Vì sao Hà Nội luôn đứng sau Đà Nẵng, TPHCM về CNTT?
Ngành công nghiệp CNTT Hà Nội năm 2014 được đánh giá là ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, đóng góp ngày càng nhiều vào tăng trưởng GDP của Thủ đô và đất nước. Tuy nhiên, trong các chỉ số phát triển, Hà Nội luôn “bám đuôi” Đà Nẵng và TPHCM.
Theo báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam 2014 (Vietnam ICT Index), chỉ số sản xuất – kinh doanh CNTT của Hà Nội đứng ở vị trí thứ 5/63 (năm 2013 đứng ở vị trí thứ 6/64) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong khi đó, Bắc Ninh, Đà Nẵng, TPHCM luôn dẫn trước Hà Nội trong 3 năm qua.
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ các doanh nghiệp CNTT tại Hà Nội tổ chức hôm qua tại Sở TT&TT, TS Nguyễn Long, Chủ tịch Hội tin học Việt Nam cho rằng tất cả các số liệu khảo sát đều cho thấy Hà Nội đang tỏ ra thua kém Đà Nẵng và TPHCM về mức độ ứng dụng CNTT cũng như phát triển CNTT.
Theo TS Long, nguyên nhân là bởi vì Hà Nội triển khai chậm hình thành các Khu CNTT tập trung (so với TPHCM, Đà Nẵng) và chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể. Mặc dù Hà Nội đã kế hoạch chuẩn bị hạ tầng cho 2 khu Sài đồng và Long biên để định hướng cho xu thế gia công phần mềm và dịch vụ CNTT.
Ông Long cho rằng ngoài việc kêu gọi thu hút đầu tư nước ngoài, như Nhật Bản thì cần mở cửa và kêu gọi các doanh nghiệp Hà Nội tham gia đầu tư và tham gia trong Khu CNTT tập trung.
“Cần công bố công khai, minh bạch các cơ chế, chính sách ưu đãi của Hà Nội cho các Doanh nghiệp theo định hướng sản phẩm – giải pháp”, ông Long đề xuất.
Trong các chỉ số về CNTT, Hà Nội luôn lép vế so với Đà Nẵng và TPHCM.
Trong báo cáo tình hình phát triển Công nghiệp công nghệ thông tin thành phố Hà Nội, Sở TT&TT cũng thừa nhận việc triển khai dự án Khu Công viên phần mềm và nội dung số trọng điểm của Thành phố Hà Nội và các dự án Khu CNTT tập trung trên địa bàn còn rất chậm. Chưa có cơ sở đột phá để thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp CNTT Hà Nội. Thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào lĩnh vực công ngiệp CNTT của thành phố Hà Nội thời gian qua còn rất thấp so với các địa phương khác trong cả nước. Cụ thể, tại các tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên, Công ty Samsung Electronics Việt Nam đã đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất điện thoại di động với tổng số vốn đầu tư gần 7 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt 26,5 tỷ USD; tại thành phố Hồ Chí Minh, Tập đoàn Intel đã đầu tư nhà máy sản xuất chip với số vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt khoảng 1,8 tỷ USD; tại thành phố Hải Phòng, Công ty LG Electronics Việt Nam đã đầu tư xây dựng tổ hợp nhà máy LG với tổng mức đầu tư 1,5 tỷ USD,…
Sự tham gia phối hợp của doanh nghiệp với Sở TT&TT trong việc thực hiện công tác khảo sát số liệu, thống kê, báo cáo định kỳ về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp CNTT trên địa bàn Thành phố còn chưa chặt chẽ, chưa có chế tài đối với doanh nghiệp không nộp báo cáo.
Ngoài ra, báo cáo cũng cho rằng nguồn kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách của Thành phố cho phát triển công nghiệp CNTT, phát triển kinh tế tri thức còn rất hạn chế.
Theo số liệu từ Sở TT&TT, năm 2014, có khoảng gần 5.000 doanh nghiệp hoạt động liên quan đến công nghiệp CNTT. Tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành công nghiệp CNTT Hà Nội khoảng 12-15%/năm, đóng góp khoảng 12% doanh thu của ngành công nghiệp CNTT cả nước. Doanh thu năm 2014 tăng trưởng 14,3% so với năm 2013.
Tính đến nay, toàn Thành phố có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử và dịch vụ liên quan với số lượng lao động của doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp thiết kế, chế tạo sản phẩm phần cứng và lắp ráp, gia công sản phẩm phần cứng và doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ công nghiệp phần cứng). Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được đầu tư mạnh mẽ về tài chính và công nghệ nên đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp phần cứng như: Canon, Panasonic, Fujitsu, … Tuy nhiên, nhìn chung hoạt động chủ yếu của ngành công nghiệp phần cứng trên địa bàn Thành phố vẫn là lắp ráp sản phẩm, phụ thuộc nhiều vào việc cung cấp linh kiện từ nước ngoài trong khi công nghệ lõi, công nghệ phụ trợ phát triển còn chậm chưa đáp ứng nhu cầu.
Bắc Ninh, Thái Nguyên đã có nhiều cơ chế mở cửa nên đã thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI vào đầu tư.
Video đang HOT
Trong khi đó, đối với lĩnh vực công nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ, số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Thành phố là hơn 1.500 doanh nghiệp. Tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ năm 2014 đạt khoảng 14,25% so với năm 2013 với doanh thu đạt khoảng 830 triệu USD.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên sức cạnh tranh còn thấp ngoại trừ một số doanh nghiệp có quy mô lớn, thương hiệu mạnh, sức cạnh tranh cao trong nước và quốc tế như: FPT Software (đạt chứng chỉ CMMi mức 5); Công ty TNHH Misa, Công ty cổ phần công nghệ Tinh Vân, Công ty cổ phần phần mềm Luvina, Công ty Qsoft Việt Nam, Công ty cổ phần VTC Online, Công ty cổ phần Hòa Bình, Công ty cổ phần VCCrop, Công ty phần mềm và truyền thông VASC, Công ty điện toán và truyền số liệu VDC, … (là những doanh nghiệp đạt chứng chỉ CMMi mức 3).
Tại buổi gặp gỡ, ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội, nhấn mạnh: “Vai trò tham mưu của Sở TT&TT là rất quan trọng, phải lắng nghe ý kiến của DN để biết được chính sách nào là không phù hợp thì nghiên cứu đề xuất để sửa đổi bổ sung. Những chính sách nào còn thiếu thì phải đề xuất với Trung Ương để xây dựng mới. Sở phải lắng nghe và tạo cơ chế 2 chiều, và phải thường xuyên phải gặp gỡ để lắng nghe.
Những chương trình mục tiêu thì cần phải soạn thảo ra và hỏi trực tiếp những người thực hiện, là những doanh nghiệp, họ là những người đưa các chính sách vào cuộc sống. Cho nên cần phải hỏi DN có phù hợp không, có đáp ứng được nguyện vọng của DN không”.
Phó Chủ tịch Hà Nội chia sẻ có doanh nghiệp luôn trăn trở về việc họ có thể đi làm cho Đà Nẵng, cho TPHCM nhưng không thể nào “về” được với Hà Nội. “Tôi là người con của Hà Nội, tôi đi đóng góp cho các tỉnh thành khác được nhưng sao về Hà Nội thì tôi không về được là sao?”
Theo ông Sơn, con người Hà Nội và Đà Nẵng, TPHCM đâu có khác nhau nhưng do cơ chế và tư duy đã khiến Hà Nội còn thua xa các tỉnh này.
Ông Sơn quyết liệt yêu cầu Hà Nội nhanh chóng phải thay đổi, phải xây dựng thành công dân điện tử. Đây là tiền đề của một xã hội văn minh.
Khôi Linh
Theo Dantri
Điểm danh những đại gia ngoại dính "lùm xùm" chuyển giá
Trên thực tế, hàng loạt các "ông lớn" FDI sau hàng chục năm hoạt động tại thị trường Việt Nam dù liên tục rót vốn mở rộng hoạt động kinh doanh, sản phẩm được nhiều người sử dụng... nhưng vẫn liên tục báo lỗ và chây ỳ trong việc thực hiện nghĩa vụ đóng thuế.
Đóng góp tham luận tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân năm 2015 năm nay, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh và Nguyễn Huy Minh đã chỉ ra nghịch lý, mặc dù được hưởng nhiều ưu đãi, song sự đóng góp vào tăng trưởng của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lại rất thấp với hàng loạt các chiêu trò chuyển giá, lãi thật lỗ giả.
"Về cơ bản khu vực FDI đang lợi dụng các ưu đãi của Việt Nam về chính sách thuế, đất đai và lợi dụng nhân công giá rẻ và gian lận về thuế như khai lợi nhuận nhỏ đi do chuyển giá...làm tăng chi phí đầu vào", nhóm tác giả đánh giá.
Trên thực tế, hàng loạt các "ông lớn" FDI sau hàng chục năm hoạt động tại thị trường Việt Nam dù liên tục rót vốn mở rộng hoạt động kinh doanh, sản phẩm được nhiều người sử dụng... nhưng vẫn liên tục báo lỗ và chây ỳ trong việc thực hiện nghĩa vụ đóng thuế. Chỉ sau khi cơ quan thuế vào cuộc, không it các "ông lớn" FDI mới "lộ mặt" với những phi vụ trốn thuế giá trị lên tới cả trăm, nghìn tỷ đồng.
Metro "ẩn lậu" hơn 500 tỷ
Bộ mặt thật chuyển giá sau 12 năm báo lỗ liên tục của Metro Cash & Carry đã bị vạch trần.
Không còn nghi vấn, Thanh tra Tổng cục Thuế vừa chính thức "lật bài ngửa" công bố về những chiêu trò "né thuế" rất tinh vi của Metro, trong đó nhiều khoản ẩn giấu rất kỹ trong chi phí; có những loại chi phí "khủng" được "gửi nhờ" ở Công ty mẹ và công ty liên kết khác tại Đức. Đại gia bán lẻ ngoại này bị buộc phải giảm lỗ 335 tỷ đồng, truy thu thuế tới 62 tỷ đồng.
Vào Việt Nam từ tháng 3/2002, Công ty Metro Cash & Carry Vietnam (MCC Việt Nam) gia nhập thị trường bằng việc khai trương trung tâm đầu tiên tại TP HCM với số vốn 78 triệu USD. Sau hơn 12 năm có mặt tại Việt Nam, Metro đã khai trương gần 20 đại siêu thị đặt tại 14 tỉnh thành trên cả nước, 5 kho trung chuyển với hơn 3.600 nhân viên.
Doanh thu của Metro tại Việt Nam cũng tăng theo cấp số nhân, đưa Việt Nam trở thành thị trường có doanh thu lớn thứ 2 tại châu Á, sau Trung Quốc. Cụ thể, nếu như năm 2002 mới chỉ ở mức 38 triệu euro thì tới năm 2013 đã lên tới 516 triệu euro (tương đương gần 15.000 tỷ đồng) - một con số đáng mơ ước với bất kỳ doanh nghiệp bán lẻ nào tại Việt Nam.
Dù mở rộng doanh thu và hoạt động kinh doanh nhưng doanh nghiệp này lại liên tiếp báo lỗ. Trong hơn 12 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, Metro lỗ tới 1.657 tỷ đồng, trong đó chỉ duy nhất năm 2010, công ty báo lãi 173 tỷ đồng, các năm còn lại lỗ trung bình 89-160 tỷ đồng.
Kể từ khi tiến hành đầu tư xây dựng năm 2001 và bắt đầu đi vào hoạt động kinh doanh tại Việt Nam từ 28/3/2002 đến 31/12/2014, tổng số thuế mà doanh nghiệp này đã kê khai và nộp vào ngân sách nhà nước (NSNN) là 1.015 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là thuế GTGT, thuế sử dụng đất và thuế thu nhập doanh nghiệp nộp thay nhà thầu nước ngoài...
Keangnam lộ hàng loạt "chiêu" chuyển giá
Keangnam Vina nổi "đình đám" với thông tin về chuyển giá nhằm trốn thuế gần 100 tỷ đồng với khoản chuyển giá 1.220 tỷ đồng.
Keangnam Vina (công ty 100% vốn Hàn Quốc của Keangnam) chính thức vào Việt Nam từ tháng 7/2007 và liên tục báo lỗ trong suốt mấy năm hoạt động. Năm 2013, Keangnam Vina nổi "đình đám" với thông tin về chuyển giá nhằm trốn thuế gần 100 tỷ đồng với khoản chuyển giá 1.220 tỷ đồng. Kèm theo đó, hàng loạt mánh lới chuyển giá của đại gia xứ Hàn này đã bị phơi bày cho thấy bằng những thủ thuật dàn xếp về giá vốn xây dựng, nâng khống đầu vào, một khoản lợi nhuận kếch sù đã được Keangnam Vina chuyển về Hàn Quốc.
Một trong số các chiêu trò được sử dụng có thể kể tới như việc Keangnam Vina đã ký hợp đồng với Công ty Keangnam Enterprise là một thành viên cùng công ty mẹ để làm tổng thầu EPC. Keangnam Enterprise còn cung cấp cả dịch vụ tư vấn tài chính, dàn xếp vốn cho Keangnam Vina với mức chi trả tới 300 triệu USD, tương đương hơn 485 tỷ đồng tại thời điểm bấy giờ. Phí dịch vụ sắp xếp nguồn vay được trả 20 triệu USD, chưa kể thêm vài triệu USD chi phí tư vấn quảng cáo, tư vấn cấp quyền sử dụng đất, cấp giấy phép đầu tư.
Keangnam Vina cũng có những bút toán phù phép với khoản vay 400 triệu USD từ ngân hàng Kookmin Bank (một ngân hàng trong cùng tập đoàn). Mức lãi suất của khoản vay ban đầu được kê khai tới 12%/năm,gấp đôi lãi suất cho vay USD của các ngân hàng Việt Nam trong cùng thời điểm, khiến tổng tiền lãi vay lên tới hơn 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay trước thời điểm đoàn thanh tra thuế đến làm việc, Keangnam Vina đã tự khai hạ lãi của khoản vay này xuống còn 5-7%/năm.
Coca - Cola lỗ vẫn liên tiếp mở rộng đầu tư
Coca-Cola liên tục báo lỗ lên đến hàng trăm tỷ đồng nhưng vẫn tiếp tục mở rộng đầu tư.
Một cái tên đang thống lĩnh thị trường đồ uống tại Việt Nam là Coca - Cola cũng không tránh khỏi những lùm xùm liên quan tới nghi vấn chuyển giá. Với doanh thu tăng theo từng năm, hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục được mở rộng nhưng Coca - Cola liên tục báo lỗ và chưa từng đóng một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào tại Việt Nam.
Theo các số liệu từng công bố, từ khi được thành lập tại Việt Nam vào tháng 2/1994, lũy kế tới thời điểm cuối năm 2010, công ty này đã lỗ tổng cộng 3.768 tỷ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu hơn 800 tỷ đồng. Năm 2011, công ty này lỗ 39 tỷ đồng và tiếp tục báo lỗ trong 2 năm 2012, 2013. Nguyên nhân thua lỗ được phía Coca - Cola đưa ra là do chi phí nguyên phụ liệu nhập từ công ty mẹ có giá rất cao, chiếm tới 70-85% giá vốn.
Dù liên tiếp báo lỗ nhưng Coca - Cola vẫn rất lạc quan ở thị trường Việt Nam. Cuối tháng 10/2012, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Coca Cola, ông Muhtar Kent tới Việt Nam và tuyên bố rót thêm 300 triệu USD vào Việt Nam trong ba năm tới. Tháng 6/2014 vừa qua, nằm trong kế hoạch của gói đầu tư 300 triệu USD, Coca Cola cũng đã chính thức cho khánh thành 4 dây chuyền sản xuất mới tại Việt Nam.
Adidas lòng vòng chuyển giá
Sau nhiều nghi vấn liên quan đến chuyển giá được cơ quan thuế công bố từ năm 2012 nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận nào về vụ việc này được chính thức công bố.
Adias - "ông lớn" trong lĩnh vực giày da vào Việt Nam từ năm 1993 và chính thức thành lập công ty Adidas Việt Nam từ năm 2009, doanh thu lên tới 22.000 tỷ đồng, sử dụng khoảng 80.000 lao động tại Việt Nam nhưng Adidas vẫn thường xuyên báo lỗ.
Năm 2012, Adidas đã bị Cục Thuế TP HCM đưa vào tầm ngắm thanh tra do nghi ngờ có dấu hiệu giao dịch liên kết, trong đó các công ty cùng hệ thống mua bán lòng vòng nhằm chuyển lợi nhuận từ Việt Nam sang quốc giá có thuế suất thấp hơn nhằm tránh phải nộp thuế tại Việt Nam. Kết luận của Cục Thuế TPHCM thời điểm đó chỉ ra rằng, dù hoạt động theo giấy phép kinh doanh là phân phối bán buôn nhưng Adidas Việt Nam lại phát sinh hoàng loạt chi phí của nhà bán lẻ.
Trong số các khoản chi phí bất hợp lý được chi trả cho các đơn tác là những đơn vị có giao dịch liên kết với Adidas Việt Nam có thể kể tới như: khoản phí "chi phí tiếp thị quốc tế" chiếm 4% doanh thu ròng trả cho công ty mẹ; chi phí quản lý vùng với nhiều tầng nấc quản lý; chi phí hoa hồng mua hàng cho Addias International Trading B.V tại Singapore với tỷ lệ 8,25% giá trị mỗi giao dịch...
Thời điểm đó, Cục Thuế TPHCM cho biết sẽ tiếp tục kiểm tra và làm rõ các nghi vấn liên quan tới ông lớn này. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết luận nào về vụ việc này được chính thức công bố.
Một loạt đại gia nằm trong danh sách đen
Câu hỏi về việc Google, Facebook có thực sự trốn thuế ở Việt Nam vẫn bỏ ngỏ...
Dịch vụ quảng cáo trực tuyến của các mạng xã hội đa quốc gia như Google, Facebook... thực sự là một loại dịch vụ "hốt bạc" tại Việt Nam. Vào thời điểm năm 2012, giới tài chính rộ lên nhiều thông tin nghi vấn, nhiều giả thuyết cũng được đặt ra về việc Google, Facebook... đang trốn thuế tại Việt Nam. Tuy nhiên cơ quan thuế hầu như không thu được đồng thuế nào bởi không thể nắm bắt được các thông tin về doanh thu, lợi nhuận của các mạng trên.
Ngoài ra, danh sách các doanh nghiệp FDI nằm trong diện nghi vấn chuyển giá còn có một số tên tuổi khác như Pepsico, Nike, hay Nestlé... Trong đó, Pepsico cũng báo thua lỗ kéo dài từ năm 1991 và lũy kế đến hết năm 2010 lên đến hơn 1.200 tỷ đồng. Hay Nestlé báo lỗ hơn 30,8 triệu USD sau 18 năm hoạt động tại Việt Nam. Dù vậy Nestlé vẫn không ngừng đổ thêm tiền vào thị trường Việt Nam để xây thêm nhà máy mới, nâng tổng vốn đầu tư lên tới 466 triệu USD...
Phương Dung
Theo Dantri
Cán cân xuất khẩu với doanh nghiệp FDI: Rất khó xoay chiều! Năm qua, các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã "lấn sân" các DN trong nước về giá trị kim ngạch XK. Với thế mạnh sẵn có, các DN FDI vẫn đang trên đà nới rộng khoảng cách với DN trong nước. Ảnh minh họa. Tìm lợi thế Theo thống kê về trị giá kim ngạch hàng hóa XK...