Vì sao HLV Park Hang-seo và VFF trái chiều việc dẫn dắt U23 Việt Nam?
Vòng loại World Cup là cánh cửa tiến ra thế giới nhưng SEA Games là danh hiệu duy nhất còn thiếu. Thông cảm cho HLV Park Hang-seo nhưng lãnh đạo VFF cũng đang ở thế khó.
Chỉ dẫn dắt một trong hai đội: hoặc tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup 2022, hoặc U23 Việt Nam tại SEA Games 2019, HLV Park Hang-seo đã ra tối hậu thư cho những nhà lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF).
Vì sao ông Park chỉ muốn chọn một trong hai đội? Vì sao VFF cần cả hai đội tuyển chiến thắng?
Tranh luận về chuyện HLV Park Hang-seo (giữa) sẽ dẫn dắt tuyển quốc gia hay U23 Việt Nam đang là câu chuyện nóng của nền bóng đá.
Cái lý của HLV Park Hang-seo
Rất nhiều lần trong thời gian qua, HLV Park Hang-seo đã nói tới chuyện không muốn kiêm nhiệm cả hai đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam. Ngày 18/2, trước giờ lên máy bay trở lại Việt Nam, ông có cuộc trao đổi công khai với truyền thông Hàn Quốc. Thông điệp rõ ràng một lần nữa được phát đi. Ông nói: “Ở Việt Nam, họ muốn tôi huấn luyện cả hai đội, nhưng tôi chỉ muốn dẫn dắt một đội tuyển”.
Dẫn dắt hai đội tuyển là một chi tiết cực kỳ quan trọng và được ghi rõ trong hợp đồng của HLV Park Hang-seo ký với VFF hồi năm 2017. Nói thế để thấy, nếu không có những lý do thực sự nặng ký, ông Park sẽ không đi tới lời đề nghị.
Thứ nhất, hãy nói về khối lượng công việc.
Giống như năm 2018, 2019 vẫn là một mùa giải bận rộn của bóng đá Việt Nam. Đội tuyển quốc gia sẽ chơi 2 trận giao hữu theo lịch FIFA vào tháng 6, 6 trận vòng loại thứ hai World Cup 2022 vào cuối năm. Tổng cộng, đội tuyển tập trung 36 ngày, chơi 8 trận chính thức, kết thúc nhiệm vụ hôm 19/11.
Không tính U22 Việt Nam đang được dẫn dắt bởi HLV Nguyễn Quốc Tuấn, thầy Park sẽ bắt đầu làm việc cùng U23 Việt Nam từ tháng 3. Giải đấu đầu tiên là vòng loại U23 châu Á 2020. Thời gian tập trung và thi đấu kéo dài 17 ngày.
Khối lượng công việc đồ sộ của thầy Park nếu phải đảm đương cả hai đội tuyển quốc gia và U23.
Cuối năm, U23 Việt Nam tiếp tục tập trung cho SEA Games 2019 và vòng chung kết U23 châu Á 2020. Nếu đội tuyển đi tới trận chung kết, U23 Việt Nam sẽ hội quân ngày 20/11 và kết thúc hôm 27/1 năm sau. Trên hành trình đó, họ sẽ đá 16 trận trong 69 ngày.
Nếu dẫn dắt cả tuyển Việt Nam và U23 quốc gia trong năm 2019, HLV Park Hang-seo sẽ làm việc trong 11 tháng liên tục, tính từ ngày 18/2 tới 27/1/2020. Trong đó, ông có 105 ngày làm việc cường độ cao với các đội tuyển, dẫn dắt tổng cộng 24 trận chưa kể giao hữu.
Ở tuổi 60, đó là một cường độ lao động không tưởng. Lưu ý, năm ngoái, ông Park cũng phải cùng bóng đá Việt Nam dự 4 giải đấu lớn. Giảm tải cho HLV trưởng là lựa chọn bắt buộc của VFF.
Thứ hai, ông Park đã giành hạng tư World Cup trong chiến dịch 2002 lịch sử của bóng đá Hàn Quốc. Ông cũng từng là HLV trưởng U23 Hàn Quốc giành HCĐ ASIAD 2002, từng vô địch AFF Cup, vào tới tứ kết Asian Cup với bóng đá Việt Nam.
Vô địch AFF Cup rồi, Đông Nam Á không còn là đấu trường vừa tầm cho tham vọng của HLV Park Hang-seo.
Với từng ấy danh hiệu, ông không cần chứng minh bất kỳ điều gì ở Đông Nam Á nữa. Ê kíp của ông Park hiểu rằng một tấm HCV SEA Games, dù ấn tượng tới đâu, cũng không thể làm đẹp thêm bản CV hiện tại của chiến lược gia người Hàn Quốc. Giống như những cậu học trò Đặng Văn Lâm hay Nguyễn Công Phượng, họ chỉ còn quan tâm tới một điều: tiến ra châu lục.
Thứ ba, loạt trận quyết định vòng loại World Cup và giai đoạn đầu SEA Games cùng diễn ra trong tháng 11. Quá khó để ông Park có thể cân bằng và làm tốt cả hai nhiệm vụ.
Đặt đội tuyển Việt Nam ở vòng loại World Cup và U23 Việt Nam tại SEA Games lên bàn cân, HLV Park Hang-seo rõ ràng không thể chọn U23.
Dù rất xuất sắc, lứa Công Phượng và nhiều thế hệ trước đó đã thất bại trong việc chinh phục SEA Games.
Cái lý của bóng đá Việt Nam
Video đang HOT
Ai cũng hiểu đấu trường châu lục là sân chơi quan trọng hơn. Nhưng với bóng đá Việt Nam, mọi chuyện không đơn giản như vậy.
Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) ra đời năm 1959 tại Bangkok. Tính tới hôm nay, giải đấu đã có 60 năm lịch sử. Như HLV Park Hang-seo từng nói, “SEA Games là Olympic của Đông Nam Á”. Giải đấu này không chỉ quan trọng với bóng đá, nó một thời còn là kim chỉ nam của cả nền thể thao Việt Nam.
28 năm đã qua kể từ ngày tuyển Việt Nam trở lại SEA Games, bóng đá nam chưa một lần giành HCV. 5 trận chung kết, tuyển Việt Nam và sau này là U23 Việt Nam đều bại trận. Do đã 2 lần đăng quang AFF Cup, SEA Games trở thành danh hiệu đáng khao khát nhất của bóng đá Việt Nam. Nó vừa là niềm khát khao, vừa là nỗi day dứt đầy ám ảnh.
Với lứa 1997, bóng đá Việt Nam tràn đầy hy vọng chấm dứt “cơn khát vàng” tại SEA Games.
Càng ám ảnh thì càng muốn giành được, càng khát khao thì càng phải đầu tư. Trong cuốn tự truyện của mình, cựu thủ quân tuyển Việt Nam Lê Công Vinh kể rằng đội tuyển từng xin nghỉ ngơi tại vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008 để giữ sức đá SEA Games 2007. Ở một tình huống tương tự hồi năm 2013, HLV trưởng Hoàng Văn Phúc cũng lùi xuống dẫn dắt U23 Việt Nam dự SEA Games và trao quyền cầm quân tuyển quốc gia tại vòng loại Asian Cup cho trợ lý Nguyễn Văn Sỹ.
Mới đây thôi, trước thềm SEA Games 2017, Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức còn cay cú tới mức tuyên bố “không vô địch SEA Games thì nên từ chức hết”.
Hơn hai thập kỷ, từ Hồng Sơn tới Văn Quyến, Công Vinh, từ Alfred Riedl tới Henrique Calisto, tấm HCV SEA Games vẫn là nỗi ám ảnh của bóng đá Việt Nam.
Hiện tại cũng là bối cảnh không thể thích hợp hơn cho U23 Việt Nam giành lấy danh hiệu còn thiếu này. Ở Đông Nam Á hiện tại, không một đối thủ nào sở hữu lứa U23 mạnh mẽ như bóng đá Việt Nam.
Cơ hội trăm năm có một ấy, VFF không hề muốn bỏ lỡ.
VFF hiểu rõ sự khát khao danh hiệu vô địch SEA Games của người hâm mộ.
Đâu là giải pháp?
Vòng loại World Cup là cánh cửa đưa bóng đá Việt Nam tiến ra thế giới. Nhưng SEA Games là danh hiệu duy nhất chúng ta còn thiếu ở Đông Nam Á. Trước lựa chọn khó khăn ấy, thông cảm cho HLV Park Hang-seo nhưng chúng ta cũng hiểu được thế khó của lãnh đạo Liên đoàn.
Bản thân việc dẫn dắt hai đội tuyển vốn là một chi tiết trong hợp đồng. Dù muốn hay không, ông Park cũng phải chấp nhận.
Nhưng so với 2 năm trước, vị thế của thầy Park đã khác trước rất nhiều. Những thành công liên tiếp cùng bóng đá Việt Nam đặt ông Park ở một vị trí khác, một vị trí khiến ông có quyền yêu cầu và đòi hỏi. Đây rõ ràng là thời điểm cả hai bên phải ngồi lại, thấu hiểu khó khăn của nhau và cùng đối thoại.
Thực tế bóng đá Việt Nam cũng cho thấy, VFF từng nhiều lần phải xử lý tình huống tương tự. Một HLV nội như ông Hoàng Anh Tuấn – người đã hỗ trợ thầy Park tuyển quân cho U23 Việt Nam, một trợ lý như ông Lee Young-jin hay một HLV Hàn Quốc khác được giới thiệu bởi công ty đại diện, tất cả đều là những phương án không tồi.
Quan điểm đôi bên có thể khác nhau. Nhưng nếu HLV Park Hang-seo và VFF cùng nhìn về một hướng, câu hỏi nào cũng sẽ có đáp án.
Theo zing
Cựu danh thủ Aleksandar Duric: 'Bóng đá Việt Nam đã vượt tầm khu vực'
Dự doán của cựu tiền đạo nổi tiếng của Singapore rằng "2018 sẽ là năm của bóng đá Việt Nam" đã trở thành sự thật.
Cựu tiền đạo nổi tiếng của Singapore đã chia sẻ về thành công của bóng đá Việt Nam trong năm 2018, đồng thời phác họa bức tranh tổng quát về tình hình bóng đá Đông Nam Á trong tương lai gần.
Aleksandar Duric.
"Việt Nam đi đúng chuẩn thế giới"
- Lần gặp nhau trước, anh có nói với tôi "2018 sẽ là năm của bóng đá Việt Nam". Dự đoán ấy đã trở thành sự thật, khi Việt Nam khép lại năm 2018 với chức vô địch AFF Suzuki Cup. Dựa trên căn cứ và cơ sở nào, anh có suy nghĩ như vậy?
- Trong năm 2018, Việt Nam là đội bóng Đông Nam Á có thành tích tốt nhất khu vực. Các bạn chỉ dừng bước sớm ở hai giải U16 và U19 châu Á. Nhưng thú thật, tôi phải đợi tới sau Asiad 18 mới dám củng cố nhận định về Việt Nam.
Bóng đá trẻ ở châu Á là một "ẩn số" với không chỉ khán giả mà còn cả những nhà chuyên môn. Anh Abdul Rahman, cán bộ truyền thông của AFF từng bảo tôi: "Bóng đá trẻ châu Á thật điên rồ. Nay thắng mai thua, phong độ phập phù không thể dự đoán".
Ngay trong khu vực Đông Nam Á cũng có nhiều sự tréo ngoe. Malaysia đầu tư 20 triệu USD cho đội U16 nhưng bị loại ngay từ vòng bảng ở giải đấu tổ chức tại quê nhà, còn ĐTQG không được kỳ vọng lại thể hiện bộ mặt đầy tích cực. Indonesia chưa bao giờ có ĐTQG chơi tốt ở châu lục, nhưng các đội trẻ của họ mấy năm gần đây thường xuyên vào tứ kết giải châu Á.
Tôi đã ngờ ngợ không biết thành công của U23 Việt Nam tại Trung Quốc có phải kết quả ngắn hạn hay không. Nhưng tới Asiad 18, sau đó gần 8 tháng mà các bạn vẫn chơi nhuần nhuyễn, giữ được sự tỉnh táo và lì lợm thì chẳng còn nghi ngờ gì nữa.
- Là người làm chuyên môn, có nhiều năm kinh nghiệm quan sát dưới tư cách cầu thủ và nhà quản lý, anh đánh giá đâu là yếu tố giúp bóng đá Việt Nam đạt thành công vang dội trong năm 2018?
- Việt Nam đã dùng bộ khung của lứa U23 làm nòng cốt cho ĐTQG ở giải đấu quan trọng nhất năm, đó là sự "dũng cảm" của ông Park. Qua báo đài, tôi biết Việt Nam ở AFF Suzuki Cup vừa rồi có độ tuổi trung bình trẻ thứ 3, tiền lệ hiếm thấy ở những nền bóng đá khu vực muốn cạnh tranh danh hiệu.
Có thể ông Park đã thành công từ sớm với lứa U23 nên không muốn thay đổi, nhưng cũng có thể ông ấy tới từ một quốc gia khởi nghiệp như Hàn Quốc nên sẵn sàng phá bỏ các quy chuẩn thông thường. Trong một chiến dịch kéo dài 12 tháng, các cầu thủ trẻ Việt Nam luôn giữ được cái đầu lạnh và sớm trở thành nòng cốt của ĐTQG, ắt là lợi thế to lớn. Vì từ đây, trong 5-7 năm nữa, Việt Nam sẽ không phải lo lắng quá nhiều về tính ổn định và liên tục của nền bóng đá.
- Với bộ khung nhân sự mới này, anh có nghĩ đã đến lúc Việt Nam hướng tới những mục tiêu lớn lao hơn, ở sân chơi châu lục hay thậm chí là giấc mơ World Cup nếu FIFA tăng số đội từ 32 lên 48?
- Khi ông Park kiên định với những cầu thủ trẻ và gặt hái thành quả với lựa chọn ấy, nghĩa là ông ấy đã tạo ra một di sản chứ không dừng lại ở danh hiệu và thành tích.
Tất nhiên, có những khoảng cách thuộc về chiều dài lịch sử không thể san lấp trong vài năm. Còn quá sớm để nói Việt Nam hay bóng đá Đông Nam Á đứng ngang hàng các ông lớn châu Á, nhưng nghiêm túc mà nói, tầm vóc của Việt Nam đã vượt ra khỏi Đông Nam Á rồi. Riêng việc trao sinh mệnh của một nền bóng đá khao khát AFF Cup cho những cầu thủ sinh năm 1995 - 1997 đã là tư duy dũng cảm, đáng khen ngợi.
Nhìn nhận góc độ chuyên môn, các bạn càng phải mừng vì con đường của ông Park là đúng chuẩn thế giới. Châu Âu hay Nam Mỹ đâu coi 21 - 22 tuổi là trẻ nữa.
- Nhưng Thái Lan đã đi theo con đường này và xuất khẩu được một số cầu thủ tiêu biểu sang Nhật Bản (Chanathip). Có ý kiến cho rằng Việt Nam nên đi theo Thái Lan?
- Thái Lan đâu có thành tích gì ghê gớm ở châu lục để đi theo? (cười). Anh nghĩ tại sao ông Park lại khóc khi vô địch AFF Suzuki Cup dù trước đó, ông ấy là á quân châu Á và vào Top 4 Asiad?
Coi trọng AFF Suzuki Cup luôn là chiến lược đúng đắn với bất kỳ nền bóng đá Đông Nam Á nào. Khi anh làm tốt mục tiêu trong tầm tay thì anh mới có thể mơ về những cái xa hơn được. Không vô địch Đông Nam Á chắc chắn không thể tiến xa ở các giải đấu lớn hơn.
Triết lý là... Triết lý nào?
- Anh từng trả lời phỏng vấn một tờ báo của Việt Nam rằng Thái Lan vẫn là đội tuyển mạnh nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, kết quả ở AFF Suzuki Cup 2018 chỉ ra điều ngược lại?
- Bóng đá khó nói trước mà (cười). Thực ra khi xem lại toàn bộ giải đấu, tôi mới nhận ra một số điều. Rajevac là HLV giỏi, ta phải thừa nhận. Một HLV đi World Cup thì không thể nói là dở được.
Nhưng ông ấy có một thói quen thường thấy ở các HLV châu Âu khi sang Đông Nam Á làm việc, là mặc định những gì đúng đắn trong quá khứ sẽ tiếp tục là chỉ dẫn cho hiện tại.
Ví dụ thế này, ông Rajevac mang phong cách huấn luyện ở châu Phi vào Thái Lan. Tức là gặp đội yếu hơn thì chơi bóng ngắn áp đặt, gặp đội ngang cơ và mạnh hơn thì đá bóng dài. Cách chơi đó sẽ phát huy tối đa hiệu quả với những đội bóng châu Phi có tố chất thể lực hơn người, nhưng ở Thái Lan là không phù hợp.
Gặp Malaysia mạnh thể lực, lại mới nhập tịch tiền đạo gốc Phi, Thái Lan lẽ ra không nên lạm dụng bóng dài nhiều như vậy. Họ thừa khả năng đá ban bật phối hợp nhỏ, nhưng chọn cách tiếp cận sai lầm nên bị loại. Bắt một tiền đạo xuất thân ở Đông Nam Á hoạt động độc lập trong phần lớn thời gian trận đấu là sai lầm, dù anh ta có to khỏe đến đâu.
- Ý anh là, khả năng thích nghi môi trường là hạn chế của ông Rajevac?
- Chính xác. Đấy lại chính là điểm mạnh nhất của ông Park. Sự tùy biến và linh hoạt trong các điều chỉnh chuyên môn của ông Park đã được thừa nhận, tôi sẽ không nói nhiều nữa. Như việc dùng 8 đội hình trong 8 trận ở AFF Suzuki Cup chẳng hạn.
Một điểm mạnh hiếm thấy ở các HLV nước ngoài tới Đông Nam Á làm việc mà ông Park có được, là khả năng điều khiển cảm xúc ăn mừng sau mỗi bàn thắng và nhanh chóng trở lại trạng thái tập trung. Lúc lạnh lúc nóng, đấy là điều ít HLV nào làm việc tại Đông Nam Á có được.
Tôi có mặt ở giải giao hữu tổ chức ở Thái Lan năm ngoái và theo dõi 2 trận của Việt Nam. Chỉ là một giải đấu giao hữu nhưng ông Park luôn ăn mừng tất cả các pha lập công của học trò, dù tính chất trận đấu và ý nghĩa bàn thắng ấy không đáng kể. Các HLV châu Âu hiếm khi làm vậy, họ thậm chí còn "tỉnh bơ" trước các trận đấu "mặc định phải thắng".
Tôi thấy ông Park nắm bắt được tâm lý "vinh quang" là khái niệm xa xỉ với bóng đá Đông Nam Á, và ông ấy coi mỗi bàn thắng của cầu thủ là một chiến công cần được ghi nhận. Chẳng cầu thủ nào không chiến đấu hết mình khi có một người thầy như vậy ở cạnh.
- Năm 2008, Việt Nam lên ngôi nhờ sơ đồ 4-5-1, đề cao kiểm soát bóng và chuyền ngắn. 10 năm sau, HLV Park áp dụng chiến thuật 3 trung vệ, lấy phòng ngự là tiên quyết và phản công nhanh. Bóng đá kiểm soát hay bóng đá phản công, theo anh, mới là triết lý cho chặng đường phát triển lâu dài của bóng đá Việt Nam?
- Tôi nhấn mạnh lại ý "Linh hoạt là điểm mạnh nhất của ông Park". Thước đo của bóng đá là kết quả, và bóng đá là một đối tượng biến thiên theo thời gian. 10 năm trước cách chơi của ông Calisto là hay, nhưng 10 năm sau phương pháp của ông Park lại đúng. Biết đâu rằng sang năm, Việt Nam lại tiếp cận trận đấu với một cách khác thì sao?
Các lựa chọn của ông Park không cố định, nó phụ thuộc vào đối thủ là ai và trong tay đang có quân bài gì. Bóng đá thế giới từng chứng kiến thời đại của kiểm soát, rồi tới những năm huy hoàng của bóng đá phản công pressing. Không thể khẳng định triết lý nào sẽ dẫn lối thành công, chỉ có triết lý của từng HLV tại từng thời điểm khác nhau thôi.
Tiểu tiết thành đại sự
- Anh có vẻ khá "hứng thú" với lứa cầu thủ trẻ của Việt Nam. Cầu thủ hay nhất AFF Suzuki Cup 2018 là Nguyễn Quang Hải, 21 tuổi. Với những tố chất nổi bật, liệu Quang Hải có thể xuất ngoại và thành công giống Chanathip của Thái Lan?
- Để giành chỗ đứng tại Nhật Bản hay Hàn Quốc cần sự đồng lòng và hỗ trợ của cả một tập thể. Không chỉ là chuyện tài năng, mà còn cả vấn đề ngôn ngữ, tính cách, người thân ở cạnh.
- Với mắt nhìn của anh, Quang Hải vượt trội so với những người cùng trang lứa ở điểm nào?
- Tài năng của Quang Hải đã được kiểm chứng suốt từ giải đấu ở Trung Quốc rồi. Lối chơi của cậu ấy không giống Chanathip nên cũng khó so sánh, nhưng tôi đánh giá Quang Hải là cầu thủ có tư duy của người châu Âu, cực kỳ chuyên nghiệp.
- Cụ thể là thế nào?
- Những cầu thủ hàng đầu thế giới là tuýp người "tiểu tiết". Họ quan tâm tới tất cả các yếu tố tác động tới phong độ, từ bữa ăn giấc ngủ tới trang phục, giày dép thi đấu.
Tôi quan sát thấy Quang Hải sử dụng đôi giày màu cam từ đầu năm tới giờ. Không phải cậu ấy không đủ tiền đổi giày đâu, mà là đôi giày ấy phù hợp lối chơi, phục vụ Quang Hải tốt nhất.
Đó là đôi giày thiết kế nhằm tối ưu bước chạm một và những quả tỉa bóng, phần má giày tiết diện bè ra, còn mũi giày hơi nhọn để cú chích mũi đi trúng tâm bóng.
Các cầu thủ đẳng cấp rất chú ý điều này, vì đôi giày cũng giống như chân tay vậy. Giày bóng đá thường chia ra làm 4 loại gồm tốc độ, dứt điểm, chuyền bóng và đỡ bóng. Ai đá vị trí nào chọn giày đúng vị trí đó.
Đâu phải ngẫu nhiên Toni Kroos trong cả sự nghiệp chỉ đi một loại giày thậm chí đã dừng sản xuất của Adidas. Quang Hải là cầu thủ hiếm hoi tôi thấy ở Đông Nam Á biết chọn "phụ kiện" phù hợp. Lối đá của Quang Hải đi đôi giày thiết kế như vậy là phù hợp, nếu chọn những mẫu giày tốc độ rất nhẹ nhưng bó gót thì sẽ không phát huy được điểm mạnh, trong khi cậu ấy không phải cầu thủ quá nhanh.
- Nếu vậy, tôi có thể nghĩ "Việt Nam thành công nhờ chú ý tới tiểu tiết"?
- Cử chỉ, bộc lộc cảm xúc của ông Park hay câu chuyện của Quang Hải, đấy đều là "tiểu tiết". Các HLV, cầu thủ giỏi trên thế giới là những người luôn cố gắng hoàn thiện từng chi tiết nhỏ nhất. Vì sai sót có thể xảy ra ở bất kỳ đâu, mà thường là ở những nơi "không ngờ" nhất.
Việc điều chỉnh nhân sự ở trung tâm hàng tiền vệ trong hai trận chung kết của Việt Nam là ví dụ điển hình. Tôi cũng không biết tiền vệ số 29 (Huy Hùng) là ai, vì mãi tới hai trận quan trọng nhất giải cậu ấy mới xuất hiện.
Malaysia giải vừa rồi có tiền vệ số 14 (Kutty Abba) rất hay nên họ kiểm soát bóng cực tốt. Nhưng khi ông Park đưa cầu thủ số 29 vào sân, tôi đã hiểu tại sao ông ấy lại thành công.
Huy Hùng là mẫu tiền vệ trụ cực hiếm của bóng đá khu vực, là kiểu chơi thấp nhất hàng tiền vệ như Busquets. Tôi biết so sánh là khập khiễng, nhưng một tiền vệ có tư duy chuyển đổi trạng thái trò chơi từ công sang thủ giống vậy là "của hiếm".
Bước nhận bóng quay người là tối quan trọng với tiền vệ điều phối, vì động tác ấy sẽ quyết định anh ta có thể mở ra một tình huống phản công hoặc giúp đội nhà thoát pressing hay không. Huy Hùng có cái "lắc hông" đặc trưng, động tác "nhứ người" khiến tiền vệ của Malaysia không dám áp sát vì sợ lỡ trớn. Nói dễ hiểu, là ngay cả khán giả ngồi nhà xem tivi cũng không đoán được cậu ấy sẽ đỡ bóng, luân chuyển bóng sang bên nào.
Nắm rõ ưu điểm của từng cầu thủ và đưa ưu điểm ấy vào từng trận đấu chính là khả năng "đọc vị" của ông Park. Anh không phù hợp với đối thủ này không có nghĩa là anh không thể đá chính trước đối thủ khác.
- Một thắc mắc giới mộ điệu đặt ra cho HLV Park, là liệu ông ấy có thể thật sự tạo dựng một "triều đại" tại ĐT Việt Nam không, ít nhất là không dừng lại ở các hợp đồng làm việc ngắn hạn?
- Cần nhìn vào tính cách của ông Park để giải đáp câu hỏi này. Ngày xưa, ông Avramovic từng dẫn dắt Singapore tới 9 năm, một trường hợp hiếm thấy ở Đông Nam Á. Tôi thấy HLV Park có nhiều giao điểm với HLV Avramovic, điển hình là sức chịu đựng và tính kiên định.
Chẳng hạn, văn hóa Đông Nam Á là nếu thắng bị bảo là may, còn thua đương nhiên là kém. Tức là, kiểu nào cũng bị chê. Vì vậy, rất nhiều HLV tới Đông Nam Á chỉ đạt được thành công ngắn hạn, vì sau thành công ấy, các quyết định của họ bị chi phối bởi dư luận quá nhiều, thay vì kiên định với chiến lược và mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, ông Park không hề dao động sau thành công ở Trung Quốc, và xuyên suốt 1 năm thi đấu, quan điểm chiến thuật của ông ấy đều xuất phát từ lý do chuyên môn.
Với tôi, HLV Park Hang Seo và bóng đá Việt nam sẽ còn gặt hái nhiều thành tích hơn nữa trong tương lai.
Theo Cẩm Chi/Báo Bóng Đá
HLV Park: 'Không thể hoãn vòng loại U23 châu Á để gặp Hàn Quốc' Chia sẻ với báo giới Hàn Quốc trước khi quay lại Việt Nam, HLV Park Hang-seo khẳng định vòng loại World Cup 2022 và SEA Games là 2 mục tiêu lớn trong năm 2019. Chiều nay (18/2), HLV trưởng tuyển Việt Nam Park Hang-seo lên đường trở lại Hà Nội để bước vào mùa giải mới cùng bóng đá Việt Nam. Năm 2019,...