Vì sao IS đòi đổi mạng con tin
Yêu sách của IS đòi đổi con tin Nhật lấy nữ tù nhân từng đánh bom tự sát nhằm làm sống lại tàn dư của một trùm khủng bố đã chết, hoặc để tuyên truyền rằng nhóm cực đoan này là nơi che chở cho phụ nữ Hồi giáo.
IS đòi đổi mạng con tin Nhật Kenji Goto (trái) lấy sự tự do của nữ tù nhân Sajida al-Rishawi. Ảnh: news.com.au
IS hôm qua đăng tải một video đe dọa sẽ giết con tin Nhật Bản Kenji Goto và một phi công quân sự người Jordan trong vòng 24 giờ nếu Jordan không thả nữ binh của al-Qaeda, Sajida Mubarak Atrous al-Rishawi. “Chính phủ Jordan đang cản trở con đường đến tự do của tôi bằng việc trì hoãn bàn giao Sajida”, giọng nói bằng tiếng Anh có thể của Goto cho biết.
Sajida al-Rishawi, một phụ nữ trong độ tuổi 40, là một kẻ đánh bom tự sát bất thành. Bà ta cùng chồng đeo dây đai gắn bom với âm mưu kết liễu bản thân và những người khác tại một tiệc cưới ở khách sạn Radisson SAS, thủ đô Amman của Jordan tháng 11/2005. Dây đai bom của chồng bà ta phát nổ khiến 38 người thiệt mạng, còn al-Rishawi phải chạy trốn khỏi hiện trường vì không thể kích hoạt kíp nổ của mình. Jordan sauđó bắt và giam giữ Sajida al-Rishawi cho đến nay.
Vực dậy ‘di sản’ của tên cầm đầu khét tiếng
Cây bút Joseph Brean của National Post nhận định rằng yêu sách đòi thả Sajida al-Rishawi của IS gâybất ngờ vì người này là một phần tử khủng bố không mấy nổi bật. Jordan đang giam giữ nhiều phần tử khủng bố cấp cao hơn al-Rishawi. Tuy nhiên, mối quan hệ của em trai bà ta với tên thủ lĩnh đặt nền móng cho IS, Abu Musab al-Zarqawi, có thể là một phần của động cơ.
Abu Musab al-Zarqawi là thủ lĩnh người Jordan của al-Qaeda ở Iraq. Đây là tổ chức tiền thân của IS, từng chiến đấu với quân đội Mỹ trong chiến tranh Iraq. Thủ lĩnh tối cao hiện nay của IS, Abu Bakr al-Baghdadi cũng từng là trợ tá cho al-Zarqawi, rung tá về hưu James Reese, cựu chỉ huy lực lượng Delta của Mỹ cho biết.
Al-Rishawi là chị gái của một thuộc hạ thân tín của al-Zarqawi. “Mối liên quan giữa al-Rishawi với nhóm cực đoan có thể thực sự là yếu tố quan trọng dẫn đến yêu sách hoán đổi tù nhân”, Karima Bennoune, giáo sư luật quốc tế tại Đại học Luật Davis California nhận định.
Abu Musab al-Zarqawi, thủ lĩnh người Jordan của al-Qaeda ở Iraq. Ảnh: AP
Al-Qaeda và IS hiện đã cắt đứt quan hệ và đang cạnh tranh ảnh hưởng với nhau, tuy nhiên, điều này không khiến IS ngừng tôn sùng al-Zarqawi. Tuy al-Zarqawi đã bị tiêu diệt trong một cuộc không kích của Mỹ năm 2006, hắn vẫn là cái tên nổi bật trong tài liệu tuyên truyền của IS.
Theo Washington Post, số đầu tiên của tạp chí điện tử do nhóm cực đoan phát hành,Dabiq, được mở đầu bằng một câu nói của Zarqawi: “Các tia lửa đã được thắp sáng tại đây, ở Iraq, và sức nóng của nó sẽ càng dữ dội với sự cho phép của Thánh Allah, cho đến khi nó thiêu đốt các đội quân thập tự chinh”.
Lời kêu gọi của Zarqawi là “chất kích thích” mạnh mẽ đối với những phần tử Hồi giáo cực đoan, Michael W.S. Ryan thuộc viện nghiên cứu Mỹ Jamestown Foundation nhận định. “Abu Musab al-Zarqawi là tên cầm đầu phong trào jihad khi Mỹ chiếm đóng ở Iraq”, Ryan viết. “Tóm lại, IS trích dẫn câu nói của al-Zarqawi để đánh vào ảo vọng của các chiến binh trẻ tuổi và kích động họ đến chiến đấu cho IS”.
Video đang HOT
Giải cứu chị gái phụ tá thân cận của al-Zarqawi có thể là bước đi táo bạo để thúc đẩy cuộc nổi loạn đã bị đình trệ trong những tháng gần đây và cho IS cơ hội làm sống lại “di sản” của Zarqawi. Al-Qaeda cũng từng ca ngợi al-Rishawi sau vụ đánh bom khách sạn Radisson ở Jordan. Nhóm này nhận trách nhiệm về vụ tấn công và ca ngợi Rishawi vì đã “chọn đi cùng chồng trên con đường tử vì đạo”.
Thủ đoạn tuyên truyền
Theo Joseph Brean, khi tung video đòi tiền chuộc, IS có thể đã đoán trước rằng yêu sách của chúng sẽ bị từ chối. Vì vậy, nhóm cực đoan đưa ra yêu cầu không tưởng là khoản tiền 200 triệu USD để gây sự chú ý. Chúng chọn con số này có thể nhằm ám chỉ một cách mỉa mai đến số tiền Nhật Bản cam kết viện trợ nhân đạo cho các nước bị ảnh hưởng bởi bạo lực của IS.
Yêu sách đòi thả al-Rishawi là một lời nhắc nhở về mối liên quan của IS với chiến tranh Iraq và nhóm al-Qaeda ở Iraq, tuy nhiên, đây có thể chỉ là một thủ đoạn tuyên truyền, Bennoune nói với NBC News.
Al-Rishawi năm 2006 bị kết án tử hình, tuy nhiên, vào năm đó, Jordan bắt đầu xóa bỏ án tử và kéo dài quy chế này trong 8 năm, cho đến khi nối lại việc hành hình vào tháng trước. Yêu sách đòi trả tự do cho al-Rishawi có thể nhằm giúp bà ta thoát khỏi nguy cơ bị xử tử.
Đây là lần thứ hai IS đòi thả một nữ thành viên của al-Qaeda. IS hồi tháng 8/2014 muốn đổi nhà báo James Foley lấy Aafia Siddiqui, người được biết với cái tên “Quý bà al-Qaeda”. Sau khi hành quyết Foley, nhóm khủng bố tiếp tục đòi hoán đổi nhà báo Steven Sotloff lấy Siddiqui.
“Có khả năng IS đòi hoán đổi tù nhân nhằm mục đích tuyên truyền. Chúng muốn thể hiện chúng là nhóm che chở cho phụ nữ Hồi giáo”, Bennoune nhận xét và cho biết thêm rằng ngôn ngữ được sử dụng trong video, gọi al-Rishawi là “người chị em bị cầm tù” cho thấy toan tính tuyên truyền của IS.
Yêu sách của IS đã đẩy Nhật Bản và Jordan vào thế khó. Vụ trao đổi này tuy khả thi, nhưng nó sẽ đi ngược lại với lập trường của Mỹ và Anh là không nhượng bộ khủng bố. Cả Amman và Tokyo đều là đồng minh thân cận của Washington và London.
Jordan từng thực hiện hoán đổi tù nhân khủng bố. Năm ngoái, Mohammed Saeed Al-Darsi, một phần tử cực đoan người Libya được trao đổi lấy đại sứ Jordan tại Libya bị bắt cóc. Hai nghị sĩ của Jordan hôm qua cho biết nước này có thể sẵn sàng đổi al-Rishawi lấy Goto và phi công nước này.
Mẹ của con tin Goto, bà Junko Ishido, cầu mong chính quyền” thực hiện tất cả biện pháp có thể” thể để cứu con trai mình. Khi video đòi hoán đổi tù nhân đầu tiên được đăng tải, Ishido cho biết dường như con trai bà “cảm nhận rõ điều gì có thể xảy ra với bản thân”.
“Tôi quá sững sờ”, Ishido nói. “Tôi cầu nguyện con tôi sẽ sớm trở lại, đó là tất cả những gì tôi muốn”.
Phương Vũ
Theo VNE
Vì sao IS công khai đòi tiền chuộc đổi mạng con tin
Việc Nhà nước Hồi giáo (IS) ra yêu sách đòi Nhật 200 triệu USD để đổi lấy tính mạng hai con tin có thể do chúng thật sự thiếu tiền, nhưng cũng có thể là mưu kế của nhóm cực đoan nhằm cạnh tranh tầm ảnh hưởng với al-Qaeda.
IS dọa giết hai con tin người Nhật trong đoạn video đăng tải hôm 20/1. Ảnh:NYDailyNews
IS hôm 20/1 tung ra một đoạn video thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế. Trong video, một chiến binh trùm kín mặt dọa giết hai con tin Nhật Bản trừ khi nhận được khoản tiền chuộc 200 triệu USD và phải được thanh toán trong vòng 72 giờ. Khác với những video trước đó, lần này nhóm cực đoan công khai đòi tiền chuộc để đổi lấy mạng sống của con tin.
Khi lần đầu tiên đăng video đe dọa sát hại nhà báo James Foley tháng 8/2014, IS tuyên bố công khai anh sẽ bị hành quyết nếu Mỹ không dừng chiến dịch không kích, tuy nhiên, chúng lại bí mật đòi chính phủ Mỹ trả khoản tiền chuộc 100 triệu USD. Mỹ từ chối trả tiền chuộc, kiên quyết giữ nguyên chính sách không đàm phán với khủng bố.
Trong 4 video hành quyết hai người Mỹ Steven Sotloff và Peter Kassig, hai con tin Anh David Haines và Alan Henning, những kẻ khủng bố không hề đề cập đến tiền chuộc.
Cạnh tranh ảnh hưởng
Theo Eugenio Lilli, nghiên cứu sinh tại Khoa Nghiên cứu Quốc phòng, King's College London, muốn hiểu bước đi mới của IS, cần phải đặt nó vào cuộc cạnh tranh ảnh hưởng trong cộng đồng jihad, chủ yếu giữa IS và al-Qaeda. Cả hai tổ chức cực đoan đều chứng minh chúng sử dụng rất hiệu quả mạng xã hội để tuyển mộ và khai thác sự chú ý của truyền thông quốc tế.
Kể từ năm 2013, IS và al-Qaeda đã "kèn cựa" hòng qua mặt nhau. Phần thưởng của cuộc cạnh tranh đó là "ngôi vị" lãnh đạo độc tôn của phong trào jihad.
Trong cuộc cạnh tranh tầm ảnh hưởng này, việc IS đòi một khoản tiền chuộc lớn có thể được hiểu là sự leo thang của cuộc chiến tuyên truyền, sau khi al-Qaeda ở bán đảo Arab (AQAP) đứng ra nhận trách nhiệm về vụ các tay súng Hồi giáo hôm 7/1 tấn công tạp chí trào phúng Charlie Hebdo ở Paris, khiến 12 người thiệt mạng.
Trong khi cuộc tấn công vào Charlie Hebdo có thể giúp al-Qaeda khuếch trương "thanh thế", công khai ra yêu sách đòi tiền chuộc có thể là chiến lược mới của IS nhằm trở lại vị trí tâm điểm của truyền thông và lấy lại ảnh hưởng trong cộng đồng jihad , ông Lilli nhận định trong một bài viết trênTelegraph.
"Thiếu tiền"
Meg Wagner, cây bút của NYDailyNews cho rằng việc công khai đòi tiền chuộc có thể là dấu hiệu cho thấy nhóm cực đoan đang gặp khó khăn về tiền bạc.
Các chiến binh IS, vốn khét tiếng về bạo lực và tàn nhẫn, gần đây thả khoảng 200 con tin người Yazidi, phần lớn là người già. Động thái này có thể không xuất phát từ lòng từ bi. Các quan chức Iraq cho rằng IS có thể đang thiếu tiền và chỉ đơn giản là không muốn phải tiêu tốn chi phí nuôi và giam giữ tù nhân.
IS kiểm soát vùng lãnh thổ rộng lớn ở Syria và Iraq. Chúng thu lợi nhờ bán dầu thô qua chợ đen. David Cohen, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ hồi tháng 10/2014 cho biết IS kiếm được một triệu USD một ngày bằng cách bán dầu thô từ các mỏ dầu nhóm này chiếm dụng khi chúng càn quét các vùng ở Iraq và Syria.
Tuy nhiên, nguồn thu nhập của chúng hiện giờ có thể đã suy giảm. Giá dầu thế giới giảm hơn một nửa so với tháng 6 năm ngoái, xuống mức 50 USD/ thùng. Các cuộc không kích của Mỹ vào các mỏ dầu chúng chiếm tại Syria và Iraq có thể đã làm giảm sản lượng dầu của nhóm.
Đây có thể là nguyên nhân khiến IS phải chuyển qua hình thức kiếm tiền khác, đó là bắt cóc đòi tiền chuộc, một phương thức kiếm tiền chóng vánh của các tổ chức khủng bố. CBS News hồi tháng 8 đưa tin một công ty Thụy Điển phải trả hơn 70.000 USD để cứu một nhân viên bị IS bắt cóc.
Trong 5 năm qua, các tổ chức cực đoan ở Trung Đông gồm IS và các nhóm khác thu về khoảng 125 triệu USD nhờ các vụ bắt cóc, New York Times hồi tháng 8 đưa tin. Những khoản tiền này đến chủ yếu từ các nước châu Âu, nơi chính quyền có chính sách linh hoạt hơn về việc đàm phán với khủng bố.
Điểm yếu chí mạng
Tuy nhiên, IS chưa hẳn đã thật sự thiếu tiền vì chúng còn nhiều nguồn thu khác. Kể từ khi tuyên bố thành lập nhà nước, nhóm này tự ý áp đặt một số loại thuế, gồm cả đánh thuế xe tải đi qua đường cao tốc chính của khu vực.
Trong các vùng do chúng kiểm soát, những người không theo đạo Hồi bị chúng ra yêu sách, bắt phải trả phí "bảo kê" gọi là jizya. Ngoài ra, IS còn có nguồn thu từ nông nghiệp, điện, bông, nước, và bán cổ vật đánh cắp trên chợ đen.
Shiraz Maher, một chuyên gia về IS tại King's College London cho rằng với yêu sách mới nhất, IS muốn được công nhận là một quốc gia, đúng với tên gọi "nhà nước Hồi giáo" mà chúng tự xưng.
"Chúng giữ các con tin để thương lượng đòi tiền chuộc với chính quyền một số nước", ông Maher nói. "Việc đó không chỉ cho IS nguồn tài chính cần thiết mà còn là một sự xác nhận rằng, 'đúng vậy, chúng ta là một nhà nước, chúng ta tổ chức các cuộc gặp mặt và đàm phán với các quốc gia và lãnh đạo các nước khác'".
Cây bút Sam Kiley của Sky News nhận định đây chính là điểm yếu chí mạng của IS.
Theo Kiley, rất khó để triệt hạ al-Qaeda vì nhóm này nhấn mạnh vào hệ tư tưởng. Nhóm có nhiều chi nhánh và đang chơi một ván bài dài. Các chiến binh và những kẻ ủng hộ al-Qaeda mơ về sự trở lại của một đế chế Hồi giáo, kéo dài từ Tây Ban Nha đến Ba Tư, tuy nhiên, đây vẫn là một ý tưởng còn khá xa vời.
Trong khi đó, IS lại muốn có "thiên đường của riêng chúng trên mặt đất" ngay lập tức. Nhóm này tuyên bố chúng là một nhà nước và đúc đồng tiền riêng. Chúng còn có dịch vụ y tế và trường học. Để thực hiện được những điều này, chúng cần rất nhiều tiền và thương vụ làm ăn.
"IS muốn là một nhà nước thật sự hiện hữu, chứ không phải là một khái niệm hoặc tư tưởng. Điều này có nghĩa là chúng có thể bị tìm thấy và phá hủy", Kiley viết. "Và chúng sắp thêm Nhật Bản vào danh sách những quốc gia thực sự muốn diệt trừ chúng".
Phương Vũ
Theo VNE
Vì sao hộp đen máy bay AirAsia được ngâm trong nước ngọt sau khi vớt Sau khi hộp đen máy bay QZ850 được vớt lên từ biển Java, chúng lập tức được bỏ vào các thùng nước ngọt để đưa về thủ đô Indonesia phân tích. Thiết bị ghi dữ liệu hành trình của chuyến bay QZ8501 được đặt vào một thùng trong suốt chứa nước ngọt khi tới sân bay ở Pangkalan Bun. Ảnh: Channel News Asia....