Vì sao lãnh đạo “ngại” đối thoại với người dân khiếu kiện?
Rất nhiều địa phương, nhiều Chủ tịch ở cơ sở cả nhiệm kỳ nhưng không bao giờ tiếp dân, trong khi chế tài xử lý việc này lại chưa có.
Từ năm 2015-2017, cả nước có hơn 11.000 quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND bị khiếu kiện đến tòa án, lĩnh vực đất đai, nhà ở chiếm 90% số vụ. Đáng lo ngại là lãnh đạo UBND nhiều nơi không tham gia đối thoại, xét xử trong các vụ án hành chính liên quan ngày càng tăng.
Cụ thể, năm 2015 là 10% số vụ, năm 2016 là 21%, năm 2017 là 31%. Đơn cử, trong 3 năm gần đây, TAND TP Hà Nội đã xét xử 189 vụ án hành chính nhưng chưa có vụ án nào Chủ tịch, Phó Chủ tịch tham gia tố tụng. Năm 2017, TPHCM có 260 vụ án hành chính không tổ chức đối thoại được do Chủ tịch, Phó Chủ tịch vắng mặt.
Đây là những thông tin do bà Nguyễn Thị Thủy – Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đưa ra tại phiên họp mới đây của Ủy ban này. Thực tế tại các địa phương, hầu hết các vụ án hành chính, người khởi kiện đều mong muốn trực tiếp đối thoại với Chủ tịch UBND hoặc người đại diện, nhưng lãnh đạo nhiều địa phương đã né tránh, không tham gia đối thoại khiến dư luận bức xúc.
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Hồng Điệp – Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương về vấn đề này.
Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương. (Ảnh: Thu Hằng)
PV: Trong các hoạt động mang tính phong trào, khởi công, động thổ thì lãnh đạo tỉnh có thời gian nhưng lại không có thời gian tham dự các cuộc đối thoại với người dân hoặc tham gia các phiên tòa hành chính. Đó là một thực tế được chỉ ra trong một báo cáo của đoàn giám sát Ủy ban Tư pháp. Ông có chia sẻ gì về nhận định này?
Ông Nguyễn Hồng Điệp: Các thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước có rất nhiều việc phải làm, nhưng phải ưu tiên giải quyết vấn đề bức xúc của người dân. Nếu những vụ việc khiếu nại, tố cáo, những bức xúc của người dân không được giải quyết kịp thời mà đến các hội nghị khai trương thì người dân không hài lòng.
Luật quy định trong việc tiếp công dân là thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước, không có ủy quyền.
Video đang HOT
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế là nhiều địa phương, nhiều công việc không phải lúc nào thủ trưởng cũng tham gia đối thoại, tham gia các phiên tòa hay những vụ việc khác được. Nhưng cũng có nhiều địa phương như Quảng Ninh, Tiền Giang, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp dân định kỳ tất cả các tháng thì tại sao các tỉnh khác lại không làm được. Đây cũng là lý do khiến người dân bức xúc.
Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp nói lên như vậy để thấy trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính – người được dân bỏ phiếu, được Đảng giao trách nhiệm giải quyết công việc hàng ngày của dân mà chỉ tham gia vào những sự kiện mang tính hình thức như vậy, trong khi những bức xúc thực tế của người dân thì không được giải quyết kịp thời.
PV: Theo ông, nguyên nhân do đâu?
Ông Nguyễn Hồng Điệp: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc không có kết quả đối thoại tốt với người dân, trong đó có nguyên nhân đầu tiên là thủ trưởng không trực tiếp đối thoại. Né tránh lòng vòng, đối thoại mang tính hình thức, không thực chất.
Có những ông lãnh đạo đến đối thoại với dân nhưng không nói câu nào. Rất nhiều địa phương, nhiều Chủ tịch ở cơ sở cả nhiệm kỳ nhưng không bao giờ tiếp dân, trong khi chế tài xử lý việc này lại chưa có.
Thiết nghĩ, các cơ quan hành chính Nhà nước cần tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng và có xử lý. Chưa xử lý được thì bêu tên những người đó lên để người dân giám sát” – ông Nguyễn Hồng Điệp
PV: Theo ông, đối thoại đối với mỗi cấp khác nhau thì yêu cầu và cách thức thực hiện đặt ra những yêu cầu khác nhau như thế nào?
Ông Nguyễn Hồng Điệp: Có nhiều cấp độ đối thoại. Đối thoại để tiếp dân, giải quyết những vấn đề bức xúc ngay tại cơ sở, ở cấp xã, phường, thị trấn là rất quan trọng. Bởi vì các đồng chí đó hiểu người dân nhất, hiểu những bức xúc của dân nhất thì đối thoại ngay ở cơ sở mới quan trọng.
Còn theo luật, khi tham gia giải quyết khiếu nại, giải quyết lần đầu có thể có đối thoại hoặc không đối thoại. Nhưng giải quyết lần 2 thì dứt khoát người ban hành quyết định giải quyết phải đối thoại. Tuy nhiên, rất nhiều vụ việc, nhiều địa phương né tránh, ủy quyền cho đoàn kiểm tra, xác minh đối thoại.
Chúng ta không máy móc và cũng có người dân không cần tới thủ trưởng nhưng những việc bức xúc, khiếu nại, tố cáo đông người thì dứt khoát phải là thủ trưởng.
PV: Thời gian tới, làm thế nào để nâng cao được chất lượng của những cuộc đối thoại cũng như trách nhiệm của những người đứng đầu chính quyền trong việc thực hiện đối thoại với dân?
Ông Nguyễn Hồng Điệp: Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị đã đi vào cuộc sống, Thanh tra Chính phủ cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm hay Ban tiếp dân Trung ương vừa qua thanh tra cho thấy không có ai hiểu hết bằng chính thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước cấp cơ sở, cấp trực tiếp với người dân.
Đối thoại ban đầu rất quan trọng, nếu như không đối thoại tốt, không cùng với người dân ngồi lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người dân thì không bao giờ giải quyết được triệt để. Nếu không giải quyết triệt để thì trong quá trình giải quyết khiếu nại của người dân sẽ dẫn tới sai sót, thậm chí có khả năng dẫn tới việc người dân tố chính quyền làm sai.
Không có gì bằng sự giám sát của người dân, nếu xét thấy thiếu trách nhiệm tới mức không thể làm được nữa thì chúng ta nên mạnh dạn thay thế, không nên để những người đó trực tiếp tham gia vào công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân mà để chậm trễ, thiếu trách nhiệm, hoặc né tránh, không đủ trình độ.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Theo Thanh Hương/VOV2
Án hành chính vắng Chủ tịch, Phó chủ tịch: Người dân tranh tụng chính mình
Con số 100% vụ án hành chính không có Chủ tịch hay Phó chủ tịch tham gia phiên tòa thật không có gì bất ngờ khi điều luật quy định 'mở'.
Tại phiên họp cho ý kiến về dự thảo Báo cáo giám sát việc giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ tịch UBND các cấp, do Ủy ban Tư pháp Quốc hội tổ chức đã chỉ ra con số: tỷ lệ chủ tịch UBND và người đại diện UBND các cấp không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa hành chính có xu hướng ngày càng tăng.
Năm 2017, tỷ lệ này tăng gấp 3 lần so với trước 2015 (năm 2015 là 10,71%; năm 2016 là 21,93% và năm 2017 là 31,69%). Như tại Hà Nội, trong 3 năm (2015 - 2017), TAND TP xét xử 189 vụ án hành chính nhưng chưa có vụ án nào Chủ tịch UBND, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội tham gia phiên tòa.
Tại TP.HCM, năm 2017 có 260/260 vụ (100%) không tổ chức đối thoại được do chủ tịch UBND và đại diện UBND vắng mặt tại TAND TP.HCM...
Tôi không bất ngờ với những con số này vì ai từng tham gia án hành chính đều phải trải qua câu chuyện này. Và chính điều luật quy định "mở", tạo điều kiện để người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước lách luật.
Khoản 3 Điều 60 luật Tố tụng hành chính 2015 quy định: "Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của luật này".
Điều luật nghe tưởng như rất ưu việt. Từ đây dân phấn khởi lắm, cho rằng Chủ tịch khi ban hành quyết định xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì khi dân kiện, nếu chủ tịch không tham gia phiên tòa được thì cấp phó phải tham gia. Khi ban hành điều luật, dân sướng, báo chí, luật sư cũng sướng vì từ nay người có thẩm quyền sẽ phải ra tòa điều trần về quyết định của mình ban hành. Nhưng khi thi hành, mọi thứ không những tốt hơn mà tệ hơn luật cũ.
Tệ hơn, bởi khoản 3 Điều 60 yêu cầu "người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án" nhưng khi dẫn chiếu đến điểm b khoản 2 Điều 157 luật Tố tụng hành chính 2015 lại quy định rằng, "tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai đối với người bị kiện... mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ.
Vậy khi người bị kiện là ủy ban, nếu vắng lần thứ nhất thì tòa phải hoãn, vắng lần thứ 2 mà không có lý do thì xử vắng mặt, không có chế tài gì cả. Xử vắng mặt xong, ủy ban không đồng ý với bản án sơ thẩm thì lại tiếp tục kháng cáo. Xử phúc thẩm, tòa án cấp trên lại nhận định tòa án cấp dưới chưa thu thập đầy đủ chứng cứ, vụ án chưa rõ ràng nên hủy án sơ thẩm. Vụ án lại xoay vòng lại từ đầu, dân biết trần ai.
Chủ tịch vắng mặt đã đành, luật "mở" cho phép luôn cấp phó vắng mặt thì chắc chắn gần 100% phiên tòa hành chính chỉ có người dân tranh tụng chính mình.
*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, nguyên thẩm phán TAND tối cao.
Theo TNO
Đối thoại để hiểu dân hơn Lãnh đạo UBND nhiều địa phương "ngại" đối thoại, "lười" đến tòa khi bị công dân kiện về quyết định hành chính và hành vi hành chính, có địa phương Chủ tịch và cấp phó được ủy quyền vắng mặt 100%. Đó là một trong những nhận định rất được chú ý khi Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đưa ra những...