Vì sao khách du lịch không ở lại Mỹ Sơn vào ban đêm?
Nhiều du khách đến với resort khen rất nhiều nhưng yếu tố cơ bản nhất là ban đêm buồn quá, không có gì để người ta trải nghiệm…
Khu Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam trung bình mỗi ngày đón khoảng 1.200 du khách đến tham quan. Năm nay, doanh thu ước đạt 62 tỷ đồng nhưng chủ yếu từ tiền bán vé. Làm thế nào để “giữ chân” du khách lưu trú lại Mỹ Sơn đang là bài toán nan giải.
Biểu diễn văn hóa Chăm phục vụ du khách.
Cách khu Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam chừng 1 cây số là làng homestay. Khu làng này được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) hỗ trợ 3.000 USD để 5 hộ gia đình xây dựng 5 phòng homestay và gần 10 phòng ở khác của người dân trong thôn, với tham vọng tạo ra một Làng du lịch cộng đồng tại Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, làm nơi lưu trú dài ngày cho du khách. Thế nhưng, sau thời gian dài mở cửa đón khách, số lượng khách lưu trú tại đây chỉ đếm trên đầu ngón tay. Làng du lịch đìu hiu, những phòng homestay bây giờ thành phòng ngủ của dân.
Khu khách sạn cao cấp tiêu chuẩn 4 sao tại Mỹ Sơn vắng khách.
Cũng tại khu vực cửa ngõ của Khu đền tháp Mỹ Sơn, tháng 5 vừa qua, Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Minh Phan đưa vào khai thác khu Resort và Spa. Đây là khu khách sạn cao cấp đạt tiêu chuẩn 4 sao đầu tiên được xây dựng tại khu vực gần Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn.
Ông Phan Ngọc Minh, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Minh Phan cho biết, sau hơn nửa năm đi vào hoạt động, doanh nghiệp phải bù lỗ do vắng khách. Thực tế nhiều du khách đến với resort khen rất nhiều nhưng yếu tố cơ bản nhất là ban đêm buồn quá, không có một cái gì để người ta trải nghiệm, để họ cảm giác rằng mình đang được đi vui chơi giải trí. Đặc biệt là khách nội địa phải có khu vui chơi, phải có điểm để người ta vui chơi về đêm thì họ mới thích thú, dành thời gian ở lại lâu dài hơn.
Làng du lịch cộng đồng tại Mỹ Sơn đìu hiu.
Nguyên nhân khiến du khách không muốn lưu trú qua đêm tại Mỹ Sơn một phần do điểm du lịch này nằm gần thành phố Đà Nẵng và phố cổ Hội An. Khách có thể đến tham quan rồi về trong ngày. Hơn nữa, đây là khu đền tháp Chăm mang giá trị nhiều mặt về kiến trúc, nghệ thuật và lịch sử. Khách du lịch đến đây thiên về nghiên cứu giá trị di tích mà ít quan tâm đến các dịch vụ giải trí, nghỉ dưỡng. Khu du lịch này cũng nằm đơn lẻ, chưa có sự liên kết giữa các điểm du lịch trong vùng nên không thể “giữ chân” du khách lâu hơn.
Video đang HOT
Ông Lê Long Phi, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành thành phố Đà Nẵng cho rằng, các điểm lưu trú tại Mỹ Sơn hiện đang thiếu các dịch vụ bổ sung. Chẳng hạn như biểu diễn ca, múa, nhạc của người Chăm; cách làm gốm của người Chăm.
“Để giữ chân du khách ở lại đây thì phải làm đa dạng và đưa được nét Chăm thuần túy vào sản phẩm du lịch ở đây. Hiện tại tham quan Mỹ Sơn rất đơn thuần, tham quan 2, 3 tiếng, cùng lắm 4 tiếng đã xong rồi. Còn ăn uống ở đây cũng chưa phải là đặc sắc. Tương lai gần hy vọng ở đây hình thành được không gian chung về lưu trú để giữ chân du khách”, ông Phi kỳ vọng.
Ông Phan Hộ, Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, đã đề xuất các phương án xây dựng chương trình, kết nối điểm đến để thu hút du khách tham quan các thắng cảnh xung quanh khu đền tháp Mỹ Sơn cũng như trải nghiệm về đêm tại đây. Có thể tổ chức các hoạt động hô hát bài chòi, dân ca, các phiên chợ đêm, ẩm thực đặc trưng… hay hoạt động trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn thuần túy để du khách tìm hiểu kỹ hơn về văn hóa, đời sống của người Việt.
Ông Phan Hộ cho biết, địa phương đang hướng đến việc mở rộng diện tích quy hoạch Khu di tích Mỹ Sơn hướng về phía hồ Thạch Bàn. Trên cơ sở đó, trình Chính phủ ban hành Quy hoạch về bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Mỹ Sơn giai đoạn 2021 – 2030 để tạo nên sự đồng bộ về mặt quy hoạch.
Khi có quy hoạch được duyệt thì mới triển khai các dịch vụ chứ còn không thể thực hiện trong khi chưa được duyệt quy hoạch sẽ vướng tất cả các văn bản và các quy định về mặt pháp lý. Những khó khăn, vướng mắc, yếu kém đó khiến việc thu hút du khách đến với Mỹ Sơn, dừng chân lại Mỹ Sơn, ở lại Mỹ Sơn hiện nay còn rất hạn chế.
Doanh thu ở Khu Di sản văn hóa Mỹ Sơn chủ yếu từ tiền bán vé.
Chính quyền huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cũng đang phối hợp với Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn nâng cấp các sản phẩm du lịch tại khu di sản. Trong đó chú trọng các sản phẩm có tính hỗ trợ, liên kết với địa phương có thế mạnh như du lịch sinh thái, làng quê, làng nghề, di tích lịch sử. Cùng với đó là việc đầu tư nâng cấp hạ tầng, cải tạo bến du thuyền, đường đi, bến bãi nhằm phát triển tiềm năng đập Thạch Bàn; Xúc tiến đẩy mạnh liên kết với các hãng lữ hành nhằm chia sẻ nguồn khách; Xây dựng các sản phẩm chung, mang tính liên hoàn; Hỗ trợ thiết lập các tour tuyến mới.
Ông Lê Trung Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, từ nguồn thu du lịch Mỹ Sơn kết hợp với sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước, tổ chức quốc tế cũng đã nâng cập hạ tầng để đảm bảo các nhu cầu của khách du lịch. Sắp đến sẽ tăng cường điểm du lịch cộng đồng để cộng đồng và người dân cùng tham gia vào du lịch Mỹ Sơn, tiếp tục thu hút và giữ chân du khách./.
Hoài Nam – Tuyết Lê/VOV-Miền Trung
Theo vov.vn
'Điểm danh' bộ sưu tập giải thưởng khủng của khu nghỉ dưỡng tại bán đảo Sơn Trà
Hàng trăm giải thưởng quốc tế vinh danh, liên tục lọt top những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp nhất của những tạp chí du lịch hàng đầu thế giới, InterContinental Danang Sun Peninsula Resort thực sự đang trở thành biểu tượng của du lịch nghỉ dưỡng xa xỉ tại Việt Nam.
Bộ sưu tập khủng các giải thưởng quốc tế danh giá
5 năm trước, khi World Travel Awards (WTA) xướng tên InterContinental Danang Sun Peninsula Resort ở hạng mục danh giá nhất: "Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới", giới thượng lưu quốc tế đã phải thay đổi cách nhìn về du lịch Việt Nam.
InterContinental Danang Sun Peninsula Resort còn làm được một điều ly kỳ hơn nữa khi trong ba năm tiếp theo vẫn không có một khu nghỉ dưỡng nào trên toàn thế giới có thể soán ngôi vương trong bảng xếp hạng của WTA. Bốn năm liên tiếp đoạt "Oscar ngành du lịch", với thế giới mà nói, đó là một kỳ tích vô tiền khoáng hậu, và với Việt Nam, đó là một niềm tự hào.
Cho nên, không khó hiểu vì sao World Travel Awards khu vực châu Á - châu Đại Dương lại tiếp tục vinh danh InterContinental Danang Sun Peninsula Resort ở năm hạng mục danh giá nhất vào tháng 10 vừa qua: Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất châu Á; Khu nghỉ dưỡng thân thiện với thiên nhiên nhất châu Á; Khu nghỉ dưỡng dành cho lễ cưới đẳng cấp nhất châu Á; Căn biệt thự trong khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất châu Á; và Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất Việt Nam.
Sở hữu trong tay một bộ sưu tập các giải thưởng quốc tế thuộc hàng "khủng", InterContinental Danang Sun Peninsula Resort đánh bại tất cả các đối thủ tại Việt Nam nói riêng và Châu Á nói chung để trở thành điểm đến "must-go" của dân siêu giàu, giới tài phiệt và cả các chính trị gia quốc tế.
Dạo chơi chốn thiên đường
Bao bọc khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort là bán đảo Sơn Trà, còn được gọi là núi Tiên Sa, với vẻ hoang sơ thơ mộng đến độ dường như không có thật. Bãi biển với làn nước xanh trong vắt như pha lê, những ngọn đồi xanh hùng vĩ uốn cong trải dài đến mép biển, thảm thực vật vô cùng phong phú giữa cánh rừng nguyên sinh xanh mướt...
Kiến trúc của InterContinental Danang Sun Peninsula Resort thực sự là cú "phóng bút" cực kỳ ngoạn mục của "phù thuỷ resort" Bill Bensley, một kiệt tác nghệ thuật hội tụ toàn bộ tinh hoa văn hoá Việt với vẻ cổ kính của cung đình Huế, nét thanh bình của phố cổ Hội An, lại thêm vẻ mộc mạc đằm thắm của làng quê Bắc Bộ... Điều thú vị là sử dụng ngôn ngữ dân gian mộc mạc trong thiết kế, nhưng khu nghỉ dưỡng lại sang trọng đến mức thượng thừa trong từng chi tiết.
Điểm mấu chốt cuối cùng khiến InterContinental Danang có thể đánh gục bất cứ vị khách thượng lưu khó tính nào, đó là dịch vụ cực kỳ đẳng cấp được nâng lên tầm nghệ thuật.
Ẩm thực ư? Nhà hàng La Maison 1888 - "Nhà hàng Fine Dining sang trọng nhất thế giới" sẽ mang tới nghệ thuật ẩm thực đỉnh cao từ đầu bếp ba sao Michelin - Pierre Gagnaire - người vừa được vinh danh với giải thưởng Best of Award of Excellence 2019 từ Wine Spectator.
Spa ư? HARNN Heritage Spa được World Luxury Spa Awards 2019 trao danh hiệu "Spa trong khu nghỉ dưỡng cao cấp tốt nhất tại Việt Nam" sẽ mang lại những trải nghiệm có một không hai với các gói chăm sóc được thiết kế đầy tinh tế. Ngay từ những trải nghiệm nhỏ nhất như chăm sóc móng cũng được đưa lên hàng xa xỉ với thương hiệu PEDI: MANI: CURE Studio nổi tiếng của Bastien Gonzalez.
Giải trí ư? InterContinental Danang Sun Peninsula Resort không phải là nơi ồn ào, mà sẽ mang tới những hoạt động giải trí vô cùng tinh tế và thanh lịch: những lớp học nấu món ăn Việt, lớp học nghề thủ công truyền thống, và thậm chí là hội thảo về sinh giới hoang dã do các nhà động vật học của khu nghỉ dưỡng hướng dẫn...
"Những du khách có tâm nhất tại bán đảo Sơn Trà"
"Chúng tôi hiểu rằng chính mình phải là những du khách có tâm nhất đối với bán đảo Sơn Trà" - Ngài Juan Losada, nguyên Tổng Giám đốc Điều hành InterContinental Danang Sun Peninsula Resort từng chia sẻ năm ngoái, sau khi resort này đạt danh hiệu "Khu nghỉ dưỡng thân thiện với thiên nhiên nhất châu Á".
Đi dạo trong khu nghỉ dưỡng, du khách sẽ được tận hưởng trọn vẹn khung cảnh thiên nhiên và chiêm ngưỡng cuộc sống yên bình của những sinh vật tự nhiên thuộc hàng quý hiếm như voọc chà vá chân nâu, khỉ đuôi dài, khỉ vàng, gà mặt đỏ. Ở đây, một chuyên gia về động vật học sẽ đưa du khách đến với những tour tham quan tăng cường sự hiểu biết về bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam.
Nhân viên khu nghỉ dưỡng cũng thường xuyên được huấn luyện để biết cách làm giảm các mối đe dọa đến đời sống quần thể động vật trên bán đảo. Nhiều chương trình tái chế trong khu resort được phát triển. Hệ thống đèn LED thông minh và hệ thống máy dò chuyển động khắp khu nghỉ dưỡng để giảm thiểu lượng khí thải cacbon. Toàn bộ lợi nhuận thu được từ việc bán các hình mẫu đồ chơi voọc chà vá chân nâu tại khu resort sẽ được tặng lại cho các tổ chức bảo vệ môi trường phi chính phủ. Thậm chí, cà phê chồn cũng đã ngừng sử dụng tại khu nghỉ dưỡng này như một động thái tích cực trong vấn đề bảo vệ động vật.
Hai năm liên tiếp nhận danh hiệu "Khu nghỉ dưỡng thân thiện với môi trường nhất châu Á" và năm 2018 là resort đầu tiên, duy nhất trên toàn cầu được vinh danh "Khu nghỉ dưỡng thân thiện với môi trường nhất thế giới", resort bên bán đảo Sơn Trà đã tiếp tục khẳng định vị thế của một khu nghỉ dưỡng sinh ra để giành giải thưởng.
Theo tienphong.vn
Thành phố Đà Nẵng hướng tới điểm đến du lịch mang tầm thế giới Dự báo, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng lượng khách tham quan du lịch Đà Nẵng giai đoạn 2010-2019 ước đạt 18,6%, trong đó khách quốc tế ước đạt 27%. Khách du lịch tham gia trò chơi canô kéo dù tại biển Phạm Văn Đồng (Đà Nẵng). (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN) Thành phố Đà Nẵng đang nỗ lực tập trung phát...