Vì sao hai làng hàng trăm năm trai gái không lấy nhau?
Làng này nhận làng kia làm anh em và quan hệ với nhau bằng những quy ước theo nghi lễ của tục kết chạ hết sức độc đáo.
2 làng nhận làm anh em với những hủ tục hết sức độc đáo
Trải qua hàng trăm năm nhưng 2 làng Kim Thượng (xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) và làng Trâu Lỗ (xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) không có một đôi trai gái nào lấy nhau…
Khởi nguồn từ con trâu trắng
Tương truyền, thời xa xưa, làng Kim Thượng mở hội tế thần linh bằng việc mổ một con trâu trắng to khỏe nhất để dâng lên Thành hoàng làng, cầu mong Thành hoàng phù hộ cho dân làng được bình an vô sự, cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi nảy nở. Buổi lễ diễn ra long trọng trước sự chứng kiến của hàng nghìn người, nhưng đến lúc chuẩn bị kết thúc bỗng dưng con trâu trắng lồng lên quật đứt dây thừng rồi nhắm hướng mặt trời mà chạy. Trâu vượt qua sông Cà Lồ sang nằm trước ngôi đền của làng Trâu Lỗ, nơi thờ Trương Hống và Trương Hát, hai vị anh hùng có công giúp Triệu Quang Phục đánh đuổi giặc Lương xâm lược.
Bỗng dưng thấy con trâu trắng nằm trước cửa đền, người dân làng Trâu Lỗ cho đó là điềm thiêng, còn người dân Kim Thượng hốt hoảng vì sợ rằng “trâu mình vào làng người ta, họ không cho chuộc chẳng biết ăn nói sao với các cụ Thượng trong làng”. Bàn nhau mãi, cuối cùng họ phải trở về sắm lễ, mang tiền sang xin chuộc. Trái ngược với suy nghĩ làng Kim Thượng, dân làng Trâu Lỗ hết sức nhã nhặn: “Dạ thưa anh, người là vàng, của là ngãi, chúng em đâu dám nhận tiền chuộc”.
Cảm kích trước hành động của dân làng Trâu Lỗ, dân làng Kim Thượng xin được kết chạ và nhận nhau làm anh em. Và cũng từ đó những quy ước ngặt nghèo ra đời mà mãi 400 năm sau, hai làng vẫn theo lệ gặp nhau khi có việc chung. Một quy ước chẳng khác nào một lời nguyền. Lời nguyền khiến trai gái hai làng không thể nào đến được với nhau.
Lời nguyền này được cụ Ngô Văn Xuyên (97 tuổi), người già nhất làng ở đây kể lại, giữa làng Trâu Lỗ và Kim Thượng có hẳn một hương ước quy định rõ 5 điều bắt buộc khi kết chạ với nhau gồm: giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, trai gái 2 làng không được lấy nhau, gặp nhau không được bàn việc riêng, dân nhập cư phải sau 3 đời mới được tham gia vào việc kết nghĩa, nếu vi phạm những điều này sẽ bị trục xuất khỏi làng.
Bản hương ước quy định 5 điều giữa 2 làng chẳng biết thực hư đến đâu nhưng chuyện trai gái đúng là không được kết hôn thật. Năm ngoái, con gái nhà bà Thuật ở Trâu Lỗ định gả về làng Lũ Hạ, một ngôi làng ở gần làng Kim Thượng. Sau khi tìm hiểu kỹ mới biết gia đình bên ấy cũng có gốc gác bên Kim Thượng, nên đôi trai gái phải nhờ gia đình dò hỏi ý kiến 2 làng xem thử thế nào rồi mới dám quyết định có tổ chức đám cưới hay không. Cuối cùng, đôi trai gái ấy vẫn được các cụ cho phép đến với nhau, nhưng hai làng quy định lễ tết chỉ được về thăm bố mẹ đẻ và không được tham dự việc làng.
Đó là trường hợp duy nhất dính dáng đến quy ước của làng. Hơn 400 năm qua, dân hai làng chưa hề có ai vi phạm cả. “Những quy định ấy suy cho cùng có phần cực đoan, nhưng lệ làng thế rồi. Các cụ cũng chỉ muốn dân hai làng xem nhau như ruột thịt, chỉ kết nghĩa tập thể vì họ sợ những mối quan hệ riêng tư làm ảnh hưởng đến truyền thống tốt đẹp giữa hai làng mà thôi”, một người lớn tuổi trong làng cho biết. Cứ 6 năm hai làng lại tổ chức lễ kết chạ một lần. Theo quy định của các cụ thời xưa thì ngày lễ không được sớm hơn 6 giờ sáng và không muộn hơn 6 giờ tối. Buổi lễ được chuẩn bị một cách kĩ lưỡng và trang trọng, nghi thức linh đình, có kiệu, trống chiêng, các loại binh khí… giống như rước quan ngày xưa.
Video đang HOT
Kết mối lương duyên
Cụ Xuyên, người cao tuổi trong làng kể lại: chuyện hai làng kết nghĩa với nhau ở đất Bắc Giang cụ có nghe nhiều. Nhưng để “sống chết với nhau” như ngôi làng cụ đang sống và Kim Thượng thì quả thực là chuyện hiếm hoi. Cái hiếm hoi mà cụ nói đến đó là việc hai làng sẵn sàng hỗ trợ hàng trăm triệu đồng mỗi khi bên này hay bên kia có việc mà không tính toán, so đo. Chỉ riêng điều này thì cụ thẳng thắn khẳng định rằng chẳng nơi nào có được.
Dù rất yếu, song cụ Xuyên vẫn dẫn chúng tôi ra con đường liên thôn được đổ bằng bê tông sạch sẽ, lúc khởi công, chẳng cần đánh tiếng gì nhưng hôm trước bắt tay làm thì hôm sau đã thấy các cụ bên Kim Thượng mang sang cả trăm triệu đồng kính cẩn: “Dạ, lạy anh. Nghe tin bên anh làm đường, thân em có chút tiền mọn gọi là góp công góp của để hỗ trợ anh cùng nhau ta xây dựng”. Nói là anh em kết nghĩa nhưng hai làng không có làng nào phân biệt là anh, làng nào em. Mỗi khi gặp nhau họ đều dùng từ “lạy anh” thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau.
Không bắt buộc, chẳng quy định nào ghi rõ nhưng lâu dần thành lệ. Những công trình góp công góp của đều mang tên đúng với tinh thần hữu nghị bằng việc lấy từ đầu trong tên làng: Kim Trâu. “Vừa thể hiện tình cảm gắn bó keo sơn, vừa góp ích phát triển xã hội”, cụ Xuyên phân trần.
Đấy là chuyện góp của, còn góp công cũng nhiệt tình chẳng kém. Độ hai chục năm trước, làng Trâu Lỗ khởi công xây dựng đập thủy lợi lớn nhất xã. Biết tin mừng, dân Kim Thượng nhà này bảo nhà kia kéo nhau sang góp sức. Đến nỗi Bí thư Đảng ủy xã Kim Lũ lúc bấy giờ phải ra lệnh cấm người dân không được rời làng vì sợ ảnh hưởng đến năng suất sản xuất khi vụ mùa đang ở giai đoạn thu hoạch. Nhưng lệnh cấm chỉ có hiệu lực ban ngày. Đêm đến, hàng trăm trai tráng Kim Thượng vượt sông Cà Lồ mang theo lúa gạo sang Trâu Lỗ đào đất đắp đập. Giờ nghỉ, người người ngồi kín cả sân đình. Người nào việc nấy, đến lúc đắp xong đập họ mới cùng nhau trở về UBND xã để… chịu phạt.
Có đi có lại, những lúc Kim Thượng khó khăn, dân Trâu Lỗ cũng biết cách “biến việc người ta thành việc của mình”. Nghe tin “bên ấy” thiếu mạ giống, cụ Thượng làng họp mặt huy động mỗi suất đinh đóng 5 bó mạ chất lên thuyền chở sang. Hơn 400 hộ dân, mỗi hộ vài ba đinh nên chuyện thiếu mạ lúc nước sôi lửa bỏng trở thành chuyện nhỏ. “Bên ấy” mất mùa, “bên này” cũng tất bật chạy đôn chạy đáo góp thóc sang chia sẻ.
Có một năm, cả hai làng đều bị thiên tai mất mùa. Bên nào cũng nghĩ bên kia đang khốn khó nhưng vì hoàn cảnh như nhau nên họ phải âm thầm đi vay mượn về cứu tế anh em kết nghĩa của mình. Nửa đêm thuyền chở lương thực làng này gặp làng kia đang đôn đáo ngay trên sông, chẳng ai nói với ai lời nào, họ cứ ôm nhau mà khóc. Tình cảm vì thế càng thêm sâu nặng. Năm này qua năm khác, lúc tiền mặt, lúc hiện vật, những việc ấy vừa là nghĩa vụ vừa là tình cảm, chẳng bên nào phải tính toán. Của cho không bằng cách cho. Họ mang đến tận sân đình, thưa gửi tử tế rồi mới dám cho người mang đi sử dụng. Giá trị lớn hay nhỏ đều có như nhau cả. Có lần, làng Trâu Lỗ còn hỗ trợ Kim Thượng hơn 300 triệu đồng để sửa sang đình chùa nhưng nghi lễ cũng chỉ như những lúc hỗ trợ thúng thóc, ngọn mía giống mà thôi. “Đóng góp việc này việc kia người ta có thể nấn ná, nhưng hễ có việc đến “làng kết nghĩa” chả ai nề hà. Đấy vừa là phong tục truyền thống, vừa là cái tình chúng tôi đối với nhau”, cụ Xuyên phân trần.
Lạ một điều, tình cảm keo sơn là thế nhưng người Trâu Lỗ và Kim Thượng sẽ bị phạt rất nặng nếu phát hiện bàn việc riêng tư với nhau. Điều này được quy định bằng một bản hương ước giữa hai làng và có hẳn một đội “thi hành án” sẵn sàng xử lý những người vi phạm. Thành thử có gặp nhau trên đường họ cũng chỉ gật đầu rồi ai đi lối nấy. Có việc gì muốn trao đổi xin mời các cụ ra sân đình đàng hoàng.
Theo xahoi
Bi hài chuyện trai làng giữ gái: Đánh nhầm... bố vợ
Thấy bóng người đàn ông ăn mặc bảnh bao đi về phía cổng nhà nàng, không kịp suy nghĩ, anh Thắng và "đồng bọn" lao ra đánh túi bụi...
Nhiều chuyện dở khóc dở cười khi trai làng giữ gái làng
Giờ đã ở cái tuổi gần tứ tuần, vợ con đề huề nhưng mỗi khi nhắc đến những kỷ niệm thời trai trẻ, anh Nguyễn Cao Thắng ở Hạ Hòa, Phú Thọ lại cười ngặt nghẽo vì cái lần giữ gái làng mà đánh nhầm bố vợ tương lai.
Lúc đôi mươi, anh Thắng là "đại ca" trong làng, khi ấy "dưới chướng" của anh lúc nào cũng có 7, 8 thằng nhóc 15, 16 tuổi. Thời đó mốt "trâu ta ăn cỏ đồng ta" vẫn còn thịnh hành lắm, từ lúc bắt đầu biết thế nào là gái xinh, gái xấu, thanh niên choai choai trong làng anh đều coi việc giữ gái làng như cái luật bất thành văn. Cô xấu xấu còn được nương tay chứ nàng nào mà xinh như mộng, yêu trai làng thì thôi chứ nếu để ý trai làng khác thì coi như ế.
Kỷ niệm khó quên của anh Thắng bắt nguồn từ cô gái tên Hương. Theo lời anh Thắng, Hương được mệnh danh là "hoa hậu làng" bởi sở hữu làn da trắng hồng, mịn màng, khuôn mặt xinh xắn, dễ thương khiến bất cứ thanh niên nào đã trót nhìn thấy nàng cũng đem lòng yêu mến.
Người hiền lành ít nói chỉ "thầm thương trộm nhớ", còn anh nào có "máu đàn ông" thì mang quyết tâm "cưa" bằng được. Tất nhiên, anh Thắng cũng không ngoại lệ nên anh phải lập một đội chuyên bảo vệ người đẹp.
Gọi là bảo vệ cho oai chứ thực chất là canh cổng nhà nàng, trai làng đến tán thì đành ngậm ngùi cho qua còn trai làng khác mà bén mảng chỉ cần tới mép cổng là "đàn em" của anh Thắng đánh cho thất kinh. Vì thế mà có không dưới chục thanh niên làng khác đã bị xây xẩm mặt mày đành phải từ giã người đẹp.
Anh Thắng còn nhớ rõ, chuyện xảy ra vào một đêm tháng 8 năm 1995. Vừa ăn tối xong anh Thắng đã tập hợp được 4 "đàn em" ngồi rình trong bụi cúc tần trước cổng nhà Hương vì hay tin tối nay có thằng Tùng ở làng bên không sợ chết sang tán tỉnh nàng.
Anh Thắng và cô con gái út. Ảnh: Nguyên Đan
Vừa ngồi chưa ấm chỗ thì bất chợt có bóng dáng của người đàn ông áo trắng, sơ vin chỉnh tề đi về phía cổng nhà Hương, trời sáng trăng suông nên chỉ nhìn thấy dáng người chứ không tỏ mặt, vừa hay một đàn em của anh Thắng rỉ tai: "Đúng thằng Tùng rồi anh ơi, nện nó đi".
Máu yêng hùng trỗi dậy, anh Thắng lao ra chặn đường, cả 4 đàn em vun vút lao ra theo, không để đối thủ kịp lên tiếng, anh Thắng cầm thanh tre vạng túi bụi, cả bọn xông vào vừa đấm đá vừa lên giọng: "Mày tuổi gì mà tán gái làng này", "Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ à"...
Nạn nhân vừa lấy tay đỡ đòn vừa phân trần: "Không phải... không phải... bác Tùng đây". Nghe thấy thế, cả bọn lại xông vào hăng hơn: "Á à, chưa biết sợ lại còn dám xưng bác với anh à?". Cả bọn đánh đến khi đối thủ gục xuống, không còn khả năng chống đỡ mới dừng lại.
Bỗng một thằng đệ của anh Thắng cất giọng run run: "Anh ơi, hình như... hình như đánh nhầm rồi, hình như... bác Tùng bố cái Linh...". Anh Thắng bấy giờ mới hoảng hồn nhìn lại thì đúng là... bố cái Linh ở cùng làng. Cả bọn mặt cắt không còn giọt máu, vội vàng đưa bác Tùng đi trạm y tế xã.
"Hóa ra tối hôm đó bác Tùng đi sang nhà Hương để gọi bố Hương đi họp Chi bộ thôn, sau vụ "giữ gái làng", cả bọn phải sang nhà bác Tùng xếp hàng đứng xin lỗi nhưng bác ấy vẫn giận lắm, còn anh thì đương nhiên bị bố nện cho một trận nên thân", anh Thắng nhớ lại.
Nhưng hậu quả lớn nhất của anh Thắng sau vụ ẩu đả nhầm người không phải là việc bị bố đánh đòn mà là chuyện của 5 tháng sau. Không hiểu do duyên số hay sao mà anh Thắng lại "phải lòng" chị Linh, con bác Tùng kém anh 2 tuổi.
"Yêu nhau được hơn 1 năm anh mới dám ló mặt sang nhà Linh để xin phép bố mẹ cô ấy cho 2 đứa được đi lại. Ban đầu bố cô ấy vẫn không đồng ý vì cái vụ kia để lại ấn tượng mạnh quá. Mãi sau này, anh mặt dày đến cả chục lần, rồi bố mẹ anh sang có lời, bác ấy mới đồng ý kiểu miễn cưỡng đấy.
Đến bây giờ thì bác Tùng là bố vợ, ông ngoại của các con anh rồi, hai bố con cũng hợp và hiểu nhau lắm. Nhưng bà xã anh thi thoảng vẫn mang chuyện anh giữ cổng nhà cô Hương ra trêu mãi", anh Thắng cười nói.
Còn về phía Hương thì chuyện "xử" nhầm đối tượng của anh Thắng lại trở thành vận may của cô này. Kể từ hôm đó, không ai trong nhóm anh Thắng còn dám canh cổng nhà Hương nữa. Nhờ thế mà các thanh niên bất kể ranh giới địa lý, tha hồ đến tìm hiểu, tán tỉnh. Vài tháng sau thì cô "hoa hậu làng" cũng lên xe hoa của một anh chàng ở làng khác cách mấy quả đồi.
Theo xahoi
Thanh Hóa: Truy tìm kẻ hãm hại bé gái 7 tuổi mồ côi Biết bé gái mồ côi từ nhỏ, mẹ đi lấy chồng xa và hiện ở với bà nội đau yếu quanh năm, tên "yêu râu xanh" đã giở trò đồi bại, rồi trộm 70 nghìn đồng để ở đầu giường nhà cháu bé và bỏ trốn... Mặc dù nghi án gã trai làng nhẫn tâm hãm hại bé gái mồ côi cha xảy...