú ý.
Súng bắn tỉa lạ mật vụ Mỹ dùng để hộ tống ông Trump.
Hôm 1.6, bất chấp những bất ổn ở thủ đô Washington D.C, ông Trump cùng một số quan chức rời Nhà Trắng, đi bộ đến nhà thờ St. John dưới sự hộ tống của đội cận vệ, mật vụ và cảnh sát.
Một trong những hình ảnh gây chú ý nhất là việc các mật vụ Mỹ mang súng bắn tỉa cỡ lớn đi bộ trong đoàn hộ tống. Thông thường, súng bắn tỉa chỉ được sử dụng trên tầm cao, các địa điểm cố định để đảm bảo hiệu quả cao nhất.
“Xạ thủ bắn tỉa đi bộ cùng đám đông là cảnh tượng rất lạ thường, nhất là khi họ được trang bị mẫu súng bắn tỉa rất hiện đại, chuyên dùng đối phó các mục tiêu ở khoảng cách xa”, chuyên gia quân sự Tyler Rogoway nhận xét.
Mỗi khi khai hỏa, xạ thủ của mật vụ Mỹ sẽ cần phải cần điểm tựa và xuất hiện công khai như vậy để lộ nhiều hạn chế.
Theo The Drive, ông Trump có thể muốn tới nhà thờ St. John trong một chuyến đi không báo trước nên mật vụ Mỹ không thể triển khai đội hình bắn tỉa thông thường trên các tòa nhà.
Đây cũng là lần hiếm hoi công chúng có thể tận mắt chứng kiến những vũ khí hiện đại nhất của lực lượng mật vụ chuyên bảo vệ Tổng thống.
Vũ khí tầm xa mà mật vụ Mỹ sử dụng là súng bắn tỉa dựa trên thiết kế khung AX của hãng Accuracy International (AXAICS). Đây là có độ chính xác và khả năng tùy biến rất cao.
Hình ảnh mật vụ Mỹ cầm súng bắn tỉa đi bộ theo đoàn hộ tống.
Một mật vụ cầm súng bắn tỉa AXAICS sử dụng cỡ đạn .308 Winchester, dựa trên nguyên mẫu MK13 Mod 7 của lính thủy đánh bộ, chuyên dùng cho các nhiệm vụ đặc biệt.
Video đang HOT
Người còn lại trang bị súng trường bán tự động dựa trên mẫu SR-25, sử dụng đạn .308 Winchester và kính ngắm loại ACOG. Mẫu súng trường này không có uy lực như khẩu AXAICS, nhưng có băng đạn lớn hơn, phù hợp tiêu diệt các mục tiêu tầm trung.
Hai xạ thủ trong ảnh có thể hỗ trợ nhau khi một người tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách xa và người còn lại giúp áp chế tầm gần và tầm trung, theo The Drive.
Ước tính đơn giá cho mỗi khẩu súng bắn tỉa với đầy đủ phụ kiện trên lên tới 13.300 USD, đắt nhất là ống ngắm. Nhưng đơn đặt hàng của chính phủ có thể rẻ hơn giá thị trường.
Trong suốt hành trình ông Trump từ Nhà Trắng qua Công viên Lafayette tới thăm nhà thờ St. John ở bên kia đường, cảnh sát Mỹ đã phải liên tục bắn đạn hơi cay giải tán đám đông.
Nhiều chính trị gia Mỹ đã chỉ trích việc ông Trump muốn đến nhà thờ giữa tình hình bất ổn là không cần thiết.
Joe Biden, ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ, bình luận trên mạng xã hội Twitter: “Ông ấy bắn hơi cay và đạn cao su vào người biểu tình ôn hòa, chỉ vì một bức ảnh. Chúng ta phải đánh bại ông ấy”.
60 phút hỗn loạn đằng sau bức ảnh của Trump
Khi Trump sáng 1/6 nêu ý tưởng ông sẽ đi ra bên ngoài chiếc cổng cao 4m bao quanh Nhà Trắng, các phụ tá tỏ ra bất ngờ.
Việc chuẩn bị hậu cần cho chuyến đi trong thời gian gấp gáp như vậy vốn đã khó khăn trong điều kiện bình thường, chưa nói đến tình trạng căng thẳng đang diễn ra. Người biểu tình đã vây quanh Nhà Trắng ba ngày liên tiếp, có lúc gia đình Tổng thống Donald Trump được đưa xuống hầm ngầm để đảm bảo an toàn. Nhưng Trump quyết tâm cho thấy ông vẫn kiểm soát được tình hình.
Tổng thống Mỹ Donald Trump giơ kinh thánh chụp ảnh trước nhà thờ St. John hôm 1/6. Ảnh: AFP.
Khi Trump trao đổi với các quan chức quân sự hàng đầu tại Nhà Trắng về cách dập tắt các cuộc biểu tình trên khắp đất nước, Tổng thống nói rằng ông muốn đi bộ từ Nhà Trắng qua công viên Lafayette để đến nhà thờ St. John lịch sử, nơi người biểu tình đêm hôm trước phun sơn, gây ra những đám cháy lớn tại tầng hầm và bên ngoài nhà thờ.
Peter Newsham, người đứng đầu lực lượng cảnh sát thủ đô Washington, nói rằng ông chỉ biết kế hoạch trước 30-45 phút. Việc Trump đi bộ đến nhà thờ dường như cũng gây bất ngờ cho Bộ Nội vụ. Bộ trưởng Nội vụ David Bernhardt khi đó không ở Nhà Trắng và không được thông báo trước rằng người biểu tình tại công viên Lafayette, nơi nằm trong phạm vi giám sát của Bộ Nội vụ, sẽ bị giải tán rất nhanh chóng.
Bộ trưởng Tư pháp William Barr là người ra lệnh dẹp biểu tình, theo một quan chức của Bộ Tư pháp. Barr và các quan chức chịu trách nhiệm bảo vệ Nhà Trắng trước đó đã lên kế hoạch bảo đảm một vành đai rộng hơn xung quanh công viên Lafayette, nhằm đối phó với các vụ đốt phá người biểu tình gây ra hôm 31/5.
Nếu kế hoạch đó được kích hoạt, đám đông biểu tình ở công viên Lafayette sẽ bị giải tán trước 16h, chứ không phải vào lúc 18h35, ngay trước lệnh giới nghiêm 19h của thủ đô Washington.
Barr xuất hiện tại công viên Lafayette ngay trước 18h, khoảng một giờ trước khi Trump rời Nhà Trắng. Khi Barr khảo sát tình hình xung quanh công viên cùng một số phụ tá, người biểu tình nhận ra ông và la ó. Bộ trưởng được thông báo rằng cảnh sát nhận định người biểu tình đang gom đá để ném vào lực lượng hành pháp. Quan chức Bộ Tư pháp cho biết trong khi Barr ở công viên, người biểu tình đã ném chai lọ về phía ông. Trong khi đó, CNN nói rằng họ không thấy cảnh tượng như vậy.
Trước khi đi bộ vào Nhà Trắng, Barr yêu cầu cảnh sát giải tán biểu tình, nói rằng nếu người biểu tình kháng cự, các biện pháp kiểm soát đám đông nên được thực hiện.
Trong khi đó, tại Nhà Trắng, các nhân viên chuẩn bị bục phát biểu và máy nhắc chữ ở Vườn Hồng để Trump có bài phát biểu ngắn trước khi đi ra khỏi Nhà Trắng.
Dù chính Trump là người nảy ra ý tưởng về chuyến thăm nhà thờ, cố vấn cấp cao Hope Hicks, chánh văn phòng Mark Meadows, cũng như con rể Jared Kushner và con gái Ivanka Trump, đã tham gia lập kế hoạch, theo hai quan chức cấp cao của Nhà Trắng. Quyết định cuối cùng được đưa ra khoảng 5 giờ trước khi lực lượng an ninh giải tỏa người biểu tình.
Khi các phóng viên đổ về Vườn Hồng để chuẩn bị cho bài phát biểu của Trump, những tiếng nổ của đạn hơi cay vang lên ở phía bên kia hàng rào Nhà Trắng.
Từ 18h22, Cảnh sát Công viên (đảm bảo an ninh ở các công viên và một số vùng đất chính phủ) đưa ra cảnh báo đầu tiên với người biểu tình. Hàng loạt sĩ quan liên bang mặc đồ chống bạo loạn dồn lên, đối đầu người biểu tình để đẩy họ ra khỏi công viên Lafayette.
Động thái của Cảnh sát Công viên diễn ra rất nhanh chóng và đột ngột. Có ít người biểu tình xuất hiện trong công viên ngày 1/6 hơn so với hôm trước, nhưng đám đông vẫn rất sung sức. Họ hô những khẩu hiệu như "Gọi tên cậu ấy: George Floyd!" và chỉ trích gay gắt lực lượng an ninh đứng đối diện.
Khi cảnh sát dồn lên, người biểu tình bắt đầu bỏ chạy, khói bốc lên, súng bắn đạn cao su và đạn cay liên tiếp nổ. Đạn cay xịt khói mù mịt, chỉ vài người biểu tình mang mặt nạ chống độc, hầu hết ho sặc sụa khi hít phải hơi cay, buộc họ phải lùi lại.
"Mọi người phải chạy. Tôi cố gắng giúp mọi người rửa mắt", linh mục Gina Gerbasi, người có mặt tại công viên Lafayette ngày 1/6, kể. "Cảnh sát đẩy mọi người ra, họ dùng hơi cay, lựu đạn gây choáng".
"Tôi chỉ là một nữ linh mục da trắng trung niên và là một người mẹ", bà nói thêm. "Động thái của họ hoàn toàn vô lý vì chúng tôi không làm gì quá khích cả. Tôi không nghe thấy ai phát loa thông báo Tổng thống sắp đến".
Phát ngôn viên của Cảnh sát Công viên cho biết các sĩ quan sử dụng đạn cay chứ không phải hơi cay. Mặc dù chúng có thành phần khác nhau, cả hai đều là những chất gây kích ứng mạnh. Một số nhân chứng cho biết họ nhìn thấy những chiếc lọ xịt ra khói khiến mọi người ho và ngạt thở.
Ngày 2/6, Cảnh sát Công viên ra tuyên bố cho biết quyết định giải tán người biểu tình được đưa ra để "kiềm chế" bạo lực và cho biết người biểu tình đã ném nhiều vật thể về phía lực lượng an ninh. Trong khi đó, phóng viên của CNN tại hiện trường nói rằng họ không chứng kiến bất kỳ hành vi bạo lực nào của người biểu tình hay thấy họ ném bất cứ thứ gì.
Những người biểu tình cố gắng trụ lại hô lên "không công lý, không hòa bình". Cảnh sát dùng lựu đạn gây choáng khi người biểu tình dồn lên phía trước. "Các ông đang bắn vào những người đã giơ hai tay lên!", một người biểu tình hét lên. "Chúng tôi không phải là mối đe dọa!", một người khác hô lớn.
Đến 19h, khi lệnh giới nghiêm của Washington có hiệu lực, hỗn loạn gần kết thúc. Các đường phố xung quanh công viên và Nhà Trắng vắng bóng người biểu tình. Vũ lực đã khiến nhiều người về nhà. Những người còn nán lại trên các con đường - nơi nằm trong thẩm quyền giám sát của lực lượng cảnh sát thủ đô Washington, bị bắt vì vi phạm lệnh giới nghiêm.
Cảnh sát bắn đạn cay vào người biểu tình ngày 1/6 khi Trump đến nhà thờ St. John ở gần Nhà Trắng. Video: NYTimes.
Vào 19h01, Trump đi ra từ cổng bắc của Nhà Trắng, đi qua công viên để sang nhà thờ St. John. Tháp tùng ông là một loạt phụ tá gồm Ivanka Trump, người mang theo chiếc túi chứa một quyển Kinh thánh, chồng cô Jared, chánh văn phòng Mark Meadows và thư ký báo chí Kayleigh McEnany.
Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley cũng có mặt. Họ đã được triệu tập đến Phòng Bầu dục vài giờ trước đó để cập nhật cho Tổng thống về nỗ lực sử dụng quân đội nhằm kiềm chế bạo lực. Một quan chức quốc phòng Mỹ nói với các phóng viên rằng Esper và Milley "không biết rằng Cảnh sát Công viên và lực lượng hành pháp đã ra quyết định giải tán biểu tình ở công viên".
Tất cả quan chức tháp tùng Trump đều là người da trắng. Tổng thống chỉ có một vài cố vấn cấp cao người Mỹ gốc Phi. Thành viên nội các da màu duy nhất là Bộ trưởng Phát triển Nhà và Đô thị Ben Carson, người không có mặt. Trump chụp ảnh khi cầm cuốn Kinh thánh bên ngoài nhà thờ St. John và nói "chúng ta là quốc gia vĩ đại nhất thế giới".
Một số quan chức Nhà Trắng khẳng định việc cảnh sát giải tỏa biểu tình không phải nhằm phục vụ Trump chụp ảnh trước nhà thờ. Một số nói rằng động thái này nhằm mở rộng vành đai an ninh xung quanh công viên Lafayette và Nhà Trắng. Phó thư ký báo chí Nhà Trắng Judd Deere cho biết vành đai được mở rộng để giúp thực thi lệnh giới nghiêm 19h của thủ đô Washington, mặc dù lực lượng an ninh bắt đầu đẩy người biểu tình trước khi lệnh giới nghiêm có hiệu lực.
Các quan chức không giải thích lý do họ cần thiết lập vành đai ngay trước giờ giới nghiêm hoặc tại sao họ không tiến hành sớm hơn. Một quan chức Nhà Trắng nói rằng động thái lẽ ra nên được tiến hành từ vài giờ trước đó để tránh hỗn loạn.
Động thái của Trump vấp phải chỉ trích. Joe Biden, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ, lên án Trump "dùng quân đội Mỹ chống lại người dân Mỹ". "Ông ấy bắn hơi cay và đạn cao su vào người biểu tình ôn hòa, chỉ vì một bức ảnh", Biden viết trên Twitter. "Vì con em của chúng ta, vì linh hồn của đất nước chúng ta, chúng ta phải đánh bại ông ấy".
Sau cuộc họp báo ngày 2/6, Newsham, người đứng đầu lực lượng cảnh sát thủ đô Washington, cũng chỉ trích việc sử dụng vũ lực hôm 1/6. "Phần lớn cảnh sát ở đất nước này, thành phố này, là những người có ý tốt đang cố gắng làm điều đúng đắn", ông nói. "Bất cứ khi nào có một hành động khiến hình ảnh cảnh sát trở nên tiêu cực, tôi cảm thấy tổn thương vì người ta sẽ quy kết hành động đó cho tất cả cảnh sát", ông nói.
Cũng tại cuộc họp báo này, Thị trưởng Washington Muriel Bowser nói rằng bà không "thấy người biểu tình có bất kỳ hành vi khiêu khích" nào đòi hỏi cảnh sát phải triển khai vũ lực và gọi hành động của Trump là "đáng xấu hổ".
Vài giờ trước đó, Trump đăng tweet cảm ơn chính mình. "Thủ đô Washington không có vấn đề gì đêm qua. Nhiều người đã bị bắt. Mọi việc rất tốt", ông viết. "Cảm ơn Tổng thống Trump!".
Mật vụ Mỹ gây khó hiểu vì ôm súng bắn tỉa hộ tống Trump Mật vụ Mỹ mang súng bắn tỉa cỡ lớn đi ngay sau Trump khi ông đến nhà thờ St. John, dù chúng chỉ phù hợp khi bố trí ở điểm cao. Tổng thống Donald Trump hôm 1/6 đi bộ từ Nhà Trắng qua Công viên Lafayette tới thăm nhà thờ St. John ở bên kia đường, sau khi phát biểu lên án hành...