Vì sao khó tìm ra thủ phạm đánh bom đoàn xe Liên Hợp Quốc ở Syria
Hệ thống giám sát của Mỹ có thể đã không phát hiện ra máy bay ném bom, hoặc phát hiện được nhưng không muốn công bố bằng chứng để giữ bí mật công nghệ.
Một xe cứu trợ của Liên Hợp Quốc bị hỏng sau vụ tấn công ở Syria hôm 19/9. Ảnh:AP
31 xe tải chở hàng cứu trợ nhân đạo của Liên Hợp Quốc đang trên đường đến thành phố bị bao vây Aleppo thì bị tấn công hôm 19/9, làm 12 nhân viên thiệt mạng và 18 xe bị phá hủy, khiến lệnh ngừng bắn mong manh mới đạt được ở Syria gần như bị đổ vỡ, theo PopularMerchanics.
Cả NATO và chính phủ Mỹ cũng như Nga và Syria đều nhanh chóng lên tiếng phủ nhận máy bay của mình tiến hành không kích. Lầu Năm Góc cáo buộc chiến đấu cơ của Nga hoặc Syria đã ném bom vào đoàn xe, nhưng không đưa ra bất cứ bằng chứng nào.
Theo chuyên gia phân tích quân sự Roe Papalardo, lời cáo buộc không kèm theo chứng cứ này của Mỹ là hành động khó hiểu, bởi với hệ thống radar giám sát tình hình hiện đại ở Syria, liên quân do Mỹ đứng đầu hoàn toàn có thể phát hiện những máy bay tấn công đoàn xe. Điều đó khiến Papalardo tin rằng hoặc là Mỹ đã có những “lỗ hổng” trong hệ thống giám sát, hoặc họ không muốn chia sẻ thông tin để giữ bí mật công nghệ quân sự hoặc phục vụ mục đích ngoại giao.
Bầu trời Syria là không phận kỳ lạ nhất thế giới, nơi máy bay của Nga, quân đội chính phủ Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, liên quân do Mỹ dẫn đầu liên tục quần lượn, tấn công các mục tiêu khác nhau.
Video đang HOT
Để giám sát không phận này, Mỹ đã triển khai các máy bay Kiểm soát và Cảnh báo Đường không (AWACS), trong đó uy lực nhất là máy bay E-3A trang bị radar cực mạnh. Ngoài nhiệm vụ giám sát và quản lý không phận Syria, chúng còn thu thập thông tin tình báo về tình hình chiến trường.
Radar trên máy bay E-3A có thể phát hiện máy bay tầm thấp ở khoảng cách 346 km và tầm cao ở khoảng cách 692 km. Tuy nhiên, Mỹ từ chối tiết lộ vị trí hoạt động của các máy bay E-3A trong ngày 19/9 vì “lý do an ninh”.
Các quan chức ở Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) không trả lời câu hỏi về máy bay cảnh báo sớm nào đang hoạt động gần nơi xảy ra vụ tấn công đoàn xe, nên không thể khẳng định được E-3A có quan sát được tình huống đoàn xe bị đánh bom hay không.
Ngoài máy bay E-3A, Mỹ cũng có thể giám sát không phận Syria bằng radar có tầm theo dõi 402 km trên tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhover đang hoạt động ở Địa Trung Hải. Tuy nhiên, đài kiểm soát không lưu trên tàu chỉ giám sát trong phạm vi 160 km, khó có thể nắm bắt tình hình diễn ra sâu bên trong không phận Syria.
Bởi vậy, các tàu sân bay Mỹ đều được trang bị máy bay cảnh báo sớm E-2C Hawkeye. Khi cất cánh từ tàu sân bay, các máy bay này có thể quản lý không phận từ xa nhờ radar AN/APS-145 có thể theo dõi hơn 2.000 mục tiêu ở khoảng cách 547 km. Tuy nhiên, đây không phải là công cụ hiệu quả nhất để theo dõi tình hình Syria bởi thời gian hoạt động của chúng kém xa máy bay E-3A.
Máy bay Kiểm soát và Cảnh báo Đường không E-2C Mỹ. Ảnh: US Navy.
Máy bay không người lái MQ-9 Reaper cũng có thể được triển khai để theo dõi đoàn xe cứu trợ. Tuy nhiên, theo CENTCOM, MQ-9 Reaper chủ yếu xuất kích để tấn công các mục tiêu Nhà nước Hồi giáo (IS) chứ không phải giám sát không phận.
Bởi vậy, Papalardo tin rằng việc Mỹ không công bố các dữ liệu radar về những máy bay đã ném bom đoàn xe thể hiện hai khả năng. Khả năng đầu tiên là các phương tiện giám sát hiện đại của Mỹ đã không thể bao phủ hết toàn bộ không phận Syria suốt 24/7, khiến họ không nắm bắt được một số tình huống quan trọng, chẳng hạn như vụ tấn công đoàn xe cứu trợ.
Khả năng thứ hai là Mỹ và đồng minh biết chính xác lực lượng nào đã tấn công đoàn xe cứu trợ nhờ mạng lưới giám sát dày đặc của mình, nhưng quyết định không công bố thông tin. Rất có thể CENTCOM đang muốn giữ bí mật các phương thức giám sát điện tử của mình trên lãnh thổ Syria, hoặc không muốn làm mất lòng Nga để cố gắng duy trì nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt đổ máu trên chiến trường.
Dù là khả năng nào thì thường dân Syria vẫn là những người chịu hậu quả nặng nề nhất. Hoạt động cứu trợ của Liên Hợp Quốc đã bị đình chỉ vì lý do an toàn, và tiếng súng lại tiếp tục rộ lên trên mảnh đất đắm chìm trong chiến sự này, Papalardo nhận định.
Duy Sơn
Theo VNE
Tướng Mỹ nói chia sẻ tin tình báo với Nga là không khôn ngoan
Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ cho rằng chia sẻ tin tình báo về Syria với Nga là "không khôn ngoan".
Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford. Ảnh: Reuters.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 22/9 công bố một số tài liệu, trong đó có thông báo Washington và Moscow "sẽ chia sẻ tin tình báo và các mục tiêu cần có hành động quân sự" để đối phó Mặt trận Nusra, nhóm phiến quân có liên hệ với al-Qaeda. Tài liệu còn kêu gọi hai bên "nỗ lực độc lập nhưng đồng thời" nhằm tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo (IS).
"Tôi không cho rằng chia sẻ tin tình báo với Nga là ý hay", Reuters dẫn lời Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện ngày 22/9. Theo Dunford, mọi hợp tác giữa Mỹ và Nga trong cuộc chiến chống IS sẽ cực kỳ hạn chế.
Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, chỉ trích mạnh mẽ khả năng Mỹ - Nga hợp tác trong tương lai. Ông nói Ngoại trưởng Mỹ John Kerry "ảo tưởng" khi muốn điều này.
Bình luận trên được đưa ra vào thời điểm căng thẳng giữa Mỹ và Nga tăng cao liên quan đến vụ đoàn xe cứu trợ Liên Hợp Quốc bị tấn công gần thành phố Aleppo, Syria, làm 20 người chết hôm 19/9. Washington và Moscow cáo buộc lẫn nhau là thủ phạm. Moscow còn bác bỏ lời kêu gọi từ Washington rằng phi cơ Nga và Syria ngừng hoạt động trên những vùng chiến sự.
Như Tâm
Theo VNE
Nga, Mỹ đấu khẩu tại Liên Hợp Quốc về Syria Nga và Mỹ tố nhau là bên tấn công vào đoàn xe cứu trợ Liên Hợp Quốc ở Syria sau khi lệnh ngừng bắn kết thúc. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov. Ảnh:Reuters. Ít nhất 18 xe tải trong đoàn 31 chiếc bị phá hủy vào cuối ngày 19/9 khi chuyển hàng cứu trợ nhân đạo...