Vì sao Hà Hồ, Thu Minh chỉ mặc một bộ quần áo trong The Voice?
Sự xuất hiện của thí sinh Lê Minh Mẫn vốn bị đánh giá là thảm họa âm nhạc trong đêm thi thứ 3 của “Giọng hát Việt” cũng như những bộ trang phục mặc đi mặc lại của các giám khảo khiến dư luận nghi ngờ về một sự sắp đặt…
Lộ chiêu?
Theo cách nhìn nhận của nhiều người, The Voice thêm một lần nữa để lộ “chiêu” dàn xếp. Trước đó, việc sắp xếp cho một số thí sinh tàn tật vào thi ở tập thứ hai cũng bị hiểu là nhằm mua nước mắt khán giả. Hay việc để HLV Trần Lập “thất bát” trong tập đầu tiên rồi lại “bứt phá” trong tập tiếp theo cũng nhanh chóng bị các báo mạng “lật tẩy” chiêu bài cắt ghép chứ hoàn toàn không theo thứ tự mỗi đêm thi.
Trong The Voice, các HLV phải mặc một bộ quần áo để BTC dễ… biên tập.
Dự luận tỏ ra bức xúc khi mấy tập liền mà ban HLV đều mặc có một bộ trang phục, khiến cho không khí cuộc thi trở nên cũ và đơn điệu. Thực tế, việc mặc duy nhất một bộ trang phục cũng chỉ là giải pháp “chẳng đặng đừng” để sau khi biên tập, mỗi tập phát sóng vẫn giữ được sự đồng bộ cần thiết mà không xảy ra tình trạng các HLV thay áo nhanh như tắc kè hoa. Điều này cũng lý giải vì sao The Voice tập 1 được ca ngợi lên mây với toàn những tiết mục xuất sắc và những giọng ca gây ấn tượng mạnh. Chất lượng thí sinh giảm dần qua các tập kế tiếp, khiến khán giả hoang mang về những tập phát sóng cuối cùng của vòng giấu mặt. Liệu cuộc thi có giống như một bát bún riêu đầy màu mè bề mặt nhưng ở dưới lại nhạt thếch?
Một số bài báo cho rằng những chiêu trò này khiến cuộc thi mất đi sức nóng tự nhiên, bởi khán giả dường như đã nắm bắt “đường đi nước bước” của ban tổ chức. Thậm chí họ còn cảm thấy như đang bị lừa khi sản phẩm được xem thực chất đã bị cắt xén, sắp đặt.
Video đang HOT
Đừng tự hào vì không chiêu!
Tuy nhiên, điều gì xảy ra nếu một cuộc thi hoàn toàn không có chiêu trò? Lúc đó, chương trình có thể sẽ như một viên ngọc thô bị quên lãng trong một đống tạp chất mà không khiến ai chú ý. Chuyện này khá phổ biến trong các cuộc thi của Việt Nam, nhất là trong giai đoạn làng giải trí chưa xuất hiện các chương trình được mua bản quyền từ nước ngoài.
Cuộc thi Sao Mai điểm hẹn (SMĐH) đang phát sóng có thể được xem là điển hình cho thất bại của một chương trình có chất mà thiếu chiêu. Dù thí sinh đều là những ca sĩ chuyên nghiệp, có tố chất, nhưng cuộc thi hầu như không gây được ấn tượng nào trong công chúng, có chăng chỉ tạo sự quan tâm trong giới chuyên môn. Cùng với SMĐH, nhiều cuộc thi tìm kiếm giọng ca truyền thống cũng đang dần chìm đi như Ngôi sao tiếng hát truyền hình, Sao Mai…
Sự xuất hiện của thí sinh Lê Minh Mẫn, một blogger nổi tiếng với nickname Robbey, trong đêm thi thứ 3 của The Voice khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Tuy nhiên, sự thành công của bất kỳ chương trình nào cũng không thể trông chờ vào chiêu trò, mà điều cốt lõi vẫn là chất lượng thí sinh. Thực tế cho thấy, nhiều chương trình khá ầm ĩ nhưng lại không được đánh giá cao, như Vietnam’s Got Talent với scandal Quỳnh Anh, Vietnam Next Top Models với scandal kiện cáo vì để lộ thông tin bí mật… Tất cả chỉ tạo được hiệu ứng tức thời, sau đó nhanh chóng bị lãng quên mà không để lại dấu ấn gì.
Đã đến lúc nhà sản xuất không nên tự hào rằng chương trình của mình “sạch”, không chiêu trò nữa. Thay vào đó, họ cần nghĩ đến việc tìm ra điểm nhấn và làm bật lên. Vấn đề còn lại chỉ là chiêu trò như thế nào và đâu là ngưỡng cho việc áp dụng nó. Nếu sự can thiệp của nhà sản xuất chỉ nhằm tăng sự hấp dẫn cho chương trình mà không gây tổn hại gì đến người liên quan cũng như không “bóp méo” suy nghĩ của khán giả, thì sự can thiệp đó hoàn toàn có thể chấp nhận được.
Ngược lại, những chiêu trò “bẩn” sẽ rất nguy hiểm, để lại cái nhìn xấu trong công chúng, hay có thể còn “giết chết” tương lai của thí sinh (như trường hợp của Quỳnh Anh trong Got Talent). Dĩ nhiên, quyết định sử dụng chiêu sạch, bẩn ra sao thì phụ thuộc vào đạo đức nhà sản xuất mà thôi.
Theo Báo Đất Việt
Giọng hát Việt nhưng toàn bài hát ngoại
Với một chương trình phiên bản Việt, được thực hiển bởi một ê kíp Việt và phục vụ khán giả Việt thì việc các thí sinh chỉ hát nhạc ngoại từ đầu đến cuối thì thật vô duyên.
Trong số 16 thí sinh đã xuất hiện ở tập 3 của chương trình The Voice - Giọng hát Việt tối 22/7 thì chỉ có 4 người hát nhạc Việt. Với hai tập trước đó, tỷ lệ nhạc ngoại được các thí sinh chọn để thể hiện cũng luôn cao hơn. Tất cả những giọng ca để lại nhiều ấn tượng nhất cho đến giờ như Hương Tràm, Đinh Hương, Xuân Nghi hay mới đây nhất là Thái Trinh cũng đều "ghi điểm" bằng những ca khúc quốc tế bất hủ.
Theo đa số các thí sinh thì việc hát nhạc ngoại giúp họ phiêu hơn cũng như thể hiện được sự phá cách nhiều hơn so với bản gốc bởi không bị ràng buộc bởi thanh âm "bằng", "trắc" như nhạc Việt. Chính một số ca sĩ đa đi hát chuyên nghiệp như Hà Okio hay Lê Cát Trọng Lý cũng từng thừa nhận điều này. Và để "được" hát tiếng Việt thì họ đã phải tự sáng tác riêng cho mình.
Thái Trinh nổi bật trong tập 3 với Give me one reasonThực ra, nếu nhìn nhận theo đúng tiêu chí của chương trình là "The Voice - Giọng hát" thì việc thể hiện mình bằng ngôn ngữ nào có lẽ cũng không phải là điều đáng để lưu tâm nhiều. Bởi mục đích quan trọng nhất của cuộc thi chính là làm thế nào để có tìm ra một giọng hát thực sự. Tuy nhiên, với một chương trình phiên bản Việt, được thực hiển bởi một ê kíp Việt và phục vụ khán giả Việt thì việc các thí sinh chỉ hát nhạc ngoại từ đầu đến cuối thì thật là vô duyên.
Mặc dù vậy, theo thông tin từ chương trình thì sẽ đến lúc, tất cả các thí sinh đều phải thử sức mình với "bài hát Việt". Và thực tế là không phải ai hát nhạc ngoại hay thì cũng có thể trình diễn tốt các ca khúc Việt. Vậy nên, nếu tạm gạt bỏ sang một bên những ý kiến trái chiều về chủ đề "nội - ngoại" thì sẽ thấy đây cũng là một yếu tố đáng chờ đợi của Giọng hát Việt ở các vòng thi sắp tới.
Trở lại với đêm thi thứ 3 vừa được phát sóng, đã không có nhiều bất ngờ như hai tập trước khi chất lượng thí sinh tương đối đồng đều. Nổi bật nhất có lẽ là Thái Trinh, một giọng ca từng được biết đến khi còn là học sinh phổ thông nhờ "youtube". Bên cạnh đó, cô gái nhỏ nhắn này cũng đã từng có cơ hội giới thiệu mình một cách rộng rãi hơn khi xuất hiện trên sân khấu của Bài hát Việt 2011 và mang về cho mình giải thưởng Bài hát của tháng.
Thể hiện cực kỳ xuất sắc ca khúc Give me one reason của Tracy Chapman, Thái Trinh đã khiến cả bốn huấn luyện viên không ngần ngại bấm nút "Tôi chọn em". Trước màn đấu khẩu kịch liệt của bộ tứ, thí sinh này đã quyết định chọn đội của Hà Hồ. Đây là một quyết định bất ngờ bởi phong cách của hai "thầy trò" là hoàn toàn khác nhau.
Dù để vuột mất thí sinh sáng giá nhất, thế nhưng Thu Minh cũng đã có một ngày "tuyển quân" tương đối hoàn hảo khi đã mang về cho mình 4 giọng ca khá chất. Thậm chí, nữ huấn luyện viên này còn hai lần vượt qua Trần Lập khi chinh phục được hai "rocker" trẻ.
Bộ đôi huấn luyện viên nam còn lại là Trần Lập và Mr.Đàm cũng đều tiếp tục đưa được về đội của mình 3 thí sinh. Nếu như "quân" của Trần Lập đều là những chiến bình giàu nội lực thì "lính" của Đàm Vĩnh Hưng lại là những giọng ca nhẹ nhàng và mượt mà.
Phong Vũ
Theo Vietnamnet
Những chương trình âm nhạc hút khách nhất hành tinh Đây là những chương trình truyền hình có lượng người xem rất nhiều và đã được nhiều nước mua bản quyền phát sóng... 1. American Idol Ra đời từ năm 2002 đến nay, American Idol đã đi được một chặng đường dài, 11 mùa giải với nhiều thành công vang dội khắp thế giới. American Idol được mua bản quyền từ chương trình...