Vì sao giới khoa học quan tâm giả thuyết COVID-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm
Giới khoa học đang quan tâm hơn đến giả thuyết virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm và lên tiếng yêu cầu có thêm những cuộc điều tra.
Đại dịch COVID-19 bùng phát đầu tiên ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images
Mỹ và một số quốc gia đang tiến gần đến việc đánh bại COVID-19 hơn bao giờ hết nhờ tiến bộ trong tiêm chủng phòng virus SARS-CoV-2. Nhưng thế giới vẫn chưa biết làm thế nào thứ virus chết chóc này xuất hiện, và ngày càng có nhiều ý kiến từ giới khoa học cho rằng việc đó không xảy ra một cách tự nhiên.
Mỹ đang tăng cường kêu gọi tiến hành những nghiên cứu thêm và cảnh báo về những nguy cơ xảy ra các đại dịch trong tương lai. Washington cũng công khai hơn khi cân nhắc giả thuyết cho rằng có sai sót hoặc sự cố trong phòng thí nghiệm của Trung Quốc gây ra đại dịch COVID-19. Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc bác bỏ hoàn toàn giả thiết này và cho biết hồ sơ truy tìm nguồn gốc dịch COVID-19 đã khép lại.
Có điều gì mới?
Theo CNN, một báo cáo tình báo của Mỹ mới đây cho thấy một số nhà nghiên cứu tại Viện Virus học Vũ Hán đã bị ốm vào tháng 11/2019 và phải nhập viện – một chi tiết mới về mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng bệnh ở những nhà khoa học này. Hiện chưa rõ các nhà nghiên cứu khi đó mắc COVID-19 chưa nhưng Viện Virus học Vũ Hán (WIV) đã kịch liệt bác bỏ báo cáo, coi đây là một lời nói dối để thúc đẩy giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm.
Các nhà khoa học làm việc cho WIV trước đó cho biết Viện này không có liên quan gì đến bệnh COVID-19 cho đến ngày 30/12/20219.
Hôm 24/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã bác bỏ thông tin cho rằng 3 nhà nghiên cứu Vũ Hán từng nhập viện trước khi dịch COVID-19 bùng phát và khẳng định thông tin này “hoàn toàn sai sự thật”. Người phát ngôn Triệu Lập Kiên khẳng định Viện Virus học Vũ Hán không phơi nhiễm với virus SARS-CoV-2 trước ngày 30/12/2019, đồng thời nhân viên của viện cho đến nay không bị lây nhiễm.
Video đang HOT
Các nhà khoa học làm viện tại Viện Virus học Vũ Hán. Ảnh: AFP
Trong khi đó, ngày 25/5 phát biểu tại Quốc hội Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia, cho rằng việc không tài trợ cho nghiên cứu trước đây về virus Corona ở dơi tại Trung Quốc là một “sự lơ là nhiệm vụ”. Theo ông Fauci, lẽ ra Mỹ đã phải theo đuổi đến tận nơi xảy ra sự tiếp xúc giữa động vật và con người, có thể dẫn đến sự lây lan virus giữa các loài.
Bản thân Tiến sĩ Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm ở Mỹ, trong tuần này phát biểu rằng ông không tin rằng dịch COVID-19 bùng phát một cách tự nhiên và thúc đẩy điều tra thêm.
Một cố vấn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là Jamie Metzl cũng cho biết giả thuyết virus rò rỉ là có thể xảy ra, trong lúc các nhà khoa học đang “dò dẫm, tạo ra và nghiên cứu” virus với mục đích phát triển vaccine.
“Vì thế tôi tin rằng, điều có thể đã xảy ra là một sự cố rò rỉ, liền sau đó là một sự che đậy”, ông Metzl, người từng phục vụ tại Bộ Ngoại giao Mỹ và Hội đồng Đại Tây Dương thời Tổng thống Bill Clinton, nói.
Điều rút ra là cần phải điều tra thêm
Một nghiên cứu chuyên sâu do WHO thực hiện phối hợp với Chính phủ Trung Quốc, được công bố vào tháng 3, đã tìm hiểu các nguồn gốc khác nhau có thể có của dịch COVID-19 và đi tới kết luận rằng: mặc dù vẫn chưa thể chứng minh được bệnh xuất hiện như thế nào, nhưng có khả năng nó đã lây sang người, hoặc trực tiếp từ loài dơi, hoặc nhiều khả năng hơn là từ một loài trung gian đã nhiễm virus từ dơi và sau đó lây sang cho con người.
Dơi có thể là vật trung gian lây lan virus SARS-CoV-2 sang con người. Ảnh: NPR
Báo cáo của WHO cho rằng lý thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm là “cực kỳ khó xảy ra”, viện dẫn việc không có nhân viên phòng thí nghiệm ở Vũ Hán bị nhiễm bệnh trước tháng 12/2020 như một lập luận chống lại giả thuyết này. Sau khi báo cáo của WHO được công bố, các quan chức của tổ chức này vẫn kêu gọi điều tra bổ sung và công khai từ phía Trung Quốc.
Trong khi đó, báo cáo tình báo Mỹ mới công bố cho thấy các nhân viên phòng thí nghiệm của Viện Virus học Vũ Hán đã bị ốm từ trước tháng 12. Theo cố vấn Jamie Metzl của WHO, trong giai đoạn đầu bùng phát dịch bệnh khi Trung Quốc không cảnh báo thế giới một cách thích hợp, các quan chức Trung Quốc đã đổ lỗi cho việc truyền bệnh là do một điểm nóng ban đầu, một chợ hải sản ở Vũ Hán, tới lúc này thì điều đó về cơ bản là không đúng.
Chuyên gia này cho rằng có nhiều bằng chứng cho thấy ban đầu chính phủ Trung Quốc đã cố gắng che đậy sự tồn tại của virus SARS-CoV-2. “Cho dù nguồn gốc của đại dịch là gì, thì tháng đầu tiên, khi Trung Quốc đang dành toàn bộ sức lực để cố gắng che đậy mọi thứ hơn là sửa chữa vấn đề, đã cho phép lửa trong lò gây đám cháy ở bếp thành một đám cháy nhà và đám cháy toàn thế giới”, ông Metzl nói.
Viện Virus học Vũ Hán trở thành trung tâm của những nghi vấn về nguồn gốc virus SARS-CoV-2. Ảnh: Getty Images
Một nhóm các nhà khoa học nổi tiếng giàu kinh nghiệm cũng đã chỉ trích báo cáo của WHO vì không coi trọng giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Theo họ, giả thuyết này bị bác bỏ chỉ trong vài trang của bản báo cáo hàng trăm trang mà WHO công bố. Các nhà khoa học viết trên Tạp chí Science: “Chúng ta phải xem xét các giả thuyết về sự lây lan trong tự nhiên và phòng thí nghiệm một cách nghiêm túc cho đến khi ta có đủ dữ liệu”.
Lo ngại tái diễn một đại dịch
Những “cánh cửa đóng kín” cũng đã giúp các thuyết âm mưu ngày càng mở rộng. Thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Arkansas (Mỹ) Tom Cotton đã thúc đẩy ý tưởng rằng virus SARS-CoV-2 được tạo ra có chủ đích như một vũ khí sinh học. Nhưng không có bằng chứng cụ thể nào chứng minh cho tuyên bố đó và các chuyên gia vẫn nói rằng điều đó khó xảy ra.
Tiến sĩ Paul Offit, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Perelman thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ), nói với CNN rằng không có khả năng phòng thí nghiệm Vũ Hán đã thao túng virus để làm cho nó dễ lây lan hơn, nhưng “chúng ta phải tìm ra” sự thật.
Tiến sĩ Offit cho rằng thế giới cần làm gì đó để đề phòng một đại dịch khác. “Những gì tôi biết là họ [Trung Quốc] phải cho phép điều này [điều tra mở về nguồn gốc dịch]“, ông Offit nói, “Đây hiện là đại dịch thứ ba xuất hiện trong vòng 20 năm qua. Đầu tiên là SARS 1, tiếp đến là MERS. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể cho rằng ta vẫn chưa kết thúc chuyện này”.
Tổng thống Biden chỉ đạo tình báo Mỹ điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19, báo cáo kết quả trong 90 ngày
Ngày 26/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ông đã trực tiếp chỉ đạo cộng đồng tình báo Mỹ nỗ lực gấp đôi để điều tra nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19. Kết quả điều tra phải đề trình trong vòng 90 ngày.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: CNBC
Tổng thống Mỹ đưa ra tuyên bố trên sau khi một báo cáo tình báo Mỹ cho biết một số nhà nghiên cứu tại Viện Virus học Vũ Hán ở Trung Quốc đã ốm vào tháng 11/2019 và phải nhập viện, tức là thời điểm virus SARS-CoV-2 chưa bùng phát ở thành phố này.
Thông tin mới này đã làm bùng lên tranh cãi về nguồn gốc của virus chết người gây ra đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19).
Nhà lãnh đạo Mỹ thừa nhận cộng đồng tình báo Mỹ cũng bị chia rẽ trước câu hỏi nguồn gốc của đại dịch COVID-19 là từ đâu, liệu virus SARS-CoV-2 đã lây nhiễm từ một động vật sang người hay là một tai nạn phòng thí nghiệm.
Tổng thống Biden chỉ đạo cần phải có một đánh giá tình báo chính xác hơn về điều ông miêu tả là "hai kịch bản có vẻ cân bằng về nguồn gốc của đại dịch COVID-19". Theo ông chủ Nhà Trắng, "tới nay, cộng đồng tình báo Mỹ đã nhất trí về hai kịch bản tiềm năng này, song chưa đi đến kết luận dứt khoát" về câu hỏi nguồn gốc đại dịch.
Trung Quốc, nơi khởi phát đại dịch COVID-19, tới nay cương quyết bác bỏ giả thuyết virus SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, khẳng định việc điều tra cần phải khép lại.
Quốc hội Mỹ vào cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 Các ủy ban tình báo quốc hội Mỹ đang điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2 gây Covid-19 trong khi Nhà Trắng yêu cầu một cuộc điều tra thứ hai của cộng đồng quốc tế về khả năng virus phát tán từ phòng thí nghiệm. Nhân viên an ninh bên ngoài Viện Virus học Vũ Hán . Ảnh REUTERS Reuters ngày 26.5 dẫn nguồn...