Vì sao giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng vọt trong tháng 11, đạt gần 500 USD/tấn?
Do nhu cầu từ các thị trường tăng cao, gạo là một trong những mặt hàng nông sản vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu. 11 tháng năm 2020, xuất khẩu gạo đạt 5,74 triệu tấn, trị giá 2,85 tỷ USD. Đặc biệt, giá gạo 5% tấm của Việt Nam trong tháng 11 đạt gần 500 USD/tấn.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), khối lượng gạo xuất khẩu tháng 11/2020 ước đạt 388.000 tấn với giá trị đạt 207 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 11 tháng đầu năm 2020 đạt 5,74 triệu tấn và 2,85 tỷ USD, giảm 2,2% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Tính trong 10 tháng đầu năm 2020, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 32,9% thị phần, đạt 1,86 triệu tấn và 868,66 triệu USD, giảm 4,3% về khối lượng nhưng tăng 8,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 11 tháng năm 2020 đạt kim ngạch 2,85 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2019. Ảnh: I.T
Các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Indonesia, tăng gấp 3,1 lần, đạt 83.800 tấn và 45,6 triệu USD và Trung Quốc, tăng 79,2%, đạt 657.600 tấn và 379,6 triệu USD.
Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất trong 10 tháng đầu năm 2020 là Iraq (giảm 65,6%) đạt 90.000 tấn và 47,6 triệu USD.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2020 đạt 493,3 USD/tấn, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Về chủng loại xuất khẩu, trong 10 tháng năm 2020, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 40,3% tổng kim ngạch; gạo jasmine và gạo thơm chiếm 37,7%; gạo nếp chiếm 17,6%; gạo japonica và gạo giống Nhật chiếm 4,2%.
Các thị trường xuất khẩu gạo trắng lớn nhất của Việt Nam là Philippin (chiếm 54,5%), Malaysia (chiếm 13,4%) và Cuba (chiếm 8,8%).
Với gạo jasmine và gạo thơm, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Philippines (chiếm 26,4%), Ghana (chiếm 21,2%) và Bờ Biển Ngà (chiếm 14,8%).
Với gạo nếp, thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc (chiếm 72,4%), Indonesia (chiếm 8,0%), và Philippines (chiếm 7,0%). Với gạo japonica và gạo giống Nhật, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Kiribati (chiếm 17,5%), Đảo quốc Solomon (chiếm 15,7%), và Trung Quốc (chiếm 6,9%).
Video đang HOT
Đáng chú ý, trong gần một tháng qua, giá gạo 5% tấm của Việt Nam có xu hướng tăng nhẹ, từ mức 495 USD/tấn vào đầu tháng lên khoảng 498 USD/tấn vào gần cuối tháng.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan có xu hướng tăng mạnh từ 466 USD/tấn vào đầu tháng lên 480 USD/tấn vào gần cuối tháng.
Nguyên nhân chính là do nguồn cung từ vụ mới chậm đưa ra thị trường khiến tình trạng khan hiếm làm giảm giá xảy ra.
Tại thị trường trong nước, giá lúa, gạo tại các tỉnh ĐBSCL diễn biến tăng, giảm trái chiều trong tháng 11, song nhìn chung giá tăng nhẹ so với tháng 10/2020.
Cụ thể, tại An Giang, lúa IR50404 tăng 200 đồng/kg lên mức 6.200 đồng/kg; lúa OM 2514 tăng 400 đồng/kg lên mức 6.300 đồng/kg; lúa gạo thường ở mức 10.500 đồng/kg; gạo thơm đặc sản jasmine ở mức 14.500 đồng/kg.
Tại Kiên Giang, giá lúa giảm do mưa bão gây ngập úng, với lúa IR50404 giảm 200 đồng/kg xuống còn 6.600 – 6.800 đồng/kg; lúa OM 6976 ở mức 6.900 – 7.200 đồng/kg; lúa OM 5451 giảm 200 đồng/kg xuống 7.000 – 7.100 đồng/kg.
Tại Vĩnh Long, lúa IR50404 tại huyện Vũng Liêm được ghi nhận ở mức cao, 6.000 đồng/kg lúa tươi và 6.800 đồng/kg lúa khô; lúa hạt dài tươi ở mức 6.300 đồng/kg, lúa khô ở mức 6.900 đồng/kg.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường dự báo, dự kiến tháng 12 và thời gian tới giá gạo sẽ bình ổn trở lại, do nguồn cung từ vụ Thu – Đông đang vơi dần và cung từ lúa Đông Xuân sẽ bắt đầu từ 1 – 2 tháng tới.
Xuất khẩu gạo "đón sóng" EVFTA
80.000 tấn gạo/năm trong hạn ngạch được phép xuất khẩu sang EU theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) không phải là quá lớn so với số lượng gạo xuất khẩu khổng lồ của Việt Nam.
Tuy nhiên, đósẽ là cơ hội để nâng tầm gạo Việt.
Tăng trưởng trong dịch
Gạo là một trong số ít những mặt hàng nông sản vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu dương trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong những tháng đầu năm 2020.
Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), khối lượng gạo xuất khẩu trong tháng 6/2020 ước đạt 409.000 tấn với giá trị đạt 207 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2020 đạt gần 3,5 triệu tấn và 1,71 tỷ USD, tăng 4,4% về khối lượng và tăng 17,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2020 khởi sắc cả về lượng và giá. Ảnh: I.T
EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát; 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm) và tự do hóa hoàn toàn với gạo tấm. Sau 3 - 5 năm, thuế suất cho các sản phẩm từ gạo sẽ về 0%.
Tính trong 5 tháng đầu năm, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 39,9% thị phần, khối lượng đạt 1,3 triệu tấn và 598,6 triệu USD, tăng 23,1% về khối lượng và tăng 42,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2020 đạt 485,1USD/tấn, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2019 và là mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Đáng nói là, sức cạnh tranh của gạo Việt trên thị trường thế giới ngày càng tăng. Tình trạng giá tăng cao đã khiến cho gạo Thái Lan trở nên kém cạnh tranh hơn so với các quốc gia xuất khẩu chính khác như Ấn Độ và Việt Nam. Trong khi gạo xuất khẩu Ấn Độ giảm nhẹ do tỷ giá đồng Rupee giảm và nhu cầu đặt hàng từ các đối tác nước ngoài đang chững lại.
Xuất khẩu gạo khởi sắc đã giúp nông dân có vụ lúa đông xuân và hè thu thắng lợi. Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, giá lúa gạo ổn định ở mức cao từ đầu năm đến nay giúp nông dân có lãi khoảng 40%.
Trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng giao Bộ NNPTNT đảm bảo sản xuất lúa gạo (khoảng 43,5 triệu tấn thóc năm 2020, có thể chúng ta đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo).
Để đạt được mục tiêu này, Bộ NNPTNT đang có phương án tăng diện tích sản xuất lúa thu đông lên 800.000ha.
Cơ hội từ EVFTA
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, triển vọng xuất khẩu gạo đang được mở ra khi EVFTA được Quốc hội thông qua.
Trong đó, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát; 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm) và tự do hóa hoàn toàn với gạo tấm. Sau 3 - 5 năm, thuế suất cho các sản phẩm từ gạo sẽ về 0%.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, thị trường EU chiếm 14,9% tổng nhập khẩu toàn cầu, khi EVFTA có hiệu lực, với việc xóa bỏ ngay 85,6% số dòng thuế (cho hàng hóa nói chung nhập từ Việt Nam), cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào EU sẽ càng lớn hơn nữa.
Với mặt hàng gạo, năm 2019, Việt Nam chỉ xuất khẩu được sang EU với giá trị khiêm tốn là 10,7 triệu USD, bởi thuế suất mà EU đang áp lên gạo nhập khẩu từ Việt Nam khá cao, cụ thể là thuế tuyệt đối 175 euro/tấn với gạo xay xát, 65 euro/tấn với gạo tấm, 211 euro/tấn với lúa.
"Theo cam kết trong EVFTA, EU sẽ giành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo (thuế 0%) đối với gạo xay xát và gạo thơm, đồng thời xóa bỏ thuế đối với tấm trong 5 năm. Đây là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang EU trong thời gian tới, bởi khu vực này đang tiêu thụ khoảng 2,5 triệu tấn gạo/năm" - ông Hải nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, đến nay, EU vẫn là thị trường có yêu cầu về hàng rào kỹ thuật rất cao, đặc biệt là về kiểm dịch động, thực vật; quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Do đó, việc thực thi Hiệp định EVFTA, đối với các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chỉ là sự tiếp nối trong quá trình tuân thủ các yêu cầu này từ phía EU.
"Hiệp định EVFTA thực sự sẽ là cơ hội vàng, tạo ra cú hích lớn cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, đặc biệt với các sản phẩm có thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh như thủy sản, rau quả, gạo, điều, cà phê, hồ tiêu, sản phẩm gỗ..." - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Để tận dụng ưu đãi từ EVFTA, Bộ NNPTNT cũng đã xây dựng Dự thảo Nghị định hướng dẫn quy trình đăng ký chứng nhận chủng loại gạo xuất khẩu vào EU, trình Chính phủ thông qua.
Theo dự thảo này, tiêu chí cấp giấy chứng nhận chủng loại gạo được xác nhận gồm: Gạo được sản xuất từ giống lúa có chất lượng hạt giống phù hợp theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc; Giống lúa được gieo trồng trên diện tích đất có địa chỉ rõ ràng.
Cũng theo tiêu chí được đưa ra, đơn vị xuất khẩu có nhu cầu cấp giấy chứng nhận phải thực hiện thông báo với tổ chức cấp giấy chứng nhận chủng loại gạo trước khi sản xuất theo mẫu.
Trong quá trình sản xuất phải có sự kiểm tra 1 lần kèm theo tổ chức khảo nghiệm được chỉ định ở giai đoạn trước thu hoạch trong vòng 20 ngày...
Lúa sau khi thu hoạch được phơi, sấy; phải bảo quản, xay, xát, chế biến đóng gói tại cơ sở đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Mặc dù hạn ngạch xuất khẩu gạo sang EU chỉ 80.000 tấn nhưng gạo xuất qua thị trường này là sản phẩm chất lượng cao. Đặc biệt, các tiêu chuẩn của thị trường EU rất cao nên khi gạo Việt vào được EU thì vị thế sẽ được nâng cao hơn trên thị trường quốc tế.
Sầu riêng, khoai lang sẽ đường đường... "xuất ngoại" vào Trung Quốc Bộ NNPTNT đang thúc đẩy tiến trình mở cửa theo thứ tự ưu tiên đối với một số loại trái cây, nông sản vào thị trường Trung Quốc như: Bưởi, chanh leo, bơ, na, roi, dừa, thảo quả, sầu riêng... Xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc Tại hội thảo quốc tế "Trao đổi thông tin các quy định thị trường, kiểm soát...