Vì sao Hillary Clinton mặc trang phục màu trắng trong đại hội đảng Dân chủ
Sự lựa chọn màu sắc trang phục của bà Hillary Clinton được cho làm nhằm mang đến thông điệp về nữ quyền.
Bà Hillary Clinton trong đại hội đảng Dân chủ Mỹ ngày 28/7. Ảnh: Reuters
Ngày 28/7, khi bà Hillary Clinton chính thức trở thành ứng viên tổng thống đại diện cho đảng Dân chủ, tất cả ánh mắt đều đổ dồn vào bà khi bà mặc bộ vest màu trắng, tương phản hoàn toàn với nền màu xanh phía sau.
Theo Guardian, màu trắng là màu chính thức của phong trào phụ nữ, cùng với màu xanh lá cây, vàng và tím. Trong những năm 1900, những phụ nữ đòi quyền bầu cử ở Mỹ được khuyến khích tham dự các cuộc tuần hành khi mặc trang phục màu trắng.
Valerie Steele, giám đốc Bảo tàng tại Viện Công nghệ Thời trang (FIT) ở thành phố New York, nói rằng việc bà Clinton sử dụng màu trắng để gây liên tưởng đến phong trào phụ nữ đòi quyền bầu cử có ý nghĩa rất to lớn.
“Đây là cách sử dụng quần áo để truyền thông điệp thông qua thị giác. Không phải ai cũng biết những người phụ nữ đòi quyền bầu cử trong quá khứ thường mặc đồ trắng, nhưng một khi họ đã biết, điều đó càng củng cố tầm quan mang tính lịch sử khi bà Hillary có khả năng trở thành nữ tổng thống Mỹ đầu tiên”, Steele nói.
“Theo quan niệm phương Tây, màu trắng mang ý nghĩa về sự tinh khiết và đức hạnh, đại diện cho người tốt”, Steele nói. “Chắc hẳn những phụ nữ đòi quyền bầu cử năm xưa cũng có dụng ý thể hiện điều đó. Họ muốn cho thấy họ cũng là những công dân tốt, vậy thì tại sao họ không có quyền bầu cử?”.
Những phụ nữ đòi quyền bầu cử ở New York năm 1912. Ảnh: AP
Video đang HOT
Năm 1984, khi Geraldine Ferraro chấp nhận đề cử là nữ phó tổng thống đầu tiên tại đại hội đảng Dân chủ ở San Francisco, bà cũng mặc trang phục màu trắng.
Sự lựa chọn trang phục của bà Clinton không chỉ vì thông điệp mang tính biểu tượng. Hazel Clark, chủ tịch nghiên cứu của trường thiết kế Parsons tại New York, cho rằng bà Clinton có những hạn chế nhất định khi lựa chọn trang phục.
“Bà ấy đã có phong cách ăn mặc của riêng mình, nên không thể chọn một bộ trang phục quá khác phong cách mọi khi”, Clark nói.
“Nếu bà ấy mặc một chiếc váy dài thì sao? Hoặc một chiếc váy ngắn? Như thế sẽ bị coi là chưa đủ nghiêm trang. Bà ấy cũng không thể trông quá nữ tính vào đêm đó. Ở một mức độ nào đó, bà ấy phải hiện lên mạnh mẽ giống như một người đàn ông”, Clark nhấn mạnh.
Steele thì chỉ ra sức hấp dẫn của bộ trang phục mà bà Hillary Clinton mặc. “Giữa biển bóng bay màu sắc, bà ấy là tâm điểm của sự chú ý, một nữ anh hùng. Đó là thông điệp mà bà ấy truyền đi, một cách trực quan, biểu tượng”.
Phương Vũ
Theo VNE
Michelle Obama - đòn bẩy có thể đưa Hillary Clinton tới Nhà Trắng
Tiếng nói ủng hộ của đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama có thể là chiếc chìa khóa giúp bà Hillary Clinton mở toang cánh cửa vào văn phòng tổng thống Mỹ.
Bà Michelle Obama hôm qua phát biểu tại đại hội toàn quốc đảng Dân chủ. Ảnh:AFP
Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama hôm 25/7 có bài phát biểu gây tiếng vang tại đại hội toàn quốc đảng Dân chủ diễn ra ở Philadelphia, bang Pennsylvania. Không hề nhắc tới tên tỷ phú Donald Trump nhưng bằng những lời lẽ đầy ẩn ý của mình, bà Obama đã giáng một đòn mạnh mẽ vào uy tín của ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa, theo CNN.
Bà lên án "thứ ngôn ngữ hận thù" mà người dân Mỹ phải nghe từ "những người của công chúng trên TV". Ông Trump từng giữ vai trò "chủ xị" cho một chương trình truyền hình thực tế mang tên "Người tập sự" (The Apprentice), nơi câu nói cửa miệng nổi tiếng của ông là "Bạn đã bị sa thải".
Công kích khẩu hiệu "khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại" trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, phu nhân tổng thống Mỹ nhắc tới việc bà nuôi dạy con cái mình ở Nhà Trắng, nơi được xây dựng bởi những người nô lệ.
"Đừng để bất kỳ ai nói với bạn rằng đất nước này không tuyệt vời. Ngay lúc này, đây chính là quốc gia tuyệt vời nhất thế giới", bà nhấn mạnh.
Kết thúc bài diễn văn, bà Obama kêu gọi tất cả mọi người "dốc cạn nhiệt huyết, sức mạnh và tình yêu đối với đất nước để bầu cho bà Hillary Clinton trở thành tổng thống Mỹ".
Giới chuyên gia đánh giá những câu chuyện mà đệ nhất phu nhân Obama chia sẻ trên sân khấu lớn tại đại hội đảng Dân chủ sẽ có tác động đáng kể tới chiến dịch tranh cử của bà Clinton. Nhiều người lạc quan cho rằng bà Obama chính là nguồn động lực giúp cựu ngoại trưởng Mỹ giành chiến thắng trên đường đua vào Nhà Trắng.
Ngay cả ông Trump, người bị đệ nhất phu nhân Mỹ ngầm chỉ trích, cũng phải lên tiếng bày tỏ sự thán phục đối với bà.
"Bài phát biểu của bà Obama thật xuất sắc", nhà tài phiệt New York nói với kênh Hollywood Reporter. "Theo tôi, bà ấy đã làm rất tốt. Tôi thích bài phát biểu đó".
"Từ một người miễn cưỡng xuất hiện trước công chúng, phu nhân Obama đã đến đây đêm nay và chinh phục sân khấu này theo một cách thật phi thường, và tôi nghĩ chưa ai làm được cho Hillary Clinton nhiều như bà ấy", David Axelrod, chiến lược gia hàng đầu cho ông Barack Obama trong chiến dịch tranh cử hồi năm 2008, bình luận.
Symone Sanders, cựu thư ký báo chí quốc gia cho thượng nghị sĩ Bernie Sanders, lại ca ngợi ý nghĩa lịch sử của bài phát biểu.
"Obama là gia đình tổng thống người Mỹ gốc Phi đầu tiên mà chúng ta có và họ chưa thể xóa bỏ tận gốc rễ nạn phân biệt chủng tộc ở đất nước này. Chúng ta chưa được sống trong xã hội nơi mà chủng tộc không còn quan trọng, nơi mà con người không phải vật lộn vì màu da của mình", Symone Sanders nhận xét. "Nhưng đối với tôi, việc Michelle Obama bước lên sân khấu và thể hiện tất cả những gì mình có thực sự là điều tuyệt vời ở nước Mỹ. Bà ấy cho chúng ta hy vọng nhưng cũng nhắc nhở ta rằng chúng ta vẫn còn việc phải làm".
Thượng nghị sĩ bang New Jersey Cory Booker khen bài phát biểu vì "tinh thần" nó mang lại. Đệ nhất phu nhân Obama "đã nói những lời từ trái tim và khiến bạn cảm nhận thấy nguồn năng lượng cũng như tinh thần của bà ấy", ông khẳng định.
Theo cây bút Sunlen Serfaty và Eric Bradner từ CNN, đệ nhất phu nhân Obama có một vai trò độc nhất và vô cùng quan trọng đối với chiến dịch tranh cử của bà Clinton. Bà là sợi dây kết nối ứng viên tổng thống đảng Dân chủ với phụ nữ, cộng đồng người Mỹ gốc Phi, gốc Tây Ban Nha và cả những người trẻ tuổi.
Giới quan sát nhận định với sự nổi tiếng của mình, bà Obama sẽ trở thành một nguồn sức mạnh lớn giúp cựu ngoại trưởng Hillary tăng tốc nhanh trên con đường chinh phục chiếc ghế tổng thống Mỹ.
"Tôi nghĩ Hillary Clinton là một người phụ nữ đáng nể", bà Obama hồi tháng 4 nói tại một sự kiện diễn ra ở Nhà Trắng. "Bà ấy đã có rất nhiều đóng góp quan trọng suốt cuộc đời mình".
Các cuộc thăm dò cho thấy một bộ phận cử tri lúc này vẫn nhìn nhận bà Clinton là một người không trung thực vì bê bối dùng email cá nhân cho việc công khi bà còn làm ngoại trưởng Mỹ. Song, với bài diễn văn trước các đại biểu đảng Dân chủ, đệ nhất phu nhân Obama đã vạch ra một loạt phẩm chất đáng ngưỡng mộ của bà Clinton, góp phần đập tan những nghi ngờ, phân vân còn vương vấn trong lòng công chúng.
Bà đặc biệt nhấn mạnh vào sự kiên định, vững vàng cũng như đạo đức nghề nghiệp của cựu ngoại trưởng Mỹ.
"Hillary Clinton chưa bao giờ từ bỏ việc gì", bà Obama nói. "Bà ấy không bao giờ khuất phục trước áp lực. Bà ấy cũng không bao giờ chọn những lối thoát dễ dàng".
Vũ Hoàng
Theo VNE
Hillary Clinton chính thức là ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton trở thành người phụ nữ đầu tiên được chọn dẫn đầu một chính đảng ra tranh cử tổng thống Mỹ vào tháng 11. Bà Hillary Clinton. Ảnh: Reuters. Đại hội Toàn quốc Đảng Dân chủ (DNC), tổ chức tại thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania, ngày 26/7 bỏ phiếu điểm danh (roll call) theo từng bang để bầu ứng viên đại diện...