Vì sao ‘Lâu đài bay của pháp sư Howl’ vẫn cuốn hút sau 15 năm?
Mới tái phát hành online, bộ phim hoạt hình Nhật Bản nổi tiếng của đạo diễn Hayao Miyazaki lại lọt top xu hướng, và được nhiều người tìm kiếm để theo dõi lại.
Sophie, nhân vật chính của Howl’s Moving Castle, làm việc tại cửa hàng mũ. Một ngày nọ, khi đang trên đường đến gặp em gái, cô bị hai người lính chặn lại trêu chọc.
Giữa lúc còn đang bối rối, Sophie được một chàng trai lạ mặt cứu giúp. Đó là Howl – pháp sư quyền năng, người được đồn đại là sẽ cướp lấy trái tim của những cô gái xinh đẹp mà anh ta gặp gỡ.
Lần đầu tiên gặp Howl, Sophie đã được anh cứu giúp.
Trở về cửa hàng sau cuộc gặp gỡ với Howl, Sophie chạm trán phù thủy xứ Waste và bị biến thành một bà lão già nua. Bối rối, đau khổ, cô tiến vào vùng đất hoang sơ nơi chỉ có những phù thủy sinh sống.
Một thế giới nơi những điều đối lập cùng nhau tồn tại
Thế giới của Howl’s Moving Castle là nơi tồn tại những pháp sư quyền năng. Một trong số ấy là Howl. Anh sở hữu một tòa lâu đài xây từ phế liệu biết tự di chuyển trên bốn chân. Nhưng thế giới ấy cũng có những chiếc máy bay tân tiến, có chiến hạm, có đoàn tàu hỏa mù mịt khói chạy ngang một thành phố thời tiền công nghiệp…
Bên cạnh những thành phố đông đúc mịt mù khói bụi nơi Sophie vẫn ngày ngày ngồi khâu mũ, là bao la núi đồi và thảo nguyên bát ngát của những miền đất nơi tòa lâu đài đi qua. Nhưng dù có là không gian nào đi nữa, thế giới ấy đang đứng bên bờ vực của một cuộc chiến tranh. Các vương quốc đang liên tục tấn công lẫn nhau sau vụ mất tích của một hoàng tử.
Dù bóng ma chiến tranh đang đến gần, các nhân vật vẫn có những khoảnh khắc bình yên hiếm hoi.
Thông qua cánh cửa ra vào có khả năng dịch chuyển giữa các không gian, Sophie có thể tự do di chuyển giữa hai vương quốc. Nhưng dù có đi tới đâu, bóng ma của chiến tranh vẫn đuổi theo cô sát gót: binh lính trên đường, máy bay rải truyền đơn, hay một chiến hạm tả tơi vì bom đạn được đưa về từ ngoài khơi…
Nhưng giữa không khí ngột ngạt ấy, Sofie và Markl – cậu bé học viên của Howl – vẫn tìm được những khoảnh khắc ngồi thảnh thơi uống trà, chờ những dây quần áo vừa giặt được gió biển hong khô. Hay Howl vẫn dẫn Sophie tới thăm ngôi nhà thời thơ bé của anh nằm giữa cánh đồng hoa bạt ngàn.
Lãng mạn xen lẫn khốc liệt, hiện thực xen lẫn mộng mơ, khoa học kỹ thuật tồn tại song song với phép thuật và những sinh vật kỳ bí, đó là một thế giới rực rỡ và cuốn hút mà Howl’s Moving Castle mở ra trước mắt khán giả.
Howl – chàng hoàng tử trong mơ của mọi thiếu nữ
Howl là nhân vật, mà dù không được dõi theo từng giây phút, khán giả vẫn biết chắc họ sẽ thích anh.
Mở đầu bộ phim, Howl xuất hiện bất ngờ trên phố và gỡ rối cho Sophie. Mái tóc vàng, khuôn mặt đẹp và cư xử dịu dàng của anh khi ấy mang đậm dáng vẻ của một chàng hoàng tử.
Khi bắt gặp bà lão Sophie trong tòa lâu đài, Howl tỏ ra là một người đàn ông ấm áp, dịu dàng. Anh thay Sophie nấu bữa sáng. Rồi trong những ngày Sophie lưu lại lâu đài, dường như Howl đã nắm được bí mật của cô, nhưng anh vẫn giữ phát hiện ấy cho riêng mình.
Điển trai, trầm tĩnh, biết nấu ăn, lại dịu dàng với phái nữ; Howl chính xác là kiểu nhân vật nam chính hoàn hảo thường thấy trong những thiên truyện diễm tình. Khán giả có lẽ chỉ còn chờ tới khoảnh khắc anh đặt lên môi Sophie một nụ hôn hóa giải lời nguyền.
Howl là một chàng trai với nội tâm phức tạp.
Nhưng khi Sophie dọn dẹp làm xáo trộn những món đồ trong nhà tắm, khiến mái tóc của Howl bị đổi màu, chàng pháp sư lập tức biến thành con người khác. Anh hoảng loạn, cáu gắt, rồi suy sụp vì mất đi diện mạo đẹp đẽ.
Sau khi được Sophie giúp đỡ để bình tĩnh lại, Howl – trong màu tóc đen nguyên thủy – dường như trở thành một con người hoàn toàn khác. U ám, mỏi mệt, ốm liệt giường, cứ như thể vẻ ngoài đẹp đẽ của anh trước đây chỉ là lớp vỏ cứng che giấu con người thật vốn đã bị tổn thương và không thể tự chữa lành.
Howl muốn được tự do. Anh biến thành cánh chim và bay đi bất kỳ nơi đâu mình muốn. Nhưng cũng chính Howl là người biết rõ nhất, anh vẫn chỉ là một tù nhân bị giam lỏng trong nỗi chán chường bủa vây không lối thoát.
Sophie, cô gái kiên cường trong vỏ bọc của một bà lão
Video đang HOT
Bên cạnh Howl với quá nhiều nỗi hoang mang, khán giả cần một cô gái dịu dàng, nhưng cùng lúc phải kiên cường. Người đó không ai khác, chính là Sophie.
Một cô gái, tuy luôn tự nhận mình kém nhan sắc, nhưng khi đột ngột bị biến thành một bà lão già nua, chắc chắn vẫn cảm thấy đau khổ. Nhưng Sophie đã không để nỗi thất vọng ấy khiến mình gục ngã.
Cô hài hước đưa ra nhận xét tuổi già khiến bộ váy cô hay mặc hợp hơn hẳn, mỉm cười với chàng trai đề nghị đỡ mình một tay, giúp đỡ chàng bù nhìn bị phù phép đứng thẳng trở lại…
Tại lâu đài của Howl, cô dọn dẹp nhà cửa, đi chợ nấu nướng, chăm sóc Markl và trông chừng ngọn lửa Calcifer đỏng đảnh… Sophie luôn tay làm việc, không có giây phút nào buồn rầu hay ca thán.
Sophie không chỉ là người giúp việc trong lâu đài như bản thân tự nhận. Cô chính là người biến lâu đài ấy thành mái ấm đón đợi mỗi khi Howl quay trở về.
Vẻ già nua của một bà lão không thể ngăn Sophie sống là chính mình.
Sophie cũng là người duy nhất mà Howl mở lòng. Giận dữ, thất vọng, ủ rũ, mỏi mệt, sợ hãi là những cảm xúc anh không thể để lộ ra cho Markl, Calcifer hay bất kỳ ai khác. Nhưng giờ anh đã có thể biểu lộ chúng với cô.
Sophie là người duy nhất hiểu nỗi mệt mỏi của Howl. Cuộc chiến tranh là gánh nặng anh không muốn nhận, cuộc sống nay đây mai đó của anh chỉ nhằm xoa dịu nỗi lo sợ nơm nớp…
Vì lòng thương người, Sophie đã giả làm mẹ của Howl. Cô tới cung điện để thay anh từ chối tham gia cuộc chiến. Chính sự dũng cảm của Sophie đã mang lại cho Howl động lực, và lý do để chiến đấu.
Lâu đài bay ấm áp tựa gia đình
Nếu thiếu đi tấm lòng nhân hậu của Sophie, Howl’s Moving Castle có thể đã diễn ra theo một hướng rất khác. Ngày đến cung điện để thay Howl khước từ lời mời tham gia chiến đấu, Sophie đụng độ phù thủy xứ Waste – người đã khiến cuộc đời cô khốn khổ.
Nhưng khi mụ rơi vào bẫy, mất hết sức mạnh hắc ám và chỉ còn là một bà già lẩn thẩn vô hại, chính Sophie là người đã mang bà ta về lâu đài. Cô chăm lo cho chính con người đã hại mình khốn khổ ấy từng chút một.
Nếu Howl đã tạo ra lâu đài từ cơ man là phế liệu và những món đồ trang trí lấp lánh đủ màu, Calcifer vận hành đống đổ nát ấy, thì bàn tay chăm sóc của Sophie đã biến nó thành một mái nhà.
Sophie cũng là người đã đánh đổi mái tóc của mình cho ngọn lửa Calcifer để hồi sinh tòa lâu đài chính tay mình phá hủy nhằm cứu Howl. Tòa lâu đài mới nhỏ hơn, nhưng chứa bên trong tất cả những gì quan trọng nhất: Calcifer, Sofie, Markl, phù thủy xứ Waste, Heen – chú chó già tới độ không sủa nổi nữa, và những lo lắng hướng về Howl.
Howl’s Moving Castle khiến người xem cảm thấy ấm áp vì những nhân vật sau cùng đều tìm được bình yên bên nhau.
Tất nhiên, Howl’s Moving Castle là một câu chuyện cổ tích có hậu. Hiềm khích được xóa bỏ, chiến tranh qua đi, hòa bình lập lại. Một tòa lâu đài khác lại được xây lên. Lần này nó không chỉ chạy trên mặt đất, mà còn có thể tung cánh trên bầu trời.
Tòa lâu đài bay vẫn là những mảnh phế liệu được ghép lại với nhau, cồng kềnh và cũ kỹ. Sống bên trong tòa lâu đài ấy giờ là một gia đình. Nhưng giống như từng phần của tòa lâu đài đài chắp vá vốn từ đầu chẳng được làm ra để đặt cạnh nhau, thành viên trong gia đình ấy không gắn bó với nhau bằng huyết thống. Họ là những người bạn đã cùng nhau trải qua gian khó, giờ tiếp tục cùng nhau tận hưởng những ngày tháng bình yên.
Anh Phan
Thiết kế bí mật trong các lâu đài thời Trung cổ
Những lâu đài thường được lãng mạn hóa hoặc vì vẻ ngoài đẹp mắt của chúng hoặc vì chúng từng là nơi để dựng lại quang cảnh những trận chiến oai hùng trong vô số những bộ phim.
Nhưng ít người chú ý đến những cấu trúc thiết kế tinh xảo nhằm mục đích để tấn công hoặc để phòng chống quân xâm nhập.
Những di tích còn lại của một lâu đài xưa.
Nguồn gốc lâu đài
Lâu đài là một loại cấu trúc củng cố được xây dựng vào thời Trung cổ chủ yếu bởi giới hoàng tộc và theo yêu cầu quân sự. Lâu đài khác với cung điện (vốn không có hệ thống phòng thủ và là nơi cư ngụ của hoàng tộc hay quý tộc) là một khu định cư có hệ thống phòng thủ kiên cố, mặc dù có nhiều điểm tương đồng giữa các loại công trình này.
Trong khoảng 900 năm xây dựng và tồn tại của các tòa lâu đài, người ta đã xây dựng chúng với nhiều tính năng khác nhau, chẳng hạn như những bức tường thành nối liền các pháo đài và những khe hở để bắn tên khá phổ biến.
Các lâu đài có nguồn gốc từ thế kỷ 9 và thế kỷ 10, sau sự sụp đổ của Đế chế Carolingian (752-911) dẫn đến lãnh thổ của đất nước này bị chia cắt giữa các lãnh chúa và hoàng tử.
Những quý tộc này xây dựng các lâu đài để kiểm soát khu vực xung quanh họ, các lâu đài có kiến trúc vừa để tấn công vừa để phòng thủ. Đó là những căn cứ có thể từ đó tung ra những cuộc tấn công, đồng thời cũng để bảo vệ chống lại kẻ thù.
Lâu đài Bodiam ở Đông Sussex, nước Anh, được xây dựng năm 1385. Hào nước chung quanh là một đặc điểm phòng ngự.
Nhiều lâu đài ban đầu được xây dựng từ đất và gỗ, nhưng về sau đã được củng cố bằng đá. Những lâu đài ban đầu thường khai thác các biện pháp phòng thủ tự nhiên, thiếu hẳn những đặc điểm như các ngọn tháp và các khe bắn tên cũng như dựa vào sự phòng ngự ở trung tâm. Vào cuối thế kỷ 12 và đầu thế kỷ 13, các biện pháp khoa học để bảo vệ lâu đài bắt đầu xuất hiện. Điều này dẫn tới sự phát triển của những tòa tháp nổi bật với các hệ thống tác xạ từ bên sườn.
Nhiều lâu đài về sau đã được xây theo hình đa giác hoặc dựa trên hình thức phòng thủ đồng tâm: một số các cụm phòng thủ tập trung với tất cả các chức năng cùng lúc nâng cao tối đa hỏa lực.
Lâu đài Eltz là một cấu trúc nổi bật mọc lên từ những ngọn đồi phía trên sông Moselle giữa Koblenz và Trier, Đức.
Tuy kỷ nguyên thuốc súng với sức công phá dữ dội đã xuất hiện ở châu Âu vào thế kỷ 14, nhưng điều đó vẫn không ảnh hưởng mấy đến việc xây dựng những lâu đài trong thế kỷ 15.
Vào thời điểm này, pháo binh đã đủ mạnh để công phá xuyên qua những bức tường bằng đá. Những lâu đài vẫn tiếp tục xuất hiện vào thế kỷ 16, những khẩu súng thần công đã trở thành mối đe dọa trực tiếp và có thể vô hiệu hóa sự phòng thủ của các tòa lâu đài. Do đó, kể từ thế kỷ 18 trở đi, con số các lâu đài đã giảm dần, đa phần người ta xây dựng chúng là để phục vụ cho sự hồi sinh tính lãng mạn của phong cách kiến trúc gothic, chứ không còn vì mục đích quân sự nữa.
Lối vào Lâu đài Tolquhon ở Scotland.
Từ cảnh đẹp cho đến các cấu trúc quân sự
Khi tham quan, các du khách thường bị cuốn hút bởi khung cảnh lãng mạn của những tháp canh và những tòa tháp của lâu đài, hoặc cổng chính giống như một lối vào huyền ảo của thời Trung cổ. Những cảnh phim thú vị cho thấy hình ảnh những người lính cố gắng bảo vệ lâu đài trước cuộc bao vây của quân thù, họ bắn xuống những mũi tên lửa từ trên cao.
Tuy nhiên, chúng ta gần như không biết gì về cách thiết kế thông minh của mỗi tòa lâu đài. Từng tính năng trong cấu trúc của lâu đài đã được tính toán kỹ lưỡng và cho đến nay vẫn còn lưu lại được một số chức năng quan trọng đặc trưng.
Lâu đài Windsor lớn nhất nước Anh thuộc hạt Bershire.
Con hào chung quanh lâu đài
Ví dụ: bạn có thể nghĩ rằng cái hào đã được thêm vào đó chỉ đơn thuần như một nét đẹp thẩm mỹ. Nhưng cái hào thực sự được coi là một chướng ngại vật đối với kẻ thù. Đôi khi nó thậm chí còn như vô hình, không thể nhìn thấy được từ bên ngoài, nó được đặt ở giữa bức tường bên ngoài và một bức tường khác bên trong trong lâu đài.
Cái hào làm dịu đi một mối quan tâm lớn cho cư dân của lâu đài: nếu quân xâm lược đến và đào một đường hầm bên dưới pháo đài thì sao? Một đường hầm như vậy sẽ cho phép địch quân tiếp cận vào một số địa điểm dễ bị tổn thương nhất bên trong lâu đài, chúng sẽ tránh được lực lượng phòng thủ dày đặc chung quanh cổng chính hoặc các tòa tháp.
Tệ hơn nữa, một đường hầm còn có khả năng làm sụp đổ toàn bộ các bức tường. Con hào sẽ ngăn chặn được những mối lo này, bởi vì tất cả những đường hầm khi gặp phải con hào đều sẽ bị sụp đổ và tràn ngập đầy nước. Đó là một rào cản rất hiệu quả để chống lại việc đào đường hầm của địch quân.
Lỗ châu mai để bắn tên hoặc súng đại bác ở lâu đài Château de Caen, Pháp.
Cái bẫy nơi cổng chính
Mặt khác, cổng chính luôn là cái bẫy chết chóc. Tin hay không, nếu tiến đến từ bên phía quân địch, khi chúng vừa đi qua cổng chính, cơ hội sống sót sẽ rất mong manh. Nhiều lâu đài có lối vào được cấu trúc như sau: cánh cổng mở ra một sân nhỏ, và ở cuối sân đó có một cổng chính khác. Đây là một cái bẫy.
Pháo đài clifftop được gọi là Lâu đài Dunnottar được cho là lần đầu tiên được xây dựng ở Scotland vào đầu thời Trung cổ.
Rất thường xảy ra, bên cạnh cánh cửa gỗ lớn, có một cổng sắt cũng được lắp đặt ở lối vào phía trước của lâu đài. Nếu một đội quân đột nhập vào qua cánh cửa gỗ, quân phòng thủ lâu đài sẽ sử dụng cổng sắt để bẫy những kẻ xâm lược vào trong sân nhỏ.
Các bức tường của sân nhỏ luôn luôn có những chiếc lỗ, chúng được gọi là "những chiếc lỗ giết người", chúng đủ lớn để cho những mũi tên hoặc những viên đạn nhắm bắn vào các binh sĩ địch. Trong vòng vài phút, khoảng sân nhỏ có thể trở thành lò sát sinh.
Những ngọn tháp để quan sát và tấn công địch quân.
Những hệ thống phòng ngự hữu hiệu khác
Một phát minh về hệ thống phòng thủ khác đã xuất hiện vào khoảng thế kỷ 13. Đó là kiểu thiết kế những vòng tròn đồng tâm. Các vòng tròn đồng tâm thường dẫn đến hàng loạt những công sự bao quanh các thiết kế khác nhau ở các bức tường bên ngoài.
Các tính năng phòng thủ chiến lược như vậy mang lại một lợi thế đối với những người bên trong lâu đài. Quân thù phải vượt qua một số chướng ngại vật trước khi đến được con hào và đối diện với những viên đạn chết người được bắn ra từ các điểm bất kỳ
Khu vực nào của lâu đài để theo dõi kẻ thù? Rất dễ đoán, đó là tòa tháp. Những tòa tháp cho phép nhìn rõ khu vực xung quanh, để những người tiếp cận đến từ bất kỳ hướng nào cũng có thể nhìn thấy được, hoặc một đám quân địch đóng trại ở một nơi gần đó cũng có thể lọt vào tầm nhìn của những người canh gác trên tháp.
Cầu thang được xây dựng nhằm đem lại lợi thế cho quân phòng thủ.
Bí mật trong cầu thang
Nhưng có lẽ tính năng hấp dẫn nhất của bất kỳ mọi lâu đài là thiết kế thông minh của những cầu thang. Về thực chất, đây là nơi những kẻ tấn công hầu như bị què quặt cho dù chúng đã vào được bên trong lâu đài.
Những cầu thang, đặc biệt là những cầu thang dẫn lên tháp phòng thủ, rất chật hẹp và có một bức tường uốn cong bên trong dẫn lên phía trên theo chiều kim đồng hồ, cộng thêm các bậc thang đôi khi không đồng đều. Đó là một thủ thuật phòng ngự thông minh.
Người ta thường cầm kiếm bằng tay phải, vì thế kiểu xoắn ốc theo chiều kim đồng hồ đã tạo ra một lợi thế riêng biệt cho lực lượng phòng thủ. Khi những kẻ tấn công vừa chiến đấu vừa bước lên cầu thang, sẽ phải đi vào cạnh hẹp của cầu thang để vung kiếm, sẽ rất khó khăn để duy trì sự cân bằng trên bức tường uốn cong.
Quân phòng thủ có lợi thế hơn nhiều để có thể gây những vết thương chí mạng vào đầu và cơ thể những kẻ tấn công, đồng thời họ cũng biết lợi dụng các bước chân khập khiễng của kẻ địch.
Các hành lang bí mật thuận tiện để đào thoát.
Những hành lang mật: Lối đào thoát êm thắm
Trong trường hợp tình thế đã chuyển biến xấu đi và vô kế khả thi, quân phòng thủ luôn luôn có những hành lang bí mật để nhanh chóng rời khỏi chiến trường. Các hành lang khác dẫn đến những địa lao giấu kín ở phía bên dưới pháo đài. Những nhà tù này đôi khi cũng dự trữ nước sạch để uống và các vật dụng cần thiết khác.
Trên thực tế, lâu đài không chỉ là một cấu trúc tráng lệ khiến người nhìn thán phục. Lâu đài cũng là một kiệt tác xây dựng hoàn chỉnh với những chi tiết đồ sộ nhất và độ chính xác tỉ mỉ nhất, sao cho mỗi đặc điểm của công trình này đều bảo đảm hoàn thành một chức năng riêng biệt nhất định.
Trịnh Hoàng Sơn
Đàn ông đừng ngại đến với đàn bà một đời chồng, bởi vì ở họ có những điều này Đàn bà từng thất bại trong hôn nhân dĩ nhiên sẽ có kinh nghiệm trong chuyện gia đình. Từ chuyện quá khứ, đàn bà một đời chồng sẽ biết cách trân trọng hiện tại và giữ gìn hạnh phúc quý giá mà mình có được. Đàn ông nhiều khi yêu thương một người thật lòng nhưng lại ngại tiến đến hôn nhân bởi...