Vì sao IS tấn công Indonesia
Với vụ tấn công Jakarta, IS có thể muốn thể hiện khả năng dụ dỗ tại quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới và muốn “ký sinh” trên những bất ổn vốn có tại nước này.
Đội phá bom tại hiện trường vụ tấn công ở Indonesia hôm 14/1. Ảnh: Reuters
Sau một cuộc tấn công khủng bố ở trung tâm Jakarta hôm qua, nhiều người ở Indonesia, quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới, đã nhanh chóng gửi thông điệp cho nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), sử dụng cụm từ “Chúng tôi không sợ”. Thông báo này nhằm thể hiện rằng hình thức Hồi giáo ôn hòa của Indonesia sẽ chiếm ưu thế hơn cái gọi là một nhà nước Hồi giáo toàn cầu IS muốn lập ra.
“Chúng tôi đang muốn nói với chúng rằng chúng sẽ không đạt được mục đích, bất kể mục tiêu là gì, chúng cũng sẽ không thành công”, Niar Nurdin, 40 tuổi, một người dân sống tại Jakarta nói.
Theo IBTimes, sau các vụ đánh bom tại Paris và Istanbul, thế giới ngày càng lo lắng IS mở rộng vùng hoạt động và tăng tần suất các cuộc tấn công. IS gần như không có sự hiện diện trong khu vực Đông Nam Á, và Indonesia có thể có giá trị chiến lược, như một nơi để thể hiện sức mạnh và khả năng dụ dỗ của nhóm.
Tuy nhiên, IS chưa thực sự tỏa được chân rết tại đây. Hơn 80% dân số của đất nước 250 triệu người này theo đạo Hồi, nhưng chỉ vài trăm người đã tham gia IS, một tỷ lệ nhỏ so với các quốc gia châu Âu, nơi hàng nghìn người cam kết trung thành với nhóm.
Video đang HOT
Ngoài mục đích tuyển mộ, nguyên nhân IS ráo riết mở rộng địa bàn có thể vì nhóm đang thất thủ tại Trung Đông, theo Max Abrahms, một chuyên gia tại Đại học Northeastern ở Boston.
“Tôi dự đoán rằng những cuộc tấn công bạo lực của IS sẽ tiếp tục mở rộng về mặt địa lý. Có một lý do đơn giản: IS đang chịu nhiều áp lực trong thành trì của nhóm ở Iraq và Syria”, Abrahms nói. “Để tồn tại và được chú ý hơn, nhóm phải gia tăng ủy thác hoạt động cho những người ở xa hơn”.
Các chuyên gia cho rằng IS sẽ gặp khó khăn trong việc tranh thủ hỗ trợ tại khu vực. “IS không hấp dẫn đối với đại đa số người Hồi giáo ở Indonesia và Indonesia có những tổ chức Hồi giáo lớn, vận động chống lại ‘thương hiệu đạo Hồi” của IS, Anton Alifandi, nhà phân tích chính về Indonesia của IHS, công ty phân tích kinh tế và rủi ro, cho biết.
Nahdlatul Ulama, tổ chức Hồi giáo Indonesia với hơn 50 triệu thành viên, là một trong những nhóm như vậy. NU đã ra tuyên bố mạnh mẽ, tố cáo IS và cách nhóm này diễn giải về Hồi giáo, trong một nỗ lực để chống lại công tác tuyên truyền của IS.
Vụ tấn công hôm qua khiến 7 người chết, trong đó có 5 kẻ tấn công, và ít nhất 20 người bị thương. Indonesia từng vài lần bị tấn công khủng bố với một vụ quy mô lớn trên đảo Bali năm 2002. Jakarta cũng phải hứng chịu một vụ đánh bom vào khách sạn JW Marriott và Ritz-Carlton năm 2009, và một cuộc tấn công vào Đại sứ quán Australia năm 2004. Jemaah Islamiyah, một nhóm có liên quan đến al-Qaeda, đã nhận trách nhiệm cho cả ba vụ tấn công.
Trong những năm gần đây, giới chức đã xử lý các cuộc tấn công quy mô nhỏ, nhắm mục tiêu vào lực lượng cảnh sát. Cơ quan chống khủng bố của Indonesia cho biết họ đã phá âm mưu tấn công vào dịp Giáng sinh và đón năm mới năm nay.
“Đó là một đất nước tương đối yên bình”, Raffaello Pantucci, giám đốc nghiên cứu an ninh quốc tế tại viện RUSI có trụ sở tại London nhận xét. “Phần lớn vấn đề tại quốc gia này là về dân tộc thiểu số hoặc các cuộc đụng độ, và IS có thể ‘ký sinh’ lên những vấn đề này”.
Vụ tấn công hôm qua nhằm vào khu vực kinh doanh trung tâm của Jakarta, gồm quán cà phê Starbucks và gần văn phòng Liên Hợp Quốc, nhưng các chuyên gia không khẳng định rằng cuộc tấn công nhắm mục tiêu vào người nước ngoài hoặc nhằm làm gián đoạn kinh doanh. Tổng thống Widodo đã phải đối mặt với chỉ trích trong cách ông xử lý nền kinh tế đất nước, nhưng các chuyên gia cho rằng vụ khủng bố sẽ không gây ra gián đoạn lâu dài đến môi trường kinh doanh vốn đã ảm đạm của Indonesia.
“Indonesia đang phải vật lộn để đảo ngược sự suy giảm kinh tế trong 5 năm qua”, Kevin O’Rourke, biên tập viên của Reformasi Weekly viết. “Một mặt, họ có thể coi nó như chuyện bình thường, nhưng mặt khác, đó là tin xấu, có thể khiến nhà đầu tư mất niềm tin”.
Phương Vũ
Theo VNE
Nghi phạm tấn công Indonesia từng ca ngợi vụ khủng bố Paris
Bahrun Naim được cho là từng đăng một bài viết ca ngợi các vụ tấn công khủng bố ở Paris hồi năm ngoái.
Cảnh sát truy đuổi các nghi phạm tại hiện trường ở Jakarta. Ảnh: CNN
Theo BBC, Bahrun Naim là nghi phạm mà cảnh sát trưởng Jakarta Tito Karnavian xác định đứng sau các vụ nổ ở trung tâm thủ đô Indonesia sáng nay.
Trong bài viết đăng ngày 16/11/2015, Naim dường như đã mô tả các vụ tấn công ở Paris là "truyền cảm hứng" và ca ngợi các thủ phạm vì kỷ luật, khả năng lập kế hoạch và sẵn lòng liều chết.
"Tại sao những vụ tấn công đó truyền cảm hứng? Đầu tiên, một lượng lớn người đã trở thành nạn nhân. Thứ hai, vụ tấn công được được lên kế hoạch tốt về mục tiêu, thời gian và một cái kết can đảm. Chỉ các chiến binh tinh nhuệ mới dùng đai bom tự sát thay vì để bị bắt hoặc bị bao vây".
Nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) từng tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ thảm sát ở Paris hôm 13/11/2015 làm 130 người thiệt mạng.
Ông Karnavian khẳng định IS cũng là thủ phạm tiến hành vụ đánh bom và nã súng tại trung tâm thủ đô Jakarta vào sáng nay làm 7 người thiệt mạng, trong đó có 5 nghi phạm, và 23 người bị thương.
Cảnh sát cho hay có hai nghi phạm bị bắt sống.
Một kênh truyền thông của IS thông báo nhóm cực đoan này đã tiến hành một vụ tấn công có vũ trang nhằm vào những người nước ngoài và các lực lượng an ninh chịu trách nhiệm bảo vệ họ ở thủ đô Indonesia. Hiện chưa có xác nhận chính thức về tuyên bố này.
Anh Ngọc
Theo VNE
Thông điệp 'không sợ' của người dân Jakarta Người dân Jakarta gửi thông điệp "Chúng tôi không sợ" lên Twitter để tỏ thái độ trước vụ tấn công hôm qua. Biểu tượng đoàn kết của người dân Jakarta. Ảnh: Twitter Theo BBC, cụm từ #KamiTidakTakut (Chúng tôi không sợ) đồng loạt xuất hiện trên mạng xã hội sau vụ tấn công ở Jakarta, cùng biểu tượng vòng tròn, bên trong là...