Vì sao IS tuyên bố bắn hạ máy bay Nga
Việc chi nhánh IS tại Ai Cập tuyên bố đã gây ra vụ rơi máy bay Nga đang khiến cả thế giới chú ý, dù nhiều khả năng đây chỉ là hành động phô trương thanh thế.
Lính Ai Cập thu dọn đồ đạc cá nhân của nạn nhân vụ máy bay Nga rơi ở Ai Cập. Ảnh: AP
Cho đến nay, có nhiều giả thuyết được đưa ra để lí giải nguyên nhân máy bay của hãng hàng không Nga Kogalymavia rơi hôm 31/10 tại Sinai, Ai Cập. Chi nhánh của Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Ai Cập là Tỉnh Sinai (Wilayat Sinai) đã tuyên bố nhóm đứng sau vụ việc.
Theo các chuyên gia, kể từ khi tuyên bố trung thành với IS tháng 11/2014, năng lực chiến đấu của phiến quân đã không ngừng mở rộng và nâng cao sức mạnh. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là khả năng của nhóm trong việc lên kế hoạch và thực hiện các vụ tấn công đã đạt đến tầm có thể bắn hạ máy bay, các chuyên gia nhận định.
“Tôi không mấy ngạc nhiên khi họ tuyên bố đã làm việc đó”, nhưng “với tôi thì tuyên bố đó khó có thể là thật”, Harleen Gambhir, nhà phân tích chống khủng bố tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh nhận định.
Đại diện của IS ở Sinai
Khi bắt đầu nổi lên năm 2011 và được biết đến với cái tên Ansar Beit al-Maqdis, hay Người ủng hộ Jerusalem, mục tiêu của nhóm này bao gồm hủy diệt Israel và tạo lập một nhà nước Hồi giáo tại bán đảo Sinai. Ansar Beit al-Maqdis thực hiện nhiều vụ tấn công qua biên giới vào Israel, và được tin là đã đánh bom đường ống vận chuyển khí đốt tới Israel và Jordan, theo Trung tâm chống khủng bố quốc gia Mỹ.
Ansar Beit al-Maqdis cũng tiến hành những vụ tấn công chết người nhằm vào các chốt quân sự của Ai Cập và tuyên bố nhận trách nhiệm vụ đánh bom một xe buýt chở du khách tháng 2/2014, khiến ít nhất 4 người thiệt mạng.
Sau đó, tháng 11/2014, Ansar Beit al-Maqdis tuyên bố trung thành với IS và trở thành chi nhánh của nhóm này ở Ai Cập, đổi tên thành Tỉnh Sinai.
Đầu tháng 7, Tỉnh Sinai tiến hành một loạt vụ tấn công đẫm máu nhằm vào các chốt kiểm soát của quân đội Ai Cập tại Sinai, khiến ít nhất 70 người thiệt mạng, và tìm cách kiểm soát vùng đất này. Do ở các cuộc tấn công trước, nhóm này thường rút lui sau khi tấn công, vụ việc hồi tháng 7 khiến nhiều nhà phân tích xem là một bước ngoặt quan trọng.
“Việc xâm chiếm một thành phố, kiểm soát các tòa nhà là một diễn biến mới, và nó tương tự như các vụ giành quyền kiểm soát các thành phố tại Iraq và Syria mà chúng ta đã thấy”, Zack Gold, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu An ninh quốc gia, tại Tel Aviv, Israel bình luận trên tờGuardian.
Ông nhận xét thêm rằng “sự kiện này khác với các cuộc tấn công hồi tháng một, khi một loạt các vụ tấn công đồng thời được thực hiện, nhưng sau đó các chiến binh lại biến mất”.
Một phân tích của Viện Nghiên cứu Chiến tranh chỉ ra rằng, vụ tấn công đó “báo hiệu sự chuyển biến rõ ràng về năng lực và mục tiêu của Tỉnh Sinai”. Nó cũng cho thấy IS đang “xuất khẩu chiến tranh trên bộ sang cho các chi nhánh”, báo cáo viết.
Nhưng liệu những diễn biến đó có đồng nghĩa với việc nhóm này thực sự đủ khả năng bắn hạ máy bay ở độ cao gần 10.000 m hay không vẫn còn là điều rất đáng ngờ. Tỉnh Sinai khẳng định thực hiện vụ tấn công để trả đủa các vụ không kích của Nga tại Syria, mà theo ước tính của một nhóm hoạt động, đã tiêu diệt 131 chiến binh IS.
Tỉnh Sinai từng công bố các đoạn video tuyên truyền, cho thấy nhóm này sở hữu các hệ thống tên lửa phòng không di động (MANPADS), theo một bài viết hồi tháng 7 của tạp chí IHS Jane’s. Tuy nhiên, những tên lửa vác vai này chỉ có thể vươn tới độ cao khoảng hơn 3.000 m, thấp hơn nhiều so với độ cao gần 10.000 mà chiếc máy bay Nga được cho là đã hoạt động trước khi rơi.
Video đang HOT
Tin Sinai được tin là sở hữu các hệ thống tên lửa phòng không vác vai. Ảnh: IHS Jane’s
Bà Gambhir cho rằng việc nhóm này có thể bắn hạ máy bay với các tên lửa MANPAD là hoang đường. Một vụ tấn công như vậy vượt xa tầm những vụ tấn công Tỉnh Sinai vẫn thường thực hiện, như “các vụ tấn công trên mặt đất, với thiết bị nổ tự chế, bom xe, các loại vũ khí hạng nhẹ”, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chiến tranh nhấn mạnh.
Một khả năng khác là nhóm này đã khiến chiếc máy bay bị rơi, không phải bằng cách bắn hạ, mà thông qua các hình thức khác, như đánh bom liều chết, hoặc gài bom trên khoang.
“Nhóm này xưa nay thường không đưa ra những tuyên bố bịa đặt lớn, nhưng đồng thời rất đáng ngờ khi chúng lại tuyên bố nhận trách nhiệm mà không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào”, học giả Gold bình luận. “Chúng có năng lực quân sự, nhưng để thực hiện hành động khủng bố dạng đó (trên một chuyến bay) chúng cần phải cho thấy tính tổ chức cao mà trước giờ chưa có”.
Phô trương thanh thế
Theo Sergey Markedonov giáo sư tại Đại học Nhân văn Nga, để hiểu rõ chiến lược của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan, cần phải hiểu rằng chiếc lược của họ không theo logic truyền thống. Mục tiêu chính của chúng là reo rắc sự sợ hãi, mà sợ hãi sẽ nhân rộng do nhận thức sai lầm. Thông qua cách tiếp cận này, những kẻ khủng bố muốn áp đặt tầm nhìn và cách diễn giải của mình, bằng cách cho thấy chúng là những kẻ nắm thế chủ động.
Với việc kết quả cuộc xung đột tại Syria vẫn là điều khó đoán định, trong khi tình hình nội tại ở các quốc gia Trung Đông khác như Ai Cập, Libya vẫn là những mối lo ngại nghiêm trọng, IS nhận thấy họ phải phô trương năng lực của mình.
“Đó là những gì quan trọng đối với IS. Nhóm muốn phô diễn khả năng của mình, đặc biệt là để thuyết phục những kẻ ủng hộ rằng chúng đủ mạnh để trả đũa kẻ thù của mình, đặc biệt là Nga”, Fawaz Gerges, từ trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London nói.
Theo Markedonov, một lý do khác để IS nhận trách nhiệm về vụ rơi máy bay là các mạng lưới khủng bố hiện đại không chỉ dừng lại ở các vụ tấn công hoặc gây nổ, mà còn ở việc giành quyền kiểm soát, hoặc ít nhất giành sự ảnh hưởng trong không gian thông tin. Khả năng kiểm soát thông tin là một yếu tố rất quan trọng và có ảnh hưởng lớn.
Bà Gambhir chỉ ra rằng IS và các nhánh của tổ chức này gần đây đã gia tăng đe dọa nhắm vào Nga, và bằng việc nhận trách nhiệm với thảm kịch vừa qua, dù có thật hay không, nhóm này đã thành công trong việc trở thành trung tâm của câu chuyện. “Chúng đã đạt được mục đích”, Gambhir nói.
Ngoài ra, một nguồn tin an ninh nói rằng những kẻ khủng bố có sự quan tâm đặc biệt đến việc tấn công vào máy bay thương mại. “Chúng tôi đã thấy trong vụ khủng bố 11/9, vụ đánh bom máy bay Lockerbie, nhiều cuộc tấn công vào đại sứ quán và tàu Mỹ rằng các nhóm khủng bố đã dành thời gian tìm hiểu xem những biện pháp nào hiệu quả và lặp đi lặp lại chúng”.
“Tuy nhiên, việc cho phát nổ một chiếc máy bay chở khách là một trong những ưu tiên hàng đầu của chúng, không chỉ vì nó reo rắc nỗi sợ với cả thế giới, mà còn vì nó cho thấy khả năng qua mặt các biện pháp an ninh”.
Hoàng Nguyên
Theo VNE
Ai đang điều tra vụ máy bay Nga rơi?
Hỏng hóc kỹ thuật? Lỗi của con người? Nổ bom trên máy bay? Trúng tên lửa? Các nhà điều tra từ Ai Cập, Nga và Tây Âu cùng nhảy vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân làm rơi chiếc máy bay Metrojet của Nga với những động cơ, lợi ích, ý đồ khác nhau.
224 người Nga đã bỏ mạng trong tích tắc - Ảnh: Reuters
Với thân nhân của 224 con người đã tử nạn theo chiếc máy bay rơi, nguyên nhân khiến cha, mẹ, anh, em, bạn hữu họ phải chết là câu hỏi cần được làm sáng tỏ càng nhanh càng tốt. Cả thế giới cũng muốn biết câu trả lời đó. Nga hay tất cả các bên đang tham gia điều tra cũng muốn biết. Nhưng họ vào cuộc điều tra với những động cơ khác nhau, đem theo những lợi ích quốc gia, lợi ích kinh tế khác nhau giữa những toan tính đan xem phức tạp.
Báo New York Times điểm qua danh sách những gương mặt chủ chốt liên quan đến vụ rơi máy bay thảm khốc trên bán đảo Sinai.
Nga
Vì sao liên quan? Metrojet là hãng hàng không của Nga. Chiếc máy bay đang trên đường đến Nga. Toàn bộ 224 con người trên máy bay hầu hết đều mang quốc tịch Nga (trừ 3 người Ukraine). Vụ rơi máy bay được xem là một thảm họa quốc gia ở Nga, cờ rủ trên khắp đất nước và Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu "điều tra toàn diện" vụ việc.
Động cơ riêng. Nga đang giữa chiến dịch quân sự ở Syria để bảo vệ chính quyền của Tổng thống nước này, ông Bashar al-Assad - đồng minh duy nhất của Nga trong khu vực. Ông Assad đang bị hàng loạt lực lượng đối lập tìm cách lật đổ, bao gồm cả IS. Nga phải bảo vệ an toàn cho hoạt động hàng không cùng các lợi ích khác của Nga trong khu vực.
Không kích ở Syria là một trong những cách Nga đang cố gắng bảo vệ lợi ích quốc gia - Ảnh: AFP
Ai Cập
Vì sao liên quan? Chiếc máy bay bị rơi cất cánh từ Sharm el Sheikh, một thành phố du lịch nghỉ dưỡng của Ai Cập bên bờ Biển Đỏ. Nó rơi ở bán đảo Sinai, khu vực quân đội Ai Cập đang phải chật vật chống lại các thành phần ly khai Hồi giáo, bao gồm cả các đồng minh của IS.
Vì máy bay rơi trên lãnh thổ Ai Cập nên chính quyền nước này đang dẫn đầu cuộc điều tra, nắm quyền kiểm soát các nhà điều tra quốc tế trong việc tiếp cận xác máy bay, các thông tin từ hộp đen, từ hệ thống radar trên mặt đất cũng như từ các nhân chứng.
Thủ tướng Ai Cập Sherif Ismail (áo vest đen, ở giữa) cùng các nhà điều tra kiểm tra hộp đen máy bay - Ảnh: AFP
Động cơ riêng. Thông thường, chính quyền Ai Cập hợp tác với phương Tây trong cuộc chiến chống lại các tổ chức như kiểu IS. Cùng lúc, Ai Cập cũng cố gắng duy trì mối quan hệ thân thiện với Nga, vốn xưa nay chẳng ưa gì phương Tây.
Nền kinh tế Ai Cập lệ thuộc sâu rộng vào du lịch nhưng những năm dài bất ổn chính trị và các cuộc tấn công khủng bố khiến du khách nước ngoài e dè đất nước xinh đẹp huyền bí này. Sharm el Sheikh là một trong số rất ít những địa điểm còn lại thu hút được khách nước ngoài, trong đó một phần không nhỏ là từ Nga.
Hẳn Ai Cập đang rất mong chờ một kết quả điều tra không gây thêm bất lợi cho ngành du lịch của nước này: tai nạn là do hỏng hóc kỹ thuật, lỗi của phi công hay những nguyên nhân đại loại như thế. Còn khủng bố bắn rơi máy bay thì sẽ là đại họa cho ngành du lịch đang điêu đứng của Ai Cập.
Sharm el Sheikh là một trong những điểm du lịch hiếm hoi ở Ai Cập còn tấp nập du khách - Ảnh: AFP
Metrojet
Vì sao liên quan? Metrojet là hãng hàng không điều hành chiếc máy bay thuê bao bị rơi. Hãng này còn có tên là Kogalymavia. Sau vụ rơi, vợ của viên phi công phụ nói với báo giới rằng chồng bà từng chê bai về tình trạng của máy bay - chiếc Airbus A321-200. Trước đây, trong một lần hạ cánh xuống Cairo hồi năm 2001, đuôi máy bay đã bị hỏng một phần.
Động cơ riêng. Cách bảo dưỡng và bảo đảm an toàn máy bay đương nhiên là điều cực kỳ quan trọng cho danh tiếng, sự sống còn của hãng cũng như mức độ bồi thường mà Metrojet phải chịu sau tai nạn thảm khốc này.
Dù chỉ được tiếp cận hiện trường một cách rất hạn chế và không được đụng tới bất kỳ thông tin nào từ hộp đen, ban lãnh đạo Metrojet nhanh chóng chơi đòn tấn công phủ đầu, tìm mọi cách phủ nhận mọi nguyên nhân liên quan đến cách điều hành của hãng.
Metrojet hy vọng thương hiệu của mình sẽ không bị rách toạc như trên xác máy bay. Nguyên nhân tai nạn có ý nghĩa sống còn - Ảnh: AFP
"Chúng tôi loại trừ 100% mọi hỏng hóc kỹ thuật trên chiếc máy bay, chúng tôi cũng loại trừ 100% lỗi của phi công hay của bất kỳ người nào", phó giám đốc phụ trách hàng không của Metrojet, ông Aleksandr A. Smirnov tuyên bố với báo giới hôm 2.11.
Tây Âu
Vì sao liên quan? Chiếc máy bay rơi là sản phẩm của Airbus, hãng máy bay châu Âu đặt trụ sở tại Pháp và đăng ký ở Ireland. Nó được lắp ráp ở Đức vào năm 1997, hộp đen cũng được sản xuất ở Đức. Các nhà điều tra của Airbus và của chính phủ Đức, Pháp, Ireland đều đã đến Ai Cập.
Hẳn Airbus và các nước liên quan điều muốn giữ uy tín thương hiệu Airbus danh giá - Ảnh: Reuters
Động cơ riêng. Airbus A321-200 đạt uy tín về an toàn và mức độ tin cậy rất cao. Tất nhiên, cả hãng Airbus và các quốc gia liên quan đều muốn bảo vệ danh tiếng đó. Chiếc máy bay rơi chỉ mới "hưởng dương" chưa đầy 1/2 quãng đời được lập trình sẵn 60.000 giờ bay của nó.
IS
Vì sao liên quan? Ngay sau vụ rơi máy bay, IS - tổ chức khủng bố đang "mắc mứu" với cả chính phủ Ai Cập và Nga: bị Ai Cập truy lùng ở Sinai và Nga truy lùng ở Syria - tung một clip nhòe nhoẹt bảo rằng chính IS đã bắn rơi chiếc máy bay bằng tên lửa. Tất nhiên, IS chẳng có tí phần nào trong cuộc điều tra chính thức liên quan tới vụ rơi máy bay, nhưng có thể IS là bên liên quan lớn nhất tước đi mạng sống của 224 công dân Nga.
IS bảo đây là "tác phẩm" của mình, nhưng các nhà điều tra, nhất là Nga, hy vọng IS không phải là nguyên nhân - Ảnh: Reuters
Động cơ riêng. Các nhà điều tra nghi ngờ tuyên bố bắn rơi máy bay của IS, cho rằng IS chưa với được tới tầm sở hữu và vận hành tên lửa bắn rơi được máy bay. Tuy nhiên, các nhà điều tra không loại trừ khả năng tấn công khủng bố theo kiểu "phổ thông" hơn, chẳng hạn đặt bom trên máy bay.
Không ai bàn cãi gì về động cơ chống Nga của IS, tổ chức từng tuyên bố thánh chiến chống lại Nga sau khi Nga đưa máy bay sang Syria truy lùng các tổ chức chống lại chính quyền Syria, trong đó có IS. Sau những gì xảy ra, người Nga đang lo sợ đây là câu trả lời của IS.
Kiều Oanh
Theo Thanhnien
Dữ liệu hộp đen cho thấy máy bay Nga không bị tấn công từ bên ngoài Kết quả phân tích dữ liệu từ các hộp đen cho thấy máy bay Nga gặp nạn ở Ai Cập không chịu tác động từ bên ngoài và phi công không phát tín hiệu cấp cứu trước khi nó biến mất khỏi radar. Phi cơ quân sự Ai Cập bay qua xác máy bay A321 ở bán đảo Sinai hôm qua. Ảnh:Reuters Reuters...