Vì sao không thể lấy tạng của tử tù hiến, ghép cho người sống?
Phó chủ tịch Hội ghép tạng cho biết để lấy tạng tử tù ghép được cho người sống thì phải làm sai quy trình thi hành án, tức là lấy trước khi tiêm thuốc. Điều này có thể phạm tội.
Ngày 9.7, TAND TP.HCM tuyên bản án tử hình đối với Nguyễn Hữu Tình (18 tuổi, quê An Giang) về tội Giết người, 8 năm tù về tội Cướp tài sản, tổng hợp hình phạt là tử hình.
Trước đó, khi được nói lời sau cùng, tử tù này đã xin được hiến tạng cho y học. “Bị cáo xin pháp luật cho bị cáo hiến tạng cho y học để được cảm thấy thanh thản”, Tình nói.
Đây không phải lần đầu có tử tù xin hiến tạng. Trước đó, Nguyễn Hải Dương (25 tuổi, kẻ chủ mưu vụ thảm sát 6 người trong một gia đình Bình Phước) và Nguyễn Văn Kỳ (46 tuổi, thủ phạm sát hại 2 người trong một vụ cướp tại Hà Nội) cũng có mong muốn tương tự.
Vậy nguyện vọng của Tình cũng như những tử tù khác có được chấp nhận?
Bất khả thi
Trao đổi với PV xoay quanh việc tử tù xin hiến tạng, GS. TS. Trần Ngọc Sinh, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội ghép tạng Việt Nam, cho rằng tử tù hay người phạm trọng tội mong muốn hiến tạng để làm việc thiện thì điều đó rất đáng trân trọng và luật pháp cũng không ngăn cấm điều đó.
Khoản 3 Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật”.Điều 5 luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2016 cũng quy định: “Người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác”.
Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác cũng quy định người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác.
Tuy nhiên, giáo sư cho rằng điều này khó thực hiện, nếu không nói là bất khả thi.
“Về nguyên tắc, muốn lấy tạng một người ghép cho người còn sống thì cơ quan đó phải còn nguyên vẹn và đảm bảo các yếu tố như tim ngừng đập hoàn toàn và phải thực hiện lấy tạng gấp rút trong vòng 45 phút. Tuy nhiên, với quy định thi hành án tử bằng hình thức tiêm thuốc độc thì các cơ quan cơ thể (tạng phủ) sẽ bị hủy hoại, không phục hồi được. Như vậy, khi thi hành án xong thì không lấy được bộ phận nào của cơ thể có thể tái sinh để ghép cho người được”, giáo sư Sinh nói.
Video đang HOT
Phó chủ tịch thường trực Hội ghép tạng cho biết giới y học không ủng hộ việc cho phép tử tù hiến tạng. Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam và tất cả các nước trên thế giới đều không dùng tạng, tức các bộ phận cơ thể người của tử tù để ghép cho người sống.
Nguyễn Hữu Tình có nguyện vọng được hiến tạng sau khi chết. Ảnh: Lê Quân.
“Khoảng 10 năm trước, khi bức xúc về nguồn tạng hiến, tôi trò chuyện với chuyên gia người Bỉ có tay nghề hơn tôi rất nhiều, ông nói mình đừng nghĩ đến chuyện lấy bộ phận cơ thể của tử tù vì gặp rắc rối nhiều vấn đề: Sinh học, pháp lý, đạo đức”, giáo sư kể.
Lấy tạng để ghép sẽ phạm tội?
Giáo sư Trần Ngọc Sinh cho hay để lấy được bộ phận cơ thể của tử tù ghép cho người sống thì phải làm sai quy trình thi hành án, tức là phải lấy trước khi tiêm thuốc. Như vậy thì người thực hiện việc lấy tạng, ghép tạng có thể phạm tội.
“Từng có nhiều vụ bị lên án, khó để vượt qua nguyên tắc pháp lý là lấy mô tạng còn tươi, có thể tái sinh; trong khi thi hành án tử thì người đó phải thật sự chết”, ông Sinh nói.
Giáo sư cũng nêu vấn đề là sẽ có ý kiến cho rằng tại sao lại bỏ sót nguồn tạng từ tử tù, nhưng ông cho rằng không thể vì sự khan hiếm nguồn tạng mà làm điều không thể. Vì thật sự nguồn tạng từ tử tù không nhiều, trong khi hệ lụy lại quá nhiều.
Ngoài ra, ông cũng cho biết mặc dù bộ phận cơ thể người không ảnh hưởng gì đến gen ác hay thiện khi cho – nhận, nhưng ở một số nước, người nhận tạng bày tỏ quan điểm từ chối tạng của tử tù.
Mong muốn hiến tạng của tử tù pháp luật không cấm nhưng bất khả thi. Ảnh: Lê Quân.
Do đó, ông cho rằng thay vì ngồi băn khoăn việc xin hiến tạng của tử tù thì chúng ta nên vận động người dân có ý nguyện thực hiện việc này sớm. Với con số khoảng 10.000 người chết vì tai nạn giao thông mỗi năm, Phó chủ tịch Hội ghép tạng hy vọng 1/10 trong số đó tự nguyện hiến tạng thì sẽ có 2.000 quả thận để ghép. Trong khi đó, ông cho biết hơn 10 năm từ khi có luật Hiến tạng chết não nhưng số người hiến chưa tới 200.
“Đây là nguồn rất lớn đang bỏ phí. Chỉ mong các tổ chức xã hội tập trung vào chuyện đó vì hiến tạng là điều tốt. Mình chết đi rồi nhưng những bộ phận cơ thể của mình sẽ tái sinh trong cơ thể người khác. Điều đó thật ý nghĩa”, Tổng thư ký Hội ghép tạng bày tỏ.
Theo Hoài Thanh (Zing)
Kẻ sát hại 5 người ở Bình Tân: Cha mẹ cũng chối bỏ
Được dẫn giải tới tòa, dù giữ khuôn mặt lạnh lùng nhưng Tình vẫn hướng mắt tìm người thân. Từ khi bị bắt, chỉ có người chị gái quan tâm, còn cha mẹ dường như cũng chối bỏ hắn.
Sau gần 5 tháng gây lên vụ thảm sát đẫm máu, giết hại cả gia đình 5 người trong gia đình anh Mai Xuân Chinh, ngày 9/7, Nguyễn Hữu Tình đã phải ra tòa để trả giá cho tội ác của mình.
Bước khỏi xe thùng, dù giữ vẻ mặt lạnh lùng có phần tàn nhẫn nhưng trong ánh mắt Tình vẫn khắc khoải tìm kiếm người thân. Thế nhưng, trước mặt hắn chỉ là những ánh mắt giận dữ, căm hận của gia đình bị hại, người thân hắn không một ai tới tham dự phiên tòa.
Theo luật sư bào chữa cho Tình, từ ngày bị bắt, cha mẹ Tình không một lần hỏi han hay thăm nuôi, chỉ có duy nhất người chị gái 2 lần gửi đồ vào trại cho hắn. "Tôi không có số điện thoại của cha mẹ Tình, muốn liên lạc để hỏi xem gia đình có giấy tờ, bằng khen gì để làm cơ sở xin giảm án cho bị cáo mà không có", vị luật sư cho hay.
Dù con trai đã tước đoạt mạng sống của 5 người nhưng cha mẹ Tình cũng không hề có một lời xin lỗi, thăm hỏi gia đình bị hại. Ngày ra tòa, cả cha mẹ và người chị gái cũng không hề xuất hiện.
Trong suốt phiên xét xử, Tình luôn giữ khuôn mặt lạnh lùng. Ảnh: Văn Châu
Sinh ra trong gia đình nghèo ở ấp Cây Me, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang nên học xong lớp 9 Tình bỏ học để vào đời bươn chải. Dáng người nhỏ thó hơn rất nhiều so với bạn cũng trang lứa, nhưng khi mới 14-15 tuổi hắn đã bỏ quê lên TP.HCM làm phụ hồ. Công việc nặng nhọc, chưa ráo mồ hôi đã hết tiền nên Tình chán nản, đúng lúc đó thì hắn được anh Mai Văn Căn (họ hàng với anh Chinh) giới thiệu vào làm tại xưởng của anh Chinh.
Đáng lẽ ra, với công việc nhàn nhã, ổn định hơn nghề phụ hồ thì Tình phải tu chí làm ăn nhưng không, dù mới qua tuổi 18 vài ngày, hắn đã tối ngày nhậu nhẹt khiến công việc bị ngưng trệ, không hiệu quả nên thường xuyên bị chị Mai Thị Hồng mắng chửi. Theo lời khai của Tình tại tòa, gã ghét nhất là bị chửi bậy "Bị cáo nhắc rất nhiều lần nhưng bà ấy vẫn không thay đổi. Bị cáo rất tức giận, mới ra tay. Nếu bà Hồng không chửi bậy đối với bị cáo, chắc chắn sự việc này đã không xảy ra", Tình trần tình.
Người thân của các nạn nhân khóc ngất suốt phiên xử. Ảnh: Văn Châu
Ác cảm sẵn ở trong lòng, nên chiều 27 Tết (ngày 12/2), trong lúc ngồi ăn cơm tất niên với gia đình ông Chinh, Tình nói chuyện với bà Hồng rằng muốn ứng 5 triệu đồng nhưng bà Hồng không đồng ý. Tàn tiệc, Tình xin ngủ lại và lên lầu nằm ngủ.
Khuya cùng ngày, Tình thức giấc và nghe vợ chồng ông Chinh nói về việc mình làm việc lười, ngủ nhiều thì rất tức giận. Lúc này Tình nảy sinh ý định sát hại gia đình ông Chinh.
Rạng sáng ngày 13/2, Tình cầm con dao xếp tấn công và sát hại cả gia đình ông Chinh gồm 2 vợ chồng ông và 3 con nhỏ.
Đặc biệt, khi đi băng bó vết thương, thấy bà Hồng vẫn còn ú ớ chửi mình, hắn điên tiết bồi thêm mấy nhát dao cho tới khi bà chủ chết hẳn mới dừng tay. "Lúc đó bị cáo nghĩ bà ấy bị đâm rồi mà vẫn còn chửi được nữa nên bị cáo quay ra đâm tiếp", Tình lạnh lùng nói.
Cùng gây ra tội ác như Tình, nhưng sau khi gây án, Lê Văn Luyện, Nguyễn Đại Dương đều vội vã rời khỏi hiện trường còn Tình vẫn bình thản mở tủ lạnh lấy nước uống và mang trái cây ra gọt ăn như không hề có chuyện gì.
Trong suốt phiên xét xử, thái độ, giọng nói của Tình không hề có chút hối lỗi, đôi khi còn tỏ thái độ bất cần. Có lẽ hiểu được tội ác của mình không bao giờ được tha thứ nên Tình bình thản đối diện.
Được nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án, lúc này Tình mới nhẹ giọng: "Tôi xin lỗi gia đình bị hại vì hành động thiếu suy nghĩ của tôi đã gây ra hậu quả lớn. Con xin lỗi ba mẹ, con chưa trả hiếu được cho cha mẹ. Vì hành động thiếu suy nghĩ, con phải trả giá bằng mạng sống của mình. Em xin lỗi anh Khởi vì em mà anh phải dính vô việc rắc rối này, em xin lỗi chị Tiên đã giúp đỡ em lúc khó khăn nhất. Cuối cùng, bị cáo xin HĐXX cho bị cáo hiến tạng để bị cáo cảm thấy thanh thản hơn".
Khi chủ tọa tuyên án tử, trên khuôn mặt bất biến của Tình không một chút lay động, hắn lạnh lùng lên xe trở về trại giam.
Đoàn Nga
Theo VNN
Tử tù rất khó để được hiến xác cho y học Các chuyên gia pháp lý cho rằng việc tử hình bằng phương pháp tiêm thuốc độc sẽ khiến cho ước nguyện hiến xác, hiến tạng cho y học của các tử tù khó lòng thực hiện được. Ngày 9/7, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hữu Tình (sinh ngày 29/1/2000, quê huyện Tri Tôn, tỉnh An...