Vì sao HLV Mai Đức Chung thành công: Tất cả bí quyết gói gọn trong một chữ!
“Tôi cũng từng làm bóng đá nữ nên tôi biết mình không làm lâu dài được, tính mình nóng nảy”, cố HLV Lê Thụy Hải từng nói khi nhận xét về người đồng nghiệp Mai Đức Chung.
BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG
Trong suốt sự nghiệp huấn luyện của mình, cố HLV Lê Thụy Hải chỉ làm phó cho một người. Đó là HLV Mai Đức Chung.
“Anh Hải hơn tuổi tôi, anh em rất tôn trọng và quý mến nhau. Hồi chúng tôi còn thi đấu, chia nhau từng miếng ăn. Sau này, khi tôi làm HLV đội Tổng cục Đường sắt, anh Hải làm phó cho tôi. Anh ấy cũng làm phó cho tôi ở tuyển Việt Nam hồi năm 2008, dự Merkeda Cup.
Thực ra anh Hải không kém tôi, thậm chí còn hơn rất nhiều. Anh em tôi ai làm cũng vậy, đều cùng nhau gánh vác chứ không phân biệt phó hay trưởng. Cũng vì hiểu nhau trong nghề, tôn trọng nhau nên ngoài đời càng quý mến, thân thiết”, HLV Mai Đức Chung từng tiết lộ với truyền thông về câu chuyện này.
Nên nhớ rằng vào thời điểm năm 2008, ông Hải “lơ” đang cầm quân ở B.Bình Dương và vừa vô địch V.League hai mùa liên tiếp. Danh tiếng và năng lực đã được khẳng định, ấy vậy mà một người có cá tính mạnh như ông Lê Thụy Hải lại chấp nhận lên làm phó cho HLV Mai Đức Chung.
Chỉ điều như vậy thôi cũng cho thấy cái tình mà ông Hải “lơ” dành cho người bạn, người đồng nghiệp bao năm của mình. Vậy điều gì ở ông Mai Đức Chung lại khiến ông Lê Thụy Hải nể phục đến vậy?
HLV Lê Thụy Hải làm trợ lý cho HLV Mai Đức Chung tại Merdeka Cup 2008. Đây là giải đấu mà U22 Việt Nam đã xuất sắc giành chức vô địch. (Ảnh: VFF)
Kể lại với chúng tôi trong cuộc trò chuyện cách đây ít năm, HLV Lê Thụy Hải giãi bày:
“Tiếp xúc với Mai Đức Chung, chúng ta ai cũng sẽ thấy đây là một con người rất điềm đạm, biết cách lắng nghe. Đặc biệt về sự kiên nhẫn có lẽ khó ai bằng được. Khi chuyển sang làm HLV, anh Chung có lợi thế khi bản thân vốn đã là một cầu thủ tốt, cộng với mong mỏi được theo nghề huấn luyện vốn đã có sẵn trong anh ấy rồi.
Về phong cách, HLV Mai Đức Chung là một người chu đáo. Tôi từng làm trợ lý cho anh ấy ở đội Đường sắt nên rất hiểu. Anh Chung kĩ tính, chỉn chu lắm. Đó là những điều tôi có khi không có được. Việc gì cũng chi tiết, cụ thể nhưng đồng thời lại vô cùng chu đáo, gần gũi, nắm bắt được tâm lý VĐV. Yếu tố đó giúp anh ấy có thể thành công được cả với bóng đá nam và nữ”.
Ông Hải “lơ” nhấn mạnh: “Một chữ để nói về bí quyết thành công của anh Chung với bóng đá nữ, tôi sẽ dùng chữ “Nhẫn”. Tôi cũng từng làm bóng đá nữ nên tôi biết mình không làm lâu dài được, tính mình nóng nảy. Còn nói thật trong công việc có lẽ chúng ta không phải bàn quá nhiều nữa, bởi chỉ nhìn vào những thành tích đạt được đã đủ hiểu tài năng của HLV Mai Đức Chung là như thế nào”.
ĐƯỢC CHỌN DẪN ĐỘI TUYỂN NỮ VÌ KHÔNG… NÓI BẬY
HLV Mai Đức Chung thành công rực rỡ với bóng đá nữ, nhưng cái duyên đưa ông đến với con đường này cũng thật bất ngờ.
Mọi thứ bắt đầu vào năm 1997 khi VFF thành lập đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam để lần đầu tiên tham dự SEA Games. Nhiều ứng viên đã được tính tới cho ghế HLV trưởng nhưng bóng đá nữ ở Việt Nam thưở ấy còn quá sơ khai VFF đắn đo mãi chưa mà chưa dám quyết ai.
Trong hoàn cảnh đó, Phó Chủ tịch VFF kiêm Trưởng ban các ĐTQG Lê Thế Thọ đã nhớ tới ông Mai Đức Chung. Sau này kể lại với truyền thông, ông Thọ tiết lộ một trong những lý do quan trọng cho quyết định này là việc ông Chung không… nói bậy bao giờ.
“Mai Đức Chung là người mềm mại, nhã nhặn, hiền lành, ăn nói có chừng mực nên tôi nghĩ là thích hợp để huấn luyện các cầu thủ nữ, vì lúc đó bóng đá nữ còn mới quá nên chưa có HLV nào có kinh nghiệm như vậy. Tất nhiên trong huấn luyện bóng đá thì lúc căng thẳng có thể quát tháo, mắng mỏ, nhưng lúc bình thường thì cần phải nhẹ nhàng, điềm đạm. Chung là học trò của tôi từ khi còn là cầu thủ nên tôi biết rõ Chung lắm”.
“Một lý do quan trọng nữa khiến tôi tiến cử Mai Đức Chung là vì Chung không… nói bậy bao giờ, mà cái này với các cầu thủ nữ thì quan trọng lắm”, ông Lê Thế Thọ kể lại với Tiền Phong vào năm 2008.
HLV Mai Đức Chung luôn nhận được sự quý mến của đồng nghiệp cũng như các cầu thủ.
SỰ TINH TẾ CỦA HLV MAI ĐỨC CHUNG
Còn nhớ trong cuộc trò chuyện với chúng tôi cách đây ít lâu, HLV Mai Đức Chung đã có những trải lòng về việc làm bóng đá nữ. Ông chia sẻ:
“Chuyển từ bóng đá nam sang bóng đá nữ tất nhiên tôi phải có những điều chỉnh về phương pháp huấn luyện cho phù hợp hơn. Ngoài ra còn một điều tế nhị nằm ở sự khác biệt sinh lý nữa.
Cầu thủ nam chỉ đau ốm, chấn thương thì nghỉ, còn với nữ họ còn có “ngày đèn đỏ” nữa. Mình cũng phải xem xét sự ảnh hưởng của chuyện đó để tính toán nhân sự, bởi nó là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới thể trạng, phong độ của cầu thủ”.
Ông Chung nói tiếp: “Ngoài ra bóng đá nam có những xung đột như thế nào thì bóng đá nữ đều có cả. Với bóng đá nam, cầu thủ có xích mích, va chạm, thậm chí đánh nhau nhưng sau đó họ có thể bắt tay giải hòa luôn nhưng ở bóng đá nữ mọi thứ diễn ra âm ỉ hơn nhiều, họ không thể hiện rõ ra bên ngoài.
Tôi vẫn nhớ năm 1997 có một trường hợp hai người tuy cùng ở tuyển nhưng lại không chơi với nhau, có khúc mắc riêng, ra sân họ không hỗ trợ nhau. Cả hai cùng đá cánh phải, một người hậu vệ, một người tiền vệ. Sau một vài tình huống tôi bắt đầu phát hiện ra vấn đề. Bạn nữ tiền vệ lên tấn công rất tốt nhưng đến khi đội phòng ngự lại không chịu lùi về, cứ đứng ở giữa sân thôi. Tôi lập tức ra chỉ đạo chấn chỉnh và đến khi trận đấu kết thúc liền gọi hai cầu thủ đó lại nói chuyện.
“Nếu các cháu cứ như thế này, trước hại bản thân cháu, sau là hại cả đội, cần phải sửa đổi ngay. Cháu có công nhận điều đó với bác không?”, tôi chỉ hỏi nhẹ nhàng như thế và bạn ấy ngay lập tức nhận khuyết điểm.
Cùng với những lời động viên, mình cũng phải kèm theo động thái cứng rắn, khẳng định sẵn sàng loại cầu thủ đó ra khỏi đội nếu vẫn tiếp tục duy trì thái độ đó. Mình kết hợp vừa mềm mỏng vừa cứng rắn, nhắc nhở về vấn đề chuyên môn để cầu thủ hiểu ra vấn đề.
Cầu thủ nữ họ có nhiều điều tế nhị, nên muốn tạo ra sự công bằng, sòng phẳng, tôi muốn gặp gỡ nhắc nhở cầu thủ nào đều làm ở ngay trên sân. Như thế để cho tất cả những cá nhân khác nhìn vào và hiểu rằng mình không hề có sự ưu ái riêng nào cả. Chứ nếu mình gặp riêng ở đâu đó hoặc nói chuyện ở trong phòng với họ, những người khác có thể sẽ đặt nghi kị về việc mình có ý gì đây mà lại làm thế. Mọi thứ đều phải hành xử hết sức tinh tế để tránh những hiểu lầm không đáng có”.
Việt Nam 2-1 Đài Bắc Trung Hoa | Asian Cup nữ 2022
Người hùng ĐT nữ Việt Nam trải lòng: Hoảng loạn khi nhiễm Covid-19, sau tất cả chỉ muốn về ôm mẹ
Nguyễn Thị Bích Thùy là người ghi bàn thắng ấn định tỷ số 2-1 cho ĐT Việt Nam trong trận playoff tranh vé dự World Cup nữ 2023 với Đài Bắc Trung Hoa.
Để có thể làm nên kỳ tích đó, Bích Thùy đã trải qua rất nhiều gian khó, thậm chí có những lúc tưởng chừng cô đã gục ngã khi mắc Covid-19.
PV: Bích Thùy có thể chia sẻ cảm xúc của mình lúc này khi vừa cùng đội tuyển Nữ Việt Nam giành vé tham dự VCK World Cup cách đây ít ngày?
Bích Thùy: Điều ước của tôi đã thành hiện thực, cảm xúc của tôi rất khó diễn tả, lâng lâng và muốn vỡ tung ra. Suốt sự nghiệp cầu thủ, tôi vẫn luôn khao khát được đến với giải đấu lớn như World Cup 2023.
- Là một trong những cầu thủ đã mắc Covid-19, Bích Thùy có thể chia sẻ về nỗ lực của mình để trở lại trong trận đấu quyết định với Đài Bắc Trung Hoa?
Bích Thùy: Bản thân tôi và toàn đội cũng không may mắn khi vẫn vướng phải dịch bệnh tại Tây Ban Nha. Thực ra chúng tôi cũng gặp vấn đề về tâm lý, sắp tới giải rồi, bao sự chờ đợi, cơ hội và chuẩn bị để giành vé để World Cup có thể đổ bể. Hơn nữa, lứa cầu thủ này cũng đã có tuổi rồi, nhưng đội tuyển nữ Việt Nam cũng đã vượt qua tất cả.
Lúc ấy, có hơn nửa đội mắc Covid-19 phải ở Tây Ban Nha. Tôi là một trong 6 cầu thủ được sang Ấn Độ nhưng rồi chính tôi lại có kết quả xét nghiệm PCR dương tính. Tôi cũng hơi hoảng sợ, nhưng với sự quan tâm của lãnh đạo LĐBĐVN, ban huấn luyện tuyển nữ Việt Nam khiến sự lo âu vơi đi.
Ảnh: Getty
- Vậy vào thời điểm ấy, Thùy làm cách nào để vượt qua tất cả?
Bích Thùy: Tôi luôn giữ liên lạc với gia đình, tôi dù hơi hoảng loạn nhưng vẫn cố gắng vui vẻ thoải mái để gia đình không lo lắng. Tôi kể về gia đình về sự quan tâm của mọi người trong đội, gia đình tôi cũng yên tâm hơn.
Trong thời điểm cách ly, tôi nhớ mẹ và gia đình. Khi theo đuổi bóng đá, thành công hay thất bại thì đều là gia đình tôi ở bên. Lúc đó tôi rất mong có mẹ ở bên, nhưng những lời động viên của mẹ giúp tôi vượt qua. Hơn nữa, bác Mai Đức Chung và trưởng đoàn Trương Hải Tùng rất quan tâm đến các vận động viên.
- Thùy có nhớ mình còn bao nhiêu ngày để chuẩn bị cho giải không?
Bích Thùy: Tôi là vận động viên thể thao, thường xuyên vận động mạnh. Trong 10 ngày đó, tôi bị nhốt mình trong phòng, tôi khao khát được ra sân. Khi có kết quả âm tính, tôi muốn hét lên để giải toả. Thể trạng của mỗi người mỗi khác, tôi mất khá nhiều thời gian mới có thể bình phục. Phải đến chiều ngày 26.1 thì tôi mới có kết quả âm tính, trưa hôm sau tôi được chạy nhẹ 20 phút ở phòng gym và ngày tiếp theo tôi vào sân luôn.
Ảnh: Getty
- Chơi bóng với thể trạng chưa tốt, Thùy có lo lắng không?
Bích Thùy: Khi mắc Covid-19 thì vẫn rất mệt, đặc biệt là việc hô hấp khi vận động mạnh thì khá khó khăn, nhưng tôi vẫn luôn lạc quan và cố gắng, có cơ hội vào sân là chơi hết mình. Tôi và toàn đội luôn nghĩ về mục tiêu VCK World Cup.
- Bích Thùy đã tập luyện thế nào cho tình huống ghi bàn vào lưới Đài Bắc Trung Hoa?
Bích Thùy: Sở trường của tôi là đá tiền vệ biên, đội TP.HCM đào tạo tôi xử lý những tình huống này như thế nào. Thực ra tôi ghi bàn rất nhiều lần ở những tình huống như vậy, khi có cơ hội tôi sẽ làm được. Tôi biết mình phải xâm nhập vòng cấm ra sao, khống chế bóng và dứt điểm như thế nào.
- Cảm xúc của Thùy thế nào khi ghi bàn và khi kết thúc trận đấu?
Bích Thùy: Giải đấu lần này không ai đạt được 100% phong độ. Bản thân tôi chưa có được khả năng tốt nhất, nhưng bù lại tôi rất khát khao để ghi bàn. Trong lúc bị gỡ hòa thì tuyển nữ Việt Nam càng khát khao hơn. Khi ghi bàn, tôi giải tỏa được tâm lý cho mình và đồng đội. Thật sự rất khó diễn tả thành lời, tôi chưa bao giờ ghi bàn mà không kìm hãm cảm xúc được như thế. Trước khi tiếng còi kết thúc vang lên, tôi ở bên ngoài cầu nguyện từng giây từng phút, nước mắt khi ấy tự chảy. Hôm nay, chúng tôi đã có thể nói rằng tuyển nữ Việt Nam được.
Thực ra đây là một giải đấu vô duyên với tôi, hai giải châu Á lần trước tôi đều gặp chấn thương. Lần này thì ngồi ngoài vì Covid-19, tôi luôn khát khao để ghi bàn và giúp đội. Khi cơ duyên đến thì tôi sẽ tận dụng, tôi không thể diễn ra thêm điều gì, thật khó để nói.
Ảnh gốc: AFC
- Nhìn chặng đường đã qua, đâu là kỉ niệm đáng nhớ đối với Thùy?
Chúng tôi có nhiều kỉ niệm, nhưng khó quên nhất là ngày nhận hung tin hơn nửa đội dính Covid-19. Khi ấy, chúng tôi cảm giác mình đã xuống tới đáy, bởi Covid-19 sẽ tàn phá sức khỏe rất nhiều, mình thì lại nằm ở bảng đấu rất nặng. Có lúc chúng tôi muốn từ bỏ, nhưng khi tâm lý đã bình ổn thì tất cả tự động viên lẫn nhau, phải làm gì để vượt qua dịch bệnh. Tôi chỉ mong cho tất cả đồng đội ở Tây Ban Nha có kết quả âm tính.
- Bóng đá đến với Bích Thùy như thế nào?
Bích Thùy: Năm lớp 9, tôi chỉ tham gia giải thể thao ở trường, một thầy của tôi quen đã đến gia đình tôi thuyết phục cho tôi thử sức tại TP.HCM, khi ấy tôi được nhận ngay. Nhưng tôi chưa từng nghĩ mình sẽ chơi sân lớn bởi tôi chỉ đá sân nhỏ ở trường. Rồi tôi cũng buồn khi phải xa bà nội, nên được 1 tuần là tôi về. 1 tháng sau thì các huấn luyện viên gọi mời vào lại, nhưng ba tôi động viên tôi tiếp tục, nhưng rất buồn khi ba đã mất nên không thể chứng kiến thành công. Mọi người vẫn hay nói tôi rất kiên cường. Tôi luôn có mục tiêu bước đi từng bước, có lúc tôi còn không biết việt vị là gì. Ngày tôi lần đầu khoác áo ĐTQG Việt Nam cũng là ngày ba mất.
- Ít người biết rằng Bích Thùy là ngôi sao ở vị trí của mình, bạn có chạnh lòng không?
Bích Thùy: Tôi cũng hơi chạnh lòng, bởi ít người xem bóng đá nữ lắm. Những vị trí như tôi dễ dàng bị lu mờ, nhưng tôi cũng vẫn thoải mái. Khi mình chưa được mọi người nhìn nhận thì phải cố gắng nhiều hơn để mọi người biết tới.
- Bích Thùy muốn nói gì với ba của mình?
Bích Thùy: Ngày ba mất, tôi cũng không thể về, nhưng tôi nghĩ ba luôn bên cạnh mình. Tôi luôn nghĩ ba sẽ ở bên mình từ Tây Ban Nha đến Ấn Độ. Tôi còn tự nhủ rằng ba sẽ cầu nguyện cho mình để hoàn thành giấc mơ World Cup. Bước ra sân, tôi nhìn lên trời và cầu nguyện ba sẽ bên mình. Nếu ba còn sống, tôi sẽ nói rằng "con làm được rồi". Trước khi ra nước ngoài thi đấu, tôi được về nhà 3 ngày thăm gia đình, tôi nói muốn ở nhà với ba. Không ai nói cho tôi biết ba gặp bạo bệnh. Ba ước tôi mặc áo đội tuyển có lá cờ Việt Nam. Bóng đá đánh đổi nhiều nhưng mang lại cũng nhiều điều, tôi vẫn may mắn hơn rất nhiều người. Ngày trước còn ba thì ba hay tâm sự hôm nay đá thế này thế kia, nhưng bây giờ mẹ hay chị gái thay ba làm điều này, không sâu sắc như các HLV nhưng là sự động viên.
- World Cup là ước mơ của rất nhiều cầu thủ, vậy Bích Thùy và đội tuyển sẽ chuẩn bị điều gì?
Bích Thùy: Đây là giải đấu rất lớn, tuyển nữ Việt Nam luôn giữ vững một tinh thần vững chắc, quyết tâm cao trước khi bước vào giải đấu. Khi đối mặt với các đội bóng ở tầm thế giới, chúng tôi tiếp sẽ cố gắng thật nhiều như cách mình đã làm ở Asian Cup 2022.
- Vậy mục tiêu của Bích Thùy là gì ở kì World Cup sắp tới?
Bích Thùy: Trước tiên, thì chúng tôi sẽ hướng đến SEA Games trước rồi mới hướng tới World Cup 2023. Chúng tôi phải nỗ lực cố gắng rất rất nhiều bởi đối thủ ở đẳng cấp khác, toàn đội chưa bao giờ chạm tới. Chúng tôi sẽ cho mọi người thấy tuyển nữ Việt Nam xứng đáng đến World Cup.
- Khi trở về Việt Nam, điều đầu tiên bạn muốn làm gì?
Bích Thùy: Tôi muốn về thăm gia đình, về ôm mẹ một cái. Điều đầu tiên tôi muốn về nhà ngay lập tức. Vì dịch Covid-19 nên 1 năm qua tôi gần như chưa về nhà. Đó là mong muốn duy nhất. Tôi có thể mạnh mẽ nhưng cũng nhiều lúc tủi thân. Giờ tôi muốn về gia đình ngay lập tức.
Ảnh gốc: AFC/ Báo Quảng Ngãi
- Sau thành công này, Bích Thùy có thể chia sẻ mong muốn của mình khi trở về Việt Nam?
Bích Thùy: Điều ước đơn giản đầu tiên là điều ước về sức khoẻ, để chúng tôi có thể trở về quê nhà bình an. Xa hơn, chúng tôi mong người hâm mộ Việt Nam, các nhà tài trợ có thể ghi nhận nhiều hơn sự cống hiến của các cầu thủ nữ. Tiền bạc, vật chất không phải là tất cả, nhưng các cầu thủ nữ vẫn rất mong có được sự động viên.
- Đầu năm mới, Thùy muốn chia sẻ điều gì?
Bích Thùy: Trong năm mới, chúng ta muốn nói về tiếng cười niềm vui, chúc tất cả người dân Việt Nam một năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý. Cầu mong sức khỏe của gia đình, người thân và tất cả mọi người sẽ thật tốt, đại dịch Covid-19 qua đi.
Tiết lộ câu nói giúp tuyển nữ Việt Nam giành vé đi World Cup 2023: "Cứ đá đi bác sẽ chịu trách nhiệm hết" HLV Mai Đức Chung chia sẻ về hành trình khó khăn giành vé World Cup nữ 2023 của tuyển nữ Việt Nam và cách mà ông đã khích lệ các học trò của mình trong buổi trả lời báo chí ngày 7/2. Đã 2 ngày kể từ khi tiếng còi kết thúc trận đấu tuyển nữ Việt Nam thắng tuyển nữ Đài Bắc...