Vì sao IS trở thành nhóm phiến quân giàu nhất thế giới?
Việc sở hữu những mỏ dầu và có một chiến lược khai thác và phân phối hoàn chỉnh, IS đang buộc các nhóm đối thủ của chính mình phải “hợp tác” nếu muốn có nhiên liệu cho các đơn vị chiến đấu.
Một phiến quân IS tại Iraq (Ảnh: marketwatch)
Bên ngoài mỏ dầu al-Omar nằm ở phía Đông Syria, hàng đoàn xe tải đang nối đuôi nhau, trong khi máy bay chiến đấu của nước ngoài quần đảo liên tục trên bầu trời. Tại đây, nhiều tài xế đã phải chờ đợi cả tháng để tới lượt mua dầu thô. Có khi, họ bỏ đi ra khu vực khác và để lại xe trong khi chờ đợi tới lượt.
Đây là khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), một tổ chức Thánh chiến cực đoan đang nắm giữ nhiều khu vực trên lãnh thổ Syria và Iraq.
Dầu mỏ được gọi là “vàng đen”, nguồn quỹ chính để IS có thể duy trì các hoạt động cũng như để mua sắm vũ khí mở rộng địa bàn. Tuy nhiên, hơn một năm kể từ sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama phát động chiến dịch quân sự dưới “lá cờ” liên quân quốc tế chống IS, hoạt động thương mại ở mỏ al-Omar và ít nhất tám mỏ khác đã trở thành vấn đề khó giải quyết của liên quân này. Làm thế nào để hạ gục nhóm IS mà không ảnh hưởng tới cuộc sống của khoảng 10 triệu thường dân xung quanh các mỏ dầu mà nhóm này đang kiểm soát?.
Khả năng phục hồi của IS và điểm yếu trong chiến dịch do liên quân quốc tế mà Mỹ đứng đầu được coi là cơ hội để Nga tiến hành chiến dịch tại Syria với lời đề nghị chính thức của Tổng thống Bashar al-Assad. Dẫu vậy, nhiều nguồn tin cho rằng IS đang tổ chức một quy trình hoạt động khai thác và phân phối dầu thô như một công ty nhà nước ở các khu vực mà nhóm này kiểm soát.
Bên cạnh việc thuê đội ngũ nhân công có kỹ năng, IS kiểm soát mọi hoạt động từ an ninh cho tới nhân sự từng phút. Theo ước tính của các kỹ sư địa phương, các mỏ dầu sản xuất cho IS khoảng 34.000 – 40.000 thùng dầu thô mỗi ngày. Sau đó, dầu được bán với giá từ 20 tới 45 USD mỗi thùng, mang lại cho IS khoảng 1,5 triệu USD mỗi ngày.
Chỉ huy của một nhóm đối lập tại Aleppo, người phải mua dầu diesel từ các khu vực của IS để nhóm của ông có thể tiếp tục chiến đấu, thừa nhận: “Tình hình hiện nay không biết nên khóc hay nên cười. Chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác. Liệu có ai cho chúng tôi nhiên liệu để chiến đấu?. Chúng tôi thật tội nghiệp”.
Dầu mỏ – vũ khí chiến lược
Chiến lược nhắm vào dầu mỏ của IS đã được lên từ rất lâu. Kể từ khi nhóm này mới xuất hiện trên “bàn cờ chính trị” ở Syria hồi năm 2013, trước khi IS tiến vào thành phố Mosul ở Iraq, những kẻ Thánh chiến cực đoan này đã nhận thức được rằng dầu mỏ có ý nghĩa chiến lược cho một Nhà nước Hồi giáo. Hội đồng cố vấn của IS coi dầu mỏ là yếu tố sống còn với quá trình hậu cần của nhóm và quan trọng hơn là để mang lại ngân sách giúp hiện thức hóa một tham vọng về nhà nước mới.
Video đang HOT
Hầu hết các khu vực mà IS kiểm soát ở Syria đều có những mỏ dầu có trữ lượng cao. Trước đây, IS từng rút quân khỏi khu vực phía Tây Bắc Syria vì nơi đây không có dầu.
Sau khi rút khỏi khu vực Tây Bắc Syria vì nơi đây không có dầu, IS tiến sang phía Đông, nơi có những mỏ dầu trữ lượng lớn, để thành lập thành trì. Những đơn vị mạnh nhất của IS đã được đưa tới đây để kiểm soát sau khi nhóm này thất thủ ở Mosul hồi năm ngoái. Khi còn nắm quyền kiểm soát các khu vực ở miền Bắc Iraq, trong đó có Mosul, IS đã nhanh chóng đưa người tới khai thác mỏ dầu Ajil và Allas rồi bán ra thị trường.
“Chúng luôn sẵn sàng, chúng có người phụ trách tài chính cũng như các kỹ sư để điều chỉnh quá trình khai thác và phân phối. Chúng đã mang tới đây hàng trăm chiếc xe tải từ Kirkuk và Mosul rồi bắt đầu khai thác và xuất khẩu. Khoảng 150 chiếc xe lúc đó, mỗi chiếc xe đầy dầu có giá trị khoảng 10.000 USD. Dù đã mất kiểm soát các mỏ dầu này hồi tháng Tư năm ngoái nhưng IS đã nhanh chóng thu về 450 triệu USD chỉ trong 10 tháng nắm giữ”, một quan chức ở thị trấn Hawija, gần Kirkuk, tiết lộ.
Trong khi mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda phụ thuộc vào những đợt quyên góp từ các nhà tài trợ giàu có nước ngoài thì IS đã tăng cường tiềm lực tài chính bằng cách khai thác “mỏ vàng đen” ở những khu vực mà nhóm này kiểm soát. Dù không thể xuất khẩu chính thức ra thị trường quốc tế nhưng IS có thể tìm được nguồn ra dễ dàng cho dầu thô của nhóm ngay tại Syria và Iraq.
Trên thực tế, dầu diesel và xăng được sản xuất ở các khu vực do IS kiểm soát không chỉ được tiêu thụ trong chính khu vực này mà còn được đưa tới những nơi mà các nhóm đối lập rất cần để tiếp tục chiến đấu như ở miền Bắc Syria. Ngoài ra, các bệnh viện, cửa hàng, nhà máy đều không thể hoạt động nếu không có nhiên liệu.
“Vào bất cứ thời điểm nào, nguồn nhiên liệu đó cũng có thể bị cắt. Không có dầu diesel đồng nghĩa với việc IS biết ngày tàn của nhóm sắp đến”, một chủ doanh nghiệp, người phải đi từ Aleppo mỗi tuần để mua xăng của IS, cho hay.
“Công ty dầu IS”
Chiến lược xây dựng một nhà nước của IS được chuẩn bị khá bài bản, trong đó bao gồm cả quá trình khai thác và sản xuất dầu như một tập đoàn năng lượng quốc gia. Theo những người Syria từng được nhóm này tuyển mộ, các trưởng nhóm tuyển dụng thường đưa ra mức lương ưu đãi cho những ai có kinh nghiệm và luôn hối thúc các nhân viên giới thiệu người có kỹ năng.
Ngoài ra, IS có một nhóm chuyên gia luôn kiểm tra và theo dõi quá trình sản xuất, cũng như để phỏng vấn các nhân viên trong quá trình hoạt động. Bên cạnh đó, IS cũng bổ nhiệm các thành viên từng làm việc ở công ty dầu ở Saudi Arabia hay Trung Đông làm quan chức cấp cao để điều hành những bộ phận quan trọng tại các mỏ dầu.
Một số nguồn tin cho biết có những kỹ sư từng bị IS đưa ra xét xử và sau đó được trao cơ hội “sửa sai” nếu gia nhập quá trình sản xuất dầu của nhóm này. Ông Rami, người từng làm ở một mỏ dầu ở tỉnh Deir Ezzor tại Syria, thừa nhận mình từng được một quan chức của IS ở Iraq liên hệ qua phần mềm WhatsApp. “Tôi có thể lựa chọn bất cứ vị trí nào tôi muốn. Ông ta đã hứa với tôi như thế. Ngoài ra, ông ấy cũng bảo tôi hãy chọn một mức lương mà tôi thích”, ông Rami, người sau đó đã từ chối đề nghị và phải bỏ chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ vì sợ trả thủ, chia sẻ.
Quá trình tuyển dụng “nhân tài” của IS cũng tập trung vào những người ủng hộ nhóm tại nước ngoài. Trong bài phát biểu sau khi thất thủ ở Mosul, thủ lĩnh của IS, tên Abu Bakr al-Baghdadi không chỉ kêu gọi các tay súng tham chiến mà còn cả những kỹ sư, bác sĩ và lao động có tay nghề cao gia nhập nhóm. Mới đây, IS đã bổ nhiệm một kỹ sư người Ai Cập, người từng có thời gian sinh sống và làm việc ở Thụy Điển, làm quản lý mới ở mỏ dầu Qayyara ở miền Bắc Iraq.
Ngoài ra, IS từng có một quan chức phụ trách riêng vấn đề dầu mỏ. Đó là Abu Sayyaf, một người Tuynidi và có tên thật là Fathi Ben Awn Ben Jildi Murad al-Tunisi. Tuy nhiên, người này đã thiệt mạng sau một chiến dịch tấn công do lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiến hành hồi tháng Năm vừa qua.
Trong khi đó, để đảm bảo quá trình khai thác dầu diễn ra suôn sẻ, IS cũng có lực lượng an ninh riêng. Đó gọi là Amniyat, lực lượng an ninh bí mật chịu trách nhiệm bảo đảm các xe tải chở dầu có thể tới được nơi nhóm này cần bán.
Mạng lưới phân phối
Dù đoàn xe đợi dài tới 6km ở mỏ dầu al-Omar nhưng những tài xế buộc phải đợi vì đây là quy trình mà IS yêu cầu. Trước khi được phép đánh xe vào mua dầu, tài xế phải xuất trình giấy tờ liên quan với các quan chức của IS, những người sẽ nhập số liệu vào hệ thống và cung cấp cho tài xế một con số để họ chờ tới lượt.
Hầu hết sau khi nhận số, tài xế quay về làng của họ. Hai hoặc ba ngày sau, họ trở lại mỏ dầu để kiểm tra xe. Theo một số tài xế, có những người lựa chọn cách dựng lều luôn ở gần mỏ dầu để có thể ở gần xe tải của họ trong lúc chờ đến lượt vào mua. Sau khi có được dầu hoặc nhiên liệu, các tài xế được phép bán trong khu vực hoặc trên thị trường qua một trung gian với phương tiện vận chuyển nhỏ hơn để đưa nhiên liệu tới nhanh những địa điểm chiến sự nóng như Aleppo hay Idlib.
Có thể nói với IS, chiến dịch của Nga đang mang lại cho nhóm một cơ hội. Bất chấp nguy cơ để mất các khu vực đang kiểm soát về phía quân chính phủ Syria, giá dầu tăng những ngày qua được cho là một tín hiệu tốt cho chiến lược của nhóm Thánh chiến cực đoan này. Tuy nhiên, vấn đề lớn với IS hiện nay chính là lượng trữ của các mỏ dầu ở Syria đang cạn dần. IS không có công nghệ hiện đại của phương Tây để khai thác sao cho hiệu quả và tiết kiệm nhất.
Dù vậy, tới lúc này, tại các khu vực mà IS đang nắm quyền kiểm soát, người dân không phải lo về thiếu nhiên liệu phục vụ đời sống và sản xuất, trong khi có thêm thu nhập từ các hoạt động thương mại liên quan. “Ai ở đây cũng cần dầu diesel để trồng trọt, để các bệnh viện hoạt động và để các văn phòng hay tòa nhà luôn sáng đèn. Nếu không có dầu diesel, sự sống ở đây sẽ không còn. IS biết điều đó nên họ đang có lợi thế”, một doanh nhân người Syria ở thành phố Aleppo thừa nhận.
Ngọc Anh
Theo Dantri/FT
Tổng thống Obama: Mỹ thiếu "chiến lược toàn diện" cho vấn đề IS
Thừa nhận về những bế tắc trên chiến trường, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 8/6 cho biết Mỹ vẫn thiếu một "chiến lược toàn diện" để huấn luyện quân đội Iraq trong cuộc chiến chống lại nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Tổng thống Obama và Thủ tướng al-Abadi (Ảnh: AFP)
Gần một năm sau khi quân đội Mỹ bắt đầu quay trở lại Iraq để hỗ trợ các lực lượng địa phương, Tổng thống Obama cho rằng IS vẫn là mối đe doạ hiện hữu.
Người đứng đầu chính phủ Mỹ đánh giá có những "tiến bộ đáng kể" tại các khu vực quân đội Mỹ huấn luyện hiệu quả cho các lực lượng địa phương. Tuy nhiên, ở những nơi không có sự hỗ trợ của Mỹ, IS đang tăng cường ảnh hưởng và biến những khu vực này thành các khu vực bị kiểm soát chặt chẽ.
Tháng trước, IS đã chiếm được thành phố Ramadi chiến lược thuộc tỉnh Anbar. Khi dó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã lên tiếng chỉ trích các lực lượng của Iraq "thiếu ý chí chiến đấu".
Tới nay, Mỹ vẫn chưa có kế hoạch tăng cường số quân tại Iraq để hỗ trợ quốc gia này giải quyết các vấn đề hiện nay. Phát biểu bên lề cuộc họp của giới lãnh đạo nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-7), Tổng thống Obama khẳng định: "Chúng tôi vẫn sẽ ưu tiên mục đích huấn luyện hơn là tuyển dụng thêm binh sĩ tới Iraq".
Tại cuộc gặp của nhóm G-7 ở Đức, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã được mời đến để thảo luận về tình hình an ninh tại Trung Đông. Ngoài ra, Tổng thống Obama và Thủ tướng Abadi cũng gặp song phương trước khi ông trở về Washington.
Tại cuộc gặp, nhà lãnh đạo Mỹ đã bày tỏ lạc quan rằng IS sẽ bị đánh bật khỏi Iraq, song nỗ lực này sẽ phải mất thời gian và cần tới việc thành lập một chính phủ với sự tham gia của nhiều thành phần tại Baghdad.
Tổng thống Obama khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường huấn luyện và hỗ trợ binh sĩ Iraq để họ có thể tấn công chứ không chỉ duy trì hoạt động hay phòng thủ. Ông Obama cũng bày tỏ tin tưởng đối với cam kết của Thủ tướng al-Abadi về việc thành lập một chính phủ nhiều thành phần, đem lại tiếng nói cho nhiều cộng đồng tại Iraq.
Ngọc Anh
Theo Dantri/ AFP
Mỹ: Hơn 10.000 phiến quân IS đã bị tiêu diệt sau 9 tháng không kích Hơn 10.000 phiến quân IS đã bị tiêu diệt từ khi liên minh quốc tế bắt đầu chiến dịch oanh kích chống lại nhóm khủng bố tại Iraq và Syria, Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Antony Blinken hôm nay 3/6 thông báo . Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Antony Blinken tại Hội đàm Paris ngày 2/6. (Ảnh: Tân Hoa Xã) Hôm nay, phát...