Vì sao giá điện chưa bao giờ giảm?
Sau nhiều bức xúc của người dân về hoá đơn tiền điện tăng cao, giá điện sinh hoạt tới đây có thể giảm từ 6 bậc thang xuống còn 3-4 bậc thang và thậm chí, sẽ chỉ còn một mức giá duy nhất. Góc nhìn thẳng trao đổi với ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN để tìm hiểu về đề án cải tiến cơ cấu giá điện này.
Nhà báo Phạm Huyền:Thưa ông, nhiều người dân đang quan tâm phương án sửa đổi cơ cấu tính giá điện về một mức đồng giá là 1.747 đồng/kWh. Theo phương án này, người dân cũng như ngành điện sẽ được lợi như thế nào?
Ông Đinh Quang Tri: Nhu cầu tối thiểu về điện cho người dân phải được đảm bảo và phải ở mức giá hợp lý. Trước mắt, chúng ta không đưa về một mức giá ngay được vì những người có thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng ngay. Nếu chúng ta đưa về một giá thì chính sách về tiết kiệm năng lượng sẽ bị ảnh hưởng. Hiện nay, chúng ta đang thiếu năng lượng, chúng ta đang phải nhập khẩu.
Nhà báo Phạm Huyền (trái) trao đổi với ông Đinh Quang Tri tại trường quay Góc Nhìn Thẳng của Báo VietNamNet.
Nhà báo Phạm Huyền:Thưa ông, dù giá điện giảm xuống còn 3 bậc hay 4 bậc, thì cả 5 kịch bản đều cho thấy, người dùng ít điện sẽ chịu giá cao hơn và người dùng nhiều điện lại được lợi hơn vì số tiền phải trả lại được giảm Ông chia sẻ như thế nào về nghịch lý này?
Ông Đinh Quang Tri: Thực ra, dự thảo của chúng tôi tính theo các kịch bản khác nhau để các nhà khoa học, người tiêu dùng cân nhắc và góp ý xem chọn phương án nào là phù hợp nhất. Tôi cho rằng, không có phương án nào phù hợp với tất cả mọi người. Bởi vì nguyên tắc thiết kế giá bán lẻ bình quân, nếu bậc thang có giá cao mà giảm giá xuống thì bậc thang đang có giá thấp phải tăng lên, để đảm bảo giá điện bình quân, đảm bảo bên mua điện và sản xuất kinh doanh. Nếu như khách hàng ở bậc cao giảm xuống thì ở bậc thấp lại tăng lên và ngược lại.
Nhà báo Phạm Huyền:Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, EVN chưa nỗ lực hết sức để tiết giảm chi phí khiến cho giá điện dường như chỉ có một chiều tăng chứ không giảm. Nhất là tới đây, EVN phát sinh 12.000 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá, không giống như viễn thông, xăng dầu có tăng có giảm. Ông có ý kiến thế nào về điều này?
Ông Đinh Quang Tri: Đối với khách hàng, đương nhiên, khi tăng giá điện, mọi khách hàng đều không có ủng hộ. Chuyện đó là bình thường.
Video đang HOT
Nhưng chúng ta phải nhìn một bức tranh tổng thể, mọi chi phí sản xuất điện tăng lên. Giá đầu vào tăng lên, chênh lệch tỷ giá tăng lên. Nền kinh tế đã hội nhập với quốc tế thì giá năng lượng cũng phải theo thị trường quốc tế. Nguyên tắc là như thế nhưng giá điện Việt Nam rẻ hơn rất nhiều so với các nước xung quanh. Nhiều người có nói tại sao EVN cứ so sánh giá quốc tế mà lương, thu nhập của mình thấp, còn họ thì cao. Hai bài toán đó là hoàn toàn khác nhau.
Lương, thu nhập là liên quan đến năng suất lao động của từng ngành, từng người. Giá thì liên thông với thị trường thế giới. Do vậy, không thể so sánh thu nhập thấp thì ông phải bán cho tôi điện giá rẻ. Không phải như thế, vì giá là theo thị trường rồi. Nếu anh mà mua thấp thì người ta không bán, người ta phải bán đủ chi phí mới bán.
Vừa qua, một số chuyên gia có ý kiến EVN chưa nỗ lực để giảm chi phí. Chúng tôi đã rà soát thường xuyên. Cái gì không hợp lý thì chúng tôi đã chỉ đạo cắt giảm. Như vừa qua, chênh lệch tỷ giá, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị tìm mọi biện pháp để giảm chi phí, tăng doanh thu để khắc phục việc chi phí tăng nhưng giá điện không được tăng.
Ở Việt Nam, đang ở tình trạng, giá điện còn bao cấp, chưa phải theo thị trường. Tại sao có xu hướng gía chỉ có tăng lên mà không thấy giảm như các sản phẩm khác, chính là do cơ chế trước đây, chúng ta hạn chế không cho tăng. Giờ, khi ra thị trường ngay, giá điện sẽ vọt lên. Nên Chính phủ đã cho một lộ trình từng bước chứ không ra thị trường ngay. Nếu ra thị trường bán lẻ ngay, giá điện chắc chắn sẽ tăng lên, bấy giờ, sẽ ảnh hưởng đến đời sống sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân.
- Xin cảm ơn ông!
Theo_VietNamNet
Kịch bản giá điện: "Chưa có phương án nào thực sự hợp lý"
Theo các chuyên gia, 3 phương án mà EVN đưa ra chưa có phương án nào thực sự hợp lý cả. 3 phương án về cơ bản xây dựng thiếu khách quan, lợi cho "nhà đèn" hơn là cho người tiêu dùng.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố dự thảo xây dựng Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan liên quan, các chuyên gia và cộng đồng. Dự kiến đề án sẽ hoàn thiện gửi lãnh đạo Bộ Công Thương trong tháng 10 để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Theo đó, 3 phương án bao gồm: giữ nguyên biểu giá điện 6 bậc thang như hiện hành; tính đồng giá ở mức 1.747 đồng/kWh; rút gọn biểu giá điện sinh hoạt từ 6 bậc thang về 3 hoặc 4 bậc thang.
Nghiêng về phương án đồng giá 1.747 đồng/kWh
Sau khi công bố, dự thảo đề án nhận được sự quan tâm của người dân cũng như giới chuyên gia. Khảo sát ý kiến bạn đọc Dân trí cho thấy, đa số ý kiến (chiếm 67,58%) nghiêng về phương án 2, tính đồng giá 1.747 đồng/kWh, là mức giá bán điện bình quân của biểu giá điện sinh hoạt bậc thang hiện hành.
Bạn đọc Hùng Đặng Đình bình luận: "Theo các phương án giá của EVN đưa ra thì có làm theo phương án giá nào đi nữa thì số tiền thu được vẫn không đổi. Đề nghị dùng phương án 1 giá để bảo đảm mọi người đều bình đẳng khi sử dụng điện. Hỗ trợ người nghèo nên dùng phương thức khác".
Nhiều ý kiến cho rằng, việc sử dụng phương án đồng giá sẽ minh bạch, tránh được tiêu cực trong việc ghi chỉ số điện và không gây thiệt hại cho người dùng bởi chỉ cần nhìn số điện là tính được ra giá tiền.
Theo phương án này, các ý kiến cho rằng, nên tách riêng việc thực hiện chính sách an sinh xã hội và kinh doanh theo thị trường bằng các chính sách hỗ trợ với nhóm hộ nghèo, những hộ còn lại tính đồng một mức giá điện.
Ngoài ra, cũng có ý kiến đồng ý với phương pháp bậc thang luỹ kế như hiện tại nhưng các bậc cần giãn ra phù hợp hơn với thực tế. Bên cạnh đó, cần phân biệt giờ cao điểm và thấp điểm để tính tiền điện, tránh cào bằng như hiện nay.
Đồng giá: 80% người dùng sẽ "chịu thiệt"
Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia, đối với phương án đồng giá, các hộ sử dụng dưới 240 kWh/tháng sẽ bị tác động tăng tiền điện phải trả hàng tháng, trong đó mức tác động thay đổi theo mức độ sử dụng điện của các hộ, hộ bị tác động cao nhất là hộ sử dụng 100 kWh/tháng. Các hộ sử dụng trên 240 kWh/tháng là các hộ được hưởng lợi càng sử dụng nhiều điện càng được lợi do các mức giá tại biểu giá điện hiện hành từ 200 kWh trở lên có mức giá cao hơn mức đồng giá.
Theo thống kê của EVN, tỷ trọng các hộ sử dụng đến 100 kWh/tháng bình quân năm 2013 và 2014 vào khoảng 47,59%. Đây là các hộ nghèo, sử dụng tiết kiệm điện, khả năng chi trả thấp. Việc điều chỉnh giá điện đối với nhóm hộ này cần được xem xét. Trong khi đó, số hộ sử dụng đến 200 kWh/tháng bình quân 2 năm trước cũng lên tới 80,71%, bao gồm cả hộ nghèo và thêm số hộ sử dụng điện ở mức trung bình với khả năng chi trả không mấy khó khăn.
"Chưa có phương án nào thực sự hợp lý"
Trao đổi về các phương án tại đề án, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng: "Chưa có phương án nào thực sự hợp lý cả bởi đây chỉ là những phương án để ngành điện không bị thiệt thu chứ chưa tính tới lợi ích toàn xã hội. Cần có 1 giải pháp trung hoà hơn và khá "cách mạng" lấy những yếu tố hợp lý của các phương án đưa ra. Theo tôi, dưới 100 kWh thì dành cho ng nghèo và đối tượng xã hội nên áp một mức giá ưu đãi, còn lại tính đồng giá. Riêng lĩnh vực tốn điện như xi măng, sắt thép thì cho một mức giá cao đặc biệt".
Đồng quan điểm, TS Ngô Trí Long thì cho rằng, 3 phương án về cơ bản xây dựng thiếu khách quan, lợi cho "nhà đèn" hơn là cho người tiêu dùng. Do đó, không nên để bản thân một đơn vị kinh doanh trong ngành xây dựng đề án mà cần có cơ quan tư vấn độc lập đứng ra làm.
Vị chuyên gia này cũng lưu ý rằng: "Khi xây dựng đề án, mức giá bình quân đưa ra là 1.747 đồng/kWh, vô hình chung giá điện điều chỉnh tăng 7,7%, giá hiện nay chỉ 1.622 đồng thôi".
Phân tích cụ thể, TS Long cho rằng, về phương án có thể sử dụng 6 bậc như hiện nay là hợp lý nhưng hệ số từng bậc phải thấp hơn. Ví dụ bậc 101-200 tăng 9% so với bình quân, 201-301 tăng 38% so với bình quân, 301-400 tăng 54%, trên 400 tăng gần 60% như hiện tại là quá cao. Do đó, khi xây dựng phương án mới, phải làm sao để tiêu dùng trong bậc phổ biến 100-300 kWh số hệ số rút bớt xuống chỉ tăng khoảng dưới 20% so với gía bình quân.
"Điện phải dùng luỹ kế bởi đây là loại năng lượng không tái tạo đc, không nên lãng phí. Điện hiện cung không đủ cầu, không khuyến khích nên dùng luỹ kế để càng dùng càng tốn. Do đó, đồng nhất không được. Thêm nữa, xã hội có nhiều người nghèo, nếu để đồng giá vô hình chung người nghèo phải trả cho người giàu".
Phương Dung
Theo Dantri
Điện sẽ đồng giá 1.747 đồng/kWh? Theo đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện bậc thang do EVN soạn thảo, giá điện sinh hoạt có thể áp dụng cách tính đồng giá hoặc giảm xuống 3-4 bậc thang. Trong đó, giá đồng nhất là 1.747 đồng/kWh. Sau khi có nhiều phản hồi của dư luận về giá điện bậc thang lũy tiến và theo chỉ đạo của...